Quê hương của Đỗ Trung Quân là chùm khế ngọt, là con đò nhỏ, còn quê hương của những đứa trẻ miền quê Tánh Linh là những buổi chiều lang thang trên đồi, trên núi hái cò ke, trái chín thì ăn, trái sống thì bắn ống thụt; một vùng rộng lớn rừng đã cho tuổi thơ của trẻ em nơi này biết bao điều mới lạ, mà nó đi theo mỗi con người đến tận cuộc đời. Mỗi khi nghĩ lại ai cũng tặc lưỡi, một chút buồn thoáng qua.
Guồi là một loại trái cây hầu như năm nào cũng có, nó gần gũi với dân Tánh Linh lắm trái tròn như quả trứng gà, bên trong có hạt bằng ngón tay vừa chua vừa ngọt; vị ngọt của hương đồng gió nội, vị chua của quả dại luôn như một sức mạnh ghê gớm cuốn hút trẻ thơ
“Rủ nhau đi hái trái guồi/ Lựa guồi đỏ dạ sống đời với nhau”.
Thanh trà: Trong những năm đi học ở Sài Gòn, khi đi trên đường Nguyễn Thị Minh Khai gặp những chiếc xe bán thanh trà, niềm cảm xúc trong tôi dâng lên nghẹn ngào, nổi nhớ quê hương luôn thúc giục tôi dù thế nào cũng phải sống cho vẹn tình, trọn nghĩa với quê hương. Trái thanh trà trông tựa trứng gà so, vừa ngọt vừa chua mà năm nào chú tôi cũng hái về cho cháu.
Còn nhiều nữa mà rừng Tánh Linh đã cho tôi, cho lũ trẻ nơi này tuổi thơ êm đềm vừa chua, vừa ngọt như quả guồi, trường, cò ke, thanh trà chan chát như trái xây, ngọt lịm như trái diếc, bùi bùi như trái vú bò, ngộ nghĩnh như hạt lười ươi…
Sau gần 30 năm nhìn lại rừng Tánh Linh thì than ôi, vì mưu sinh con người không tiếc gì thiêng nhiên ban tặng, rừng lá Suối Kiết, rừng mai Biển Lạc, trảng mai Bà Tá còn đâu, những quả rừng ngon ngọt của tuổi thơ tôi đâu mất rồi. Những em học sinh cấp 1, cấp 2 có còn rủ nhau vào rừng hái trái rừng sau buổi học hay giữa giờ ra chơi như tôi ngày xưa.
Ngày xưa rừng ở đâu/ rừng ở sau nhà, ở hai bên đường, rừng ở trước mặt, rừng ở sau lưng. Còn hôm nay rừng ở đâu? Rừng còn đâu nữa, mỗi ngày tiếng “rừng” càng xa lạ với người dân Tánh Linh. Đã lâu lắm rồi người dân Tánh Linh không còn vào rừng chặt mai, hái lan về chưng ba ngày tết. Vậy những nhành lan, gốc mai đi đâu?