Cơ hội cho rừng lá

Thứ năm - 28/03/2013 04:35
Đọc lại bài thơ Rừng lá tự nhiên thấy rưng rưng nuối tiếc, tanhlinh.vn mạo muội post lại bài viết cũ của hơn 10 năm trước để chia sẻ cùng bạn đọc. Những ngày trước Tết... mỗi khi có dịp đi ngang qua rừng lá Suối Kiết, nhìn những cây lá buông trổ hoa mà lòng thấy nao nao. Hoa buông nở thành từng buồng như hoa cau nhưng không mọc theo nách lá mà cứ trực đỉnh vươn lên ngạo nghễ giữa trời. Lúc ấy tôi cứ nghĩ đây là một tín hiệu vui, nhưng thực sự tôi đã lầm - Đó là thông điệp cuối cùng của đời cây !
Cơ hội cho rừng lá

Cơ hội cho rừng lá


Phơi lá buông
Chuyện về lá..
Đang ở giữa rừng lá buông, bỗng anh Tư Hoè - Chủ tịch HTX Lâm Nông nghiệp Suối Kiết nói nhỏ như chỉ vừa đủ cho tôi nghe "về thôi chú!". Trên đường về, tôi đem những ý tưởng vừa mới cảm nhận được về cây buông để nói với anh. Anh chỉ lặng yên. Về đến nhà, anh lẳng lặng tự mình pha trà chứ không gọi con gái như mọi khi. Bên tách trà bốc khói, tôi gợi chuyện về những quầy hoa buông và về dự án phục hồi rừng buông trong tương lai. Thế nhưng điều tôi tâm đắc nhất lại là điều anh buồn nhất. Anh cho rằng những cây buông trổ hoa thơm ngát cả một vùng đó chính là thông điệp chấm hết một đời cây. Rồi anh bắt đầu chậm rãi kể cho tôi nghe chuyện về cây lá buông Suối Kiết và những con người thuỷ chung với nó...
Cây lá buông có nơi còn gọi là cây kè (thuộc họ cau dừa, tên khoa học là corypha lecomtei beec). Cây thuộc loại thân cột cao khoảng 10 thước, đường kính từ ba tới bốn tấc, lá trưởng thành dạng chân vịt gần tròn đường kính từ một thước rưỡi đến hai thước . Cây phát triển bình thường mỗi năm cho từ khoảng 6 - 7 lá. Chất lá dai và bền, người ta dùng làm nguyên liệu để chế biến đồ thủ công mỹ nghệ. Cây lá buông sống khoảng 30 đến 40 năm thì ra hoa kết trái, sau khi trái chín rụng thì cây cũng tàn và chết theo. Cây lá buông từ 4-5 tuổi có thể chịu được lửa rừng và đến 6 tuổi khi cây có khoảng trên 10 lá thì cho khai thác. Cây buông có đặc tính tái sinh rất mạnh và hầu như không bị thú rừng phá hoại. Do vậy, những cánh rừng buông xơ xác như bây giờ có thể kết luận một nguyên nhân duy nhất là vì con người khai thác đến tận cùng một cách không thương tiếc! Điều này cũng thật dễ hiểu vì lá buông cho nguồn lợi rất lớn. Lá buông còn non dạng búp được khai thác chính gọi là lá búp đề, lá búp đề chặt về phơi khô có màu trắng ngà đem tách bỏ sóng, tước thành những sợi dài dùng để đan các mặt hàng xuất khẩu như: Nón, giỏ xách, chiếu thảm, bình lọ đĩa, lẵng hoa hoặc các tranh tạo hình để trưng bày v.v... Sóng lá dùng để làm lạt hoặc làm mành sóng xuất khẩu. Các loại lá già hay non hơn, nhỏ hay lớn, tùy theo chất lượng mà phân loại thành lá chân, lá xã, lá chằm, lá cành nôm, lá quạt dùng để thưng vách (lá thưng), lợp nhà hay đan quạt... Cuống lá buông già rục phần giữa nhưng dọc hai biên cuống lá rất cứng nhưng không giòn, dùng làm đũa ăn rất tốt - gọi là đũa sóng lá.
Vì chặt phá vô tội vạ nên rừng buông
Suối Kiết ngày càng cạn kiệt

