Một góc thị trấn Lạc Tánh
Từ quốc lộ 1A, rẽ đường 55, chạy thêm khoảng 40 cây số nữa thì đến phố núi Lạc Tánh, thị trấn trung tâm huyện lỵ Tánh Linh, là đô thị loại 5 nhưng không hề mờ nhạt trên bản đồ kinh tế, văn hóa tỉnh nhà.
Không phố thấp phố cao, dốc dài dốc ngắn rõ rệt như những phố núi khác, thị trấn lọt thỏm giữa ngàn xanh, giữa núi đồi và ruộng vườn sum suê. Cả tỉnh chỉ Lạc Tánh là thị trấn duy nhất có đến 11 dân tộc anh em đang sinh sống, mà cũng lạ, với 13 xã của huyện Tánh Linh bà con dân tộc thiểu số vẫn tập trung nhiều nhất ở thị trấn này. Ấn tượng ban đầu trong tôi rằng Lạc Tánh giống một làng buôn sầm uất hơn là phố thị nhưng khi ở lại, tiếp xúc, quan sát, tìm hiểu sâu và thật sự sống cùng mọi người quanh khắp thị trấn thì tôi lại thấy nơi đây là một phố thị chính hiệu với đầy đủ bề dày văn hóa, nếp sống văn minh đô thị và hệ thống chính quyền năng động. Rất nhiều điều thể hiện đây là làng nhưng cũng rất nhiều điều thể hiện đây là phố, gọi là làng trong phố, phố trong làng vậy.
Phố trong làng
Thị trấn Lạc Tánh thành lập ngày 15/6/1999 nhưng phải đến 5 năm gần đây mới thực sự khởi sắc. Cùng đứng với chúng tôi ngay trên con đường vừa trải nhựa dọc hai bên bờ kè ở trung tâm thị trấn, Ông Trương Duy Tuấn, Chủ tịch Ủy ban thị trấn cho biết: “Cấp trên quan tâm đặc biệt đến thị trấn, từ việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông nội thị, giao thông nội đồng đến việc hỗ trợ chăm lo phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế... Cùng với sự chung lòng chung sức của người dân mà trong 5 năm gần đây Lạc Tánh khởi sắc hẳn lên, một cuộc khởi sắc thực chất xứng đáng với tên gọi thị trấn về mọi mặt”.
Lạc Tánh nhỏ nhắn nhưng đường phố khang trang, sạch đẹp. Dọc theo hai bên đường Trần Hưng Đạo là những hiệu buôn, dịch vụ lớn nhỏ chen nhau như những thị trấn khác nhưng ở đây có gì đó nhẹ nhàng, yên tĩnh hơn, cả nơi những tiệm ăn người ra kẻ vào cũng nhã nhặn, từ tốn. Thị trấn Lạc Tánh vài năm trở lại đây có bước chuyển mình đáng kể, bộ mặt đô thị dần dần khang trang hẳn ra. Khu dân cư mới bên bờ sông Cát được hình thành từ dự án mở rộng khu dân cư thị trấn chưa đầy 5 năm mà nhà cửa kiểu phố đã mọc lên san sát, cửa hàng cửa hiệu cũng bắt đầu mở ra nhiều hơn.
Trước đây, về Lạc Tánh tìm một quán ăn kha khá đã là khó thì giờ không phải tìm đâu xa, tiệm cơm Đại Nam, Hồng Linh hay ẩm thực N79, quán 40 sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu của thực khách, mỗi quán ăn đều có những nét riêng. Quán Đại Nam với hình thức sang trọng thì Hồng Linh lại đi sâu về chất lượng với khẩu vị miền Tây; quán N79 luôn luôn có món mới đầy sáng tạo trong ẩm thực thì quán 40 lại thiên về các món truyền thống với những đặc sản miền núi. Đặc biệt có những quán ở sâu trong hẻm nhưng đã tạo được thương hiệu, khách khảnh ăn đã tìm đến đông đúc, như quán mì Quảng mộc của chị Hương ở xóm Chùa...
