SÁT THỦ THƠ

Thứ tư - 06/11/2013 03:45
SÁT THỦ THƠ

SÁT THỦ THƠ

...Mà cũng tại lão nữa, người đâu mà mê thơ đến thế không biết, yêu thơ đến mê muội. Giống như người thất tình vậy, biết là yêu đơn phương nhưng vẫn cứ cố đeo đuổi, sống chết với nó, cho dù là vô vọng. Lão say sưa gởi thơ đi khắp, miễn có tên mình trong hộp thư là đã thấy sướng rồi, mang đi khoe bảo là họ rất trân trọng, đã cám ơn và hẹn lần sau, dịp sau sẽ dùng đến. Hẹn như hẹn làm sổ đỏ, cứ lòng vòng lèo vèo mãi mà nào có thấy đâu.



     Trung Cao và Nguyên Thi là đôi bạn thơ duy nhất ở xóm Tum, tuy khập khiểng nhưng lại khăng khít. Hai người luống tuổi nhau, lại cùng yêu thơ nên quý mến nhau là điều dễ hiểu.

     Trung Cao, Nguyên Thi đều là những bút danh. Cái biệt danh Trung Cao là do anh em cơ quan “tặng” ông từ thời bao cấp, lúc ấy Trương Văn Năm cú lắm nhưng sau nghĩ lại thấy cũng hay hay nên dùng luôn làm bút danh. Nguyên Thi lại khác một chút, ấy là do lão tự nghĩ ra sau cái vụ làm sổ đỏ.

     Ngày ấy ở cơ quan cũ, những kẻ thích gièm pha, chế giễu gọi ông Năm bằng cái tên Trung Cao như một cách để mỉa mai về cái sự học lỗi thời của ông, khi mà người ta hết tài chính kế toán lại đến tin học, ngoại ngữ, chỉ có riêng ông là lao vô chính trị. Tấm bằng nửa trung cấp, nửa cao cấp ấy ông đã phải mất gần hai năm trời với một cặp trâu cày mới lấy được, nhưng thật trớ trêu, nó đã thực sự lạc mốt ngay từ khi mới nhận. Thây kệ, ông vẫn cứ điềm tỉnh với con đường mình đã chọn cho tới ngày về hưu non. Thế rồi cũng như tất cả những con đường trên thế gian, đi riết thành đường, gọi mãi thành tên, dần dà cái tên thật mất đi, cái bút danh nghiễm nhiên chiếm chỗ.

     Từ ngày về một cục, Trung Cao ra tum cất nhà thì Nguyên Thi mới có người thủ thỉ tâm tình, còn trước kia cả cái xóm này gần như tẩy chay lão bởi cái tính gàn gàn chẳng giống ai, đã thế lại còn mang cái chứng cao huyết áp mới khổ, chẳng ai dám chọc giận bao giờ bởi sợ lão lên tăng sông thì có mà mang họa. Gặp đám tiệc khi đã ngà ngà hơi men mà dính vào lão là coi như hết đường về, ví như người ta chỉ mới nói gió thoảng thì lão phải đẩy lên thành bão mới thôi. Nghe đâu lão đã từng tranh luận sáng đêm, nhất định không chịu mở cửa cho khách về chỉ vì người đối ẩm chưa nghe thủng một câu chuyện vớ vẫn nào đấy. Mỗi cái tội ấy mà ai nấy đều ngán lão còn hơn cơm nếp nát, duy chỉ có Trung Cao là hiểu được bạn mình.

 

*

* *

 

     Sau cái đận phải về hưu trước tuổi, Trung Cao hụt hẫng đến mấy tháng trời. Nhà ở thị trấn chưa đầy trăm mét vuông, chẳng có chút đất nào để động chân động tay. Ngồi nhà đọc báo, xem ti vi mãi cũng chán. Ông bàn với vợ, hay là mình ra tum kiếm chút đất làm cho vui, bà vẫn cứ chạy chợ, tôi trồng rau trỉa bắp cũng đủ qua ngày. Bà vợ ông vốn lành tính, dễ chịu nên thuận ý với ông ngay, vả lại ra ngoài tum thì mớ rau con cá cũng dễ xoay sở.

