Truyện ngắn của Nam Hưng: TÌNH YÊU ĐẦU ĐỜI
Hoài trải qua ba mối tình, thế nhưng anh vẫn muốn gọi lần thứ tư của mình là tình yêu đầu đời bởi nó là cái mà những người đang yêu hay gán cho - dĩ nhiên Hoài cũng không là ngoại lệ.
***
Hoài làm ở một cơ quan cấp huyện, thi thoảng vẫn được đi đây đi đó qua những đợt tập huấn trong và ngoài tỉnh. Lần này Hoài đi tập huấn ở Đà Lạt, kể cả ngày đi ngày về nữa là chẵn một tuần.
Sau mấy ngày làm việc căng thẳng, Ban tổ chức rút ngắn chương trình để mọi người còn thời gian tham quan một số danh thắng Đà Lạt. Với Hoài, tự dưng anh không muốn đi chung đoàn mà quyết định một mình đến Thiên Linh tửu quán.
Tửu quán nằm trên một ngọn đồi, nổi tiếng từ lâu. Ngoài trưng bày, giới thiệu rượu, nơi này còn như một bảo tàng thu nhỏ, lưu giữ những loại rượu của vùng Hoàng Triều Cương Thổ, những loại rượu trên thế giới từng có mặt ở Đà Lạt vài mươi năm trước.
- Anh ơi! Anh vào tham quan đấy à? Anh đi một mình hay đi với đoàn?
Một giọng nói nhẹ nhàng cất lên từ bên trong tửu quán khi Hoài vừa đặt chân đến cửa. Hoài có hơi bất ngờ với lời chào. Anh đưa mắt nhìn người phụ nữ. Một người đẹp, hấp dẫn, nếu không muốn nói là gợi cảm. Anh cũng nhận ra, ngoài người vừa hỏi anh thì chung quanh không có ai. Dường như tửu quán chưa sẳn sàng đón khách? Hoài nghĩ trong đầu. Anh giải thích mình từ vùng xuôi lên, nghe người đồn về tửu quán nên muốn đến thăm. Người phụ nữ gật đầu sau nụ cười có phần chúm chím.
- Em là Xuân, thuyết minh ở đây.
Xuân nói, kể từ lúc Hoài leo lên đồi, cô đã trông thấy anh. Ngừng một lúc cô tiếp, thỉnh thoảng tửu quán có vài ngày vắng khách. Hôm nay có thể là một ngày như thế, vì vậy, nếu Hoài muốn tìm hiểu kỹ các loại rượu trong bảo tàng, cô sẽ giúp.
Hoài gật đầu. Anh bảo, ngoài việc tìm hiểu về rượu, còn muốn biết đôi chút về Đà Lạt. Xuân khẻ nhíu trán. Có một chút gì đó lưỡng lự hiện lên trên nét mặt Xuân, nhưng sau đó cô trở lại nét tươi tắn. Xuân nói sau khi anh xem rượu, nếu không có gì đột xuất, cô sẽ đưa anh đến những nơi anh cần, nhưng chỉ trong thành phố, bởi chiều tối cô còn một chút việc phải làm.
***
Như cam kết từ ban sáng, chiều hôm đó, Xuân đưa Hoài đi thăm vài cảnh đẹp của Đà Lạt. Trời lấm tấm mưa. Xuân bung chiếc ô nhỏ cầm theo suốt buổi chiều. Họ đi bên cạnh nhau. Mùi thơm dìu dịu tỏa ra từ mái tóc Xuân làm anh ngây ngất, dĩ nhiên đó là mùi thơm của thứ dầu gội vẫn hay quảng cáo trên TV. Thánh thật, họ nghiên cứu đến cả khứu giác của con người và đáp ứng một cách thật trọn vẹn, đầy đủ. Hoài bất giác mỉm cười như thú nhận cái mùi thơm trên tóc cô thật vô cùng quyến rũ.
