Chuyện xưa về địa danh Lạc Tánh

Thứ tư - 19/03/2014 03:02
Chuyện xưa về địa danh Lạc Tánh

Chuyện xưa về địa danh Lạc Tánh

Lạc Tánh là trung tâm kinh tế - chính trị của huyện Tánh Linh. Vùng đất này được hình thành từ thời nhà Nguyễn, trong giai đoạn thực dân Pháp xâm lược nước ta. Ở góc nhìn lịch sử, Lạc Tánh cũng chính là cái nôi của huyện Tánh Linh, gắn liền với những đợt di dân của người tứ xứ, đến đây tìm nơi lập nghiệp.


Lạc Tánh là trung tâm kinh tế - chính trị của huyện Tánh Linh. Vùng đất này được hình thành từ thời nhà Nguyễn, trong giai đoạn thực dân Pháp xâm lược nước ta. Ở góc nhìn lịch sử, Lạc Tánh cũng chính là cái nôi của huyện Tánh Linh, gắn liền với những đợt di dân của người tứ xứ, đến đây tìm nơi lập nghiệp.

 

Nói đến Lạc Tánh cũng cần nhắc đến địa danh chung Tánh Linh. Đây là miền rừng núi trù phú có những cánh đồng phì nhiêu, bạt ngàn. Người bản xứ là các tộc người vùng cao, thường được gọi theo âm Hán – Việt là người “Thượng” như: Châu Ro, Rai và Cờ Ho… Họ sống mem theo núi rừng, sông suối, chuyên phát rẫy trồng bắp, bầu bí và lúa rẫy. Sau này, ở Tánh Linh có thêm các nhóm người Chàm (ngày nay gọi là người Chăm) từ các miền xuôi như: Mường Mán, Phan Rí, Chợ Lầu… quy tụ quanh khu vực sông Cát, khai phá đất hoang sản xuất cây lúa nước, hình thành nên cộng đồng dân cư ổn định. Khi đó người Việt vẫn chưa có mặt trên vùng đất này.

Những cụ già mà chúng tôi có dịp trò chuyện ở đây là con cháu của những người Việt đến Lạc Tánh từ trước năm 1930. Họ cho biết, đầu thế kỷ 20, mới có người Việt đến đây làm ăn sinh sống. Họ chủ yếu là các thợ rừng đi làm be, tức là khai thác gỗ, cho các chủ doanh nghiệp người Pháp và người Việt. Những chủ thầu mà dân địa phương còn nhớ rõ là: Lu-i Đờ Phớt, Sẹc, Huỳnh Chước… Họ mua gỗ khai thác từ các thợ rừng, sau đó đánh xe bò xe trâu chở gỗ ra ga Suối Kiết, gom về Sài Gòn tiêu thụ theo đường tàu lửa. Ông Nguyễn Ánh Thông (người gốc Lạc Tánh) nói: “Người ta đến làm be khai thác những loại gỗ quý rất là nhiều. Gõ, căm xe, sao, sến… những loại gỗ quý nhóm I, thì nói chung một số bà con miền Trung vào làm. Chẳng hạn như ông già tôi là ông Nguyễn Thành cũng làm be cho Pháp. Làm cây đây chở xuống Suối Kiết, gom lên xe lửa chở về Sài Gòn.”

 

Thời bấy giờ, tài nguyên thiên nhiên ở đây rất là phong phú. Điều kiện làm ăn hết sức dễ dàng. Người ta vừa làm nghề rừng, vừa làm nghề nông. Chăn nuôi phát triển. Gia đình nào cũng có của ăn của để trong nhà. Nói chung, dân cư lúc mới đến đây không sợ thiếu gạo, thiếu cá. Lương thực, thực phẩm lúc nào cũng có sẵn. Cùng với đó, thời bấy giờ, người Việt đến sống ở đây tự do hơn ở quê cũ, bởi vì không bị kềm kẹp bởi bộ máy cai trị phong kiến. Người sống từ thời đó cho biết, công việc làm ăn thì hết sức dễ dàng, cuộc sống lúc nào cũng sung túc.

