THƯƠNG NHỚ CÁ ĐỒNG

Thứ hai - 22/09/2014 23:54
THƯƠNG NHỚ CÁ ĐỒNG

THƯƠNG NHỚ CÁ ĐỒNG

Xách theo mỗi người một chiếc cần câu nhẹ hẫng và một lon trùn, Tường dẫn tôi ra sông Cát, con sông nhỏ như một dải lụa mỏng manh ai đó thả trên cánh đồng Lạc Tánh đang thắm xanh hơn sau mấy trận mưa mùa. Men theo bờ sông mọc đầy cây mai dương với những mũi gai sắc nhọn, chúng tôi tìm được một bãi cỏ lún phún xanh ngay sát rìa sông. Tường móc mồi thả xuống nước rồi buông cần, ngồi lấy thuốc ra hút. Tôi ngó đăm đăm theo chiếc phao bé tí đang dập duềnh trên mặt nước, kiên nhẫn và háo hức đợi chờ. Tường cười, anh cứ để cần xuống ngồi chơi một tí cho đỡ nóng ruột. Tôi không nói gì nhưng thầm nghĩ, chắc Tường không biết rằng tôi là tay sát cá một thời. Gì chứ chuyện câu cá thì chưa chắc Tường đã hơn tôi.


          Xách theo mỗi người một chiếc cần câu nhẹ hẫng và một lon trùn, Tường dẫn tôi ra sông Cát, con sông nhỏ như một dải lụa mỏng manh ai đó thả trên cánh đồng Lạc Tánh đang thắm xanh hơn sau mấy trận mưa mùa. Men theo bờ sông mọc đầy cây mai dương với những mũi gai sắc nhọn, chúng tôi tìm được một bãi cỏ lún phún xanh ngay sát rìa sông. Tường móc mồi thả xuống nước rồi buông cần, ngồi lấy thuốc ra hút. Tôi ngó đăm đăm theo chiếc phao bé tí đang dập duềnh trên mặt nước, kiên nhẫn và háo hức đợi chờ. Tường cười, anh cứ để cần xuống ngồi chơi một tí cho đỡ nóng ruột. Tôi không nói gì nhưng thầm nghĩ, chắc Tường không biết rằng tôi là tay sát cá một thời. Gì chứ chuyện câu cá thì chưa chắc Tường đã hơn tôi.
          Ngày xưa, nhà tôi ở cách đường ĐT720 cả hai con hẻm, nhưng con suối nhỏ bên nhà nước chảy suốt từ đầu mùa mưa cho đến sau tết mới cạn. Chỉ là một con suối nhỏ, nhưng cá nhiều vô kể. Bọn trẻ tụi tôi không phải đi đâu xa, cứ bắc ghế ngồi ngay dưới chái nhà mà câu cá. Chỉ cần thả mồi câu xuống nước, chưa đầy một phút đã có cả một bầy lòng tong kéo đến rỉa. Để cá rỉa có thể làm hỏng mồi, nên chúng tôi phải nhắp cần liên tục. Cục mồi lao chao lên xuống, cá nhỏ không cách gì ăn được, nhưng cá lớn lại dễ “điên”, lao đến táp ngay. Cá trắng thường háu mồi, nên chỉ trong tích tắc đã dính câu. Cá lóc và cá trê thận trọng hơn, nên cứ vờn quanh, và sẵn sàng chui tọt ngay vào bờ cỏ khi có động. Bọn trẻ chúng tôi ham chơi, nên chỉ câu đủ ăn là thu cần, rủ nhau lên núi bẻ măng, hái cò ke về bắn ống thụt.
          Ngày xưa, ở Lạc Tánh cá nhiều đến nỗi quờ tay cũng đụng. Ngay đầu mùa mưa, cá đã lũ lượt lên đồng. Và, mùa cấy đông vui cứ như là ngày hội. Hồi ấy, để cấy gié mạ xuống thì các thửa ruộng phải trải qua bốn lần cày bừa. Đầu tiên là cày ải, sau đó bừa úp, rồi cày trở, bừa cấy. Quang cảnh các thửa ruộng bừa cấy đông vui không sao tả nổi. Trên, én liệng đen trời; dưới, người đi chen chúc. Theo sau các chân bừa là cả một lũ trẻ lốc nha lốc nhốc, chờ chộp bắt những con cá bị thương khi chân bừa đi qua. Ngay cả người đi bừa đôi khi cũng mang theo giỏ, và chỉ với cái trốc của sợi roi mây cũng có thể quất được cả một giỏ cá đầy. Và, đâu phải chỉ có cá. Với một nắm bẫy thòng lọng chế tạo đơn giản, bọn trẻ chúng tôi cũng có thể bắt được hàng chục con chim én, xâu lại đeo quanh cổ như Sa Ngộ Tịnh đeo tràng hạt. Sau khi lúa đã cấy xong, người ta lại chuyển sang đi câu cắm. Hồi ấy, hầu như nhà nào cũng có một chùm năm ba chục cần câu cắm. Cứ chạng vạng, gà mới lên chuồng là vác cần, xách giỏ ra đồng. Câu cắm thường phải đi theo nhóm ít nhất là hai người cho đỡ buồn. Sau khi móc mồi, người ta mang cần đi cắm dọc theo bờ ruộng rồi tìm chỗ ngồi tán gẫu và chờ đợi. Cứ mươi, mười lăm phút lại đi thăm cần, gỡ cá, móc mồi rồi cắm qua chỗ khác. Cá lóc thường đi ăn buổi tối, nên phải câu đêm mới được nhiều. Đã không  đi câu thì thôi, chứ đã đi thì phải qua nửa đêm mới về. Thời buổi đồng tiền khó kiếm, lại phải dành để mua những thứ không thể làm ra được như mắm muối tương chao, nên cá mang về chỉ chia cho lối xóm cùng ăn chứ có bán cũng chẳng mấy người mua.