     Ngay hôm đầu tiên vợ chồng ông ra xóm Tum, cả xóm đã kéo đến mừng nhà mới. Họ tự mang mồi, mang rượu với trái cây đến mừng và bày ra nơi hiên nhà nhậu luôn. Trời vừa nhá nhem tối mọi người chúc tụng nhau rồi ra về, riêng Nguyên Thi còn nán lại bởi câu chuyện chưa dứt. Nể người hàng xóm mới quen, mặc dầu mệt muốn đứt hơi nhưng ông vẫn cố gắng thu xếp một bàn mới cho vị khách đặc biệt này. Đặc biệt ở chỗ ông Nguyên Thi cũng có cái tên khác với cái tên cha mẹ đặt cho. Sau cái nhấp môi, Nguyên Thi ý tứ đặt lại ly xoay chừng sang phía Trung Cao, đoạn từ tốn giới thiệu:

     - Tui tên Nguyễn Thỉ, thấy dấu má rồm rà quá nên bỏ bớt đi cho gọn, khỏi phải mất công đính chính mỗi khi có việc động đến giấy tờ, người ta lại hỏi Thỉ hỏi hay Thĩ ngã. Tui nói hỏi ngã gì mà chẳng được, nhiêu đó mà cũng có lúc sinh chuyện, thôi bỏ luôn phức. Vậy mà lại hay ông ạ, Nguyên Thi nghe nó thanh thoát hơn nhiều, mà lại có chất thơ nữa chứ.

     - Ý ông nói thi là thơ chứ gì ?

     - Đúng vậy. Nguyên Thi là thơ nguyên chất ấy… Khà khà !!!

     Hai người cùng phá ra cười sảng khoái như đã thân thiết nhau từ lâu lắm rồi. Không cần đếm nhịp nhưng thật tình cờ cả hai cùng nâng ly lại bật ra cùng lúc:

     - Dzô nghen, tui uống trước…

     Lại bật cười, và lại dzô, cứ thế những câu chuyện lan man tiếp nối nhau. Chuyện thơ phú tưởng chừng đã khép từ lâu nay lại được khơi mào. Nó như con mương nhỏ ứ nước chỉ cần một nhát cuốc là ào vào chân ruộng. Từ ngày rời cơ quan đến nay, Trung Cao chẳng biết khoe với ai những bài thơ ông làm từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, cho đến những bài thơ được in trên Bản tin Xuân của huyện. Nguyên Thi cũng vậy, lão cũng làm nhưng cất kỹ chẳng dám đưa ra, nay được dịp cũng tuôn tràn. Hai người tỏ ra tâm đầu ý hợp lắm, mãi đến khuya Nguyên Thi mới chân thấp chân cao ra về.

     Những hôm sau đó, cứ rãnh rỗi Nguyên Thi lại sang nhà Trung Cao đàm đạo chuyện thi ca. Vườn nhà ông Cao đang trong giai đoạn kiến thiết nên bề bộn lắm, lão Thi cũng không nề hà xắn tay áo lên giúp bạn, khi thì cùng bạn san lấp mặt sân vốn là mảnh ruộng dưa trước kia với nhiều gốc le còn sót lại, khi thì vần cái chậu kiểng hoặc đắp thêm cái hòn non bộ.

     Cái tính lãng mạn và thú chơi thơ của ông Trung Cao đã truyền sang bạn từ lúc nào không hay, Nguyên Thi sang nhà Trung Cao lúc đầu là chuyện cây cảnh, và sau đó thể nào cũng đến chuyện thơ. Khi bài thơ về xóm Tum của Nguyên Thi được đọc lên trong ngày hội đại đoàn kết toàn dân với lời giới thiệu của vị xóm trưởng, lão thấy tự tin hẳn lên, thoát khỏi cái tự ti vốn thâm căn cố đế, đi đến đâu cũng ngâm nga “xóm Tum quê mình…”

     Thế rồi trong một dịp đám cưới, Nguyên Thi gặp được nhà thơ Kim Bình từ thành phố lên. Kim Bình đã có đến mấy bài thơ được phổ nhạc in thành đĩa CD hẳn hoi nên triết lý về thơ của Kim Bình có vẽ nặng ký lắm, ít ra là đối với Nguyên Thi. Nghệ sĩ là phải tự do sáng tạo, không thể gò ép tâm hồn người nghệ sĩ bằng một không gian nào cả; người nghệ sĩ vốn nhạy cảm nên rất dễ “tổn thương” đến tình cảm nếu không biết trân trọng “tác phẩm” của nhau; đã là nghệ sĩ thì tâm hồn mênh mông lắm, mỗi người một trái đất riêng vẫn còn là chật hẹp, phải là vũ trụ riêng mới đặng… Nhà thơ thành phố tung ra bao nhiêu thì nhà thơ xóm Tum hứng trọn bấy nhiêu, và Nguyên Thi đã tán thành tuyệt đối cái lý thuyết vũ trụ riêng đó.