 

Từ vài hộ gia đình đầu tiên, theo thời gian xóm người Việt ở Tánh Linh đông dần hơn. Xóm người Việt được đặt tên là Lạc Hoá, nằm cạnh xóm người Chăm. Theo lời kể của các bậc cao niên, thì thời kỳ đầu xóm Lạc Hoá có khoảng từ 20 đến 25 gia đình người Việt, với chừng 120 nhân khẩu. Nhà cửa ở thưa thớt trải dài khoảng hai cây số, từ trung tâm huyện Tánh Linh đến làng Chăm nhỏ, bây giờ là khu phố Lạc Hưng 2. Buổi sơ khai, đường sá vẫn còn lầy lội, phương tiện chuyên chở hàng hoá chủ yếu vẫn là xe trâu và xe bò. Ông Nguyễn Như Tánh (sinh năm 1932) cho biết:Nói chung, giao thông thì đi bộ chủ yếu, xe bò thì thứ hai. Thỉnh thoảng giao thông có xe đạp chứ chưa có gì hết. Xe bò chở lương thực này kia…. Dốc sỏi, đường lầy lội, chặt cây sấp sấp vào. Đi lại khó khăn lắm!”


 

Năm 1931, làng Lạc Hoá bắt đầu có bộ máy hương chức cai quản dân làng. Lúc này, mặc dù có đã lệ cúng làng, nhưng vẫn chưa có đình làng. Việc cúng tế Thành Hoàng bổn xứ và các vị Tiền hiền được tiến hành ở nơi làm việc của ban ngũ Hương. Theo truyền thống của người xưa, một khi cuộc sống ổn định và đã có bộ máy chính quyền cơ sở, người ta bắt đầu tính đến việc lập nên một ngôi đình làng quy mô, đáp ứng nhu cầu văn hoá tâm linh của dân làng. Năm 1940, đình làng Lạc Hoá chính thức được xây dựng tại khu trung tâm huyện bây giờ. Nhưng sau đó bị tàn phá bởi bom đạn chiến tranh. Ông Phạm Thống (Trưởng ban nghi lễ Đình làng Lạc Tánh) nói: Lúc trước thành lập đình đầu tiên vào năm 1940, cất tại trung tâm xã làng, nay là trung tâm huyện. Đến năm 1950-54, chiến tranh Pháp bắn cháy, cho nên đình bị thiêu rụi, kể cả sắc phong. Không còn đình, nhưng năm nào cũng làm tế xuân. Cầu cho mùa màng tươi tốt. Tế xuân hằng năm vào ngày 15-16 Âm lịch hằng năm. 1967, xin chế độ cũ, cất lại làng tại đây. 1974, bị bom phá sập. Thời gian đó, cũng tế xuân. 1990, làm đơn xin chính quyền địa phương cho cất đình trở lại.”

 

Trong thời chiến tranh, không còn đình làng, nhưng năm nào người dân Lạc Hoá vẫn duy trì việc cúng lễ. Địa điểm tổ chức không cố định. Hễ nơi nào thoáng mát, sạch sẽ, là có thể được chọn làm nơi cúng tế. Hằng năm, cứ đến 15-16 tháng 2 Âm lịch, người dân Lạc Hoá đều duy trì lễ tế xuân, còn gọi là lễ kỳ yên – cầu cho quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt. Ngày nay, lễ kỳ yên vẫn được tổ chức đều đặn, có sự tham gia của đông đảo nhân dân địa phương, không kể thành phần dân tộc hay tôn giáo. Họ quy tụ về đây để tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền nhân đã có công lập nên vùng đất này.

 

Sau hiệp định đình chiến 1954, bộ máy chính quyền theo chế độ Ngô Đình Diệm được thiết lập tại đây. Ông Hồ Tấn Khanh (sinh năm 1919) cho biết, làng Lạc Hoá được nâng lên cấp xã thuộc quận Tánh Linh, bao gồm cả các làng Chăm và làng Thượng. Sau khi bàn bạc, tham khảo ý kiến của các bậc cao niên, chính quyền thời bấy giờ thống nhất đặt tên cho xã mới là “Lạc Tánh”. Tên gọi Lạc Tánh được sử dụng ổn định cho đến ngày nay.

