Kate Chopin (1851-1904)Vì tiết trời dễ chịu, bà Valmonde đánh xe đến L'Abri thăm Desiree và đứa bé. Nghĩ tới chuyện Desiree có em bé làm bà bật cười. Tại sao ư, mới ngày nào thôi Desiree còn y chang con nít, khi ông nhà cưỡi ngựa vào cổng đồn điền Valmonde thấy nó ngủ lăn dưới chỗ bóng đổ của cây cột xây bằng đá.
Đứa bé ông chủ ôm trên tay thức giấc. “Dada”- Nó bắt đầu quấy khóc. Ở tuổi chập chững mà con bé chỉ biết có thế. Một số người nghĩ nó bị lạc, số đông thì cho rằng đoàn người Texas chủ ý bỏ rơi nó. Ông bà Valmonde không có con nên bé Desiree được bà Valmonde xem như món quà mà Thượng đế ban phước. Cô bé dịu hiền càng lớn càng xinh đẹp, một cô gái đẹp người đẹp nết - thần tượng của vùng Valmonde.
Chẳng có gì lạ, cô gái, một ngày nọ, đứng dựa vào cột đá, phía mà cô đã tránh nắng nằm ngủ, mười tám năm trước, khi Armand Aubigny cưỡi ngựa ngang qua nhìn thấy đã phải lòng cô gái - như thể anh gục ngã bởi một phát súng lục. Điều ngạc nhiên là anh không yêu cô bé từ trước, vì anh đã biết cô ấy kể từ lúc cha đưa anh từ Paris về quê nhà năm anh lên tám, sau khi mẹ anh qua đời ở Pháp. Niềm đam mê bùng cháy trong tâm hồn anh ngày hôm đó, phút giây mà anh nhìn thấy cô gái đứng ở cổng, nó dữ dội như trận một trận tuyết lở hay một đám cháy trên đồng cỏ khô với sức mạnh hủy diệt cuốn trôi mọi vật cản.
Xuất thân không rõ ràng của cô gái là vấn đề nhạy cảm với ông Valmonde. Armand được ông nhắc nhở rằng đó là cô gái không tên tuổi nhưng khi nhìn sâu vào đôi mắt cô thì anh chẳng hề quan tâm đến điều đó. Tên tuổi thì có hề gì khi anh có thể làm cho cô ấy trở thành một quý bà đáng tự hào và được sủng ái nhất ở Louisiana? Cả hoa, quà cưới cũng được anh đặt mua, chở từ Paris sang tặng cô, rồi họ kết hôn.
Bốn tuần nay bà Valmonde chưa gặp Desiree và đứa bé. Bà có cảm giác khó tả khi đến đồn điền L'Abri, thoáng chút rùng mình cũng như xưa nay. Cảnh vật trông cô tịch buồn bã vì nhiều năm không có bàn của một người phụ nữ đảm đang, phúc hậu và rất mực dịu hiền; Ông Aubigny đã kết hôn, chung sống hạnh phúc và không lâu sau đã chôn cất người vợ ở Pháp. Vợ ông yêu mảnh đất quê hương nhiều đến nỗi bà ấy không thể rời Pháp để sang đây cùng ông. Mái nhà đổ dốc gần như dựng đứng và xám đen như cái chụp ống khói, trùm lên dãy hành lang rộng lớn bọc quanh ngôi nhà vách trát vữa xỉn vàng. Gần ngôi nhà là những cây sồi to lớn, và những tán cây lá dày vươn xa đổ bóng phủ xuống như tấm rèm che. Aubigney, cậu chủ trẻ khó tính với những quy định hà khắc làm gia tăng sự quạnh quẽ bao trùm khu đồn điền. Những người da đen thiếu vắng nét tươi vui vốn có dưới thời ông chủ cũ, ông Aubigney khoan dung dễ tính.
Người mẹ trẻ đang dần hồi phục ôm bé trai nằm trên chiếc ghế dài trong bộ đồ muxơlin trắng mềm mịn viền đăng ten. Người vú da màu ngồi bên cửa sổ phe phẩy chiếc quạt.
Bà Valmonde cúi xuống hôn Desiree rồi quay sang đứa trẻ.
“Ôi, thế này mà là em bé ư!” giọng bà đầy ngạc nhiên phấn khích. Pháp ngữ là ngôn ngữ được nói ở Valmonde trong những ngày đó.
