Đa Mi - Trữ tình và Lãng mạn

Thứ tư - 06/11/2013 20:19
Đa Mi - Trữ tình và Lãng mạn

Đa Mi - Trữ tình và Lãng mạn

Nếu không có chuyến đi thực tế sáng tác do chi hội VHNT Tánh Linh tổ chức, có lẽ phải còn lâu lắm tôi mới biết Đa Mi. Nằm trong dự án nâng cấp và mở rộng quốc lộ 55, đoạn đường từ ngã ba Đồng Kho lên Đa Mi đã hoàn thành, với kết cấu bên tông nhực nóng đen láng phẳng phiu, mềm mại vắt ngang triền núi, vạch ra lối đi của xã hội hiện đại xuyên qua đại ngàn thâm nghiêm. Hai bên đường, những cánh rừng nghìn tuổi với nhiều tầng cây ken dày và xanh ngắt. Hầu như toàn bộ quãng đường hơn 20km từ La Ngâu lên Đa Mi đều là đường đèo dốc quanh co, vắt từ ngọn núi này sang ngọn núi khác. Màu xanh của cây rừng càng làm cho cảnh núi non thêm xinh đẹp và hùng vĩ.


          Nếu không có chuyến đi thực tế sáng tác do chi hội VHNT Tánh Linh tổ chức, có lẽ phải còn lâu lắm tôi mới biết Đa Mi. Nằm trong dự án nâng cấp và mở rộng quốc lộ 55, đoạn đường từ ngã ba Đồng Kho lên Đa Mi đã hoàn thành, với kết cấu bên tông nhực nóng đen láng phẳng phiu, mềm mại vắt ngang triền núi, vạch ra lối đi của xã hội hiện đại xuyên qua đại ngàn thâm nghiêm. Hai bên đường, những cánh rừng nghìn tuổi với nhiều tầng cây ken dày và xanh ngắt. Hầu như toàn bộ quãng đường hơn 20km từ La Ngâu lên Đa Mi đều là đường đèo dốc quanh co, vắt từ ngọn núi này sang ngọn núi khác. Màu xanh của cây rừng càng làm cho cảnh núi non thêm xinh đẹp và hùng vĩ.

         Đa Mi xa lắm, xa đến nỗi nhiều người trong đoàn mãi tận bây giờ mới lần đầu được đến, để rồi cứ tấm tắc suýt xoa. Nhưng Đa Mi gần lắm, gần đến mức đi một vòng đã gặp lắm người quen.

         Dân Đa Mi không nhiều, nên chợ cũng nhỏ, một vòng chợ đã gặp mấy người quen… Hàng hoá khá phong phú và giá cả cũng không hề đắt đỏ. Ghé chợ cũng chẳng phải mua thêm thứ gì, chủ yếu là để tìm hiểu về cuộc sống của người dân sống giữa núi rừng, thông qua sự trao đổi tiền – hàng ở nơi chợ búa. Phụ nữ Đa Mi hiền hoà, dung dị, nhìn ai cũng thấy nét chân quê thuần phác, gần gũi lạ lùng.

         Mặc dù đã đăng ký từ trước, nhưng khi đoàn đến nhà máy Hàm Thuận, cổng vẫn im ỉm đóng, không một bóng người. Anh Chi hội trưởng dường như đã thông thuộc, vội xuống xe, bắt ống nghe của cái điện thoại bàn treo trước nhà bảo vệ lên, lập tức có người “thăm hỏi” nhân thân, duyên cớ. Hoá ra cả đoàn đã bị giám sát khá kỹ bởi các camera gắn đâu đó mà không biết. Cánh cổng xịch mở cho xe vào, và cũng phải một phút sau mới có người xuất hiện. Trái ngược với cái cách sơ giao máy móc lạnh lùng, anh em kỹ sư nhà máy Hàm Thuận lại rất cởi mở và vui tính. Cả đoàn được hướng dẫn vào tham quan phòng điều kiển trung tâm. Nghe mới biết, cả hai nhà máy Hàm Thuận và Đa Mi đều được giám sát và điều khiển tập trung bởi hệ thống máy móc trong căn phòng này. Tất cả mọi diễn biến từ tình trạng vận hành, mực nước, điện áp cho đến chuyện… ngoài cổng đều được các máy móc và hệ thống camera ghi nhận và phản ánh đầy đủ, kịp thời lên màn hình để các kỹ sư xử lý. Cái cách vận hành hai công trình thủy điện thuộc loại tầm cỡ của đất nước lại được thực hiện bởi một công nghệ hiện đại đến mức đơn giản khiến cả đoàn cứ trầm trồ lạ lẫm. Theo chân anh Trần Hùng Duy xuống tham quan các tổ máy, các văn nghệ sĩ càng ngẩn ngơ trước sự kỳ vĩ và hiện đại, vội xăng xái ghi hình để làm bằng chứng cho sự “ăn nói”của mình sau một chuyến đi.