- Đưa anh cầm dù cho.
- Không, của em, em cầm. Em không trao cho ai bất cứ thứ gì khi chưa biết rõ về người đó.
- Ghê nhẩy.
Hoài nhại giọng nữa Bắc nữa Trung của người Đà Lạt nhưng những âm nhấn có phần đậm chất Bắc hơn. Không hiểu sao, mới gặp mà Hoài đã thấy giọng nói này thân thuộc lắm rồi.
- Có gì đâu mà ghê. Thế chẳng phải dzậy sao?
Xuân dẩu môi tinh nghịch. Muốn cắn một cái quá đi thôi, nhưng không được. Hoài biết phải như thế nào mới có thể chạm được vào đôi môi quyến rũ kia? Họ vẫn đi bên nhau. Hoài nói:
- Từ lúc đi với nhau tới giờ, em cũng chưa hỏi gì về anh?
Xuân cười nhỏ:
- Chỉ biết anh ở Phan Thiết. Cái xứ sở nước mắm tỉn đấy thôi!
“ Tỉn” là vật dụng hình dáng như chiếc lu nhỏ, được người Phan Thiết dùng chứa nước mắm, vận chuyển đi bán khắp nơi từ mấy mươi năm trước. Tỉn nước mắm tuy được hàn bằng xi măng non trên nắp để nước mắm không trào ra nhưng cái mùi nước mắm khó mà át đi được, nước mắm bám vào quần áo, tóc tai nên người bán nước mắm tỉn đến đâu, mùi nước mắm bay tới đó. Ngày nay chẳng mấy ai chứa nước mắm trong tỉn, nhưng quê hương nước mắm tỉn thì còn hoài với thời gian. Hoài hiểu Xuân nói như thế là có phần chọc anh. Hoài cốc nhẹ vào vai Xuân. Cái cốc không đủ đau nhưng người phụ nữ cũng co vai lại, cười dòn. Xuân nói khi hai người bước xuống triền cỏ xanh đang ướt lướt thướt vì nước mưa bụi.
- Phan Thiết từng có tỉn nước mắm!
- Mà tỉn thì có làm sao?…
- Để đựng nước mắm…. tho.o.o ối.. hì hì….
- Nước mắm thôi…
- Vâng, nước mắm….. thooo ối…
- Thôi!!!
- Thối!!!
Lần này Xuân cười ngặt nghẽo và chạy ra xa để Hoài bị ướt. Hoài lao theo. Chiếc dù có lúc khựng lại một lúc rồi dường như chính việc Hoài đuổi theo làm cho chiếc dù muốn lao dốc nhanh hơn. Còn Hoài, trong một buổi chiều mưa rơi nhẹ như thế này được đuổi theo một phụ nữ trẻ đẹp khi cả hai đang ở triền một triền đồi là hình ảnh đầy thi vị và phấn khích. Hoài quên nước mưa đã ướt lâm thâm vai áo. Chân Hoài nhanh hơn, mắt Hoài mỗi lúc một gần hơn với cái màu đỏ của chiếc dù đi mưa khi nó bị gió hất ngược về sau bởi đà chạy của Xuân. Khi chỉ còn cách chiếc dù một cánh tay, Hoài đưa tay chộp lấy chóp dù, điều đó làm Xuân ngã giật về sau rồi cả người trôi theo triền cỏ ướt. Hoài có phần bất ngờ. Anh buông dù lao theo. Hai người, một trước một sau như đang trượt đồi cỏ. Có điều khác với trượt đồi cỏ là những tiếng hét phấn khích cất lên còn đàng này là sự im lặng. Chưa ai biết phía dưới triền đồi kia có gì?
