Ký sự của Lê Thanh Hưng: MIỀN TRUNG CỦA TÔI (kỳ 3)

Thứ sáu - 18/04/2014 10:55
Ký sự của Lê Thanh Hưng: MIỀN TRUNG CỦA TÔI (kỳ 3)

Ký sự của Lê Thanh Hưng: MIỀN TRUNG CỦA TÔI (kỳ 3)

Chúng tôi thắp hương cho các chị bằng hoa cúc trắng, lễ vật tặng mỗi chị là một bộ nón lá, gương, lược và một nắm bồ kết. Những món quà sao quá đơn sơ, giản dị mà lại là niềm khát khao của các chị thời bom đạn.
VỜI VỢI NẺO VỀ
Sáng ngày thứ tư, chúng tôi bắt đầu ngày mới bằng những tách café đặc sánh trong quán Coco nổi tiếng của thành phố Đồng Hới. Quán không những đẹp nhất tại đây mà có thể xem là một trong những quán cà phê lớn và đẹp nhất Việt nam. Quán cà phê này gần như một khu vườn sinh thái rộng với hồ nước, cây xanh, thảm cỏ, những khu nhà khung tre, mái lá được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng Võ Trọng Nghĩa theo ý tưởng gió và nước. Quán cà phê đã làm chúng tôi lưu luyến mãi, bước lên xe còn ngoái đầu nhìn lại. Xe đưa chúng tôi đi qua những cung đường một bên là núi, một bên là biển. Dọc theo bờ biển có nhiều rẫy cao su đã bị cơn bão năm vừa rồi bẻ gãy gần hết. Chúng tôi tìm lên động Phong Nha, thuộc vùng núi đá vôi Kẻ Bàng, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, cách thành phố Đồng Hới 50km về phía Tây Bắc. Động Phong Nha được coi là "Thiên Nam đệ nhất động" của Việt Nam, được che chở bởi những cánh rừng nhiệt đới. Có một điểm đặc biệt ở đây là nhân viên phục vụ phần lớn là phụ nữ tuổi từ 20 đến 30, từ tài công đến chụp ảnh, bán nước, nấu ăn…
Từ bến Sông Son, chúng tôi lên ba chiếc ghe máy ngồi hơn 30 phút để tới động Phong Nha. Nước sông trong vắt. Tranh thủ những lúc ghe chạy song song, những nhà nhiếp ảnh tranh thủ tác nghiệp cho nhau. Trò chuyện với nữ nhiếp ảnh của động Phong Nha trên đường đi mới biết được đời sống nơi đây còn nhiều vất vả, người dân sống chủ yếu bằng nghề nông nhưng ruộng đất chẳng được bao nhiêu, công cụ sản xuất thô sơ, thiên tai đến liên tục, nên cái khổ cứ đeo mãi không bứt ra được. Mải ngắm nhìn sông nước, nhìn người dân vớt rong từ đáy sông về nuôi cá rồi cũng đến cửa động. Cửa động hình thang, rộng khoảng 20 - 25m, cao 10m, nhũ đá lô nhô. Những chiếc ghe tắt máy được chèo tay tiến vào trong hang để tránh ô nhiễm môi trường. Càng vào sâu ánh sáng càng nhạt dần rồi mất hẳn, một thế giới lung linh hiện ra dưới ánh đèn điện. Nhìn hình dáng thạch nhũ, chúng tôi tưởng tượng ra đủ hình thù kỳ thú trên đời; mỗi người một ý tưởng khác nhau, không ai giống ai, nhưng tất cả đều chung một suy nghĩ là hang động đẹp và huyền bí. Tiếng ca vọng cổ của anh Hiền vang dội vào những bức thành đá làm cho thạch nhũ trên trần nhà như muốn run lên, rơi xuống. Thỉnh thoảng, một vài giọt nước trên trần rơi xuống vạt áo. Chiếc ghe quay đầu trở lại, chúng tôi bước lên một hang động khô, tận tay sờ vào thạch nhũ, kiệt tác của thiên nhiên tuyệt vời hơn cả những sáng tạo của con người. Bước chân trong động khô cứ ngỡ như lạc bước vào chốn thiên đường. Ánh đèn điện phản chiếu trên thạch nhũ huyền ảo mang nhiều màu sắc khác nhau. Mái trần cao rộng được trang trí một cách cầu kỳ bởi thạch nhũ, tựa như một cung điện nguy nga. Thỉnh thoảng, một làn hơi lạnh lướt qua làm người đi chùng lại, càng thêm cảm giác thần tiên.





