Đồng chiều khói rạ
Đã lâu lắm rồi mới lại được ngắm khói rạ vờn bay trên cánh đồng chiều. Trong hoàng hôn nhập nhoạng, những làn khói theo gió cuộn về cay xè đôi mắt. Những câu chuyện, những hình ảnh đã chìm sâu trong ký ức, bỗng chốc lại trỗi lên, lung linh sống động đến từng chi tiết nhỏ. Tôi như thấy ba tôi vai các cuốc, lê từng bước chân mệt nhoài từ trong đám khói bước ra. Tôi như nghe tiếng xe trâu lộc cộc trên mặt ruộng khô nẻ, tiếng bầy chim xao xác cả bờ tre, tiếng lũ gà con hốt hoảng cuối ngày…
Đã lâu lắm rồi mới lại được ngắm khói rạ vờn bay trên cánh đồng chiều. Trong hoàng hôn nhập nhoạng, những làn khói theo gió cuộn về cay xè đôi mắt. Những câu chuyện, những hình ảnh đã chìm sâu trong ký ức, bỗng chốc lại trỗi lên, lung linh sống động đến từng chi tiết nhỏ. Tôi như thấy ba tôi vai các cuốc, lê từng bước chân mệt nhoài từ trong đám khói bước ra. Tôi như nghe tiếng xe trâu lộc cộc trên mặt ruộng khô nẻ, tiếng bầy chim xao xác cả bờ tre, tiếng lũ gà con hốt hoảng cuối ngày… Ngày xưa, rơm rạ gặt xong bỏ từng đống ngoài ruộng, chờ đến khi khô ải mới đốt bỏ để chuẩn bị bước vào vụ mới. Đốt rơm không chỉ để sạch đất, mà còn là đốt cho hết trứng của các loại côn trùng còn bám trên rơm rạ. Hàng năm, cứ sau mùa đốt đồng thì bước vào vụ mới.
Những năm gần đây, rơm rạ có giá, nên hầu như chẳng ai đốt bỏ. Máy gặt vừa xuống đồng, ôtô đã xếp hàng trên bờ đợi rơm. Cánh đồng gặt xong chỉ còn trơ lại những gốc rạ mốc thếch nham nhám bàn chân, vài ba ngày đã mục ải.
Tôi sinh ra ở miền Trung, nơi mà rơm rạ là chất đốt, nên chẳng ai bỏ lại ruộng bao giờ. Cứ sau khi gặt xong, người ta bó rơm lại, dùng đòn xóc gánh về chất thành từng ụ cao ngất. Rơm rạ che nhau qua mùa giông bão, nên dù mưa gió vẫn không sợ thiếu rơm khô đun bếp. Ở miền Trung hồi ấy hầu như nhà nào cũng có cây rơm. Người ta trồng một cây tre gai ở giữa rồi chất rơm xung quanh. Mỗi khi sắp bước vào vụ gặt thì cây rơm cũng bị rút hỏng chân, trông như một cái nấm khổng lồ. Bọn trẻ chúng tôi hay chui vào dọn sạch rơm rơi vãi, rồi rủ nhau chơi các trò chơi con nít. Chỗ chơi đơn sơ vậy thôi mà thấy sung sướng quá chừng. Tôi đã quen với hình ảnh mẹ tôi, mỗi khi nấu nướng lại rút rơm chất quanh trong bếp. Lửa rơm mau tàn, nên đã nấu là phải ngồi giữ lửa, tay cời tro, miệng thổi pho pho, nước mắt giàn giụa vì khói. Mỗi khi đi học về, từ xa đã thấy khói ùn lên trên mái rạ, cái đói bỗng trở nên cồn cào, bữa cơm nhờ vậy cũng ngon hơn.
Vào Tánh Linh, củi tha hồ, nhưng tôi vẫn không sao quên được cái màu khói rạ. Cứ mỗi mùa đốt đồng, anh em tôi lại kéo ra bờ ruộng đứng nhìn ngẩn ngơ. Trên cánh đồng rộng rãi, rơm rạ giấu lửa trong mình mà cháy, thả khói lên trời. Khói la đà trên những ô ruộng vuông vức, khói in hình trên rặng núi xa xa, khói bay lên lẫn vào trời mây bát ngát, trông hết sức thân thiết và gần gũi. Người dân quê đi xa có hai điều không dễ gì quên được, là tiếng cơm sôi và màu khói rạ lúc chiều về.
Chiều nay đi làm về, thấy khói đốt đồng bay trong gió, tôi vội dừng xe đứng ngó ngẩn ngơ. Cũng những làn khói dăng dăng in hình vào dáng núi, cũng những tiếng chim xao xác trời chiều, cũng một mảnh mặt trời đỏ ửng phía chân mây, nhưng đã là khoảng cách mấy mươi năm, đủ để gợi lên nỗi ngậm ngùi kẻ còn người mất. Tự dưng tôi bỗng thèm được nghe tiếng xe trâu lộc cộc, tiếng đàn gà táo tác lên chuồng, dù chỉ đám khói đốt đồng kia cũng đã đủ để làm tôi cay xè đôi mắt.
Trong tình cảm của con người, không gì thiêng liêng bằng nỗi nhớ quê. Thậm chí, cả một đời chẳng rời quê nửa bước, cũng vẫn nhớ vẫn thương quê mình trong những chuyện ngày xửa ngày xưa. Cuộc sống luôn đổi thay nên quê hương cũng mỗi ngày mỗi khác, chỉ có khói là muôn đời vẫn xám ngắt như cuộc đời lam lũ của nhà nông
Cũng may là khói không hề thay đổi, để chiều nay tôi đứng ở quê mình mà vẫn nghe lòng da diết nhớ quê!
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://tanhlinh.vn là vi phạm bản quyền