NỐT LẶNG GIỮA THẦY VÀ TRÒ

Thứ tư - 03/04/2013 13:29
NỐT LẶNG GIỮA THẦY VÀ TRÒ

NỐT LẶNG GIỮA THẦY VÀ TRÒ

LTH đã không phụ lòng bạn đọc và thế là truyện ngắn thứ ba đã ra đời với một trời ký ức xưa. Tanhlinh.vn mời các bạn chia sẻ nỗi lòng tác giả qua truyện ngắn này.
 

 
Không biết có phải là học sinh cá biệt không, ngày đầu tiên vào nhận lớp em đã gây cho tôi một thiện cảm không tốt, tóc ngắn gần như con trai, một bên tai đeo khoen, một bên không,  nhìn phong thái đầy nét bụi. Tôi cố trấn an bản thân mình để thầm khẳng định tất cả học sinh lớp này đều ngoan, đều nghe lời thầy cô. Sau thủ tục chào hỏi làm quen, bỗng dưng em đưa tay xin phát biểu, tôi đồng ý, em nói:
          Thưa thầy! em tên Nhan Luật Hoàng,  thầy cho em hỏi, thầy có người yêu chưa ạ?
          Cả lớp cười ồ lên, tôi bước vội ra ngoài cửa lớp hít thở thật sâu để lấy lại tinh thần, bước vào lớp lấy thế chủ động ngay:
          - Các em mới học lớp 11 thì biết gì về tình yêu mà hỏi. Các em có biết tình yêu là gì không, cứ thấy người ta đi với nhau thì gọi là yêu. Mới 16 tuổi đầu ăn chưa no, lo chưa tới, cơm chưa biết nấu, đồ chưa biết giặt cũng đèo bồng nghĩ đến chuyện yêu.
          Tôi dừng lại quan sát thái độ của các em thì bỗng nghe tiếng thì thầm nho nhỏ:
          - Thầy chưa biết yêu.
          Quả thật, thầy cũng có biết yêu là gì đâu, nhưng lỡ rồi tôi cũng cố:
- Thôi được rồi để thầy nói cho nghe, đối với mỗi con người tình yêu chỉ có một, cái na ná tình yêu thì nhiều. Trong  tình yêu đích thực, con người yêu nhau vì …vì…
          - Vì sao thầy? - Cả lớp lao nhao.
          - Vì họ không biết tại sao mình yêu – Tôi trả lời vội vã.
          Cả lớp cười ồ lên,
          - Thầy chưa biết yêu – Nhan Luật Hoàng lên tiếng
          Tôi xảo biện ngay:
          - Các em không tin a? Nếu nói yêu nhau vì tính tình dễ thương thì khi gặp người khác tính tình dễ thương hơn thì sao, lẽ nào bỏ người yêu cũ theo người yêu mới. Nếu nói yêu nhau vì người đó đẹp thì khi gặp người khác đẹp hơn thì sao? Thôi! Không nói chuyện đó nữa, có nói các em cũng không hiểu đâu, khi nào lớn hơn tí nữa thầy nói cho nghe – Tôi lấy quyền giáo viên ra để trấn áp cả lớp – Hôm nay là buổi đầu tiên  thầy vào nhận lớp, chúng ta chỉ làm quen với nhau thôi. Thời gian còn dài, còn nhiều cơ hội để tranh luận.
 