Khai thác vô tội vạ

Ở Suối Kiết có những vùng đất mênh mông chỉ toàn cây lá buông thế nên trước đây mới có tên gọi rừng lá. Vùng rừng lá nổi tiếng là rừng thiêng, nước độc. Trai tráng sức vóc vạm vỡ là thế mà chỉ cần đến rừng lá vài tháng là da dẻ bắt đầu thay đổi, người bắt đầu xanh xao. Dân Suối Kiết lúc bấy giờ thưa thớt chỉ vẻn vẹn vài mươi hộ sống bám vào đường tàu, gần ga. Nhà ông Ba Xương Dọc ở bên kia đường ray nổi tiếng với nghề rừng, tên thật của ông ít ai còn nhớ bởi cứ quen gọi ông bằng cái tên dân dã gắn với nghề rừng. Nhà ông Hai Sen cũng nghề lá nhưng phần lớn là thu mua rồi bỏ mối lại cho các vựa lá. Nhà bà Hương Thắng, nhà ông Phúc hay nhà bà Vân Anh sống chuyên nghề lá, vậy mà bây giờ buộc phải chuyển sang làm rẫy, làm rừng, cuộc sống thật bấp bênh. Tôi đã vào những căn nhà tạm bợ dọc theo đường tàu từng gắn bó với nghề lá hàng chục năm, vậy mà giờ đây mấy người con chẳng biết búp lá ra sao?

Trong câu chuyện thường bị ngắt quãng bằng những tiếng còi tàu, anh Tư Hoè kể hồi mới về đây dân làm lá tuy chưa phải sung túc, dư dả gì lắm nhưng cũng thật dễ chịu: "Hồi đó bước mấy bước đã tới rừng, lấy cu liêm giật vài cái là vác về đã không muốn nổi rồi, bỏ lá cho vựa là cầm tiền về ngay. Nhà nào có nhiều công thì chịu khó phơi lá, "xé lá" bán cho mấy người miền Tây ra mua được giá hơn!". "Sao lại xé lá?" - tôi hỏi. "À! Đó là công đoạn bung lá ra để phơi, dân làm lá vẫn thường gọi thế! Đây là việc tỉ mỉ mà tốn công lắm, để cho người ở nhà làm thôi".

Trong suốt buổi chuyện trò, anh vẫn thường nhắc ngày trước thế này này, hồi đó vầy nè... với đầy vẻ tiếc nuối.  "Hồi đó, búp lá cái nào cái nấy thấy phát ham. Thanh niên khoẻ đến đâu cũng chỉ vác nổi ba búp là cùng. Còn bây giờ á... cả chục búp cũng chưa ăn thua. Cái nào cái nấy bằng nắm tay chớ mấy".  Tự nhiên, tôi cảm thấy thích thú với lối so sánh thật chân chất "hồi đó - bây giờ" của anh, nhưng cũng không khỏi ngạc nhiên với sự khác biệt ấy. "Thì cũng cây ấy, rừng này - chẳng lẽ trước đất tốt bây giờ đất xấu đi?". "Làm gì có chuyện đó, đơn giản chỉ là vì của khôn người khó, ai đợi nó lớn cho. Mới phát hiện búp mới nhú là người ta đã hái mất rồi , có đâu mà để cho lớn. Thiệt tội nghiệp, có nhiều búp chỉ mới ra vài tấc đã bị chặt rồi!". Sự khai thác vô tội vạ mà chẳng nghĩ đến sự bảo dưỡng, khoanh nuôi phát triển thì sự cạn kiệt nguồn khai thác là điều tất yếu. Thấy vậy, biết vậy, nhưng vì cuộc sống lẫn sự bon chen mưu sinh hàng ngày, nên chẳng ai nhường ai...

Cơ hội mới...

