Mùa ếch
Đang nắng nóng gay gắt, bỗng một chiều mây đen vần vũ, gió ràn rạt từng cơn ẩm ướt, sấm sét đùng đùng, đó là dấu hiệu bắt đầu của một muà ếch.
Tánh Linh là một vùng đất trũng, và ếch là một trong những món đặc sản được nhiều người biết đến.
Đang nắng nóng gay gắt, bỗng một chiều mây đen vần vũ, gió ràn rạt từng cơn ẩm ướt, sấm sét đùng đùng, đó là dấu hiệu bắt đầu của một muà ếch.
Tánh Linh là một vùng đất trũng, và ếch là một trong những món đặc sản được nhiều người biết đến.
Cái giống ếch cũng lạ, suốt một muà nắng hạn không biết ẩn cư chốn nào, ăn gì để lớn, mà cứ khi trời trút cơn mưa đầu là ngoi lên để yêu nhau mà chẳng thiết gì ăn uống. Ấy vậy mà đùi, mà lưng chỗ nào cũng thịt không là thịt, chỉ nhìn thôi đã khó cưỡng cái sự thèm.
Đi soi ếch, mỗi người có cách chuẩn bị khác nhau, nhưng nhất thiết phải có hai thứ, đó là dụng cụ để soi và để nhốt. Soi thì có đuốc, đèn ló, đèn pin, đèn đội; còn nhốt thì có giỏ, rộng, bao… Theo những người cố cựu ở Tánh Linh thì ngày xưa, người ta bắt ếch bằng đèn chai. Gọi là “đèn”, nhưng kỳ thực nó là một cây đuốc được bó bằng tre đập giập và chai cục của cây dầu rái. Đèn chai có mùi khói dễ chịu, đến cái tàn rơi xuống cũng thơm nên rắn rất thích, thường bò theo để ăn; dân gian có câu “theo đóm ăn tàn” là vậy. Sau này, người ta chuyển sang dùng đèn đội sử dụng bình accu. Dùng bình accu thì nặng và kềnh càng, nhưng được cái cầm điện được lâu, nếu gặp “hên” thì có thể đi trắng đêm kẻo “phí của trời”.
Cơn giông nhiệt đầu mùa có khi kéo dài thâu đêm suốt sáng, nhưng đã đi soi ếch thì không được ngại khó ngại khổ; cứ tầm bảy giờ tối là phải đặt chân xuống đồng, bì bõm lội trong cái lạnh cắt thịt cắt da. Lũ ếch sau một muà ẩn cư, bỗng nghe vòm hang ẩm ướt, biết là đã đến mùa sinh sản nên lũ lượt đội mà chui ra (mà là một cục đất vo tròn mà ếch dùng để chặn cửa hang). Ếch đực thường nhỏ con, nhưng tiếng kêu thì hùng tráng lắm. Mấy chị ếch cái tha cái bụng trứng lặc lè, nghe tiếng gọi của bạn tình bỗng thấy nôn nao rạo rực, vội lồm cồm vác bụng lần theo. Phát hiện ra đối tượng, cậu chàng nhanh nhảu nhảy lên ôm lấy cái eo của nàng mà cất lên những tiếng ồm ộp khoái trá. Loài ếch “yêu thương lọ phải dông dài”, cứ sáp vào nhau, vừa hành sự vừa tán tỉnh cũng còn kịp chán. Soi ếch không nên đi sớm quá, mà phải đợi khi chúng yêu nhau quên cả trời đất thì mới dễ bắt, mà lại bắt được nhiều.
