Khi xe dừng lại trước cổng trời Quản Bạ, sương cao nguyên vẫn còn mù mịt. Cái cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là, cổng trời xem ra cũng bình thường như bao con đường băng qua hẻm núi khác mà ta có thể gặp ở bất cứ xứ sở núi non gò đồi nào. Tuy nhiên, chúng tôi đã nhầm. Ngày xưa cổng trời hun hút đường mây, người đi gối mỏi chân chồn, ngước mắt nhìn lên khoảng trời bé tí lộ ra giữa hai trái núi, tưởng chừng lên đến đó là đã có thể gõ được cửa thiên đường. Ngày nay, sự khai phá mở rộng con đường lên cao nguyên đã phá đi cái thế chất ngất, hiểm trở, chật hẹp, chênh vênh của một cổng trời thuở nào.
- Cổng trời:
Sơn bảo, trên cao nguyên đá Đồng Văn này không chỉ có một cổng trời, mà ngoài Quản Bạ ra còn có cổng trời Sà Phìn, cổng trời Cán Tỷ, cổng trời Mã Pì Lèng,... nhưng trong đó chỉ có cổng trời Quản Bạ là nổi tiếng nhất.
Cao nguyên đá Đồng Văn rộng trên 2000km
2, trong đó vùng lõi chiếm 574,35km
2, với địa hình chủ yếu là các ngọn núi đá vôi có độ cao từ 1000 đến 2000m, và là cao nguyên cao nhất của nước ta. Đá ở đây chủ yếu là đá tai mèo với những góc cạnh nhọn hoắc, địa hình hiểm yếu, nên việc mở được một con đường lên đây là hết sức khó khăn. Trước đây, lên cao nguyên đá chỉ có mỗi con đường độc đạo đi qua cổng trời Quản Bạ, nên để biến nơi đây thành thế giới riêng của mình, vua Mèo Vương Chính Đức đã cho xây một cái cổng với hai cánh bằng gỗ nghiến dày trục và cho quân canh phòng cẩn mật.
Cổng trời Quản Bạ chốt chặn ngay con đường độc đạo dẫn vào cao nguyên đá, nên trước đây, thực dân Pháp rất muốn chiếm đóng nhưng không làm sao vào được, nên đành ngậm ngùi công nhận quyền tự trị của vua Mèo đối với vùng đất này. Sơn bảo, do nằm giữa hẻm núi cao, đứng dưới nhìn lên trông giống như cánh cổng mở ra... đường lên trời nên được gọi là cổng trời. Và cũng nhờ có địa thế hiểm yếu, mỗi cổng trời là một cứ điểm phòng thủ không dễ gì công phá được.
- Công viên đá:
Cao nguyên đá Đồng Văn trải rộng khắp 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc. Núi đá ở đây không có đỉnh tròn như thường thấy ở phần lớn các tỉnh miền Bắc, mà hầu hết lởm chởm đá tai mèo. Đặc biệt, gần dinh thự nhà Vương có một ngọn núi đá cao ngất, cân đối, đỉnh nhọn hoắt, gọi là chóp Con Cò. Người dân ở đây ví, nếu con cò nào muốn đậu trên đỉnh ngọn núi này thì chỉ có nước đậu bằng một chân… chứ cả hai chân thì không đủ chỗ!
Chúng tôi lên đây vào những ngày tháng sáu. Thấp thoáng sau màu xanh của ngô là những tảng đá tai mèo xám ngắt. Sơn bảo, để trồng ngô, đồng bào vùng cao phải gùi phân bỏ vào từng hốc đá rồi mới tra hạt. Sau khi thu hoạch ngô, người ta làm thêm một vụ đậu rồi bỏ hoang cho đến tận mùa mưa năm sau. Mùa đông, cả cao nguyên chỉ còn lại một màu xám ngắt của đá tai mèo. Trên toàn bộ cao nguyên với địa hình chủ yếu là núi đá, những con đường phải cắt ngang triền núi đá mà đi nên ngoắc ngoéo quanh co liên tục. Là xứ sở của những cổng trời, nhưng đi trên các cung đường nơi đây mới thấy địa ngục cũng không phải là xa lắm. Cứ nhìn qua cửa sổ, bạn sẽ thấy bên mình lúc nào cũng có một vực sâu hun hút, dốc dựng đứng và lởm chởm những tia đá nhọn hoắc. Năm 2010, UNESCO đã chính thức công nhận cao nguyên Đồng Văn là
Công viên địa chất toàn cầu, và sự công nhận ấy đã giúp nhiều người giật mình nhận ra cái giá trị của vùng đá vốn vẫn bị cho là khắc nghiệt và khó sống này.