     Ngay hôm sau, “vũ trụ” Nguyên Thi đến thăm “vũ trụ” Trung Cao cũng là để bàn việc thơ hay không thơ, thơ vần hay thơ không vần, thơ văn xuôi có còn là thơ không … Có lẽ thơ bây giờ đã bắt đầu chuyển động đến xóm Tum rồi chăng, hay đã đến lúc phải đổi cái chữ “Nguyên” trong bút danh Nguyên Thi khi mà thơ đã bắt đầu không còn nguyên vẹn nữa.

     Nguyên Thi vào đề ngay khi vừa an tọa trên chiếc ghế đá đặt cạnh hòn non bộ trước nhà. Tụi mình làm thơ đã lâu nhưng chưa để lại ấn tượng gì. Tâm hồn thì mông mênh, mênh mông nhưng thơ thì bó hẹp, chẳng thoát ra được. Vì sao vậy? Thì chẳng rõ mười mươi rồi ấy sao. Ý tưởng lớn với triết lý cao siêu mà câu chữ thì gò bó, hỏi làm sao thoát ra được.

     Trung Cao chẳng hiểu ý bạn nói gì nên cứ ngập ngừng:

     - Hôm nay ông làm sao thế ?

     - Tui muốn thay đổi, muốn đổi mới ông ạ !

     - Thì cứ việc, có sao nào.

   - Nhưng mà còn công chúng thơ nữa chứ. Ông không thấy sao, hôm trước tui mới đưa ra câu thơ hơi dài một tý, thoáng hơi hướm đương đại, các cụ trong Hội Người Cao tuổi đã làm ầm lên rằng chẳng đương đại đương tiểu gì sất. Muốn đương đại thì ra đường mà đương, còn Câu lạc bộ ta cứ là truyền thống!

     Lời phát biểu của cụ Hội trưởng làm tắt ngấm con đường thơ mới khai phá của lão. Nghệ sĩ là phải sáng tạo, không thể cứ theo lối mòn mãi, nhưng cãi làm sao được, bởi nếu không có Câu lạc bộ Người cao tuổi xóm Tum này thì lấy ai nghe thơ?

     - Thời buổi này tìm đầu ra cho thơ khó quá, ông ạ !

     Nguyên Thi bất chợt thở dài làm Trung Cao cũng thấy cám cảnh. Thiệt khổ, thiên hạ dù có vô tình quên đi tác phẩm thì cũng phải tìm cách cho họ nhớ ra rằng ta vẫn là một nghệ sĩ.

     - Ông ạ, hay là ta chuyển sang văn xuôi liệu có khá hơn chăng? Tui thấy bức bối lắm rồi, cứ bám riết vào những câu thơ theo khuôn khổ cứng nhắc, vần vè luật lệ thế này e không cất cánh nổi.

     Trung Cao vẫn lặng yên thở dài.

     - Tui thấy “niêm luật” như những vật cản thơ! Ông ạ, nó như những chốt chặn làm cho thơ không thoát ra được…

    Lại cái điệp khúc “ông ạ” phát ngấy nhưng Trung Cao vẫn không hề mở miệng. Biết nói gì khi bạn mình đã lĩnh hội hết ý thơ của “nhà thơ thành phố” kia rồi.

     Nguyên Thi vẫn say sưa: - Tui nghĩ đã đến lúc phải chuyển sang thơ văn xuôi, hoặc là viết văn xuôi hẳn. Mà có lẽ văn xuôi dễ hơn thật, cứ nghĩ gì viết nấy là ra văn ngay, không phải nặn óc tìm tứ, tìm từ, tìm vần, rồi lại phải tra lại niêm luật nữa chứ.

     Chuyện Nguyên Thi nói Trung Cao không bất ngờ bởi lâu nay vốn biết tính bạn hay muốn thể hiện mình, nhưng để tham gia đề tài này thì chẳng hứng thú gì. Trung Cao thủng thẳng châm nước trà cho bạn rồi khẽ khàng: - Thơ hay văn cũng vậy thôi, chủ yếu là do mình.

