Cuộc hội ngộ sau hai mươi năm đã làm thức dậy bao kỷ niệm trong tôi, Tánh Linh đón đoàn văn nghệ sĩ Bình Thuận không phải bằng những nghi thức hành chính lễ mễ như buổi đầu gặp gỡ mà chính bằng tình cảm của những người thân lâu ngày gặp lại. Không chút khách sáo, chúng tôi “kéo” ngay cả đoàn vào câu chuyện “Tánh Linh hôm nay” như tiếp nối câu chuyện hôm qua, cả khách lẫn chủ như muốn nối lại câu chuyện dang dở của hai mươi năm về trước. Đấy - Tánh Linh ngày ấy là “
Tánh Linh áo đỏ bụi đường chiều” với con đường đau khổ nắng bụi mưa bùn thì nay đã phẳng phiu trải nhựa; Ngày ấy hai bên đường ĐT 720 từ căn cứ 6 vào huyện là loang lỗ rừng chồi thì nay đã là những cánh rừng cao su ngút ngàn; Tánh Linh ngày ấy là hai mùa mưa nắng, làm ruộng trông vào nước trời mỗi năm một mùa bấp bênh thì nay đã là những cánh đồng lúa chất lượng cao với kênh mương đầy ắp nước; Tánh Linh ngày ấy tù mù ánh đèn dầu thì nay đã rực sáng đèn đường… Biết bao nhiêu đổi thay ở một vùng đất mới nhưng những con người thì vẫn thế, chỉ có tình cảm là dày thêm, sâu nặng thêm theo năm tháng.
Nhạc sĩ Huy Sô bồi hồi nhớ lại ngày ấy, tối đến tiếng chim đa đa cứ gù mãi điệp khúc “dắt bà xã tà tà” đã giúp ông viết nên giai điệu bài hát về một vùng đất. Nhà văn Lê Nguyên Ngữ cứ đòi tìm lại cái quán nghèo vùng kinh tế mới năm xưa, nơi mà anh ngẫu hứng sáng tác những câu thơ để đời “
uống lên ly rượu mưa hiện tạt/ một nửa men chiều một nửa thu”… nhưng tất cả giờ đã xa, tôi biết tìm đâu cho anh cái quán ngheo liêu xiêu vách lá như anh đã tả “quán chiều, bếp lửa, khói trung du…”, đành vậy. Tánh Linh bây giờ đã khác xưa, âu cũng là quy luật của sự phát triển nhưng những con người Tánh Linh thì vẫn thế, vẫn dung dị, bình lặng mà ân tình, mến khách. Nhà thơ trẻ La Văn Tuân đến với chúng tôi từ những ngày trong bút nhóm Mây Ngàn, đọc thơ cho nhau nghe suốt đêm mà vẫn không chán, nay trở lại cứ băn khoăn mãi, vùng đất này thật đặc biệt, gần gũi, thân thiết quá đỗi thành thử cũng chẳng biết viết gì thêm nữa…
Một thành viên trong đoàn đã tâm sự với tôi rằng về lại Tánh Linh trong ấm áp nghĩa tình, mừng cho Tánh Linh đã thay da đổi thịt với dáng vẻ của một phố núi đã định hình, nhưng một câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu mà chưa kịp nghĩ ra: Điều gì đã làm nên một diện mạo của Tánh Linh hôm nay, điều gì đã làm mình gắn bó với Tánh Linh đến vậy. Phải chăng trong cái khó, cái khổ tất cả đã chung lòng xây dựng nên và cái tình cũng từ ấy mà nảy nở, mà gắn kết với nhau.
Chuyến đi thực tế ba ngày của đoàn văn nghệ sĩ và Chi hội nhà báo của Tạp chí Văn nghệ Bình Thuận tuy cũ mà mới. Cũ là hai mươi năm về trước Hội Văn nghệ cũng đã từng có những chuyến đi như thế và mới là tạp chí sẽ ra số đầu với khổ in mới, với nhân sự mới. Chuyến đi này - theo như các anh nói - đó là về lại vùng đất nhiều ân tình và nặng nợ với văn chương này để tìm lại “chất men” cho những sáng tác mới. Ai biết được chất men xúc tác kỳ diệu ấy lấy từ đâu ra để mà ủ nên tác phẩm làm say lòng người, thôi thì cứ đến đâu thì đến vậy…
Tôi nhớ mãi cuộc rượu mới đây ở góc phố Lạc Tánh với nhà văn Lê Nguyên Ngữ, anh Đỗ Kim Ngư, anh Hữu Cán và mấy bạn thơ ở Tánh Linh, Đức Linh. Mặc cho mọi người nài ép mà nào tác giả của Quán chiều phố huyện có nhớ nổi một câu thơ mình. Mãi gần tới tàn cuộc, khi đã chếnh choáng hơi men anh Tám (chúng tôi vẫn quen gọi Lê Nguyên Ngữ với cái tên thân mật như thế) mới cất tiếng không hẳn ngâm mà cũng không phải đọc: “
Quán chiều phố huyện sao thương thế/ một chút mưa bay, một chút buồn”. Anh bạn ngồi bên nhắc khẽ “buổi chiều phố huyện” chứ, anh chống chế “ừ, thì lâu quá rồi mờ” rồi ngâm nga tiếp:
Ấy bởi đời mình men rượu đắng/ Nên thương trăm họ, thích phiêu bồng/ Đời ta bến bãi, em hàng quán/ Thiên hạ là nhà có biết không? Tôi thích cái giọng hào sảng của thơ anh, chất phiêu lãng của người nghệ sĩ như dồn cả vào đây, vào chính cuộc rượu này chứ không hẳn là những câu thơ như thoát tục ấy. Dưới hiên của một tòa nhà hai tầng nơi góc phố, chủ quán cóc dựng lên mấy chiếc dù vừa đủ che mấy chiếc bàn con, tôi ủ ly rượu trong tay co ro tránh làn mưa tạt, thấy sao giống cảnh buổi chiều nào của hai mươi năm trước nên đề nghị anh Tám “gắng” làm cho được Quán chiều phố huyện II. Anh cười mà rằng đừng trêu anh nữa, duyên thơ đến rất tình cờ, không hẹn mà được. Quả vậy, thơ cũng giống như cuộc đời này, có mấy ai sắp đặt được đâu.