Cà phê cũng đa dạng, dưới chân đồi Lồ Ồ là cà phê Đồi Xanh, giáp với đồng sông Cát là cà phê Hương Đồng, khu dân cư mới là quán Wing’s…
Chúng tôi để ý thấy lòng lề đường có vạch kẻ chia làm hai phần, phần cho người đi bộ và phần để bà con buôn gánh bán bưng có chỗ đứng ngồi với kế sinh nhai vốn đã hình thành bao đời nay. Tôi hỏi một người đi đường, cô Nguyễn Thị Kim Duyên, ở khu phố Tân Thành, cảm giác thế nào về đường sá ở đây, cô mạnh dạn nhận xét: “Trước đây, dù che của mấy hiệu buôn rất nhiều, tràn ra đường, rất khó đi, đường phố loạn xà ngầu. Sau chiến dịch trả lại trật tự an toàn giao thông phố thị, thấy thông thoáng hẳn ra, đẹp hẳn ra...”.
Đường sá nội thị cũng được đầu tư khá, nếu như trước đây nắng bụi mưa lầy thì nay các tuyến đường chính đã được trải nhựa, có điện thắp sáng công lộ, vỉa hè, cây xanh làm cho phố xá vừa đẹp vừa văn minh hẳn ra. Tuy là thị trấn nhỏ nhưng Lạc Tánh có sự hiện diện của 3 hãng taxi đó là: Sun Taxi, Xuân Minh và Tâm Trí, trong đó Taxi Tâm Trí là doanh nghiệp của địa phương Lạc Tánh. Việc đi lại trong nội thị hiện nay thuận tiện không thua bất cứ thị trấn nào.
Làng trong phố
Về văn hóa làng, về lễ hội làng ở đây thì mỗi dân tộc một kiểu: Người Tày thì có lễ hội Lồng tồng (lễ hội Xuống đồng), người K’ ho có lễ hội Nhô Lir Bông (Đón lúa về nhà), người Rai thì có lễ hội Pơ Thi (lễ hội Bỏ Mả), người Chăm có lễ hội Ka Tê, người Nùng thì có lễ hội Oóc Pò (Ra đồi cầu mưa)... Riêng người Kinh ở đây thì nổi bật là lễ hội Kỳ Yên, lễ hội này được diễn ra ngay trên đình làng Lạc Tánh có từ năm 1940. Đình làng thờ Thành hoàng Bổn cảnh và các bậc tiền hiền cũng là nơi làm việc của Ban Ngũ hương làng. Nơi đây đều đặn cứ rằm tháng hai diễn ra nghi thức tế lễ, gọi là lễ hội Kỳ Yên (Tế Xuân). Ngôi đình này đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Người dân quanh vùng luôn hướng về ngôi đình như một điểm tựa về tinh thần, tâm linh và tập trung về tham dự lễ hội như một điều không thể thiếu trong hành trình sinh sống, làm ăn và thậm chí cứ đến hẹn những người con Lạc Tánh xa hương lại quay về tề tựu.
Ở Ủy ban thị trấn Lạc Tánh, tôi hỏi vui mấy anh em cán bộ: “Chỗ mình có người nào biết 11 thứ tiếng không?”. Anh em lắc đầu cười chưa hiểu ý tôi là gì, tôi nói thêm, là tiếng của 11 dân tộc thiểu số ấy mà. “Cũng không có!”, “Chỉ cần biết tiếng tỏ tình của từng dân tộc thiểu số ở đây cũng đã khó lắm”... Cứ giả định năng lực thích ứng của cán bộ ở đây siêu đến mức biết tiếng, trò chuyện được với tất cả bằng ngôn ngữ của từng dân tộc thì mọi chuyện cũng sẽ rối tung cả lên nếu không biết rõ những điều cốt tử của điạ phương mình, đó là cán bộ phải hiểu bà con cần gì, đời sống nơi đây muốn đi lên thì cần gì. Nắm tay chỉ việc không phải là phương sách lâu dài mà phải tạo điều kiện để bà con phát huy nội lực của mình. Tất nhiên chuyện phát huy nội lực không phải ngày một ngày hai mà nên; giúp bà con học nghề, làm chủ rồi vươn lên làm giàu đã khó, giúp bà con ý thức làm việc, ý thức tiết kiệm, ý thức vun vén cho đời sống càng khó hơn. Ông Nguyễn Sơn ở Lạc Hóa, một người Kinh sống chung với bà con dân tộc thiểu số từ nhiều năm nay, nói thẳng với chúng tôi: “Không cần biết ngày mai. Không lo. Không nghĩ ngợi gì cả. Được nay là biết bữa nay thôi. Đa phần họ là vậy đó! Thay đổi được nếp nghĩ, nếp sống đó không đơn giản đâu. Giờ đỡ rồi, nhưng vẫn còn một số không nhỏ “vũ như cẩn””.