Nghe tiếng chàng ếch “tán hươu tán vượn”, người đi soi lần đến, quét đèn thấy bốn đốm sáng màu đỏ là cứ tiến lại tóm lấy cho vào giỏ ngon ơ. Giống ếch lại “dại”, cứ chọn những bờ ruộng xâm xấp nước để yêu nên người đi soi cũng đỡ phải mất công tìm kiếm. Có người lo ngại: bắt ếch mà cứ lựa cái mùa yêu đương của “người ta” mà bắt thì còn gì là… ếch. Cũng may là ếch thuộc giống đẻ nhiều. Một đôi ếch nếu ăn ở với nhau được đến “răng long đầu bạc”, sinh đẻ trọn vẹn thì có thể có đến …25 tấn con cái. Ếch thụ tinh ngoài, nên khi “tâm sự”, ếch cái cứ việc đẻ, ếch đực sẽ “tưới” cho trứng thụ tinh. Trứng ếch có lớp màng nhầy bao bọc để tránh kẻ thù và để giữ phôi thai luôn ẩm ướt. Cả đời ếch có thể đẻ tới 250.000 trứng. Phần lớn các đôi ếch trước khi chui vào giỏ đã kịp để lại lớp hậu duệ cho ruộng đồng che chở, đến mùa sau lại cất lên những tiếng ồm ộp vui tai.
Ở Tánh Linh trước đây, cứ đến mùa ếch là cả làng đổ xô ra đồng. Cả cánh đồng rộng lớn loang loáng ánh đèn. Lẫn trong dàn đồng ca của ếch là tiếng người í ới gọi nhau. Người đi soi ếch thường phải giữ yên lặng, tránh làm ếch kinh động, nhưng đâu phải ai cũng biết điều đó. Thế nên đến mùa, những người đi bắt chuyên nghiệp thường tách ra tìm đến những cánh đồng xa hơn, vất vả một tí nhưng ăn chắc. Đối với người thiếu kinh nghiệm, chuyện vồ nhầm phải rắn và chuột đồng là chuyện thường. Mùa ếch, người có đèn pin thì dùng đèn pin, người có đèn đội thì dùng đèn đội. Người nào không có gì để soi thì với mớ phế liệu quanh nhà, chỉ cần bỏ ra năm phút là có ngay một cái đèn ló, cũng có thể soi ếch được như ai. Hì hục cả đêm, kẻ nhiều người ít nhưng không ai là không có một giỏ nặng mang về. Ếch đang mùa, giá rẻ, có thể bán chẳng được là bao, nhưng cái vui của mùa bắt ếch thì không có tour du lịch nào sánh được.
Ếch là một loại thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng. Thịt ếch có vị ngọt, tính lạnh, không độc, lành hơn thịt cóc. Thịt ếch kho tộ, nấu canh hoặc trộn rau nhút là những món ngon. Ngoài ra, còn có món ếch xào lăn khá phổ biến, được nhiều người chọn làm món đãi bạn phương xa. Trong Đông y, ếch còn là vị thuốc có công dụng bổ tỳ vị, trị lao, nhiệt, hư phiền, phù thủng…; không chỉ trị bệnh mà còn có tác dụng bồi bổ cơ thể, giúp người bệnh chóng hồi phục. Riêng tôi, tôi lại ghiền món ếch nướng.
Năm nào cũng vậy, sau một đêm hì hục trên đồng, tôi chọn lấy vài con to nhất nhốt riêng vào một chậu nước rồi đi ngủ. Trưa dậy, bắt từng con ra chặt đầu lột da, tước bỏ các đường gân máu trên đùi ếch rồi tẩm muối ớt thật cay, bó thêm một lớp lá chanh xắc nhuyễn, cuộn chặt trong lá chuối tươi rồi đem nướng cho đến khi cháy hết lớp độn bên ngoài thì bóc ra. Lúc này thịt ếch ánh lên một màu nâu bóng, thơm điếc mũi; chỉ cần gọi thêm vài người bạn là cưa đứt cả mấy chai rượu ngon ơ.
Năm nay, mùa ếch lại về, nghe nói ở Suối Kiết trúng ếch oòng, còn ở Đức Thuận thì ếch da nhiều con nắm không hết vòng bụng, tôi nghe lòng dạ nóng hơ. Giá mà ở nhà, thể nào tôi cũng đội đèn xách giỏ ra đồng. Ếch vào mùa thường rẻ, chỉ cần dạo một vòng quanh chợ là đã có một bữa ngon nhớ đời. Tuy nhiên, nếu chỉ thưởng thức các món ngon từ ếch mà không được xuống đồng thì còn gì là thú vui mùa ếch?
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://tanhlinh.vn là vi phạm bản quyền