Kỳ 5: Ký sự Hành phương Bắc - NHỮNG CON ĐƯỜNG TRÊN CAO NGUYÊN ĐÁ

Thứ sáu - 16/08/2013 05:24
NHỮNG CON ĐƯỜNG TRÊN CAO NGUYÊN ĐÁ

NHỮNG CON ĐƯỜNG TRÊN CAO NGUYÊN ĐÁ

Chiều đã muộn, nhưng vì háo hức khi nghe Sơn nói về Mã Pì Lèng, chúng tôi vội giục đi ngay, vì sợ sáng mai sương dày, không ngắm được sự hùng vĩ của con đèo nổi tiếng này.


 
1. Lên Mã Pì Lèng ngắm sông Nho Quế:
Khi chúng tôi đến Mã Pì Lèng, sương chiều chưa xuống nên cảnh vật vẫn còn sáng rõ. Vừa ùa xuống xe, chúng tôi đã như lặng đi trước cảnh núi non trùng trùng điệp điệp. Đứng ở lưng đèo, nhìn lên đỉnh cao chót vót, ngó xuống hun hút vực sâu, càng thấy mình vô cùng nhỏ bé và yếu đuối trước thiên nhiên. Nằm ở nơi cao nhất trên dãy Mã Pì Lèng là những khối đá to lớn sừng sững. Chân núi xoãi ra lồi lõm, trông như đầu của một đàn ngựa đang lao về phía trước. Nhiều chỗ vách núi gần như dựng đứng, vậy mà những nương ngô vẫn bám vào đá mà xanh, khiến chúng tôi không tài nào hiểu nổi, canh tác là để mưu cầu sự sống, vậy thì tại sao người ta lại mạo hiểm với mạng sống của mình để trồng tỉa thu hái ở những nơi nguy hiểm đến thế? Ngay dưới chân những ngọn núi cao chất ngất ấy là con sông Nho Quế cong cong và nhỏ nhoi đang len lỏi chảy. Đỉnh Mã Pì Lèng cao trên 2000 mét, còn chỗ chúng tôi đứng xuống đến mặt sông là hơn 800 mét theo chiều thẳng đứng, nên dù con sông rất rộng, nhưng đứng “trên bờ” nhìn xuống, trông chỉ như một dải ruy băng màu xanh bị ai đó đánh rơi dưới hun hút thung sâu!


 

 
Mã Pì Lèng, theo tiếng Mông là sống mũi con ngựa, và trên cái sống mũi to lớn lừng lững ấy, con đường đèo vẫn nhẫn nại, vẫn hiên ngang cắt vào lưng núi mà đi. Trước đây, khi chưa có đường, từ Sà Phìn sang Mèo Vạc người ta không tính bằng đơn vị đo khoảng cách mà dùng đơn vị đo thời gian; và khoảng cách tính bằng “ngày đường” ấy đủ xa, đủ hiểm nguy , đủ gian nan vất vả để hai vị vua Mèo Vương Chính Đức và Dương Tụ Nghiã cách nhau chỉ vài mươi cây số mà có thể song song khuyếch trương thanh thế suốt hàng chục năm trời!


 
2. Chuyện về những người mở đường:
Ngay giữa đèo Mã Pì Lèng có một trạm dừng chân, và người ta dựng ở đấy một tấm bia đá để ghi nhận công lao của những người mở đường. Năm 1959, Trung ương Đảng và Khu ủy Việt Bắc đã quyết định huy động hàng vạn thanh niên xung phong và bà con thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hải Hưng và Nam Định để mở đường Hà Giang - Đồng Văn - Mèo Vạc. Sau 6 năm xây dựng với trên 2,9 triệu lượt ngày công, đục khoét gần 3 triệu mét khối đá, con đường đã được hoàn thành vào ngày 15/6/1965. Điều đáng nói là việc mở đường này hầu hết bằng lao động thủ công, không có sự hỗ trợ của máy móc.