“Con biết mẹ sẽ bất ngờ vì,” Desiree cười, “nó lớn nhanh thế đấy. Bú tợn lắm. Mẹ nhìn đôi chân nó này, mẹ, và tay, ôi móng tay nữa…thật là…! Zandrine đã phải bấm hồi sáng đó. Đúng không, Zandrine?”
Người phụ nữ vấn khăn cúi đầu vẻ trang trọng, “Thưa vâng, cô chủ.”
“Và tiếng khóc,” Desiree tiếp tục, “to lắm… chói cả tai. Anh Armand, có bữa, từ tận chòi của bà La Blanche còn nghe tiếng khóc của nó cơ đấy.”
Bà Valmonde không hề rời mắt khỏi đứa bé trai. Bà ôm nó lên, bước lại phía cửa sổ để nhìn nó cho rõ. Bà săm soi, nhìn ngắm thằng bé từng ly từng tí, khắp người nó không sót chỗ nào, sau đó bà hướng ánh mắt về phía Zandrine - người đang quay mặt ra cánh đồng - nhìn một cách chăm chú.
“Ờ, thằng bé lớn hẳn, thay đổi nhanh quá,” giọng bà Valmonde chậm rãi khi đặt đứa bé trở lại bên cạnh mẹ nó. “Armand nói gì?”
Gương mặt Desiree rạng ngời hạnh phúc.
“Ồ, con tin anh Armand là người cha tự hào nhất xứ đạo bởi nó là một bé trai mang họ anh ấy. Mặc dù anh ấy không nói ra, chỉ bảo rằng con gái thì anh ấy cũng yêu như vậy. Nhưng con biết sự thật không phải. Con biết anh ấy nói thế để con vui thôi. Mà này, mẹ,” cô kéo người bà Valmonde xuống, nói thầm, “Anh ấy đã không trừng phạt ai hết kể từ khi con sinh thằng bé. Ngay cả Negrillon, người giả vờ bị bỏng chân để trốn việc mà anh ấy chỉ cười và nói, Negrillon là đệ nhất tinh quái. Ồ, mẹ, con quá hạnh phúc; điều đó khiến con lo sợ.”
Những gì Desiree nói là sự thật. Kết hôn, rồi có con trai đã làm tính khí Armand Aubigny dịu hẳn, bớt khắt khe, độc đoán so với trước rất nhiều. Đây là điều đem lại niềm vui và hạnh phúc cho cô gái Desiree hiền hậu, bởi cô yêu anh một cách chân thành, đậm sâu. Khi anh cau mày, cô run rẩy, nhưng vẫn yêu anh. Khi anh mỉm cười thì không có gì làm cô vui hơn thế. Từ ngày yêu nhau, đến với nhau, gương mặt Armand ít xuất hiện vẻ cáu gắt, khó chịu hơn trước nhiều.
Khi em bé được khoảng ba tháng tuổi, một ngày nọ Desiree cảm nhận có điều gì đó không ổn - một mối đe dọa cho sự bình yên - dù rất mơ hồ. Đầu tiên nó quá mờ nhạt để nắm bắt, chỉ là cảm giác bất an. Những người da đen có vẻ là lạ như đang che giấu điều gì; những chuyến thăm bất ngờ của khách khứa, hàng xóm ở xa mà cô khó hình dung và cũng không mong đợi họ đến. Rồi đến sự lạnh lùng, xa lánh, một sự thay đổi ghê gớm trong lối cư xử, thái độ chồng cô mà cô thì không bao giờ dám hỏi. Khi nói chuyện với cô, anh không nhìn cô và ánh mắt thì xa vắng không có chút ánh sáng tình yêu. Anh thường xuyên vắng nhà, tránh mặt vợ con mà không cần lý do. Đột nhiên lối cư xử của anh với những người nô lệ rất tệ hại, ác độc cứ như anh lại bị quỷ ám. Desiree đau khổ tột cùng. Chắc cô chết mất.
