NGƯỜI “TÀ RU” Ở TÁNH LINH
Người Tà Ru ở Tánh Linh không nhiều và đang có nguy cơ tuyệt chủng… Thật ra câu chuyện về người Tà Ru ở Tánh Linh ít người biết đến bởi chính bản thân họ cũng không muốn nói về mình. Có lẽ chỉ những người trong “bộ tộc” mới hiểu và chia sẻ với nhau.
Người Tà Ru ở Tánh Linh không nhiều và đang có nguy cơ tuyệt chủng… Thật ra câu chuyện về người Tà Ru ở Tánh Linh ít người biết đến bởi chính bản thân họ cũng không muốn nói về mình. Có lẽ chỉ những người trong “bộ tộc” mới hiểu và chia sẻ với nhau.
Người Tà Ru được biết đến từ sau ngày giải phóng khi họ từ Côn Đảo về, nhóm bạn tù ở Trại 1 - 6B nhà tù Côn Đảo tự nhận mình là dân tộc Tà Ru – nói lái từ “tù ra”. Ở Tánh Linh hiện còn có 02 người đó là ông Trần Nhự và ông Phạm Văn Hồng trong “bộ tộc” này. Hàng năm họ đều tụ họp thăm hỏi nhau xem ai còn ai mất. Lúc thì họp ở Cần Thơ, khi thì Vũng Tàu hay Sài Gòn, thi thoảng họ lại về Tánh Linh - nơi hai bạn tù ngày ấy đang sinh sống. Hầu như lần nào bộ tộc Tà Ru do ông Tư Cẩn dẫn đầu về Tánh Linh tôi đều được mời tham dự. Nhà ông Hồng ở Suối Kiết là nơi Ban Liên lạc Tà Ru thường tụ họp mỗi khi về Tánh Linh. Ông Hồng năm nay đã 75 tuổi nhưng so với các ông Tám Nhự, ông Tư Cẩn thì vẫn là “thanh niên” nên mọi chuyện trà thuốc mấy “thanh niên” lâu năm này vẫn phải xăng xái phục vụ.
Nhà ông Hồng có vườn rộng. Mấy năm trước còn nuôi heo rừng lai nên khi họp mặt chỉ cần thịt một con nhỏ là đủ. Nói vậy bởi những người trong nhóm trẻ nhất cũng trên 70 tuổi nên chuyện ăn uống không lấy gì làm trọng, quan trọng là có chỗ để anh em gặp nhau, ôn lại những ngày lao khổ, cũng như bàn xem năm tới sẽ gặp nhau ở đâu, bao giờ thì anh em cùng về thăm Côn Đảo.
Ông Trần Nhự.
Ông Trần Nhự (SN 1923), nay ngoài 90 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn, những câu chuyện trong nhà tù Côn Đảo, ông nhớ như in. Ông Nhự bị địch bắt trong một chuyến công tác từ Đồng Kho về Lạc Tánh, sau đó ông bị kết án và đày đi Côn Đảo. Đó là năm 1955. Nhà tôi cách nhà ông chừng mấy chục bước chân nhưng mãi sau ngày giải phóng tôi mới biết ông là hàng xóm, bởi khi tôi sinh ra và lớn lên thì ông đã biền biệt ngoài Côn Đảo. Hai mươi năm sau, khi đất nước hoàn toàn giải phóng ông mới trở về đất liền, về với cuộc sống bình thường.