 
Buổi sinh hoạt qua mau, cái tên Nhan Luật Hoàng cứ bám theo tôi mãi, nếu tôi nghĩ em là một học sinh cá biệt thì sẽ không bao giờ giáo dục được em. Không, em cũng là một học sinh bình thường như bao học sinh khác thôi.
Trong các tiết học tiếp theo tôi chú ý đến em nhiều hơn, nhắc nhỡ nhẹ nhàng, khuyến khích lúc cần thiết, cố không để em tự ái mà bỏ học, sức học tăng dần, không còn nói leo nữa, nói chuyện có đầu có đuôi. Dù cố gắng nhiều nhưng cuối năm học lực cũng chỉ xếp loại trung bình, tôi cũng phát hiện ra em có tài quản trò, năng khiếu văn nghệ.
Năm lớp 12, tôi tiếp tục được phân công chủ nhiệm lớp, câu đầu tiên em hỏi tôi sau 3 tháng hè:
- Thầy ơi! Thầy biết yêu chưa?
Tôi mỉm cười, đúng là “thứ 3 học trò”, một năm rồi mà cũng chưa chịu quên.
Không biết 3 tháng hè “tu nghiệp” ở đâu mà tiến bộ hẳn, cả về đạo đức và lực học, em thường hỏi tôi những câu ngớ ngẩn như: tại sao con chó hiểu tiếng người, mà người không hiểu tiếng chó? Tại sao ai cũng biết hút thuốc có hại cho sức khỏe mà Nhà nước vẫn cho sản xuất thuốc lá? Tại sao thầy cũ của em không cần soạn giáo án mà thầy ngày nào cũng soạn...
Gần tới ngày 20 tháng 11, một hôm em gởi tôi một lá thư, nói là của ba em gửi cho tôi, hai mắt em như muốn khóc, mở ra xem nội dung bức thư là ba em muốn gặp thầy của Nhan Luật Hoàng, có nhiều điều muốn nói với thầy, tôi hỏi gì em cũng chỉ nói:
- Thầy lên đi rồi sẽ biết, em không nói gì với thầy được.
- Thôi được rồi, sáng chủ nhật thầy lên.
Sáng chủ nhật đợi tôi ngay đường vào xã Nghị Đức, là dân Tánh Linh, nhưng đây là lần đầu tiên tôi đến xã Nghị Đức, cái gì cũng lạ lẫm, em dẫn tôi đi qua những ngôi nhà rồi ra thẳng cánh đồng, tôi ngạc nhiên hỏi:
- Gần tới nhà em chưa?
- Nhà em qua rồi, em dẫn thầy ra gặp ba em.
- Ba em ở ngoài đồng à?
- Dạ.
Đi được một đoạn em bảo tôi để xe lại, rồi bước xuống mương nước bên đường lôi ra một chiếc ghe, em bảo:
- Thầy lên ghe, em chở đi, đường bên trong không chạy xe được, xe của thầy để đó không sao đâu.
Nhìn mương nước chắc là không sâu, thôi thì em dám chèo thì tôi cũng dám đi.
Mái chèo đẩy một cái, chiếc ghe rẽ nước tiến về phía trước, tôi quan sát thấy em chèo quả là chuyên nghiệp, đi được một đoạn khá xa gặp dòng sông, em chèo dọc theo bờ sông, dưới những tán cây. Sợ tôi lo lắng nên em nói hơi nhiều, khung cảnh ở đây thơ mộng quá, hai mươi mấy tuổi đầu rồi mà đây là lần đầu tiên tôi có cảm giác lâng lâng của miền sông nước, cái gì cũng lạ lẫm; những giọt nắng xuyên qua ngọn cây loang lỗ chạy qua, chiếc nón lưỡi trai màu xanh lá mạ đội ngược làm trán em dồ thêm,  lúc này đã lấm tấm mồ hôi, tôi muốn chèo phụ nhưng cũng đành chịu, không khéo đưa cả hai thầy trò xuống sông.
 Em chèo ghe rẽ thêm một vài lần nữa thì đến một vùng nước mênh mông, từ xa một mái nhà sàn hiện rõ dần, khi còn khoản 50 m thì thấp thoáng trên sàn nhà là một đám học sinh, là học sinh của tôi.
Tôi nghe tiếng học sinh reo to:
- Thầy tới, thầy tới.
Chiếc ghe cập và sàn nhà thì một người đàn ông khoảng 45 tuổi ra đưa tay cho tôi nắm bước lên, còn đám học trò thì lao nhao hỏi đủ thứ chuyện.
Sau khi yên vị, người đàn ông nói:
- Tôi là ba của cháu Hoàng, thay mặt con tôi và mấy cháu học sinh ở đây xin lỗi thầy, nghe mấy cháu kể lại, sợ mời thầy đi chơi không được nên soạn ra một kịch bản để mời thầy lên đây chơi. Tôi rất mừng là thầy đã đến đây; cần câu đã chuẩn bị sẳn, cá bóng, cá lóc loại nào cũng có, nếu muốn chèo ghe thì 3 chiếc ghe ở đây cũng đủ cho mấy thầy trò chèo đi chơi.
Thì ra ba của Nhan  Luật Hoàng làm nghề đánh bắt cá, mùa nước lên ông ở ngoài này bắt cá, ít về nhà. Ngày nào Nhan Luật Hoàng hoặc mẹ của em cũng phải chèo ghe vào lấy cá đem đi bán. Sự đón tiếp nhiệt tình của ông cùng với sự vui mừng của đám học trò đã làm cho tôi ấm lên, khoảng cách giữa phụ huynh, thầy, trò gần nhau hơn. Những em học sinh câu cá giỏi hơn tôi, chèo ghe cũng giỏi hơn tôi, đến trưa các em nướng cá cũng giỏi hơn tôi, không những thế các em còn chỉ cho tôi cách bẫy chim gắp cá bằng một sợi dây nhợ. Tôi nhận ra rằng ngoài cái mớ kiến thức lý thuyết được trang bị trong nhà trường, tôi chẳng biết gì cả, kiến thức cuộc sống có phần thua hẳn các em. Một ly rượu nhỏ đã làm tôi chếnh choáng, không uổn phí một chuyến đi.
Lúc ra về, mặc dù từ chối lắm nhưng cuối cùng cũng phải nhận một con cua đinh về nuôi theo ý của phụ huynh. Tôi thầm nghĩ, thầy có thật sự yêu thương trò, thì trò mới quý thầy, trách nhiệm của một người thầy không chỉ truyền thụ kiến thức cho học trò mà cần tạo cho trò một niềm tin vào bản thân mình. Hôm nay các em đã vì tôi thì ngày mai tôi sẽ vì các em,  tôi sẽ mãi xứng đáng là một người thầy của các em.
Cuối học kỳ I, tôi hồi hộp cộng điểm cho từng em, một học sinh tiên tiến, hai học sinh tiên tiến, cả lớp 5 học sinh tiên tiến, trong đó có Nhan Luật Hoàng.
Ba em viết thư gửi lời cám ơn tôi, nét chữ của ông khác hằn nét chữ bức thư ngày nào. Quả thật nếu ngày đó các em có năn nỉ đến mức nào, tôi cũng không đi. Tôi thầm cảm ơn sự lừa dối trong trắng của các em.
Cuối năm học, học sinh tỏ ra quyến luyến, em cầm cuốn lưu bút nhờ tôi viết vài dòng, tôi mỉm cười nói:
- Chữ thầy xấu lắm, viết vào làm giảm giá trị sổ em.
Em năn nỉ quá tôi cũng nhận lời cầm cuốn sổ về nhà viết vài dòng để gọi là có:
Trang đầu tiên trong cuốn lưu bút có một dòng chữ nắn nót, tô vẽ cầu kỳ: “Em yêu thầy”. Tôi thầm nghĩ, cô bé này láo cá quá, chắc cũng là tình cảm nhăng nhít của tuổi học trò, lôi thầy nào vào đây để tội vậy không biết. Vậy là đã có nội dung viết cho em rồi: “đó là cái na ná của tình yêu thôi em ơi!” rồi trả sổ cho em và quên hẳn mình đã viết gì trong đó.
Buổi liên hoan chia tay, em khóc thật nhiều, cuối buổi xin gặp riêng tôi, em thầm thì vừa đủ nghe:
- Thầy ơi! Em yêu thầy.
Ánh mắt này sao lạ dữ vậy trời! Tôi bủn rủn cả chân tay, lầm bầm:
- Thôi! đừng đùa nữa
Em bật khóc, chạy thẳng ra nhà xe, còn tôi ngồi chết lặng trên chiếc ghế đá, tôi đã làm gì thế này, tôi là thầy cơ mà, đâu phải là đối tượng để em yêu.
Sau khi thi tốt nghiệp được vài ngày, một buổi chiều em ghé thăm, tôi nói gần nói xa cho em về, nhưng em nắn ná mãi, chuyện gì đến sẽ đến, em nói:
- Bữa giờ lúc nào em cũng nghĩ đến thầy.
Tôi cố trấn tỉnh nói theo lý trí của mình
- Em còn nhỏ, biết gì mà yêu.
- Em 18 tuổi rồi – Em cố cãi.
          - Không được, dù sao em cũng là học trò của thầy, không thể được.