         Rời nhà máy thủy điện Hàm Thuận, trên đường qua Đa Mi nghe các anh giới thiệu tôi hình dung ra bức tranh tổng thể của cả một vùng đất như hiện dần lên từng gam màu, từng chi tiết hết sức sống động. Khi công trình thủy điện khởi công, nhiều người đã kéo lên đây mở hàng quán, buôn bán dựa vào lực lượng nhân công đông đảo từ khắp nơi đổ về. Rồi khi công trình hoàn thành, cả hai công trình to lớn chỉ còn vài chục cán bộ kỹ sư ở lại vận hành, và hầu hết số người ít ỏi ấy cũng định cư ngoài Thị xã Bảo Lộc, chỉ đến ca mới vào, thì một số không ít những người từng “ăn theo” công trình ấy như bị rớt lại để hình thành một khu dân cư giữa vùng núi non heo hút. Hơn 10 năm rồi, những con người ấy vẫn kiên trì bám đất, tìm mọi cách để sinh tồn và phát triển. Đến hôm nay, có thể nói Đa Mi dù vẫn còn thưa vắng lắm nhưng không buồn. Dù cơ sở vật chất còn thiếu thốn khó khăn nhưng tương lai đã dần tươi sáng hơn.

         Đa Mi có những con đường quanh co uốn khúc, trông phảng phất như một Đà Lạt thu nhỏ, có điều nhà cửa thì vẫn còn đơn sơ lắm. Bốn bề là rừng núi, ở giữa lại có hồ nước quanh năm tĩnh lặng, Đa Mi nhờ vậy cũng được hưởng một bầu không khí quanh năm mát dịu.

         Khi chúng tôi dựng xong túp lều trại trên khu sân bay Đa Mi thì mặt trời cũng vừa xuống núi. Sân bay trực thăng này nguyên là một ngọn đồi được san ủi bằng phẳng, có lẽ rộng hơn sân bóng đá một chút. Từ trên sân bay nhìn xuống, con đập thẳng tắp, những lồng nuôi cá tầm trải rộng, khu bán đảo rợp mát bóng cây, bờ hồ quanh co theo dáng núi, lại thêm con xuồng nhỏ rẽ nước êm êm, trông đẹp như một bức tranh thủy mặc. Bóng tối từ trong các cánh rừng chậm rãi bò ra loang thẫm mặt hồ. Chút ánh sáng hồng hào trên đỉnh núi phía Tây nhạt dần rồi tắt hẳn. Những ngọn đèn đường trên con đập được thắp lên càng làm cho hồ Đa Mi thêm lung linh huyền ảo. Gió mơn man nhè nhẹ, đủ mát mà không làm tắt đống lửa vừa mới nhóm lên. Trên bờ con mương gom nước chạy quanh sân bay, nhiều đôi nam thanh nữ tú cầm tay nhau dạo mát. Đêm Đa Mi thật lãng mạn và yên bình!

         Đoàn văn nghệ sĩ Tánh Linh - Đức Linh lên Đa Mi hạ trại là để tìm cảm xúc sáng tác, và đó quả là sự lựa chọn tuyệt vời. Đa Mi xinh đẹp, tĩnh lặng và mát mẻ; người Đa Mi lại hồn hậu và hiếu khách, khiến vòng – tròn – người hết quây quần quanh bếp lửa lại mang câu chuyện vào trại mà không biết rằng ngoài kia một ngày mới đã lên.

         Rời Đa Mi sau một đêm mất ngủ, cái mỏi mệt lan dần trong mỗi làn da thớ thịt, nhưng ai cũng hồ hởi, hẹn nhau mai này có dịp lại lên.

         Đêm hoang dã mà không cô liêu, đêm tàn lửa mà không lạnh lẽo. Núi rừng lặng im, mặt hồ lặng im, cả dãy đèn ven hồ cũng lặng im, chỉ có cảm xúc là trào dâng bất tận. Tiềm năng, lợi thế du lịch của Đa Mi là đây. Chỉ có điều, mong sao các công ty du lịch sẽ giúp du khách được hưởng một đêm lều trại trên đất Đa Mi, thay vì bỏ tiền ra xây cả một khách sạn nguy nga mà lạnh lẽo!

Tác giả bài viết: LƯƠNG VĂN LỄ

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Comment addGửi bình luận của bạn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 102


Hôm nayHôm nay : 16949

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 801954

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 15564976