Rời động Phong Nha, đoàn về thị trấn Hương Khê thuộc huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Hương Khê là một huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam tỉnh Hà Tĩnh, có sông Ngàn Trươi chảy xuống đổ vào sông Ngàn Sâu. Nền kinh tế Hương khê chủ yếu là nông nghiệp lúa nước. So với những suy nghĩ ban đầu của chúng tôi, thị trấn Hương Khê trù phú hơn nhiều. Khách sạn Đức Tài thuộc thị trấn sang trọng hơn những khách sạn mà đoàn đã từng ở qua. Buổi tối thật thanh bình. Tại đây, đồng chí Hà Văn Hùng, Bí thư huyện ủy Hương Khê, cùng một số đồng chí khác đã cùng chúng tôi sinh hoạt. Giọng ca của nữ ca sĩ Hà Tĩnh vang lên làm cho không khí thêm sôi động. Để đáp lại thịnh tình của chủ nhà, chúng tôi cũng nhiệt tình đáp lại bằng một chương trình văn nghệ với sự góp giọng của đủ cả ba miền!
 
Sáng ngày thứ năm, đoàn làm việc với lãnh đạo huyện Hương Khê về tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Kết thúc buổi làm việc với Huyện uỷ, đoàn đến thăm trường Tiểu học thị trấn Hương Khê. Ngôi trường khá khang trang nằm giữa lòng thị trấn hiện rõ nội dung băng rôn “Nhiệt liệt chào mừng các thầy cô và lớp CCLLCT – HC A118 Học viện CTQG HCM về thăm và tặng quà cho HS nhà trường”. Bước vào sân trường vừa lúc tiếng trống vào lớp vang lên làm cho kỷ niệm của những ngày đi học ùa về trong mỗi chúng tôi. Hội trường tuy nhỏ nhưng ấm áp và trang trọng, với sự đón tiếp nồng nhiệt của lãnh đạo địa phương và tập thể các thầy cô giáo của nhà trường. Trong không khí vui tươi, thân thiện, chúng tôi được biết đây là ngôi trường có truyền thống dạy tốt - học tốt, luôn là  cánh chim đầu đàn của huyện Hương Khê và tỉnh Hà Tĩnh; liên tục nhiều năm đạt danh hiệu “Trường tiên tiến xuất sắc cấp tỉnh”, được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; là trường Tiểu học đầu tiên của huyện đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Ánh Dương nói: “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nhà trường được đón tiếp đoàn các thầy cô và lớp cao cấp lý luận chính trị của Học viện CTQG HCM đến thăm và tặng quà. Thầy trò chúng tôi đã chuẩn bị suốt một tuần, cả các chương trình văn nghệ, tham quan, báo cáo và kế hoạch đón tiếp đoàn, nhưng tiếc là thời gian đoàn dành cho trường tôi …gấp quá!”.
Tạm biệt trường tiểu học với những cái bắt tay đầy lưu luyến,  chúng tôi ghé thăm quần thể thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm, đền Công Đồng ở Xã Phú Gia, huyện Hương Khê, nơi tiếp giáp dãy núi Giăng Màn có thác Vũ Môn với sự tích “Cá chép vượt Vũ Môn”, có Sông Tiêm uốn lượn thơ mộng, có quần thể di tích quốc gia đền Trầm Lâm nổi tiếng linh thiêng. Truyền thuyết kể rằng, đền Trầm Lâm là nơi thờ Đức Thánh mẫu, người đã có công cứu giúp dân làng trong chiến tranh chống giặc Minh, giặc Chiêm Thành, và sau này  báo mộng giúp vua Hàm Nghi tránh được sự bao vây của giặc Pháp. Trước đền có giếng Trăm Năm, tương truyền là giếng không đáy với màu nước thay đổi theo mùa và quanh năm không bao giờ cạn. Một năm có bốn mùa thì nước giếng có bốn màu sắc. Mùa xuân nước xanh, mùa hạ nước hồng, mùa thu nước trắng và mùa đông nước đen. Chúng tôi khi nghe cũng thấy rất khó tin, nhưng quả thật là nước ở đây xanh ngắt như màu ngọc bích, hết sức kì lạ. Năm 2001, đền Trầm Lâm thuộc quần thể di tích thành Sơn Phòng, đền Công Đồng  được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
 