Ngày 3.12.2002, UBND tỉnh Bình Thuận đã có công văn số 4054/UBBT-NLN chính thức chấp thuận dự án đầu tư phát triển vùng cây buông của Hợp tác xã Lâm Nông nghiệp Suối Kiết. Với mục tiêu là quản lý bảo vệ, phục hồi nuôi dưỡng, trồng và phát triển khu rừng lá buông nhằm phát triển sản xuất, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho chế biến hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu... Nhưng quan trọng hơn đối với người dân Suối Kiết là giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần xoá đói, giảm nghèo và bảo vệ môi trường sinh thái. Dự án được chấp thuận đã làm nức lòng người dân ở đây, hơn cả sự mong đợi vì không phải là 814ha mà quy mô diện tích chính xác là 861,3ha. Trong đó, đất có cây buông mọc tập trung là 730ha. Hiện tại trong tổng diện tích được giao đã có gần 150ha đang  bị xâm lấn trái phép. Doanh trại của HTX Lâm Nông nghiệp Suối Kiết là một căn nhà vòm dạng sắt lắp ghép, lợp tôn. Dọc theo mốc ranh còn có khoảng mươi chốt canh khác, đó là những căn chòi lá tạm bợ của những người đang quyết tâm ở "giữ đất". Mỗi chòi có vài người đàn ông thay phiên nhau ở lại trong rừng, riêng HTX bố trí một tổ bảo vệ túc trực từ 7 đến 10 người. Chủ nhiệm HTX là Nguyễn Đình Hoè và Phó Chủ nhiệm Nguyễn Quang Thái cũng luân phiên bám trụ cùng với người phụ trách tổ bảo vệ không ai xa lạ mà chính là Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồ Phi Hùng. "Giữ đất cứ như thời chiến tranh ấy!" - một người buột miệng nói vậy khi chúng tôi hỏi về việc xâm lấn đất ở đây. "Căng thẳng lắm mấy chú ơi, chỉ cần ở nhà một ngày thì hôm sau đã thấy ngay một luồng ranh mới ngay trên đất của mình rồi!".

Họ là ai? Xin thưa ngay, đó chính là những cư dân phiêu bạt từ Kiên Giang, Đồng Tháp lên, từ Tây Ninh, Đồng Nai qua, từ Bà Rịa- Vũng Tàu đến lấn chiếm đất trái phép. Các ngành chức năng của huyện, tỉnh đã tốn biết bao công sức, nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm được.  Chuyện tranh chấp đất ở đây đã không còn là chuyện nhỏ nữa khi nó đã vượt quá tầm giải quyết của địa phương. Ngày 7.10.2002, Chính phủ đã có văn bản số 1218/ CP-NN v/v giải quyết tình trạng dân di cư tự do đến tỉnh Bình Thuận, trong đó yêu cầu các địa phương nơi dân đi và đến tiến hành làm rõ, phân loại để xử lý. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có công văn số 4591/ BNN-KL ngày 2.12.2002 đề nghị hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai  tăng cường phối  hợp chống phá rừng, trong đó lưu ý đến 53 hộ đồng bào dân tộc Châu Ro ở hai huyện Xuân Lộc, Long Khánh (Đồng Nai) sang xâm canh, xâm cư, chặt phá 150ha rừng thuộc dự án bảo vệ, phát triển rừng lá buông ở Tiểu khu 332 xã Suối Kiết, huyện Tánh Linh. Đối với địa phương tỉnh Bình Thuận và huyện Tánh Linh cũng có nhiều văn bản, tổ chức nhiều cuộc họp liên huyện để tích cực giải  quyết , tuy nhiên vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn.


Như thân tằm rút ruột nhả tơ, cây buông cứ lớn dần lên để cho người những búp lá non óng mượt. Đến đỉnh sinh trưởng, cây trổ hoa, kết trái rồi... chết. Các nhà khoa học cho rằng một khi không còn lá để quang hợp thì cây chết. Tôi lại muốn nghĩ  về cây lá buông theo một lẽ khác: Khi không còn lá để cho người - tức là khi không còn có ích cho đời nữa thì cây sẽ không tồn tại. Cây buông chết là theo lẽ đó! Có điều, con người vẫn đang còn "đối xử" chưa phải với cây buông...
 
 
 
Các bạn cũng có thể xem lại bài viết đăng trên báo Lao động qua đường link sau:

http://www1.laodong.com.vn/pls/bld/folder$.view_item_detail(57951)


 

Tác giả bài viết: Nam Hưng

Nguồn tin: Báo Lao động

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Trần Hữu Biển - 26/08/2018 21:59
Cám ơn bạn có bài viết rất trăn trở với cây Lá buông
Comment addGửi bình luận của bạn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 186


Hôm nayHôm nay : 25321

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 308391

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 28877766