 
Để mở đường qua đỉnh Mã Pì Lèng, ban đầu người ta phải lập ra một đội cơ dũng gồm 17 người, hàng ngày treo mình trên vách đá dựng đứng để đục đẽo, mở một con đường công vụ rộng 40cm, rồi sau đó mới tập trung lực lượng để phá dần ra. Nhằm thể hiện lòng quyết tâm sắt đá và tinh thần cảm tử không ngại hiểm nguy, các công nhân đã đặt tại lán 10 chiếc quan tài, và tự truy điệu sống cho mình trước mỗi ngày làm việc.
Sau khi hoàn thành, con đường được đặt tên là đường Hạnh Phúc, nhưng để có được niềm hạnh phúc ấy, đã có trên 800 người đã vĩnh viễn nằm lại, và trong đó tổn thất nhiều nhất là tại chính cung đường Mã Pì Lèng này!
Đèo Mã Pì Lèng tuy không dài nhưng là con đèo hiểm trở bậc nhất nước ta, được ví như “vua” của các con đèo Việt Nam. Trước đây, đường đèo lổn nhổn đá hộc, và chỉ đủ rộng cho người đi bộ và xe ngưạ thồ qua lại. Sau này, nhờ có sự hỗ trợ của cơ giới, đèo được mở rộng dần ra, nhưng cũng rất khó để hai chiếc ô tô ngược chiều có thể tránh nhau, nhất là ở những khúc cua tay áo. Tuy nhiên, đối với những người sống lâu năm trên cao nguyên Đồng Văn, có được con đường như hôm nay đã là một niềm hạnh phúc to lớn. Con đường đã đưa Đồng Văn và Mèo Vạc xích lại gần nhau hơn. Trong bữa cơm tối tại Mèo Vạc, có cả nhà văn Nguyên Bình từ Đồng Văn sang chơi. Anh bảo, Đồng Văn với Mèo Vạc bây giờ gần lắm, chỉ nghiêng xe vài cái là đã tới rồi, chứ ngày xưa thì…
 

 
Trong câu nói bỏ lửng của Nguyên Bình, chúng tôi ngầm hiểu, chỉ một cung đường khoảng chừng 20km này thôi đã chất chưá trong nó bao nhiêu câu chuyện, có máu và nước mắt, có đau khổ tột cùng, có bàng hoàng kinh hãi, và trên mái ta luy, dưới nền hạ của con đường mang tên Hạnh Phúc này là dấu tích của rất nhiều hy sinh mất mát mà không thể nào thống kê được!
Đèo Mã Pì Lèng quanh co bám vào lưng vách đá, một bên núi cao sừng sững, một bên hun hút vực sâu, nhưng nếu thiếu con sông Nho Quế kia thì có lẽ sự hùng vĩ sẽ kém đi rất nhiều! Lên Cao nguyên Đồng Văn mà không đến Mã Pì Lèng, không được ngắm dòng sông Nho Quế ở độ cao gần nghìn mét này sẽ là một sự hoang phí đáng tiếc.
Những tưởng như thế đã là mãn nhãn với sự kỳ vĩ của Mã Pì Lèng, nào ngờ khi xe chạy được chừng 2km, ngoảnh mặt nhìn lại sông Nho Quế, chúng tôi cùng ồ lên kinh ngạc; phiá thượng nguồn con sông là hai vách đá gần như thẳng đứng cao dễ đến nghìn mét, và con sông trông như một lát cắt xẻ đôi núi đá ra mà đi. Sơn bảo đó là hẻm vực Mã Pì Lèng, và người ta dự kiến sẽ làm cáp treo đi qua đấy, để du khách có thể ngắm nhìn thoả thích cái hẽm vực độc nhất vô nhị của Việt Nam này!

