MỘT MÌNH "MỘT NGỰA" VỚI ĐÊM XUÂN
Bạn đã bao giờ nghe tiếng đất gọi? Điều ấy chỉ diễn ra khi bạn thật sự yêu quý, gắn bó với vùng đất nào đó; trở nên nhớ nhung khi đi xa, khi lâu ngày không có dịp quay lại.
Tiếng gọi
Với tôi, vùng đất Tánh Linh và rộng ra là những địa phương trên cung đường vòng chạy xuyên rừng núi ở phía Nam tỉnh có ý nghĩa như vậy. Tôi đã nhiều lần đến đó và đã nhiều lần đi tìm kiếm dấu vết của bác sĩ Yersin, con đường mà nhà bác học này từng đi qua trong chuyến thám hiểm vùng Tánh linh khoảng năm 1893 của ông; nơi ông nghỉ lại cùng đoàn tùy tùng, gồm toàn những người vùng cao, trước khi leo qua một eo núi trong dãy núi Ông đến Hàm Cần, hoặc Mỹ Thạnh ngày nay,
trước khi về đến Phan Thiết. Đã nhiều lần tôi ngồi bên cầu Tà Mỹ (xã La Ngâu) , hoặc bên cầu Đa Sô tại điểm giáp ranh huyện Tánh Linh và Hàm Thuận Bắc trên quốc lộ 55 để tìm hiểu xem nơi nào trong đoạn trên, một số trai tráng người “ thượng” lực lưỡng của nhà bác học bị cọp vồ, buộc cả đoàn phải đi nhanh, ra khỏi vùng “ sương lam chướng khí” thời đó. Dưới cầu Tà Mỹ, nước sông La Ngà vẫn xanh trong, và tôi đã ngồi lại bên cầu mong đợi người xưa; đợi trong tâm trạng của người lữ khách trong bài “Bên cầu Mirabeau” của nhà thơ Pháp nổi tiếng Apollinaire : “ Bên cầu Mirabeau nước chảy trong xanh, tháng ngày đi tôi ở lại đây”; đợi như kiểu những chàng trai vẫn đợi cô gái trong “ Đợi ” của Vũ Quần Phương: “ Anh đứng trên cầu đợi em;Dưới chân cầu nước chảy ngày đêm; Ngày xưa đã chảy, sau còn chảy; Nước chảy bên lòng, anh đợi em.
*
….. Tất cả đều đã qua, đều đã nhạt nhòa nhưng dư âm của người xưa như ở đâu đây, trên những đoạn đường tôi đi… Chính vì vậy, đất Tánh Linh, trời Tánh linh và cung đường phía Nam tỉnh, bao giờ cũng là nơi réo gọi tôi về. Chẳng gì, để chứng kiến, để nghĩ suy, để mừng vui với những gì vùng quê này có được. Lệ thường, đến cuối tháng hai, khi các loại hoa trong rừng đều nở tràn, mùa mà các chàng trai K’ho, Rắc Lây, Chăm… của các thôn làng phía Nam như: Mỹ Thạnh, Hàm Cần ( Hàm Thuận Nam); Tân Quang ( Hàm Tân); Lạc Hà (Thị Trấn Lạc Tánh)… đổ xô vào rừng tìm mật ong thì tôi mới lên đường, rồi theo đường lên thôn Đaguri, xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc. Tại đó, tôi đôi lần tìm đến sân bay dã chiến ở trên một ngọn đồi, nơi những người xây dựng thủy điện Hàm Thuận –Đa Mi từng đón những chiếc trực thăng chở chuyên gia Nga đến làm việc. Trên sân bay dã chiến đó, tôi phóng tầm mắt nhìn xuống vùng nuôi cá tầm của công ty Tầm Long để cảm nhận sức sáng tạo của con người, cảm nhận vẻ đẹp mơ màng mang dấu Nga trên vùng cao của huyện miền núi phía tây Bình Thuận… và nghĩ suy.