          Mùa nắng, cá theo con nước cạn dần mà rút xuống trú ngụ trong các ao, bàu, sông, suối vốn chẳng bao giờ cạn, chờ đến mùa mưa năm sau lại lũ lượt lên đồng. Ba tôi thường rủ thêm mấy người bạn, chọn những đoạn suối cạn mà tấn lại tát. Cá tát thường to hơn cá câu, cũng nhiều hơn, lại không phải là mùa “toàn dân bắt cá” nên bán rất chạy. Hồi ấy, cá nhiều, lại dễ bắt nên rất ít người đi thả lưới. Thậm chí, chỉ cần mang theo một giàn câu giăng, rải ngang mặt ruộng rồi đi làm, trưa về gỡ cũng được cả một xâu nặng trĩu.
          Câu cắm, câu giăng thì sử dụng mồi là trùn đất nên thường không bắt được cá lớn. Muốn bắt được những con cá lóc nặng hàng ký lô thì phải dùng câu quăng. Câu quăng sử dụng mồi là một con nhái bén, móc vô lưỡi câu rồi cắt một đoạn cỏ ống gác ngang qua, dùng lực quăng ra thật xa. Đoạn cỏ ống có tác dụng ngăn không cho cỏ mắc vào lưỡi câu. Nếu không phải là một người có nghề thì rất khó sử dụng câu quăng, vì sẽ hoặc không quăng được xa, hoặc để lưỡi câu mắc vào cỏ là không cách gì gỡ nổi. Người đi câu dựa vào sức nặng của con mồi, một tay vung cần ném lưỡi câu ra xa, một tay thả dây một cách thuần thục, sao cho vừa đủ tầm bay của con nhái, rồi lại nhanh chóng cuộn dây, thu lưỡi câu về. Con nhái bị kéo nhảy chồm chồm trên mặt nước khiến những con cá lóc to tướng cảm thấy “ngứa ngáy”, vội vàng rẽ nước lao theo. Nhìn vào sự xao động của mặt nước, người đi câu biết ngay con cá đang ở chỗ nào mà “hào phóng”ném ngay con mồi trở lại. Do đòi hỏi phải có sự thuần thục và điêu luyện nên câu quăng được xem là câu nghệ thuật, chỉ dành cho những “tay chơi” sành sỏi.
          Tường là một “tay chơi” trong nghề câu, nhưng bây giờ cá không nhiều nữa nên các “tay chơi” chủ yếu là chơi cần. Cầm trong tay chiếc cần câu bạc triệu, cái thú như thể từ trong cần ngấm ra làm ấm cả bàn tay. Dân chơi nhìn vào cái cần câu của nhau mà phân biệt đẳng cấp. Cần câu nhập ngoại lỉnh kỉnh bao nhiêu là phụ kiện, nhiều tính năng rất hay nhưng lại nhẹ hẫng, cầm trong tay cả buổi mà nghe cứ như không. Giá một chiếc cần như vậy đã bằng cả một tấn cá, nhưng ngồi một buổi ròng rã mà xách về được vài lạng cá đã là hay. Cá sông bây giờ cũng nhỏ, hiếm hoi lắm mới bắt được những con to cỡ cườm tay.
          Cá sống được là nhờ nước. Những năm gần đây, cứ độ cuối mùa nắng thì đến sông Cát cũng bị cạn khô. Trên khắp cánh đồng, không còn nơi nào cho cá trú ngụ và sinh sản nữa, nên lượng cá trên đồng cũng giảm đi rất nhiều. Mùa mưa về, những cụ già người Chăm ngồi cất vó trên sông Cát, nhiều khi cả ngày chỉ được một mớ cá nhỏ như mút đũa, đổ không đầy một chén ăn cơm.
          Dọc bờ sông Cát bây giờ vẫn còn những người câu cá, nhưng tất cả đều xem đó là một thú tiêu khiển. Nghề đánh bắt cá đồng đã cáo chung từ lâu. Tôi và Tường ngồi suốt một buổi sáng mà chỉ câu được gần mươi con cá nhỏ như ngón tay cái. Tường bảo, anh về nhà em, mình nhâm nhi vài ly rượu cho vui. Tường gọi điện rủ thêm hai người bạn nữa, và tất nhiên là phải ghé quán để mua thêm mồi. Tưởng ai, hoá ra là hai anh bạn ngày xưa cùng xóm. Rượu vài ly, vui miệng, tôi kể cho Tường nghe chuyện cá của ngày xưa. Tường trố mắt ngạc nhiên, sao chuyện bây giờ mới kể? Tôi cười, thầm nghĩ, nếu không có hai anh bạn làm chứng, chắc gì Tường đã tin là ngày xưa, trên cánh đồng Lạc Tánh này cá lại nhiều đến thế.
          Mà, nghĩ cho cùng thì bây giờ cá đồng ở đâu cũng vậy, chứ có riêng gì xứ đồng Lạc Tánh này đâu?     

Tác giả bài viết: Lương Văn Lễ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Comment addGửi bình luận của bạn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 93

Máy chủ tìm kiếm : 9

Khách viếng thăm : 84


Hôm nayHôm nay : 15688

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 524837

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 16169077