Đó là một buổi chiều nóng bức ngột ngạt và Desiree, trên người khoác chiếc áo choàng tắm, đang ngồi gỡ mái tóc ướt. Cô hững hờ luồn ngón tay vào mái tóc dài nâu mượt mà của mình để gỡ cho những búi tóc rối đổ xuống bờ vai. Em bé mình trần nằm ngủ trên giường gụ lớn của hai mẹ con - loại xa xỉ dành cho vua chúa - với màn trướng láng mịn, trang trí kỳ công, lộng lẫy. Một trong những đứa con trai, lai một phần tư da đen, của bà La Blanche - cũng đang đánh trần - đứng phe phẩy cái quạt lông công cho mát em bé. Desiree uể oải, buồn rầu hướng ánh mắt lơ đãng về phía đứa con, trong khi cô đang cố bình tâm để nhìn thấu màn sương tăm tối mà cô cảm nhận nó đem theo mối đe dọa lởn vởn quanh mình. Cô nhìn con rồi nhìn thằng bé đứng bên cạnh, và ngược lại ; hết lần này đến lần khác. “Á!” - cô buột miệng. Đó là một tiếng kêu không thể kìm lại: cô vô tình thốt ra. Máu như đông cứng trong huyết quản, cô lạnh toát cả người, gương mặt rịn ướt.
Lúc đầu cô định nói điều gì đó với thằng bé người lai, nhưng không thể thốt nên lời. Rồi khi thằng bé nghe gọi tên, nó nhìn lên thì thấy bà chủ của nó đang chỉ tay ra cửa. Nó đặt cái quạt mềm mại to đùng sang một bên rồi ngoan ngoãn nhón chân trên sàn nhà láng bóng bước ra ngoài.
Cô chết lặng, ánh mắt dán chặt vào đứa con, và gương mặt lộ rõ nét thẫn thờ, sợ hãi.
Ngay lúc đó, chồng cô vào phòng - không hề để ý đến cô - đi thẳng đến bàn, lục tìm tài liệu, giấy tờ.
“Armand,” cô gọi anh, giọng đau đớn. Nếu anh còn tí lương tâm, chút tình người, chắc hẳn tiếng gọi của cô sẽ nhói tâm can anh. Nhưng anh không quan tâm. “Armand,” cô lại gọi. Sau đó cô đứng dậy, lảo đảo bước về phía anh. “Armand,” cô hổn hển, nắm chặt cánh anh, “hãy nhìn con chúng ta. Thế này nghĩa là gì? Nói cho em biết đi.”
Anh lạnh lùng nhưng nhẹ nhàng gỡ tay cô, từng ngón một, rồi hất ra. “Hãy cho em biết sao lại thế!” cô tuyệt vọng kêu lên.
“Điều đó có nghĩa là,” anh nói nhỏ, chậm rãi, “đứa trẻ không phải…da trắng; có nghĩa: cô không phải là người da trắng.”
Vụt hiện ý nghĩ duy nhất và mãnh liệt trong đầu cô: lời buộc tội ám chỉ mình quá hàm hồ, chính điều này truyền cho cô sự can đảm hiếm thấy: “Đó là một lời nói dối,” cô phủ nhận quyết liệt, “đó không phải là sự thật, tôi là người da trắng! Nhìn đi, mái tóc của tôi màu nâu; và đôi mắt của tôi màu xám tro, Armand, anh thừa biết mắt tôi màu xám tro mà. Và nước da của tôi là da trắng,” cô nắm cổ tay anh. “Hãy nhìn tay tôi này; trắng hơn của anh đó, Armand,” cô cười như điên như dại.
“Trắng như bà La Blanche,” anh nhẫn tâm ngoảnh mặt bước thẳng ra cửa, để lại cô một mình với đứa bé.
Tới khi đủ sức để có thể cầm bút, cô đã viết một lá thư tuyệt vọng cho bà Valmonde.
“Mẹ kính yêu, họ bảo con rằng con không phải là người da trắng. Anh Armand đã nói với con rằng con không phải người da trắng. Vì Chúa, mẹ hãy nói với họ là không phải vậy. Mẹ phải biết điều đó là không đúng mà. Con sẽ chết. Con phải chết. Tôi không thể khổ đau bất hạnh mà sống.”
Thư trả lời ngắn gọn:
“Desiree yêu quý của mẹ: Hãy về nhà Valmonde; về với mẹ, người yêu thương con. Nhớ ôm thằng bé về.”
Khi lá thư đến tay Desiree, cô cầm nó tới phòng làm việc của chồng. Cô mở lá thư, để trên chiếc bàn anh đang ngồi. Trông cô giống như tượng đá: im lặng, trắng nhợt, bất động sau khi cô đặt nó lên đó.
Anh lướt ánh mắt lạnh lùng theo các dòng chữ. Không nói gì.