Hoài nhớ rằng khi trôi xuống tận đáy triền đồi thì cả hai đều ngả lăn tròn. Chiếc áo Xuân mặc ướt đẩm nước, dính đầy cộng cỏ, dán sát vào da thịt. Mặt Xuân tái nhợt, môi dưới có một chút máu tươi ứa ra. Có lẽ do một phần cánh tay của Hoài chạm vào cũng nên? Nhìn người phụ nữ vì mình mà bị sự cố, lòng Hoài chùng xuống. Trong một phút không định trước, anh dang hai cánh tay ôm chầm lấy Xuân như một sự che chở. Hai gương mặt lấm tấm những mẫu cỏ nát nhừ trên làn da có phần tái nhợt, nhìn nhau, rồi bất thần Xuân gục đầu vào vai anh thút thít. Hoài biết Xuân vừa trải qua cảm giác lo sợ khi bị trượt đi mà không có gì để bấu víu. Tiếng khóc của người con gái làm bùng lên trong Hoài bao tình cảm thương yêu, quý mến, muốn sẻ chia. Hoài nâng mặt Xuân lên, nhìn vào làn môi ứa máu rồi chầm chầm hôn lấy. Xuân có phần bất ngờ, nhưng rồi môi cô cũng hé ra. Trời dường như không còn mưa, hai thân thể bừng bừng hơi nóng, mỗi lúc một siết lấy nhau, dán vào nhau.
***
Đúng theo lịch thì Hoài sẽ phải rời Đà Lạt trong sáng nay, thế nhưng những gì xảy ra chiều qua đã níu chân Hoài thêm một chiều nữa. Buổi chiều trời vẫn mưa, còn bên trong căn phòng trọ cuộc mây mưa của hai người kéo dài khá lâu cho đến khi Xuân kêu lên:
- Ối, thôi chết rồi, em còn phải đón con.
Nhìn ra ngoài trời, Hoài lo lắng thật sự, nhưng cũng ráng trấn an Xuân.
- Không sao đâu, chắc mấy cô giáo đã đưa giúp về nhà rồi.
- Mấy cổ biết nhà đâu mà đưa. Thằng nhỏ không thấy em, chắc nó khóc suốt…
Hoài hiểu ra Xuân còn nhiệm vụ của một người mẹ. Hoài nói:
- Đi cẩn thận đó. Có gì trục trặc thì điện cho anh!
***
Còn lại một mình trong căn phòng nhỏ, Hoài mở cửa tủ để mặc lại áo quần thì thấy chiếc xắc nhỏ bằng vải thổ cẩm của Xuân bỏ quên. Thôi, cứ để đó rồi tính sau. Xuống quầy lễ tân để gởi chìa khóa phòng Hoài còn phát hiện thêm việc Xuân quên lấy thẻ Chứng minh nhân dân. Thôi cứ để đó từ từ tính.
Tối hôm đó Xuân đã không điện cho anh, Hoài nghĩ mọi chuyện đã ổn, có nghĩa là không trục trặc gì nhưng lại vừa mong điện thoại của cô. Nhớ cái xắc nhỏ Xuân bỏ quên trong tủ, Hoài tò mò lục xem để biết thêm về Xuân, vả lại cũng là để kiểm chứng những gì hai người đã từng tâm sự. Anh giật mình khi thấy tờ giấy kết quả xét nghiệm HIV… Hoài rụng rời. Nhưng sau đó Hoài có phấn trấn tỉnh khi tên giấy tờ không phải tên Xuân mà là cái tên lạ hoắc: Hlinh Mlo Duon Su Ami. Kết quả: Dương tính, phơi nhiễm HIV. Ôi, lạy trời, nếu quả là của Xuân thì hổng biết phải làm sao. Chắc chết quá!
Đêm đó Hoài ngủ ngon. Hôm sau sáng bảnh mắt anh mới thức giấc. Sau khi vệ sinh cá nhân, anh gọi cho Xuân bảo trở lại khách sạn để lấy chứng minh nhân dân và chiếc xắc nhỏ cô bỏ quên. Xuân bảo anh mang dùm qua Thiên Linh tửu quán vì cô phải đi làm sớm, hôm nay tửu quán đón khách Tây.