          - Nếu em là đồng nghiệp của Thầy thì sao?
          - Lúc đó thì quan hệ giữa Thầy và em sẽ khác.
          - Thầy nhớ nha – Hình như em đã tìm được một cái gì đó trong câu trả lời của tôi, em quay đi dấu hai dòng nước mắt, rồi vội vã chào ra về.
          Tôi mỉm cười chua chát lẩm bẩm “Thầy là thầy, em là trò mà”.
          20/11 năm đầu tiên tôi nhận được tấm thiệp của em, trong đó chỉ có một câu: “Thầy nhớ nha, em sẽ là đồng nghiệp của thầy”. Cô bé này thật thích  đùa, nhưng dù sao tôi vẫn cảm thấy thật hạnh phúc.
          20/11 năm thứ hai tôi nhận được tấm thiệp của em, trong đó chỉ có một câu: “Thầy nhớ nha, em sẽ là đồng nghiệp của thầy”, em đùa dai thật, không biết sang năm em có còn gởi thiệp cho tôi.
Năm thứ 3 rồi thứ 4, gần tới 20 tháng 11 tôi ngóng chờ một cánh thiệp mang tên Nhan Luật Hoàng, nhưng không thấy. Mà cũng phải thôi, em ra đời gặp biết bao nhiêu người, đủ lông, đủ cánh thì phải bay đi chứ, đâu phải gà què mà lẩn quẩn cối xây. Thôi thì tôi cũng đã hoàn thành nhiệm vụ một người thầy với em.
          Đầu năm học có bốn giáo viên mới về trường, mọi người bàn tán xôn xao, tôi cũng không quan tâm, ai về hay đi kệ người ta, nghĩ tới làm chi thêm bận lòng. Buổi họp mặt đầu năm như thường lệ, khi cô Hiệu trưởng đọc tới tên giáo viên mới nào, thì người đó bước vào chào các thầy cô cũ, Tiếng cô hiệu trưởng vang lên:
          - Thứ hai, cô Nhan Luật Hoàng, giáo viên văn, tốt nghiệp trường Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
          Đang ngồi nghiên cứu cái điện thoại mới mua, bỗng tôi giật bắn người lên, em bước vào hội trường trong tiếng vỗ tay của thầy cô cũ,  em đây mà, học sinh của tôi đây mà, em lớn hẳn, rực rỡ trong chiếc áo dài mới, hình như em là người đẹp nhất trên thế gian này. Ngay lặp tức ánh mắt em dừng lại ngay tôi, nhìn vào mắt em, tôi đọc được những điều em muốn nói với tôi: “Em bây giờ đã là đồng nghiệp của thầy rồi nha!”, tôi như có một luồng điện chạy trong người, muốn hét thật to: “ Thầy biết rồi! Quan hệ giữa thầy và em đã khác”.
          Ước gì giờ này chỉ có thầy và em, cả hội trường này biến hết. Bốn năm một mối tình cứ ngỡ là thiên thu./.

Tác giả bài viết: Lê Thanh Hưng

Nguồn tin: tác giả gởi cho tanhlinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 43 trong 10 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
SUOICAT - 21/08/2013 22:25
Sao lâu rồi không thấy truyện ngắn của LTH, rất mong có nhiều truyện ngắn tuổi teen
SUOICAT - 14/04/2013 00:58
Thầy ơi! Chuyện này có thật không vậy?
VCTV1 - 11/04/2013 02:54
NH ơi phỏng vần LTH dùm đàn em rằng tác giả đã lấy cảm hứng từ đâu mà cho ra đời 3 truyện ngắn hay đến vậy.
Phạm Chiêu . - 08/04/2013 05:03
Bốn năm là một nốt lặng của cuộc đời.
Pham Chiêu - 08/04/2013 04:33
Theo tôi, trong âm nhạc không có nốt lặng, chỉ có dấu lặng; nhưng trong cuộc đời của mỗi con người lại có những nốt lặng. Bốn năm là một dấu lặng của cuộc đời.
1, 2, 3  Trang sau
Comment addGửi bình luận của bạn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 244


Hôm nayHôm nay : 46777

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 432748

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 26197553