Lên đường
Thế nhưng năm nay, từ giữ đêm mùng 4 tết, lúc mà nhiều người còn say giấc nồng, “đất” và Tánh Linh đã gọi tôi. Trong căn phòng nhỏ ở Phan Thiết, nơi tôi trốn người thân lặng lẽ với cuốn tiểu thuyết của mình, đất dục tôi lên đường. Và, tôi không cưỡng lại được, cưỡng lại một điều rất mơ hồ nhưng mạnh mẽ, hơn cả một ai đó thân thiết gọi tôi. Chẳng cần biết mình chưa chuẩn bị, tôi thu xếp lên đường. Mấy bộ quần áo, chiếc máy tính trong ba lô, lúc 3 giờ 30 phút sáng, tôi bước ra khỏi phòng. Đêm không hề lạnh, và không khí gần sáng thật nhẹ, mang lại cảm giác thư thái. Vào thời khắc ấy, cầu Trần Hưng Đạo ngủ trong ánh sáng đèn đêm, say ngủ nhưng không kém phần rực rỡ, một vẻ đẹp chỉ có trong những ngày xuân, khi mà người của công ty Công trình Đô Thị Phan Thiết trước đó đã kết lên hai bên thành cầu những tấm lưới đèn nhấp nháy sáng; những câu chúc: happy new year 2013 điện tử bên trên mặt cầu. Một mình qua cầu trong một đêm xuân, không khỏi xôn xao, tôi dừng xe trên thành cầu, lầm thầm với dòng sông Cà Ty lời chúc Hạnh Phúc, trước khi thực sự lên đường.
Một mình, “một ngựa”
Khó có cảm giác nào giống cảm giác lạ lẫm, hân hoan như tôi trải qua vào buổi sáng ấy, lúc mà ngày tết chưa qua và con người còn muốn hưởng thêm những ngày vui tiếp theo. Bởi vậy, tôi cố tình chạy chậm dù đường vắng. Khi đến Hàm Thuận Nam, một huyện có trên 3000 ha thanh long, một trong những trung tâm thanh long của Bình Thuận thì đường trở nên sáng hơn bởi nông dân các xã dọc đường không quên chong đèn trái vụ, chờ bán thanh long sau tết. Cả một đoạn dài hai bên đường sáng rực, tựa sao sa. Lúc này, tôi nhớ đến V, đang ở Cali ((Mỹ). Cách đây vài năm, đang làm ăn tại Thị xã La Gi, nhà hai ba cái mặc tiền, anh sang Mỹ theo diện đoạn tụ gia đình. Ở xứ người, anh thức dậy lúc 3 giờ sáng, mang cà phê, thức ăn lên xe, chạy đúng 150 km đến sở làm. Ngồi trên xe một mình dong ruổi, qua những vùng có nhiều ánh sáng đèn đường, V thường nhớ tới những vườn thanh long dọc theo huyện Hàm Thuận Nam mà khi có việc đi về Phan Thiết, anh từng trông thấy. “ Rất nhớ quê, nhưng phải lâu mới gặp lại bởi con phải làm để trả nợ bên này”- anh nói vào một đêm sắp sang xuân, giọng có phần ngạt đi trong máy điện thoại. Con người xa quê đó đang nhớ và tôi đang chạy xe qua miền nhớ của anh. Hởi những người trẻ, sau này khi đi xa, nhiều bạn sẽ nhớ như V nhớ. Nỗi nhớ sẽ dịu dàng hoặc quay quắt thì tùy theo tạng người nhưng sẽ không bao giờ bạn quên cái ánh sáng ven đường ấy, nó rực rỡ và gợi cảm lắm; là ánh sáng mang vẻ đẹp của người Bình Thuận, một vẻ đẹp chỉ mới xuất hiện gần hai mươi năm nay nhưng đủ làm người Bình Thuận tự hào với nó. Tôi chạy xe thật chậm, cố gắng ghi nhận vẻ đẹp của con đường sáng sớm đầu năm, vì vậy đến ngã ba Tân Minh thì một ngày mới đã bắt đầu.
