Bến phà Trại
Đã hai mươi bảy năm rồi tôi mới về bến phà Trại. Đứng dưới gốc cổ thụ già nua nhìn dòng La Ngà cuộn chảy, tự dưng tôi nhớ chị Khuê, nhớ anh Hải, nhớ cu Lâm, nhưng nhớ nhất là người mà ngày xưa tôi đã hẹn là trọn đời sẽ nhớ…
Đã hai mươi bảy năm rồi tôi mới về bến phà Trại. Đứng dưới gốc cổ thụ già nua nhìn dòng La Ngà cuộn chảy, tự dưng tôi nhớ chị Khuê, nhớ anh Hải, nhớ cu Lâm, nhưng nhớ nhất là người mà ngày xưa tôi đã hẹn là trọn đời sẽ nhớ… Tôi qua phà Trại lần đầu tiên vào khoảng năm 1984, khi theo chân anh tôi lên Nông trường La Ngà chụp ảnh tết. Và trong cái lần đầu tiên bước chân xuống phà ấy, tôi không bao giờ nghĩ, rồi tôi sẽ phải nhớ về nơi này đến vậy.
Khu dân cư nông trường nằm ở ven sông La Ngà, ngay bên kia bến phà Trại. Ngọc bảo, do bến phà nằm ngay sau lưng trại Huy Khiêm, mà nông trường lại như một ốc đảo lạc loài ít ai biết đến nên người ta gọi vậy để người ngoài quê vào dễ hỏi, dễ tìm. Mà thật, tôi sống ở cách nông trường chỉ vài ba cây số, nhưng nếu không theo anh tôi đi chụp ảnh thì cũng không thể biết nơi đây lại có một khu dân cư đông đúc đến vậy. Sông La Ngà chỗ phà Trại nước chảy siết. Người ta căng một sợi dây cáp ngang sông và neo vào đó một chiếc phà gỗ. Để qua sông, người ta quay cho hai sợi dây neo phà so le nhau, dòng nước sẽ đẩy cho phà chạy. Phà Trại là cửa ngõ duy nhất của nông trường mở ra thế giới bên ngoài.
Hồi ấy, nông trường mới lập nên còn nghèo lắm. Nhà lợp tranh, vách che tranh, cửa nẻo cũng tranh, sáng chống lên chiều sập xuống. Tuy nghèo, nhưng người nông trường ai cũng hồn hậu. Anh em tôi chỉ là những người chụp ảnh dạo, nhưng đi đến đâu cũng được mọi người đón tiếp một cách thân thiện và nồng ấm. Đang buổi khó khăn, nên chụp ảnh cũng là thú chơi xa xỉ, vậy mà có người bấm bụng bỏ tiền ra chụp ảnh riêng cho cả gia đình. Sau, có người bảo mới biết, do ở dây không có thợ ảnh, nên người ta tranh thủ chụp để… rủi “đi xa” cũng có ảnh mà thờ! Trời ơi, người nông trường bây giờ có ai còn nhớ đến nỗi bi quan khắc khoải này không?
Tôi qua phà Trại những lần sau là do anh Hải rủ rê. Anh quen chị Khuê trên chuyến xe về quê. Hẹn hò rồi, nhưng nhà không có xe, nên tuần nào anh cũng rủ tôi lên nông trường. Sợ tôi ngại đường xa, anh gò lưng chở tôi đi đến nơi về đến chốn. Lần nào cũng vậy, chị Khuê đón anh em tôi ngay ở bến phà rồi đưa về nhà. Chị Khuê đẹp lắm. Làm nông nhưng nước da chị trắng bóc. Mái tóc dày và mượt lúc nào cũng xõa kín bờ vai. Anh Hải rủ ra vườn, chị gọi tôi theo. Chị nói chuyện với tôi nhiều hơn với anh Hải. Gái quê lạ quá, đã yêu rồi mà còn sợ người khác biết là mình đang yêu!
