Mùa dế

Thứ hai - 26/05/2014 09:55
Mùa dế

Mùa dế

Chiều nay, những đám mây đen kéo về giăng kín bầu trời, cái nóng ngột ngạt khiến người ta cứ khao khát chờ đợi một cơn mưa đầu mùa. Đứng bên cửa sổ nhìn ra đống cỏ khô sạm nâu ngoài vườn, đột nhiên tôi nhớ đến mùa dế. Cứ mỗi khi trở trời, người có tuổi lại đau nhức mình mẩy. Chỉ có tôi là cứ hoài vô tâm như trẻ nhỏ, chỉ biết cảm nhận mỗi sự thay đổi của thời tiết để nhớ về những cuộc chơi ngày xửa ngày xưa.


          Chiều nay, những đám mây đen kéo về giăng kín bầu trời, cái nóng ngột ngạt khiến người ta cứ khao khát chờ đợi một cơn mưa đầu mùa. Đứng bên cửa sổ nhìn ra đống cỏ khô sạm nâu ngoài vườn, đột nhiên tôi nhớ đến mùa dế.
          Cứ mỗi khi trở trời, người có tuổi lại đau nhức mình mẩy. Chỉ có tôi là cứ hoài vô tâm như trẻ nhỏ, chỉ biết cảm nhận mỗi sự thay đổi của thời tiết để nhớ về những cuộc chơi ngày xửa ngày xưa.
          Trên thế giới có hơn 1000 loài dế, nhưng cái biết của tôi chỉ giới hạn trong mấy loài quen thuộc: dế than, dế pha, dế lửa, dế ma, dế cơm, dế mọi, dế nhũi…Và dù là loài nào thì chu kỳ sinh trưởng cũng giống nhau: Cuối thu, sau khi dế mái giấu xong những quả trứng của mình trong đất thì tiếng gáy kiêu dũng của lũ dế trống cũng bặt dần. Xuân đến, khi những con dế con ra đời thì cha mẹ chúng đã nằm lại phía bên kia mùa đông. Cái bản năng sinh tồn giúp chúng lớn lên thành những chàng dế kiêu hãnh, những nàng dế si tình, để lũ trẻ chưa biết yêu là gì cũng phải ngẩn ngơ vì tiếng gáy mà đội nắng đội sương tha thẩn đi tìm.
          Hồi nhỏ, bọn trẻ chúng tôi mê chơi hơn mê đọc sách nên chẳng biết con dế ra đời ra sao, lớn lên thế nào, mà cứ hễ trời vừa trút cơn mưa đầu mùa lại gáy ran trời đất. Cái đêm đầu tiên của mùa dế, chúng tôi ngủ giấc chập chờn, chờ trời hưng hửng sáng là trồi dậy xách lon chạy ra vườn. Mảnh đất ba tôi cuốc từ cuối mùa mưa năm ngoái vẫn còn nguyên từng tảng. Anh em tôi lao vào lật không sót một cục. Bao nhiêu dế trống dế mái bắt sạch, bỏ lúc nhúc cả một lon sữa bò. Sau ruộng đất cục, những đống rơm nhỏ cũng là nơi sinh sống được lũ dế ưa thích.
          Sau mấy trận mưa đầu, dế thưa vắng dần. Muốn bắt dế, chúng tôi phải nhón chân trên cỏ, lần theo tiếng gáy mà tìm đến tận hang, đào, thậm chí phải đổ cả mấy gàu nước mới bắt được. Đôi khi hứng chí, dế ta bò ra cách miệng hang một đoạn, phồng đôi cánh với những đường gân li ti lên mà gáy. Thỉnh thoảng, cậu chàng lại khẽ rung hai sợi râu cong vút, trằn bụng xuống và chậm rãi phát ra những tiếng chạch chạch vui tai. Những lúc ấy, dế ta thường mất cảnh giác, nên nỗi bàn tay tham lam của lũ trẻ đã chụp xuống mà miệng hang thì xa, không thể nào lui về kịp.
          Dế bắt về được trút hết ra thau để phân loại. Chỉ những con to lớn lực lưỡng mới được giữ lại để đưa ra “đấu trường”, còn thì đào một cái lỗ nhỏ vuông vức trong vườn, bỏ hết xuống, đậy lá chuối lên rồi lấp đất lại để “giam giữ”.
          Lũ trẻ chúng tôi bắt dế về là để… đá. Tuy nhiên, dế vốn hiếu hòa, nên thả vào thau lại tìm đến cạ râu nhau như để làm quen. Muốn chúng đá, phải ngắt một cái đầu dế mái, cắm vào cọng cỏ tranh rồi rồi se quanh trước mặt để chọc tức. Vô cớ bị “gây gỗ”, dế ta phồng cánh, banh càng rồi lao vào chiếc đầu dế mà cắn xé. Khi cái đầu dế được xách lên, hai kẻ hăng máu lập tức lao vào trút nỗi giận lên nhau. Những cú nghiến càng mạnh mẽ, những cú thúc chí mạng nhiều khi khiến đối thủ văng ra một đoạn. Có nhiều con, dù bị thúc văng ngược ra sau nhưng vẫn lập tức quay đầu lại tìm đối thủ để quyết đấu đến cùng. Những cái đầu khét nắng châu vào hò hét, càng khiến hai kẻ say máu thêm phấn khích mà “đánh nhau” đến cùng. Mỗi khi chú nào cảm thấy không thể địch lại, chấp nhận quay đầu bỏ chạy, kẻ chiến thắng sẽ lập tức đuổi theo một đoạn ngắn rồi đứng lại, khuỳnh chân phồng cánh lên gáy một cách kiêu hãnh. Thậm chí có khi cậu chàng còn xoay mình nhìn quanh như muốn hỏi, còn “đứa nào” dám chọc giận tao không? Con dế bại trận lập tức bị bắt ra, xách một cọng râu mép lên thổi phù phù rồi thả vào lại. “Máu nóng” lại bốc lên, lại lao vào nhau mà đá, lại chạy, lại bị bắt ra tròng một cọng tóc vào chân mà quay tít, phun cho một bãi nước bọt rồi thả vào, lại hăng máu tìm nhau mà đá… Cứ thế, chỉ có hai con dế mà cuộc vui cứ kéo dài cho đến khi một trong hai con đuối hẳn mới thôi.
          Cũng vì cái cách chơi dế của chúng tôi có vẻ tàn ác quá nên mẹ tôi không thích, cứ thấy đá dế lại la. Mẹ dạy chúng tôi bỏ đất vào lon, đổ tí nước cho ẩm, bỏ vào vài cọng cỏ cú rồi bịt giấy lại, đục vài lỗ nhỏ để nuôi cho chúng gáy chơi. Đêm nằm ngủ, nghe tiếng dế gáy thì vui lắm, vì điều đó chứng tỏ rằng chúng đang khỏe, đang… vui.
          Những con dế nhỏ đã nuôi tuổi thơ tôi trong ăm ắp niềm vui. Sau này lớn lên, mỗi khi nghe mùi đất khét lẹt bốc lên sau cơn mưa đầu mùa, tôi lại nôn nao nhớ những mùa dế thời nhỏ dại. Nhiều lúc đi đường, nghe tiếng dế gáy trong bờ cỏ, tôi lại dừng chân lắng nghe, bỗng dưng thấy lòng da diết nhớ những thú vui xa lắc xa lơ.

Tác giả bài viết: Lương Văn Lễ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Comment addGửi bình luận của bạn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 122

Máy chủ tìm kiếm : 4

Khách viếng thăm : 118


Hôm nayHôm nay : 1023

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 301790

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 24796900