Mùa bung

Thứ ba - 02/09/2014 23:57
Mùa bung

Mùa bung

Bây giờ đã là tháng 8, tháng của những cơn mưa trắng trời, tháng của một thuở phải thon thót đứng nhìn cánh đồng mở toang ra để đón những cợn lũ tràn về. Ngày trước, cứ vào tháng này, chiều chiều tôi vẫn thường hay gặp một toán người gánh bung ra sông đặt cá, và sáng hôm sau lại kĩu kịt gánh về. Họ lầm lũi bước, hầu như chẳng nói chuyện với nhau bao giờ.


          Bây giờ đã là tháng 8, tháng của những cơn mưa trắng trời, tháng của một thuở phải thon thót đứng nhìn cánh đồng mở toang ra để đón những cợn lũ tràn về.

          Ngày trước, cứ vào tháng này, chiều chiều tôi vẫn thường hay gặp một toán người gánh bung ra sông đặt cá, và sáng hôm sau lại kĩu kịt gánh về. Họ lầm lũi bước, hầu như chẳng nói chuyện với nhau bao giờ.

          Có thể nói, ở Lạc Tánh hồi ấy người người làm cá, nhưng bắt cá bằng bung thì chỉ có ở xóm đầu đường nhựa, tức vùng thuộc thôn Lạc Hoá 1 bây giờ, đoạn từ trường Tiểu học Lạc Tánh 1 đổ về phía Bắc chừng 400mét. Do nghề bắt cá bằng bung là nghề riêng có của xóm này, nên mỗi khi họ đi qua thì hầu như ai cũng ngước mắt nhìn theo một cách lạ lẫm. Lạ, không chỉ vì cái cách đánh bắt đầy mùi hôi thúi của họ, mà lạ còn vì cái cách “đi thẳng, về khom”, “đi lầm lì, về hớn hở”của họ, như thể người mình gặp gánh bung đi chiều qua và người gánh bung về sáng nay chưa bao giờ là một vậy. Nhìn cái cách họ đi - về, biết ngay là trúng cá. Đang buổi “người khôn của khó”, “mắt đói dõi cục cơm”, nhiều người cũng mon men học hỏi để làm theo, nhưng rồi đều phải bỏ cuộc giữa chừng.

          Hồi ấy, trong xóm tôi có ông Bảy, hễ ngồi mà nói chuyện đặt bung là ông nói như cháo chảy, từ cách đan bung, làm mồi làm cho đến cách chọn địa điểm, thời điểm… Ông đã bỏ hàng tháng trời để học lỏm nghề, nhưng rốt cuộc chỉ tổ hao công tốn của, vì đặt bung có những cái thuộc về bí truyền mà không phải cứ nhằng nhẵng bám theo học thuội là làm được.

          Mãi sau này, khi cá sông ít dần, nghề đặt bung không còn đất sống nữa thì những bí mật của nghề mới lộ ra, trở thành câu chuyện đầy hoài niệm trong những lúc trà dư tửu hậu.

           Bung hai loại: bung lùn và bung cao. Bung lùn thì tất nhiên phải … lùn, nhưng, ngược lại, to hơn. Bung có thể đan bằng tre, nhưng tốt nhất vẫn là mây cát. Mây cát không to, nhưng dẻo, dễ xoắn, lại chịu nước nên có thể sử dụng bốn, năm mùa mới mục. Bung có dạng bình vôi, cao non một mét, trên có nắp được cài chắc chắn bằng hai cái hom tre, dưới có lỗ vuông để gắn toai. Toai bung được làm bằng tre hoặc sống lá. Các cây toai được vót tròn, nhọn, chuốt bằng mảnh chai cho trơn láng để có thể khép mở nhẹ nhàng. Chúng liên kết với nhau bằng dây dù và được treo vào một núm xoay như cái trục chỉnh dây đàn bầu. Thân bung được phết kín bằng phân trâu, đến mức không còn dù chỉ là một lỗ nhỏ.

          Theo truyền thống, mồi bung phải là mồi thối. Đầu tiên, người ta lấy ruột cá bỏ vào hũ, để lâu ngày cho trương thối nhằm tạo mùi cho mồi. Trùn lựa con lớn, băm với đầu cá cho nhật nhuyễn. Tổ mối đập ra, rây lấy con mối để riêng ra thau. Tổ mối một phần giã nhuyễn, một phần đập to như mút đũa. Trùn băm, tổ mối và một phần con mối được trộn chung thành một hỗn hợp sền sệt, bỏ vào bung ngay phía trước hom toai, sau đó rắc phần mối còn lại lên, đổ mắm ruột cá lên sau cùng rồi đậy nắp, cài hom tre lại chắc chắn. Sở dĩ tôi phải mô tả tỷ mỉ cái công đoạn làm mồi này là vì đây chính là bí quyết mà ngày xưa ông Bảy theo riết mà không học được.