Lên chơi vài lần, tôi phát hiện trong nhà chị Khuê còn có một người con gái nữa, là Ngọc. Ngọc trạc tuổi tôi, và tôi lúc ấy vẫn còn đi học, nhưng anh Hải lại “mượn” Ngọc để giữ tôi và “mượn” tôi để cầm chân Ngọc, nên dù cũng có chút e dè nhưng rồi chúng tôi cũng thân thiện với nhau. Tôi theo Ngọc ra sông tưới thuốc lá, hoặc phụ Ngọc làm những việc lặt vặt trong nhà. Ngọc nhờ tôi dán cho cu Lâm con diều giấy. Cu Lâm mê con diều lắm, nên lúc nào cũng quanh quẩn trong vườn để “giữ chị Hai”. Cu Lâm luôn làm anh Hải và chị Khuê cảm thấy thoải mái hơn là sự có mặt của tôi và Ngọc. Có những buổi chiều không có việc gì làm, tôi rủ Ngọc ra sông câu cá. Con gái ai lại đi câu? Bảo vậy, nhưng Ngọc vẫn cắp nón theo tôi ra sông. Ngọc luôn chọn nơi mà trong nhà hễ nhìn là thấy, hễ gọi là nghe, nên hầu như lần nào tôi cũng bị dang nắng, da dẻ sạm đen như cột nhà cháy.
Tôi bảo Ngọc, tôi là gốc cây bên kia sông, Ngọc là gốc cây bên này sông, lúc nào cũng nối với nhau bằng một sợi dây cáp. Ngọc cười, mai mốt người bên này theo về bên kia sông rồi, không còn người qua phà nữa, sợi cáp rồi biết có còn không?
Đi chơi với anh Hải vài lần, bỗng dưng tôi nhận ra, ở nông trường cái gì cũng đáng yêu, đáng nhớ. Anh Hải tròn mắt ngạc nhiên khi tôi chủ động rủ anh đi thăm chị Khuê mỗi chiều chủ nhật. Và giữa lúc tôi đang nôn nao háo hức với những chiều cuối tuần thì một hôm, đột nhiên Ngọc bảo, tuần sau Ngọc sẽ về quê, và phải lâu lắm mới về lại. Bác của Ngọc thương cháu cực khổ, bảo về quê ở với bác, không học chữ thì học nghề. Tôi đứng như trời trồng, nhìn Ngọc hồi lâu rồi buột miệng bảo, mai mốt lên không gặp, tôi sẽ buồn và nhớ Ngọc lắm. Ngọc bứt cọng cỏ thả xuống sông, giọng nghèn nghẹn như muốn khóc: Quê Ngọc xa lắm, nhớ Ngọc làm gì? Tôi chụp lấy tay Ngọc, nói như hét lên giữa đất trời lộng gió, nhất định tôi sẽ nhớ Ngọc, nhớ suốt cả cuộc đời!
Chẳng phải vì lời nói gió bay, nhưng phải đến hai mươi bảy năm sau tôi mới về lại bến phà Trại. Người ta bảo, nông trường đã giải thể, và tất cả nông trường viên cũng đã dọn nhà đi nơi khác từ lâu. Lần trước tôi lên, gần đến bến phà thì thấy một cánh cổng sắt im ỉm chắn ngang. Lần này ghé vào, thấy cổng mở, tôi đánh liều chạy qua để tìm lại bến phà xưa. Nối liền hai bờ sông giờ là một cây cầu bê tông, nhỏ thôi, và cũng đã cũ. Xóm nhà bên kia sông giờ là ruộng lúa xanh rì. Cảnh vật đổi thay nhiều quá, khiến tôi không khỏi ngậm ngùi. Hai cây cổ thụ vẫn đứng đó, nhưng chiếc phà thì không còn nữa. Và kìa, sợi dây cáp vẫn còn buộc vào hai gốc cổ thụ, căng ngang mặt sông lóa nắng. Tôi lập cập móc máy ảnh ra, chụp cánh đồng, chụp dòng sông, chụp hai cây cổ thụ, và cố gắng chụp cho rõ sợi dây cáp để làm chứng, may ra gặp lại thì đưa cho Ngọc coi.
Hai mươi bảy năm rồi, hai gốc cổ thụ vẫn còn nối liền nhau bằng một sợi dây cáp. Tôi đã trở về, mà Ngọc ơi, giờ Ngọc ở nơi đâu?
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://tanhlinh.vn là vi phạm bản quyền