Mới ngày nào Hà Nội đón chúng tôi bằng những giọt mưa không dứt, chiếc taxi chạy vào nội thành hiện ra trước mắt tràn ngập những điều mới lạ. Thủ tục đón tiếp và sự nhiệt tình của thầy cô Học viện tạo cảm giác an tâm hơn khi làm thủ tục nhập học, bốn anh em của huyện Tánh Linh ngỡ ngàng trước bao điều mới lạ diễn ra trước mắt. Chúng tôi làm quen với những câu như “vâng, cho em xin”, “mời các bác xơi”, “ngon phết”...
Buổi sáng, ngày đầu tiên Hà Nội rét đậm, nghe nhà đài nói nhiệt độ Hà Nội hạ xuống thấp nhất 7 độ, Sa Pa có tuyết rơi dày. Tôi bước vào lớp hơi lạnh cũng ùa vào theo, những người bạn trong lớp thảo luận với nhau về cái rét, gặp tôi nhiều người vừa quan tâm, vừa muốn biết cảm giác của một người miền Nam đón cái rét Hà Nội như thế nào, nên hỏi: “Rét không anh?”, không rét sao được khi hai bàn chân tê đi như vừa ngâm trong nước lạnh, bàn tay cứ lóng ngóng mãi vẫn mới cầm được cây viết để trên bàn. Buổi sáng Hà Nội lại thêm mưa phùn, những hạt mưa bụi giăng giăng dệt nên tấm lụa mỏng nhạt nhòa trước mặt, từng cơn gió thổi qua lạnh buốt cả người, ai cũng muốn quấn chăn cho thật kỹ, trốn cái rét đầu đông.
Buổi chiều tôi và người bạn có việc phải ra ngoài, đi ngang qua Hồ Tây ghé vào quán bún chả, ngồi ngắm mặt hồ trong cái rét tái tê, ngồi bên này nhìn bờ bên kia mịt mù trong sương khói, mặt hồ gợn sóng như một tấm lụa ngà phập phồng trong không gian huyền ảo. Làn hơi nước thoảng qua như mơn man từng thớ thịt, tôi co người chóng cái rét thấu xương, những suy nghĩ thoáng qua, chập chờn mấy câu thơ của Nguyễn Trãi bên Hồ Tây khi gặp Nguyễn Thị Lộ đang gánh chiếu đi bán “Ả ở nơi nào, bán chiếu gon?; Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?; Xuân xanh nay độ bao nhiêu tuổi?; Đã có chồng chưa, được mấy con?”; cô này cũng làm thơ họa lại “Thiếp ở Tây Hồ bán chiếu gon; Cớ chi ông hỏi hết hay còn?; Xuân xanh vừa độ trăng tròn lẻ; Chồng còn chưa có, hỏi chi con!”. Cảm xúc xưa hòa quyện với cái lạnh tạo cho tâm hồn một khoảng trống sâu thẳm, mênh mông. Hồ Tây Thơ mộng quá! không những tôi mà ai ngồi bên Hồ Tây vào một buổi chiều cũng có một cảm nhận sâu sắc về phong cảnh nơi này.
Đêm noel, các bạn cùng Ký túc xá rủ nhau đi chơi, chiếc xe buýt đưa chúng tôi đến Hồ Gươm nhập cùng đoàn du khách đông đúc đang đi dạo bên hồ. Noel ở đây không náo nhiệt như Sài Gòn, người đi ngoài đường không đông hơn ngày thường là mấy, trên suốt quãng đường đi không xảy ra kẹt xe. Diên, cô bạn giáo viên trường Kinh tế - Kỹ Thuật tỉnh Tuyên Quang dẫn chúng tôi qua phố Tràng Tiền để ăn Kem. Dọc theo bờ hồ rất nhiều điểm bán kem các loại, nhiều người vừa đi vừa cầm cây kem trên tay ăn ngon lành; một điểm ca nhạc tự phát chắn ngang đường với ca sĩ là những du khách ngẫu hứng tham gia làm rộn ràng cả một khu vực. Qua hai lần băng ngang đường chúng tôi đến phố bán kem Tràng Tiền, trước mắt tôi là cảnh mọi người tranh nhau mua kem, loay hoay cũng tìm được chỗ ngồi; Đức Tuyên, người bạn đến từ Tuyên Quang sau một hồi chen lấn cũng mang về được 5 cây kem Ốc Quế nói “cũng nhờ xếp hàng mua cơm căng tin ở Học viện tích lũy được kinh nghiệm, áp dụng kinh nghiệm đó nên mua kem nhanh, khối người chờ lâu hơn mà chưa mua được”. Ngồi nhăm nhi que kem tôi nhận ra rằng kem ở đây ngon nhờ cảm giác, cảm giác chen lấn khi mua kem; cảm giác đông đúc, phần lớn thực khách đứng ăn kem; cảm giác ồn ào náo nhiệt và cảm giác lạnh ăn kem vào lạnh hơn, dù cầm lâu que kem cũng không bị hóa lỏng. Rời phố Tràng Tiền, Lã Văn Bình, người bạn Ninh Bình đưa chúng tôi đi đến Tòa Tổng Giám mục để hưởng không khí noel, sau nhiều lần nhầm đường rồi cũng đến nơi, lượng người đến đây thật đông; dù chúng tôi chỉ có 5 người nhưng vẫn bị lạc nhau liên tục; tôi thích đi khám phá những điều mới lạ; Hậu, cô bạn Hải phòng thích xem ca nhạc; Diên thích đọc những giáo điều trong áp phích treo dọc đường đi; Bình thích chụp ảnh; còn Tuyên thì sao cũng được. Không khí ở đây thật nhộn nhịp, dàn đèn trang trí rực rỡ với nhiều màu sắc khác nhau, âm nhạc du dương làm cho lòng người rộng mở, quên cả lo âu của cuộc sống đời thường, những tâm hồn xích lại gần nhau hơn. Rời giáo đường chúng tôi ghé vào quán nước chè bên đường, hình như đây là đặc trưng riêng của Hà nội thì phải, chỉ vài cái ghế lúp xúp, hộp thuốc lá, hũ kẹo là đã thành quán nước chè. Tôi nhìn bà cụ bán nước như thấy cả năm tháng dài ngồi bên hè phố, chứng kiến bao thăng trầm của dòng người qua lại từ thời xa xưa cho đến bây giờ.
Càng về khuya phố xá càng tấp nập, bước chân đi bộ của những người bạn nặng hơn, chiếc taxi đưa chúng tôi về ký túc xá mang theo tiếp nhạc rộn ràng quyện với tiếng chuông nhà thờ thánh thoát cứ văng vẳng mãi bên tai, như hứa hẹn một mùa xuân thật vui và hạnh phúc chứa đầy tình yêu thương./.