Một lần nữa Hoài sởn tóc gáy, một luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng khi cầm thẻ Chứng minh nhân dân mang tên Hlinh Mlo Duon Su Ami. Hay đây là tên chính thức của Xuân khi cô nói chiều qua trong lúc đi dưới mưa: “Anh có tin em là người Ê Đê?”. Không thể chờ thêm được nữa, Hoài gọi ngay cho cô, rằng thẻ Chứng minh nhân dân tên Su Ami có phải là của em không? Giọng Xuân chắc nịch, của em gái em đó. Nó đưa em nhờ đi công chuyện nên em gởi luôn ở lễ tân cho tiện. Vậy là đã rõ, phiếu in kết quả xét nghiệm và chứng minh nhân dân là của cùng một người, nhưng điều quan trọng hơn hết - người đó không phải là Xuân.
Hoài nhờ cô lễ tân gọi tắc xi. Xuân mặc trang phục dân tộc, tóc thắt bím đong đưa, nhí nhảnh ra tận cổng Tửu quán đón anh để lấy chiếc xắc của cô. Hoài chăm chú nhìn cái thẻ Hướng dẫn viên có in hình và dòng tên Hlinh Mlo Duon Su Ami. Có nhầm được lần nữa không hả trời. Chính xác là cái tên đang đeo trên cổ Xuân với dòng tên trên phiếu xét nghiệm là một. Chân Hoài như muốn khuỵu xuống, anh không thể đứng vững được nên tựa người hẳn vào thân xe tắc xi. Xuân như không để ý đến thái độ của Hoài vì mới vừa gọi điện cách đây vài phút, cô đón lấy cái xắc và tiện tay thụi vào bụng anh một cái thay cho cái bắt tay rồi quay người thoăn thoắt vào trong.
Hoài chui vào xe và nghĩ không còn lối thoát nào nữa rồi. Anh bấm điện thoại cho Xuân để hỏi cho ra cái tên Hlinh Mlo Duon Su Ami thật ra là tên ai. Còn ai nữa khi mà chính mắt anh thấy cô đeo chiếc thẻ ấy ngay trước ngực. Chuông reo mấy bận nhưng không thấy Xuân nghe máy…
Hoài sụp đổ hoàn toàn. Thế là hết!
Chợt chuông reo, Hoài vội vã nghe máy:
- Anh hả, nãy giờ em bận đón khách. Buồn cười quá, mấy ông Tây cứ gọi em là A Mi, Ami… cười chết đi được. Sáng nay vội quá em lại mang nhầm cái thẻ của nhỏ em…
- Nhầm gì mà nhầm lắm thế. Em là Xuân là Su Ami chứ còn nhầm cái gì. Anh cũng đã đọc cái giấy báo kết quả xét nghiệm ấy rồi. Em giết anh rồi!!!
***
Hoài lang thang mãi ngoài bến xe, dáng mờ lẫn trong những lốc bụi mờ đỏ đất ba-zan. Điếu thuốc trên tay cháy gần hết, Hoài vẫn mặc, về đâu, câu hỏi cứ đau đáu trong lòng. Bắt vội một chiếc xe, Hoài nhảy lên, dẫu chưa kịp đọc chuyến xe ấy đi Bình Thuận hay Ninh Thuận. Lòng tan nát, Hoài trơ dập khi đọc tin nhắn từ điện thoại của Xuân: “Anh tin em hay tin vào những tờ giấy vớ vẩn ấy? Cám ơn anh đã chia sẻ cùng em những ngày qua!”
Đúng là không thể tin nổi. Hoài nhìn ra cửa kiếng xe, xe sắp băng qua đèo Bảo Lộc, một suy nghĩ thoáng qua trong đầu hoài: ước gì chuyến đi này thật dài. Hoài sợ đối mặt với thực tế./.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://tanhlinh.vn là vi phạm bản quyền