     - Vâng, mình phải tự khai phá con đường nghệ thuật của mình chứ !

     Nguyên Thi chém tay vào không khí như cái cách Kim Bình đã vung tay hôm nọ trong đám cưới ồn ào, rồi dõng dạc tuyên bố rằng lão sẽ viết một truyện ngắn, một thư ngỏ cho xã hội để nói cho mọi người biết văn thơ không phải chuyện đùa, lời nói đọi máu, lời thơ còn hơn thế nữa. Có những câu thơ làm thổn thức lòng người, rung động con tim, thức tỉnh chức phận làm người… thì cũng có những câu thơ làm đau nhói tâm cang, thậm chí gây uất hận cả một đời. Phải rồi, lão sẽ viết một truyện ngắn mà nhân vật chính trong đó buộc phải chết vì một bài thơ, đây sẽ là tiếng chuông thức tỉnh mọi người phải có trách nhiệm với thơ hơn, tránh vung vãi thơ như bây giờ.

     Trung Cao suýt sặc nước vì cười, ông phun ngụm trà Ô Long nóng hổi ra gốc vừng rồi húng hắng ho, cố dằn lại tiếng cười không đúng chỗ. Sợ bạn tự ái, ông không dám bình luận gì thêm nên buông một câu bâng quơ:

     - Ô Long cứ tưởng là báu lắm, cũng chẳng khá hơn chè xanh chút nào.

     - Thì cũng tùy cái gu của mỗi người thôi.

    Tưởng đã lái được câu chuyện sang đề tài phi văn chương, Trung Cao đã mừng thầm trong bụng định nói tiếp chuyện trà lá thì Nguyên Thi đã nhanh hơn:

     - Tùy khẩu vị từng người thôi, cũng như thơ vậy, các cụ ông thì thích rặt Đường Luật nhưng các cụ bà thì khoái lục bát hơn …

     Như chợt nhớ ra điều gì hệ trọng lắm, Nguyên Thi vỗ đùi đánh đét:

     - Đúng rồi, thơ thì nhiều đường nhưng văn xuôi thì chỉ có một, hoặc là dài hoặc là ngắn thôi chứ chẳng có dạng thức nào khác. Cứ dài lê thê, hết chương này đến chương nọ thì đích thị là tiểu thuyết, ít chữ hơn một chút là truyện dài, còn lại là truyện ngắn … ha ha !!!

     Nguyên Thi khoái chí với phát kiến của mình về văn xuôi và tung một đòn quyết định ngay sau cái phát kiến mới mẽ ấy:

     - Nhất định tui sẽ chuyển sang viết văn xuôi ông ạ. Truyện ngắn đầu tay sẽ là một câu chuyện về người vợ tự tử vì một bài thơ của chồng. Ông ạ, ông giúp tôi bài thơ đó nhé, tôi sẽ đưa vào cái truyện ấy. Chỉ có thơ thâm thúy như Trung Cao mới gây chết người nổi, nhất định ông phải giúp tui cái bài thơ này !

     Tưởng là chuyện đùa trong lúc đang cao hứng nên Trung Cao chẳng bận suy nghĩ và gật ngay cho qua chuyện. Được rồi, tui sẽ viết, sẽ viết. Vâng, thơ giết người, thơ uất hận, thơ hũ nút… Ừ nhỉ, thơ hũ nút đọc một bài là muốn tắt thở rồi, tra tấn mươi bài như thế không chết mới là lạ. Gần đây người ta đề cao vai trò người đọc lên quá thể, người đọc phải sáng tạo thêm một lần nữa mới đích thị là người biết đọc. Nếu độc giả hỏi lại thơ anh viết gì thế, lập tức mắng ngay, anh không phải là độc giả thơ nữa rồi, tác giả không có trách nhiệm trả lời, anh phải tự hỏi về trình độ thẩm thấu thơ của mình chứ, thế có chết người không.