Gặp lại Tà Mỹ
Ngã ba Tân Minh, lâu nay đã thành ngã ba lưu luyến đối với bao người. Từ đây, một đường đi thẳng về thành phố Hồ Chí Minh, một đi về Tánh Linh, lên Đức Linh, hoặc rẻ qua quốc lộ 55 lên Đa Mi, lên Bảo Lộc (Lâm Đồng). Đã có hàng ngàn người nấn ná, lần chần, bịn rịn ở cái ngã ba này, vô hình trung ngã ba trở thành điểm thuận tiện cho dân địa phương mở hàng họ kiếm sống. Sáng hôm ấy, tôi tới ngã ba, cửa hiệu bún bò Huế ngon nhất, nhì ở huyện Hàm Tân, bên trái đường về thành phố Hồ Chí Minh đã mở cửa bán đầu năm. Tại đây, khoảng chục thanh niên nam, nữ ăn sáng vừa xong, chuẩn bị du xuân thác Bà, một trong thắng cảnh của núi Ông. Trước khi đi, họ rủ nhau mua một ít quýt đường của mấy nhà vườn bên một chiếc cầu bê tông vừa mới làm, thay cho chiếc cầu sắt cũ kỹ có mấy mươi năm tuổi thọ bắt qua một dòng suối thường xuyên xuất hiện lũ cuốn vào mùa mưa. Đầu năm, nhà vườn không nỡ bán đắt cho cánh thanh niên. Một chủ nhà vườn nói: “ Bán cho các cháu rẻ một ít, chứ lát nữa chú chở hàng vô Tánh Linh thì không phải giá 20 ngàn một kg đâu!”. Qua cách nói của chủ vườn thì con đường 710 tôi đang đi về Tánh Linh có đoạn rộng trên 12 m, gấp đôi mặt đường cũ,“ xe chạy êm re và thật thoải mái!”. Đã có một thời gian tôi không đi trên con đường nầy bởi vậy không khỏi háo hức.. Tôi nhớ khi bắt đầu thiết kế đường, người ta đã gắn cho nó nhiệm vụ: góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội ở hai huyện phía Nam tỉnh, tạo sự liên kết vùng giữa các tỉnh Nam Tây Nguyên, và qua đó Bình Thuận càng thêm cơ hội phát triển.. Không vội vàng như cánh thanh niên, tôi đi dọc theo đường 710, rẻ vào quốc lộ 55 nối dài để rồi gặp lại cầu Tà Mỹ vào lúc ban trưa. Dưới cầu, nước vẫn xanh trong, rạt rào chảy về phía đông, rồi bị chận lại cách đó hơn 1 cây số, nơi có hệ thống đập dâng Tà Pao đang hình thành, cung cấp nước ổn định cho cánh đồng của Tánh Linh và Đức Linh trong những năm tới. Tôi lại dừng bên cầu. “ Anh đứng trên cầu đợi em;
Đứng một ngày đất lạ thành quen; Đứng một đời em quen thành lạ; Nước chảy...Kìa em, anh đợi em!” Các cô gái của xã La Ngâu bên cầu Tà Mỹ trưa ấy đều bận rộn trong những rẫy bắp lai dọc theo triền sông. Không có ai để họ nghe được tâm sự, những lời nhớ thương… Không có ai… tôi lại bắt đầu đi vào 20km quốc lộ 55 mới làm, lại qua cầu Đa Sô trước khi chạy xuyên cánh rừng, dãy núi thuộc phần kéo dài ra biển của Trường sơn Nam, đến ngã ba thôn Daguri, xã Đa Mi huyện Hàm Thuận Bắc. Nơi đó, có đường dẫn lên Bảo Lộc, đường về Phan Thiết. Sẽ có một đêm ngủ lại ở cái thôn rừng núi ấy. Ở đó, đêm xuống tôi có thể nghe tiếng xe chở cá tầm của công ty Tầm Long, chở cá về Phan Thiết hoặc đi Bảo Lộc …
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://tanhlinh.vn là vi phạm bản quyền