Màu nắng thủy tinh
Thứ năm - 11/04/2013 20:24
Màu nắng thủy tinh
Tháng tư, những người yêu nhạc Trịnh ắt hẳn sẽ không bao giờ quên ngày 01/4 và họ thường lục tìm trong ký ức về một sự liên hệ nào đó giữa mình với cuộc đời này thông qua dòng nhạc Trịnh. Tản văn sau đây của Nguyên Tài có lẽ cũng bắt nguồn từ đó, tanhlinh.vn xin giới thiệu cùng các bạn.
Ngày ấy, mãi đến năm 4, gã mới chen chân vào được ký túc xá để hưởng thụ chút “cuộc sống sinh viên” muộn màng theo đúng nghĩa. Ký túc xá trường được xây dựng từ đời tám hoánh nào, đang chứa chấp trong lòng hơn ngàn trái tim khát vọng, cháy bỏng, mơ ước về cuộc đời, về tương lai và tất nhiên… trong đó có tình yêu.
Ai đã từng trãi qua đời sinh viên ký túc xá đều biết việc kết nghĩa giữa phòng này và phòng khác, nhất là phòng nam và phòng nữ. Mục đích kết nghĩa có rất nhiều, để giúp đỡ nhau trong học tập, sinh hoạt hàng ngày, để tương trợ lẫn nhau lúc khó khăn và nhất là để… tìm kiếm tình yêu.
Phòng của hắn kết nghĩa với phòng nữ lầu 1. Kết nghĩa thì phải có buổi ra mắt giao lưu, hoa quả, đàn hát, chuyện trò… Đêm giao lưu tại phòng nữ, hắn đảm nhận phần đệm đàn guitar cho mọi người. Nói chung đủ mọi thể loại nhạc: slow, bolero, slow rock, surf…; đủ loại tiết mục: đơn ca, song ca, tam ca, ngũ ca, tập thể ca…; thiếu nhi, nhạc trẻ, cách mạng, ca cổ đều được đêm giao lưu đem ra sử dụng bằng hết. Tất nhiên, gã ôm đàn tưng tửng từng tưng cố gắng đáp ứng tất cả mọi yêu cầu thể loại, bài hát, nhạc điệu mà ca sĩ chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư đưa ra.
Gần cuối buổi, cô gái đẹp nhất nhì phòng nữ cất giọng thỏ thẻ: “Em xin hát bài Nắng thủy tinh”. Gã nhướng đôi mắt về phía cô gái dễ thương, giọng ngập ngừng: “Ờ… em hát bài … Nắng thủy tinh hả… ”. Cô gái thỏ thẻ nhẹ nhàng, nhưng gã nghe như trong tiếng gió có luồng công lực bay véo véo rít vào tai “Dạ bài Nắng thủy tinh của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ạ…”. “Ừ ừ Trịnh… Công… Sơn”. Giọng gã ngập ngừng, áo đã ươn ướt mồ hôi. Nhớ từ dạo vác cây guitar “phiêu bạc giang hồ” đến giờ, trong gu nhạc của mình, gã chưa đánh bài nào nhạc Trịnh cả. Đó là nói theo cách nhẹ nhàng. Nói thẳng tưng ra thì hắn dốt nhạc Trịnh, không thích chơi nhạc Trịnh. Đang suy nghĩ không biết làm thế nào trước yêu cầu của cô gái dễ thương thì hắn bị bồi thêm một cú chưởng nữa: “Dạ anh đàn được không ạ…”. Mọi người nảy giờ im lặng và đang lắng nghe từng lời đối thoại giữa “đàn sĩ nửa mùa” và hoa khôi phòng nữ. Anh trưởng phòng ngồi bên cạnh thúc cùi chỏ vào hông gã thầm thì “Sao chú, có chơi được không, đừng làm mất mặt anh em”
Máu giang hồ vặt gã nổi lên, từng đánh đông dẹp bắc, oanh liệt vẻ vang, chẳng lẽ gục ngã một cách lãng xẹt. Đàn không được thì cũng phải ráng bứt dây mà đàn. Gã nghĩ thầm rồi ngẩng cao đầu liếc người đẹp: “Em hát đi”.
Màu nắng hay là màu mắt em
Giọng hát trong veo buông nhẹ nhàng. Gã lần mò tìm hợp âm trưởng mở đầu bài nhạc buông nhẹ phím. Có tiếng xuýt xoa nho nhỏ. Gã đang tập trung tất cả thần trí để nghe người đẹp hát mà đệm cho đúng, chẳng biết tiếng xuýt xoa khen giọng hát hay khen tiếng đàn, hoặc khen cả hai…
Mùa thu mưa bay cho tay mềm
Chiều nghiêng nghiêng bóng nắng qua thềm
Rồi có hôm nào mây bay lên…
…
Mỗi lần nằm cạnh bên nhau, nhớ lại buổi đầu tiên gặp gỡ, nàng lại hỏi chồng: “Có thiệt lúc đó anh không biết nhạc Trịnh cũng như bài hát Nắng thủy tinh?”. Chàng ôm vợ, dụi mặt vào mái tóc mềm hít sâu, nói trong hơi thở hổn hển: “Thật đấy”. Nàng đẩy chồng ra, ánh mắt mang màu nắng thủy tinh long lanh: “Anh xạo, vậy sao anh đàn được”. Chàng cười khì: “Chắc là do… anh yêu em ngay từ lúc lần đầu nhìn sâu vào mắt…”. “Mắt em có gì mà nhìn…”. “Mắt em có màu nắng thủy tinh”…
Chiếc máy hát nhỏ bên cạnh khe khẽ vang lên điệu nhạc quen thuộc.
Chiều đã đi vào vườn mắt em
Mùa thu qua tay đã bao lần
Ngàn cây thắp nến lên hai hàng
Để nắng đi vào trong mắt em
Màu nắng bây giờ trong mắt em
Tác giả bài viết: Nguyên Tài
Nguồn tin: tác giả gởi cho tanhlinh.vn