 

Trong thời kỳ đầu do chính quyền Sài Gòn quản lý, xã Lạc Tánh vẫn chưa có đông dân. Nhà cửa hai bên đường thưa thớt. Thời kỳ này tiếp tục có dân di cư tự do đến làm ăn tại Lạc Tánh, nhưng cũng chưa nhiều. Năm 1965, sau khi thua trận Hoài Đức – Bắc Ruộng, chế độ cũ đưa dân từ các dinh điền: Tề Lễ, Bắc Ruộng, Huy Khiêm và Quang Hà… về Lạc Tánh. Kể từ đó, dân số ở Lạc Tánh bắt đầu đông lên. Thời kỳ này, người địa phương cũng làm ăn như các thời trước, cũng nghề rừng, khai thác gỗ, trồng lúa, làm rẫy, chăn nuôi… Một số theo ngành thương mại, buôn bán ở khu vực trung tâm quận lỵ và chi khu Tánh Linh. Đời sống kinh tế khấm khá, nhưng chiến tranh luôn là nỗi lo âu, sợ hãi của mọi người.

 

Sau ngày đất nước thống nhất, người dân Lạc Tánh mừng vui, vì không còn ám ảnh bởi bom đạn chiến tranh. Một số gia đình đến từ các dinh điền: Huy Khiêm, Tề Lễ, Bắc Ruộng… quay trở về nơi ở cũ. Một số khác tiếp tục ở lại Lạc Tánh, gầy dựng cuộc sống, ổn định lâu dài. Từ sau giải phóng, dân số Lạc Tánh bắt đầu tăng mạnh. Địa phương này đón nhận thêm nhiều nhóm di dân từ nơi khác đến, cả tự do lẫn các đợt di dân theo diện kinh tế mới do Nhà nước tổ chức. Ông Thái Tri (nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Lạc Tánh) cho biết: “Sau 1975, hình thành nhiều yếu tố dân cư. Trong đó, di cư tự do có, di cư có tổ chức có. Trước đây Bình Thuận có kết nghĩa với Thanh Hoá, nên có đưa một số bà con ở Thanh Hoá vào đây ở, khoảng năm 1977-1978. Hiện nay số bà con đó sống ở khu Lạc Hưng 1. Sau đó tiếp tục có một số bà con Quảng Bình cũng được đưa vào có tổ chức của Nhà nước. Sau nữa có một số bà con ở vùng cao phía Bắc cũng được đưa vào tổ chức. Hiện nay bà con đang định cư ở khu phố Tân Thành.”
 


 

Toàn thị trấn Lạc Tánh hiện có khoảng 14.000 nhân khẩu. Đại bộ phận nhân dân có đời sống kinh tế ổn định. Ở khu vực trung tâm, hoạt động thương mại sầm uất, là bề nổi về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương này. Nông nghiệp trong vùng cũng tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại. Cây lúa nước là nông sản chủ lực. Các công trình thuỷ lợi dẫn nước tưới các đồng ruộng được nhà nước đầu tư, tạo điều kiện cho nông dân chủ động nguồn nước tưới. Cùng với đó, người dân Lạc Tánh còn trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế như: điều, cao su… những năm qua cho thu nhập ổn định. Nhiều gia đình trở nên khấm khá. Hôm nay đến với Lạc Tánh chúng ta sẽ thấy các dãy nhà phố hiện đại mọc lên sầm uất. Con đường chính qua trung tâm huyện lỵ Tánh Linh mở rộng thênh thang. Diện mạo phố núi ngày càng thêm tươi mới. 

Thị trấn Lạc Tánh trong 1 buổi chiều tà.

Tác giả bài viết: Nguyễn Vui

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Nam Hưng - 19/03/2014 20:38
Cám ơn LTH đã ghé qua... không chỉ là Lạc Tánh, các bạn có những thông tin gì về quê hương mình cũng nên chia sẻ qua trang này bạn nhé (địa chỉ hộp thư ở cuối trang).
Tánh Linh chuẩn bị kỷ niệm 40 năm giải phóng (25/12/1974 - 25/12/2014), các anh chị em và các bạn có tư liệu gì cũng xin gởi về tanhlinh.vn. Chúng tôi trân trọng mọi sự đóng góp của các bạn để trang Tánh Linh có thêm những hình ảnh, tư liệu phong phú hơn !
LTH - 19/03/2014 06:30
Cam on Nguyen Vui da cho doc gia trang tanhlinh.vn biet them ve LacTanh. Rat mong doc gia co them bai viet ve Lac Tanh.
Comment addGửi bình luận của bạn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 145


Hôm nayHôm nay : 31401

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 158251

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 25923056