          Nơi đặt bung thường là một đoạn sông nước chảy chậm, và nơi được chọn nhiều nhất hồi ấy là khúc Bùng Binh, nơi con sông Cát chuẩn bị đổ ra sông La Ngà. Bung được đặt ở phía bờ lở của con sông, nơi có nền đất cứng, ít bùn và lá mục. Trước khi đặt  bung, người ta phải rà chân xuống đáy sông, tìm một nơi bằng phẳng, có lối mòn do loài cá ăn tầng đáy để lại, sau đó định vị bằng hai nhánh bứa vạt nhọn cắm thẳng xuống đáy sông, cách nhau một quãng bằng đúng bề ngang của cửa toai. Phía trước cửa toai, nơi mà luồng cá sẽ từ đó chui vào bung phải được dọn sạch thành luồng. Chuẩn bị mọi thứ xong xuôi, người ta lên bờ ngồi nghỉ, chờ đến khi mặt trời gần lặn, mới mang bung ra nhẹ nhàng dìm xuống nước. Bung được chỉnh sửa ngay ngắn, canh cho cửa toai nằm giữa hai cây bứa đã cắm sẵn, rồi cắm một cây bứa thứ ba qua phía bên kia, buộc chụm lại với nhau để neo bung. Cửa toai bao giờ cũng hướng theo chiều nước, nơi mà khi mồi trôi xuống, cá tìm lên sẽ gặp ngay cửa để chui vào.

        Việc đặt bung  vừa xong thì trời cũng chạng vạng tối, người ta í ới gọi nhau về nghỉ. Đây là lúc cái bung âm thầm làm nhiệm vụ của mình. Những con mối còn sống mang theo cái mùi đặc trưng của mồi, trôi xuôi theo dòng nước, thu hút sự chú ý của bầy cá. Các loài cá da trơn như cá trê, cá chốt, cá lăng, cá chạch vốn mê ăn xác thối, bị cái mùi của mồi cá bám trên lưng các con mối dẫn dụ, lần lượt men theo luồng nước đẫm mùi mà rủ nhau chui vào bung để rồi không bao giờ ra được.

          Sáng, gà vừa gáy canh ba, người ta đã dậy rủ nhau đi dỡ bung. Cái thú của nghề bung là ở lúc này. Đang giữa mùa mưa, cứ gần sáng là trời trở lạnh, vùng dậy chui ra khỏi mền trong cơn ngái ngủ đã là một cố gắng lớn, vậy mà vừa ra đến sông là ai cũng háo hức ào ngay xuống nước. Thay vì nhổ mấy cành bứa để đưa bung lên bờ thì người ta lại lấy chân dò trước cửa toai để đoán biết thành quả. Người kinh nghiệm chỉ cần sự mách bảo của bàn chân là biết ngay trong bung cá nhiều hay ít. Sau khi nhẹ nhàng vớt bung lên, người ta dồn cá lại, rửa bung sạch sẽ rồi mới kĩu kịt gánh cá về cho kịp buổi chợ mai.

          Nghề đặt bung, có lẽ do vất vả mà khiến người ta đâm ra mê tín. Và chính mê tín đã giúp cho các nguyên tắc của nghề được tuân thủ một cách nghiêm túc nên được giữ gìn và truyền lại nguyên vẹn từ đời này sang đời khác. Cũng có thể do vị trí đặt bung phải được chọn lựa khắc khe, mà sông thì vô chủ nên càng nhiều người đặt bung càng dễ xảy ra xung đột, do đó người ta buộc phải giấu nghề, và cách giấu nghề hay nhất là phủ lên nó một màu sắc mê tín để không ai trách cứ được gì.

          Và, vì cái sự mê tín ấy, mỗi khi gánh bung đi, người ta hay sai trẻ con ra đường trông ngược ngó xuôi để tránh cảnh “ra ngõ gặp đàn bà”. Khi đi, họ kéo nón sùm sụp để không phải chào ai mà cũng không cần ai chào hỏi. Hai cái bung được trùm kín bằng vải, cửa toai quay vào người. Chỉ có chủ nhân mới được sờ tay vào cửa toai. Cửa toai nếu sơ ý bị người khác ghé mắt hay thọc tay vào thì dù có đổ máu cũng không hết giận. Việc làm mồi, trét bung, trút cá… tất tần tật phải đàn ông làm. Bung gánh về, trút cá ra xong phải lấy phân trâu trét dặm lại rồi úp miệng xuống phơi khô, để chiều chiều lại gánh ra sông đặt cá.   

          Việc đánh cá trên sông  hàng năm luân phiên theo chu kỳ. Đầu mùa mưa, khi nước lũ đầu mùa tràn về thì giăng lưới. Tháng tám, tháng chín, nước dâng cao và chảy chậm thì đặt bung, câu cắm, câu treo. Cuối năm, nước bắt đầu xuống thì dỡ chà. Và đến khi những người đàn ông người Chăm giăng hàng ngang kín cả mặt sông để đâm lao thì mùa cá kết thúc.

          Bây giờ, những lão ngư nổi tiếng một thời trong nghề bung như ông Hai Nô, ông Sáu Thìn không còn nữa. Cá ít dần, cái xác bung cũng theo năm tháng mục ra thành đất. Thỉnh thoảng, trong các cuộc nhậu, những người làm nghề bung ngày xưa lại ngồi trao đổi với nhau những ngón tuyệt kỹ trong nghề, rồi lại vỗ vai nhau cười đến nao lòng.

          Tôi ngày xưa cũng là một thằng mê cá, vẫn thường lẽo đẽo theo sau những người gánh bung với bao nhiêu dấu hỏi trong đầu. Bây giờ biết hết mọi bí quyết của nghề rồi, tôi vẫn thường tự nhủ, hồi ấy dù có được truyền nghề, thì với cái cách đánh bắt cầu kỳ thế này, chắc rồi tôi cũng như ông Bảy, nói về nghề thì hay nhưng chẳng bao giờ dùng bung bắt được, dù chỉ là một con cá nhỏ./.

Tác giả bài viết: Lương Văn Lễ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Comment addGửi bình luận của bạn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 143


Hôm nayHôm nay : 24916

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 307986

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 28877361