Mặc dù được nghe ông kể nhiều lần về những năm bị đọa đày nơi nhà tù Côn Đảo- “địa ngục trần gian” ấy - nhưng tôi vẫn không thể tưởng tượng nổi họ đã chiến đấu và chiến thắng như thế nào… Hôm tôi đến thăm, nhân lúc ông đọc báo nên câu chuyện lại xoay quanh đề tài báo chí. Ông kể ngày ấy ở trong tù (Trại 1 - 6B) cũng có báo, tờ báo mang tên Xây Dựng, được “in ấn” xuất bản bằng cách chép tay trên giấy vở học trò. Mỗi số báo “in” ra được 2 hoặc 3 bản để phát hành, thế nhưng anh em chuyền tay nhau đọc rất say sưa. Sau khi đọc hết, sợ địch phát hiện nên các tờ báo được gom lại, bọc nilon rồi bỏ vào chai đem chôn… Vậy đó, bây giờ ngày nào cũng có báo đưa đến tận nhà sao lại không đọc. Đối với ông, niềm vui mỗi ngày chính là tờ Báo Bình Thuận, thỉnh thoảng ông vẫn quên uống thuốc, nhưng đọc báo thì chưa quên bao giờ. Người “Tà Ru” (cách nói lái những người ở tù ra) là thế đấy!
Hai người Tà Ru ở Tánh Linh.
Thật ra, ở Tánh Linh không chỉ có 2 người cựu tù Côn Đảo bởi Hội Cựu tù chính trị huyện Tánh Linh có đến mấy mươi hội viên. Mấy mươi hội viên, mấy mươi hoàn cảnh khác nhau nhưng điểm chung nhất là hầu hết đều già yếu lắm rồi. Chỉ còn vài ngày nữa là đại hội hết nhiệm kỳ nhưng nhân sự Ban chấp hành vẫn chưa xong. Chưa xong không phải bởi trình độ mà chính là sức khỏe. Ngay như Chi hội Cựu tù chính trị thị trấn Lạc Tánh vẫn chưa đại hội được. Toàn chi hội có 9 hội viên nhưng 7 người trên 80 tuổi, sức khỏe yếu kém.
Xem qua dự thảo báo cáo của Hội Cựu tù chính trị huyện thấy thương vô cùng, bởi ngay những dòng đầu tiên về tình hình của hội chính là con số hội viên giảm đi hàng năm. Đây là chuyện của người đi kẻ ở, chuyện còn mất của đời người hỏi sao không chạnh lòng. Xin được trích nguyên văn những dòng đầu tiên của Báo cáo nhiệm kỳ III: “Năm 2010 số lượng hội viên là 80 đồng chí, 15 nữ, 9 Côn Đảo, 15 Phú Quốc. Trong nhiệm kỳ đã qua đời 21 đồng chí, có 1 Côn Đảo, 1 Phú Quốc…”. Một nhiệm kỳ, 25% số hội viên ra đi! Quy luật cuộc đời làm sao tránh khỏi!? Một tổ chức hội như vậy có đáng được quan tâm hay không?
Ông Phạm Văn Hồng - Chủ tịch Hội Cựu tù chính trị huyện Tánh Linh.
Tôi gặp ông Phạm Văn Hồng - Chủ tịch Hội Cựu tù chính trị huyện Tánh Linh ngay tại Văn phòng hội, với nét mặt ưu tư, ông tâm sự: “Anh chị em tù chính trị cống hiến cho cách mạng, cho đất nước từ tuổi 16 đôi mươi, đến nay sau 40 năm giải phóng nhưng có anh chị em chưa có chế độ là một thiệt thòi lớn. Nguyện vọng lớn hiện nay là giải quyết chế độ hết cho anh chị em khi cuối đời, nếu có đủ điều kiện”. Vâng, ông chỉ mong làm sao giải quyết cho xong mấy hồ sơ còn tồn ở Văn phòng hội là có thể thanh thản trong lòng.
Theo thời gian, quy luật những người thuộc nhóm Trại 1 - 6B, các trại tù khác rồi sẽ không còn, nhưng câu chuyện về cuộc đời họ sẽ được truyền lại cho mai sau, rằng có một lớp người, những thế hệ vì lý tưởng cách mạng đã không tiếc máu xương mình, thời trai trẻ của mình. Nghĩ về những người “Tà Ru”, tôi thầm mong ước nguyện vọng của ông Phạm Văn Hồng - Chủ tịch Hội Cựu tù chính trị huyện Tánh Linh - sớm thực hiện. Khi ấy, chắc là các cụ vui lắm!
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://tanhlinh.vn là vi phạm bản quyền