Huy Khiêm, vùng quê ấm áp
… Chúng tôi trở lại Huy Khiêm, xã vùng núi của huyện Tánh Linh. So với 5 năm trước, nơi đây đã có nhiều thay đổi. Anh Trần Đăng Thăng - Chủ tịch UBND xã Huy Khiêm, cho hay: Với đa số hộ làm nghề nông nghiệp chiếm 62% trong cơ cấu kinh tế, mấy năm gần đây, Huy Khiêm mở rộng diện tích gieo trồng cây hàng năm, kết hợp với thâm canh nên tạo ra sức bật trong nông nghiệp.
… Chúng tôi trở lại Huy Khiêm, xã vùng núi của huyện Tánh Linh. So với 5 năm trước, nơi đây đã có nhiều thay đổi. Anh Trần Đăng Thăng - Chủ tịch UBND xã Huy Khiêm, cho hay: Với đa số hộ làm nghề nông nghiệp chiếm 62% trong cơ cấu kinh tế, mấy năm gần đây, Huy Khiêm mở rộng diện tích gieo trồng cây hàng năm, kết hợp với thâm canh nên tạo ra sức bật trong nông nghiệp.
Diện tích gieo trồng năm 2015 sẽ trên 3.300 ha. Năng suất lúa bình quân dự kiến đạt 6,5 tấn/ha/vụ, tăng 1,3 tấn so với 5 năm trước. Bình quân lương thực đầu người của năm 2015 đạt khoảng 2.300 kg, tăng 300 kg/người so với năm 2010. Chăn nuôi tuy không phát triển mạnh nhưng vẫn cho thấy sự tiến bộ. Xã còn chú ý phát triển tiểu thủ công nghiệp, các loại dịch vụ. Toàn xã hiện có 58 cơ sở xay xát, mộc dân dụng, gia công cơ khí nhỏ… Chính vì hiểu rõ thế mạnh của mình, nỗ lực phát triển nên bức tranh phát triển của Huy Khiêm khá đa sắc, có sự bổ sung cho nhau, tạo nên sự phong phú về nguồn thu. Có thể thấy điều này qua nguồn thu từ cây tiêu. Từ chỗ không phải là nơi có diện tích tiêu lớn của huyện, chỉ với 50 ha, nhưng bằng kỹ thuật thâm canh, không ít người trồng tiêu ở thôn 3, thôn 4 của xã trở thành tỷ phú nhờ nông sản này gần đây được giá. Kinh tế phát triển, thu nhập bình quân đầu người trong năm 2015 của Huy Khiêm ước đạt 22,6 triệu đồng/năm, tăng khoảng 12 triệu đồng/năm so với 5 năm trước. Hộ nghèo nhờ vậy giảm đi. Đến nay chỉ còn 100 hộ nghèo/2.046 hộ toàn xã. Huy Khiêm còn chú trọng thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển văn hóa - giáo dục - y tế. Xã có trạm xá khang trang, có cán bộ y tế trình độ chuyên môn khá, nên đẩy lùi được nhiều loại dịch bệnh, trong đó có sốt rét, cũng như hạ thấp tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em. Đến tháng 10 năm nay, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng chỉ còn 7,5%, giảm 5,3% so với các năm trước… Tất cả những điều kể trên làm người dân phấn khởi, đặt niềm tin vào chính quyền. Anh Triệu Văn Viên, người trồng tiêu thu nhập cao, ngụ tại thôn 4 nhận xét: “So với 10 năm trước, ngày nay Huy Khiêm có bước tiến dài. Xã nông thôn mà gần như phố thị với nhiều ngành nghề phát triển, các dịch vụ văn hóa, làm đẹp không hề thiếu. Trước đây, mấy người hình dung phụ nữ Huy Khiêm trước khi đi đám cưới sẵn sàng ghé hiệu làm đầu để mình tăng thêm sự tươi mới, duyên dáng? Thế nhưng bây giờ chuyện ấy trở nên phổ biến, chứng tỏ người Huy Khiêm không chỉ biết chăm lo sản xuất mà còn biết hưởng thụ những gì tốt đẹp do cuộc sống mang lại”. Nói xong câu ấy, người nông dân vui vẻ bắt tay chúng tôi rồi ngồi lên chiếc xe hạng sang phóng đi cùng với mấy người bạn. Hình ảnh ấy chỉ có ở một vùng quê phát triển, cuộc sống khá lên, một vùng quê ấm áp nghĩa tình.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://tanhlinh.vn là vi phạm bản quyền