DẤU XƯA ĐỒNG LỘC
          Trên đường về lại thành phố Vinh, chúng tôi đến ngã ba Đồng Lộc ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Trong chiến tranh, nơi đây là tuyến đường giao thông huyết mạch chi viện cho chiến trường Miền Nam, vì thế ngã ba Đồng Lộc được coi là toạ độ lửa, là túi bom mà hàng ngày máy bay Mỹ thi nhau dội xuống. Bầu trời Đồng Lộc lúc nào cũng đen kịt khói bom. Hố bom cũ - mới chồng lên nhau, không có một cây cỏ nào sống sót được. Và cũng tại nơi đây, một tiểu đội TNXP có nhiệm vụ canh giữ giao điểm, phá bom và sửa đường thông xe khi bị bom phá. Tiểu đội A4 gồm 10 cô gái trẻ, tuổi từ 17 đến 24. Trưa ngày 26 tháng 7 năm 1968, như mọi ngày 10 cô ra làm nhiệm vụ. 16h30', trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc, 1 quả bom rơi xuống ngay sát miệng hầm, đã chôn vùi 10 cô gái khi tuổi đời còn rất trẻ, chưa lập gia đình. Chúng tôi thắp hương cho các chị bằng hoa cúc trắng, lễ vật tặng mỗi chị là một bộ nón lá, gương, lược và một nắm bồ kết. Những món quà sao quá đơn sơ, giản dị mà lại là niềm khát khao của các chị thời bom đạn. Các chị ơi! ở nơi suối vàng linh thiêng các chị hãy về đây chứng nhận những tấm lòng thành của thế hệ hôm nay,  xin cảm tạ sự hi sinh to lớn của các chị và nguyện  tiếp bước các chị trên những chặng đường lịch sử vẻ vang của đất nước. 46 năm đã trôi qua , nếu còn sống các chị cũng đã bước qua tuổi lục tuần; thế nhưng dù thời gian có trôi qua còn dài hơn nữa thì mười bông hoa trinh liệt ấy vẫn nguyên vẹn tuổi hai mươi.





Tạm biệt Ngã Ba Đồng Lộc, trong mỗi chúng tôi cứ vang vọng mãi lời bài hát “Cô gái miền quê ra đi cứu nước, mái tóc xanh xanh tuổi trăng tròn; bàn tay em phá đá mở đường, gian khó phải lùi nhường em tiến bước…”.
Ngồi trên xe nếu để ý sẽ thấy hai o Nguyễn Thị Hậu và Lã Thị Huyền luôn trầm tư, suy nghĩ. Có lẽ hai người đang nghĩ: giá như không có chiến tranh thì sẽ không có sự hy sinh mất mát, sẽ không có cảnh mẹ xa con, vợ xa chồng… nếu không có chiến tranh thì sẽ hạnh phúc biết bao nhiêu!
 
HÀ NỘI ĐÓN TA VỀ
Ngày 21 tháng 03, tạm biệt miền Trung thân thương, chúng tôi lại tiếp tục lên đường trở về Hà Nội. Trời lại lạnh, mỗi người cũng đã thấy thấm mệt sau một chuyến hành trình khá dài. Xe dừng lại ở nhà hàng Thanh Còi thuộc tỉnh Thanh Hóa. Đây là nhà hàng nổi tiếng trong cả nước về chất lượng và cung cách phục vụ. Ông chủ nhà hàng dáng người thấp bé, gầy xương, chạy đi chạy lại để đáp ứng mọi yêu cầu của khách, giọng khản đặc không nói nên lời vì mất tiếng. Có rất nhiều câu đối, vần thơ treo khắp nhà hàng, những câu khẩu hiệu thể hiện sự chu đáo, tận tình của Nhà hàng đối với khách. Một câu khẩu hiệu nhiều người thích là: “Khách hàng là sếp, chúng ta phải làm theo những gì sếp yêu cầu; đừng để khách hàng ra đi mãi mãi không bao giờ quay trở lại”.
          Không khí trên xe như chùng xuống khi lần lượt từng người nói lời chia tay dọc theo đường đi. Phạm Thanh Hải sưởi ấm lòng những hành khách cuối cùng trên xe bằng bài hát “Hà Nội ngày trở về” qua chương trình VOV. Hà Nội đón chúng tôi với những hạt mưa bụi, những hành khách cuối cùng rồi cũng phải nói lời chia tay, một cảm giác trống vắng vô cùng, hình như bây giờ mới cảm nhận được hai từ “tình bạn”.
Có ai đó nói: tình bạn không phải là vĩnh cửu, mà có những giây phút vĩnh cửu của tình bạn. Hôm qua đang đi thuyền trên dòng Sông Son, hôm nay đã trở thành kỷ niệm, những gì của hôm nay ngày mai đã là quá khứ. Tất cả rồi sẽ qua đi, nhưng đã có những phút giây trong chuyến đi của chúng ta đã trở thành vĩnh cửu./.

Tác giả bài viết: Lê Thanh Hưng

Nguồn tin: tác giả gởi cho tanhlinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
vdtam - 20/04/2014 18:00
Chuyen di that thu vi. Biet den bao gio minh moi duoc di. Neu co dip minh se khong bo qua.
Comment addGửi bình luận của bạn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 72

Máy chủ tìm kiếm : 6

Khách viếng thăm : 66


Hôm nayHôm nay : 25031

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 782154

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 15545176