- Lãnh địa của vua Mèo:
Phải nói ngay rằng, từ xa xưa, cao nguyên đá Đồng Văn đã là mảnh đất không thể tách rời của quốc gia Đại Việt. Thế nhưng, do địa hình hiểm trở, điều kiện canh tác khó khăn, nên việc tổ chức chính quyền đôi khi có phần lỏng lẻo. Người Mông ở cao nguyên Đồng Văn từng tham gia cuộc khởi nghĩa chống lại nhà Thanh, và bị dồn đuổi liên tục, phải rút về cố thủ tại vùng đất mà ngày nay là huyện Yên Minh.
Vua Mèo Vương Chí Đức sinh năm 1865, vốn là một chàng trai nghèo, chuyên đi thổi khèn và múa võ để kiếm cơm qua ngày. Do giỏi võ, lại có tính nghĩa hiệp, nên chẳng mấy chốc mà ông đã vươn lên thành một thủ lĩnh được đông đảo người Mông ủng hộ. Ông đã lãnh đạo người Mông đánh đuổi đám quan quân ô lại của tên thảo khấu lục lâm Hà Quốc Trường chạy về nước, củng cố an ninh chính trị, biến vùng cao nguyên đá Đồng Văn thành lãnh địa của riêng mình. Những năm đầu thế kỷ 20, Vương Chí Đức được vua Khải Định phong làm Bang Tá, giao cai quản cả châu Đồng Văn, ngoài ra còn ban cho bức trướng đề bốn chữ “Biên chinh khả phong”. Nhờ trồng và mua bán thuốc phiện, Vương Chí Đức trở nên giàu có không ai sánh bằng. Ông đổ tiền mua súng ống, xây dựng quân đội lên tới hàng vạn người. Ông thuê thầy phong thủy, tập hợp đội ngũ thợ lành nghề để xây dựng dinh thự rộng lớn...
Cô hướng dẫn viên Dương Thị Nga của khu di tích nhà Vương không hề nói, nhưng theo tư liệu mà chúng tôi có được thì, chính nhờ sự quy thuận của vua Mèo mà châu Đồng Văn không bị anh bạn phương Bắc “giữ hộ” theo cách đã từng làm với quần đảo Hoàng Sa. Với danh nghĩa bảo hộ, Pháp lại ký hòa ước thừa nhận cơ chế tự trị của vua Mèo, đồng nghĩa với việc tách một phần lãnh thổ của nước ta ra khỏi sự thống nhất toàn vẹn chung, và cơ hội mất đất là rất lớn. Phải nhìn ở góc độ này, chúng ta mới thấy được “công lao” của vua Mèo trong việc giữ lại cho nước ta vùng cao nguyên đá, vì trước đó, đây là vùng đất đã bị tên thảo khấu Hà Quốc Trường, vốn là người Trung Quốc, chiếm giữ.
Được biết, sau cách mạng tháng Tám, Bác Hồ đã gửi lời mời vua Mèo về Hà Nội. Do tuổi cao sức yếu, Vương Chính Đức đã cử con trai là Vương Chí Sình đi thay. Bác Hồ đã kết nghĩa anh em với Vương Chí Sình, đề nghị đổi tên ông thành Vương Chí Thành, và luôn dành cho ông một tình cảm đặc biệt. Là người kế vị vua Mèo, từng tạo dựng được một uy thế nghiêng trời lệch đất nơi biên ải, vậy mà Vương Chí Thành đã bỏ hết để về Hà Nội, làm đại biểu quốc hội hai khóa, và mất tại đây năm 1962.
Trong mênh mang chiều Hà Giang, trong cái dinh cơ rộng lớn của vua Mèo, nơi mà chỉ riêng một cục đá táng có hình hoa thuốc phiện đã được giới thiệu là có giá tương đương chín trăm triệu đồng bây giờ, chúng tôi cứ nghĩ mãi về cuộc sống nơi lưng chừng trời của người Mông với cái món mèn mén nối dài qua từng bữa, chợt rưng lòng khi cảm nhận được cái công lao, cái tình cảm sâu sắc của người dân nơi đây đối với quốc gia, dân tộc. Trên cao nguyên đá khắc nghiệt này, người dân đã tự nguyện từ bỏ giống cây anh túc vốn nhiều lợi thế về kinh tế để chuyển sang làm mỗi năm một vụ ngô và một vụ đậu. Ngô để nấu mèn mén, còn thì nấu ra món rượu ngô men lá nổi tiếng của Hà Giang để những lữ khách như chúng tôi đây lại có thêm cái để mà thương mà nhớ. Cứ tạm bỏ qua mọi công đoạn trồng tỉa, chỉ nghỉ đến việc vác gùi đi thu hái ngô trên chênh vênh vách đá, chúng tôi đã thấy bủn rủn cả tay chân. Nguồn nước khan hiếm, đi lại khó khăn, canh tác khó khăn, nhưng 125 nghìn người dân trên cao nguyên đá vẫn say mê với những chợ phiên chợ tình, vẫn có ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa để dệt nên cái sức sống mãnh liệt nơi mảnh đất biên cương này.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://tanhlinh.vn là vi phạm bản quyền