Quả thật là khó, sự quần tụ 11 dân tộc anh em ở cái thị trấn “hợp chủng” thu nhỏ này đã tạo ra sự phong phú trong đời sống dân cư, phong phú về văn hóa nhưng chính điều này cũng tạo ra những thách thức không nhỏ đối với những cán bộ tâm huyết nơi này.
Lạc Tánh có 3 khu phố đồng bào dân tộc thiểu số điển hình nhất là khu phố Chăm (người Chăm), khu phố Trà Cụ (người Rai và K’ho), khu phố Tân Thành (người Tày, Nùng, Rai). Với đặc điểm này, thị trấn trở thành địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, nhì trong huyện, chỉ sau La Ngâu, Măng Tố, là 2 xã của đồng bào dân tộc thiểu số.
Rất tình cờ chúng tôi được dự cuộc họp mặt hộ nghèo của Lạc Tánh năm nay. Bà con các dân tộc thiểu số là thành phần chính trong buổi họp mặt với 524 hộ nghèo này. Chủ tịch Trương Duy Tuấn nhắc đi nhắc lại: “Vay để có vốn làm ăn chớ không phải vay để tiêu xài. Làm thì tiền mới đẻ ra tiền, mới có cái mà trả lãi, trả gốc, mới có cái dư mà sống”.
Ông Mang Đen, người ở khu phố Trà Cụ, cho biết: “Tui vay nuôi dê với làm 5 sào ruộng, giờ chưa trả được nên không dám vay nữa. Là do lúa mất mùa chớ không phải do tui đâu nghe”.
Ông Mang Khổng, người Rai, ở phố Tân Thành, thật thà giơ tay phát biểu: “Tui xin Nhà nước cho vay để sửa lại mái nhà đang dột, cho không thì nói?”.
Cô Thông Thị Dến, người ở phố Chăm, hỏi: “Tui muốn học một cái nghề, làm mà nuôi con. Cán bộ cho tui biết học ở đâu?”...
Những bộc bạch nghĩ sao nói vậy, những câu hỏi cần thiết, cần sao hỏi vậy của bà con đã được nguyên dàn cán bộ thị trấn đang có mặt đầy đủ trên bàn Chủ tịch đoàn trả lời, hướng dẫn tỉ mỉ, cặn kẽ. Bà Lương Thị Chuyên, Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn, cho biết: “Có chuyện buồn cười nhất là các hộ cận nghèo cứ xin được thành hộ nghèo. Mình đã ra sức nói cho họ hiểu vấn đề không phải là chút quyền lợi ấy mà là lòng tự trọng, mình phải nỗ lực để vươn lên chứ, ai lại muốn mình ngày càng trượt dốc đói nghèo như thế. Đây là lần họp mặt lần thứ ba rồi, mọi người cố gắng định hướng nghề nghiệp, định hướng cụ thể sao cho phù hợp với từng hộ. Định hướng được thì việc hỗ trợ mới đem lại hiệu quả. Cũng có trường hợp biết mặc cảm, như anh Đức bị gai cột sống ở khu phố Tân Thành nhưng đa phần là “bắt cóc bỏ dĩa”, có khi phải xuống cầm tay chỉ việc thì mới xong. Vẫn biết mình chủ trương “trao cần câu chứ không trao con cá” nhưng nếu không bày cách câu, không trao cái ăn ban đầu cho dân thì cũng khó”.
Có nhiều điều nữa để nói về tính chất làng ở thị trấn này, chẳng hạn như những hũ tục, thói quen, tính bảo thủ... nhưng quả thật cái nghèo và khát khao xóa nghèo đã trở thành vấn đề cấp thiết cần được nói ra.
Làng trong phố hay phố trong làng chỉ là một cách nhìn, tôi không có ý dựa vào đó để soi hay nhận định này nọ, vấn đề của tôi là cảm nhận, là nhìn nhận những tinh hoa đọng lại, những nỗ lực vượt bậc và những đặc thù khác biệt để dẫn đến những cảm xúc riêng đối với một vùng đất. Lạc Tánh trong tôi là thế đó, là phố núi hồn làng, là lòng chảo xanh mướt lọt thỏm giữa núi non và cả những khó khăn chồng chất trong cuộc mưu sinh của người dân, nhất là những trăn trở, nỗ lực không ngừng của những người bạn, người anh của tôi trong ban lãnh đạo thị trấn.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://tanhlinh.vn là vi phạm bản quyền