Mấy ngày sau đó, chúng tôi đã cùng nhau đi Suối Kiết thăm dự án trồng rừng; đi Gia An thăm cơ sở sản xuất gạch ngói theo công nghệ mới… Đi thực tế ấy nhưng thú thật tôi chẳng biết bắt đầu từ đâu để viết, phải chăng mình quá thân thuộc với mãnh đất này nên không có khả năng khám phá nổi cái mới. Những người mà tôi đưa đoàn gặp gỡ ấy là anh công nhân cạo mủ cao su ở Bình Dương qua đây lập nghiệp, chị công nhân làm gạch quê tận Bắc Giang, hay những chàng trai trẻ là thợ đốt lò kỳ cựu từ Quảng Ngãi vào, và cũng có cả những anh Hai Sài Gòn về Tánh Linh đầu tư làm chủ các dự án sản xuất ở đây… Những con người từ nhiều vùng miền khác nhau trên đất nước này tụ hợp về đây gầy dựng cuộc sống, và chính trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn ấy họ vô tình mang về đây những nét văn hóa, những mỹ tục quê mình hợp lại thành bức tranh văn hóa đa sắc màu cho Tánh Linh hôm nay. Tôi tự hào mình là người Tánh Linh trong cái tổng thể ấy, bởi từ hơn tám mươi năm trước, chẳng biết cơ duyên nào, ông nội tôi từ làng Dâu Cá, phủ Hòa Đa (Bắc Bình ngày nay) lại vào tận Tánh Linh lập nghiệp để rồi sinh ba tôi trên mãnh đất này, đến tôi đã là thế hệ thứ ba. Thế nên, những gì ở Tánh Linh đều quá đổi thân thuộc với tôi.
Là người địa phương nên tôi nghiễm nhiên thành hướng dẫn viên của đoàn, đi đến đâu cũng gặp lại anh em, bạn bè thân thiết. Về Nghị Đức gặp Dương Đinh - người bạn học cũ nay là hiệu trưởng của một trường Trung học cơ sở, đây cũng là trường điểm của huyện với nhiều thành tích trong phong trào thi đua hai tốt. Lúc tôi giới thiệu “đây là thầy Dương Đinh…” anh mím môi ghìm lại, để rồi cuối buổi gặp lại nhau bật ra những tràng cười sảng khoái, lại “mày mày tao tao” và cụng ly chan chát để nhắc lại kỷ niệm của gần ba mươi năm trước, cái thời “vừa học, vừa làm” đầy nhọc nhằn ấy !
Về Suối Kiết gặp Phạm Hương - Bí thư Đảng ủy xã. Ra bắt tay đón đoàn đồng chí Bí thư cười niềm nở và ý tứ bấm nhỏ với tôi, cứ y như cái thời tụi mình làm ở đài ấy nhỉ ! Tôi cười theo và một trời kỷ niệm chợt ùa về. Cái thời ấy chúng tôi là đồng nghiệp cùng cơ quan Đài Truyền thanh huyện, tôi làm kỹ thuật, Hương làm biên tập. Chúng tôi còn nhớ như in, khi đoàn về năm 1991 tối tối anh em chúng tôi lại ngồi quây quần hóng chuyện văn chương. Chú Huy Sô, chú Bảy Trà từ nhà khách Ủy ban qua đài chơi, hay đọc thơ và kể cho nghe đủ thứ chuyện về những ngày ông tham gia chiến đấu ở Tánh Linh.
Ngày ở Suối Kiết là một ngày mênh mang trong rừng sâu, từ rừng cao su sang rừng tre, rừng tầm vông và đến chiều thì tạt về rừng lá. Tiếc là không còn thời gian để tìm hiểu thêm về rừng lá buông và tôi cũng không có dịp giới thiệu cho mọi người biết thêm về lá buông và những giá trị kinh tế của nó. Hiện Tánh Linh là một trong số rất ít nơi trên cả nước còn giữ được rừng lá, tuy vậy do sức ép từ nhiều phía, cây buông cũng đang bị cao su lấn dần.
Ngày cuối cùng, chúng tôi chia tay nhau tại Gia An nơi có hồ Biển Lạc rộng hàng ngàn héc ta vào mùa mưa mà trong chuyến đi hai mươi năm trước nhà thơ Đinh Đình Chiến (Chi hội trưởng Chi hội VHNT Đức Linh) đã kịp khắc họa lại: “
Mênh mông nước/ lững lơ trời/ chơi vơi …/ Biển Lạc.”