3. Đường Hạnh Phúc:
Kể từ lúc rời Hà Giang cho đến khi dừng lại nghỉ đêm tại Mèo Vạc, chiếc xe 7 chỗ với bác tài trẻ măng cứ như chao lượn trên những cung đường quanh co đèo dốc.
Chúng tôi băn khoăn tra tự điển, và thấy người ta định nghiã, đèo là “chỗ thấp và dễ vượt qua nhất trên đường giao thông đi qua các ngọn núi”. Khái niệm đèo như thế thì ở Hà Giang có lẽ bị xem là “xa xỉ”. Ở Miền Nam có đèo Ăng Co, đèo Mẹ Bồng Con, nhiều người qua lại mòn cả bánh xe mà vẫn không nhận ra. Trong khi đó, chúng tôi đi suốt một ngày ròng rã trên con đường quanh co như thế, nhưng chỉ được giới thiệu có mỗi con đèo Mã Pì Lèng, còn lại đều bị xem là dốc cả! Quanh co uốn lượn hơn 10 km leo từ Hà Giang lên cao nguyên đá được gọi là dốc Bắc Sum. Thậm chí dốc Chín Khoanh, đứng trên nhìn xuống đếm đủ chín khúc cua tay áo xếp từng bậc như ruộng bậc thang mà cũng chẳng được gọi là đèo!  Nói như thế để thấy, sự gian nan để mở đường Hạnh Phúc không chỉ ở mỗi cung đường 20km đi qua Mã Pì Lèng. Sơn bảo, nhiều chỗ sườn núi rất dốc, nếu khoét hàm ếch về phía ta luy dương thì vô cùng nguy hiểm, người ta phải xếp đá thẳng đứng theo kiểu người Mông làm hàng rào đá để mở đường qua phía ta luy âm, và đây là công việc đã lấy đi rất nhiều nhân mạng, đến nỗi ở Yên Minh có cả một khu nghiã trang để chôn cất những người đã hy sinh khi thi công con đường Hạnh Phúc!
Hạnh Phúc là niềm vui sướng khi đã đạt được ước mơ, hoàn thành được ý nguyện. Và đẹp đẽ thay, đáng quý thay khi rất nhiều trai tráng miền xuôi đã vì ước mơ của đồng bào nơi miền biên viễn mà xung phong đối mặt với hiểm nguy, và cuối cùng nằm lại với cao nguyên đá, để hôm nay chúng tôi có một con đường êm ả để đi. Chúng tôi đề nghị với Sơn, lần sau thiết kế tour lên cao nguyên đá, nên đưa du khách đến viếng, thắp nhang và tưởng nhớ những người đã bỏ mình vì con đường Hạnh Phúc. Đó không chỉ là việc ý nghiã nên làm, mà còn là cách để gợi lên trong lòng du khách những cảm xúc tốt đẹp, khắc sâu vào tâm trí họ những ấn tượng mạnh về con đường mà họ đã đi qua. Vì xét cho cùng, chính con đường quanh co đèo dốc này cũng là một sản phẩm lạ và hấp dẫn của ngành du lịch Hà Giang.




 

Tác giả bài viết: Nam Hưng – Lương Văn Lễ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Nam Hưng - 20/08/2013 00:40
LTH !
Đừng "rỡn" nghe bạn, hôm qua anh Hai Trí gặp và nói "tụi bây đi và viết được đó, cách đây chục năm tao cũng đi rồi, mà đi nhanh chứ không kịp ngắm cảnh để tả lại như bây..." Thế đấy, ảnh còn hỏi có phải hình Nam Hưng chụp hông hay là lấy trên mạng, mình khoái chí nên nổ luôn là trên mạng nó còn lấy của em đó chứ... thế nên mới đóng logo tanhlinh.vn ! Oách nhẩy !
Cám ơn LTH rất nhiều và thử đi một chuyến đi, thú vị lắm !
LTH - 19/08/2013 04:01
Non sông Việt Nam hùng vĩ và hiểm trở quá, còn nhiều bí ẩn để con người khám phá, dân Tánh Linh mình số người được ngắm nhìn tận mắt từ xưa đến giờ và một trăm năm tới chỉ có Nam Hưng và Lương Văn Lễ mà thôi./.
Comment addGửi bình luận của bạn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 99

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 98


Hôm nayHôm nay : 25965

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 459911

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 16104151