“Tôi sẽ đi, Armand?” cô cao giọng hỏi nhưng vẫn lộ vẻ hồi hộp lẫn đớn đau.
“Đúng, đi.”
“Anh muốn tôi đi?”
“Đúng, tôi muốn cô đi.”
Anh nghĩ Thượng đế toàn năng đã đối xử tàn nhẫn và bất công với anh; và cảm thấy, bằng cách nào đó, rằng anh đang đáp trả, ăn miếng trả miếng với Ngài qua việc cứa dao vào tâm hồn người vợ. Hơn nữa, anh không còn yêu cô bởi cô đã vô tình gây tổn hại, xúc phạm ghê gớm đến thanh danh của anh và cả gia đình, dòng họ anh.
Cô lảo đảo quay lui, choáng váng như người vừa trúng đòn, và lê chân đi ra phía cửa, từng bước một, hy vọng anh sẽ gọi lại.
“Tạm…biệt, Armand,” cô rên rỉ.
Anh không trả lời cô. Đó là cú đánh cuối cùng của anh giáng lên định mệnh.
Desiree đi tìm đứa con. Zandrine theo tiễn chân, ôm thằng bé cho cô. Gian nhà u tối lùi dần sau lưng họ. Cô dừng lại, đỡ đứa con từ tay người vú em da đen, không một lời giải thích, và bước xuống con dốc, dần xa, dưới những tàn lá sồi.
Đó là một buổi chiều tháng Mười, khi hoàng hôn dần buông. Ngoài kia, trên những cánh đồng cô quạnh, những người nô lệ da đen đang thu hoạch bông vải.
Desiree đã không thay đồ, vẫn bộ quần áo mỏng, màu trắng, vẫn đôi dép lê đi trong nhà. Cô chưa kịp cột tóc, và mái tóc xõa ánh lên màu vàng nhạt khi những sợi nắng yếu ớt cuối ngày đậu xuống suối tóc nâu. Cô không theo con đường đất nện rất rộng lớn dẫn đến vùng đồn điền Valmonde xa xôi. Cô băng qua một cánh đồng hoang vắng lởm chởm gốc rạ khiến đôi chân yếu mềm của cô bầm tím. Người cô bị gai cào xước còn chiếc áo choàng mỏng rách tả tơi.
Cô biến mất trong những đám lau sậy và cây liễu mọc dày hai bên bờ của một dòng sông sâu đang lờ đờ trôi, và cô không bao giờ trở lại nữa.
Vài tuần sau đó có một cảnh tượng lạ lùng diễn ra tại L'Abri. Ở giữa cái sân sau đã được quét dọn sạch đang đốt một đống lửa lớn. Armand Aubigny ngồi trong gian phòng rộng để bao quát toàn bộ cảnh tượng và truyền lệnh. Đích thân anh điều khiển, chỉ huy sáu người da đen mang đồ ra đốt để đống lửa luôn rực cháy.
Một cái nôi liễu láng bóng xinh xắn bị ném lên giàn thiêu. Sau đó là quần áo lụa, nhung, sa-tanh kèm nhiều phụ kiện thêu ren, áo, quần, mũ trẻ nhỏ, găng tay…cả giỏ mây đồ dùng xa xỉ quý hiếm.
Món đồ cuối cùng đem ra đốt là một bó thư nhỏ; nét chữ viết vội be bé dễ thương mà Desiree đã gửi cho anh trong những ngày nồng nàn, thời gian họ tìm hiểu nhau và chuẩn bị đi đến hôn nhân. Cái còn lại, nằm sâu trong ngăn kéo ấy, không phải của Desiree. Đó là một phần bức thư cũ của mẹ anh gửi cho bố anh. Anh đọc thư. Bà tạ ơn Chúa ban phúc cho bà một tình yêu chân thành của người chồng bao dung.
“Nhưng trên hết,” bà viết, “ngày lẫn đêm, em cảm ơn Đức Chúa cao vời đã đem chúng mình lại bên nhau và nguyện cầu ơn trên cho Armand bé bỏng của chúng mình sẽ không bao giờ biết rằng mẹ của nó, người hết lòng yêu thương nó, thuộc về một chủng tộc bị khinh khi khổ nhục vì chế độ nô lệ.”./.
Nguyễn Trung dịch
(từ tiếng Anh nguyên bản Desiree's Baby)
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://tanhlinh.vn là vi phạm bản quyền