     Sau cuộc đàm đạo dài hơi ấy Nguyên Thi gác bút thật, không thấy lão làm thơ nữa, vậy là lão đã quyết tâm chuyển sang văn xuôi, nhưng tác phẩm đầu tay vẫn chưa ra đời được. Theo Nguyên Thi thì cái truyện ngắn đã có đầy đủ bố cục, đề cương chi tiết, chỉ còn thiếu mỗi bài thơ chết người ấy nữa là có thể bắt tay vào viết. Lão sốt ruột chờ cái bài thơ ấy nhưng Trung Cao không cách nào nặn ra được, mỗi bận thấy bạn sang chơi ông phải tìm một lý do gì đó để trì hoãn chuyện nộp bài. Truyện ngắn đầu tay của Nguyên Thi vì thế cũng có lý do chính đáng mà trì hoãn.

 

*

* *

 

     Đêm vần vũ, sấm đì đoàng, thỉnh thoảng lại lóe lên những tia chớp làm cho người ta có cảm giác bất an. Cơ thể người già như cái máy dự báo thời tiết, một chút xao động nhỏ cũng làm thay đổi nhịp sinh học. Cái chứng đau lưng, nhức mỏi lại hành ông, Trung Cao cứ thao thức mãi chẳng chợp mắt nổi. Lại một đêm mất ngủ rồi đây. Những đêm mất ngủ thường làm ông suy nghĩ mông lung. Giá mà mình đừng lôi kéo Nguyên Thi vào chuyện thơ phú có phải hay hơn không, Trung Cao thầm nghĩ, nhưng nếu không có mình thì chắc cũng có người khác. Trung Cao tự bào chữa cho cái sai lầm của mình rằng có thể chẳng có ai “lôi kéo” cả thì thơ cũng đến với lão như một sự tự nhiên ở đời. Ở một xứ sở mà ra ngõ gặp nhà thơ thì cái anh không thơ mới là lạ. Nhưng thà là lão tự nhiên đến với thơ thì ít ra mình cũng không phải chịu những lời trách móc, giận hờn từ bà vợ già và những đứa con của lão.

     Trung Cao vắt tay lên trán, nhớ như in cái lần thằng Thủ, con trai lớn của lão sang nhà ông ngay trong buổi sáng sớm khi hai người uống chưa hết ấm trà. Nó nói với ông, giọng rành rọt:

     - Bác có thương mấy mẹ con con thì tha cho ba con với, cứ thơ với thẩn suốt thế này thì cả nhà con khùng lên mất.

     Lão Thỉ, tức nhà thơ Nguyên Thi, đã không dằn nổi trước sự hỗn láo của đứa con mất dạy, đã tạt cả tách trà nóng vào người Thủ: - Câm ngay, mẹ con mày muốn thì cứ việc cuốn xéo… Cút !!!

     Thằng Thủ đã kịp chạy biến đi nên lão không thể chửi gì thêm được nữa, bởi bây giờ người nghe duy nhất chỉ là ông bạn thơ quý mến của mình. Chửi nó hóa ra chửi gởi ông Trung Cao à? Nguyên Thi vẫn còn đủ bình tĩnh để nghĩ đến điều đó nên đành vuốt ngực:

     - Con cái đời nay thật hết biết, nó nói vậy ai chịu nỗi không chứ.

     Trung Cao vẫn còn lặng người, chết điếng vì câu nói của thằng nhỏ. Nguyên Thi phân bua:

     - Ông nghĩ coi, có nhiều nhặn gì cho cam. Người ta mời mình tham gia Thơ tuyển Miền Đông, tui gởi năm bài thì họ chọn cả năm chứ tuyệt nhiên không bớt bài nào. Đến khi in xong người ta gởi biếu một cuốn và mời mua tùy hỷ, nhà vừa xuất lứa heo, tui ngắt ra ba trăm tám mua lấy mười cuốn tặng bạn bè. Ấy vậy mà mẹ con nhà nó làm ầm cả lên, thiệt hết biết… đúng là đồ…

     Lão bỏ lững câu nói, nhưng bạn lão hiểu … và có lẽ hiểu hơn trong cách dùng từ “nhà nó” để cho mọi người thấy rằng không phải là “nhà mình” nữa rồi. Không nói ra nhưng Trung Cao thật sự áy náy vì từ khi chơi thơ phú với mình, gia đình Nguyên Thi bắt đầu lộn xộn. Mà cũng tại lão nữa, người đâu mà mê thơ đến thế không biết, yêu thơ đến mê muội. Giống như người thất tình vậy, biết là yêu đơn phương nhưng vẫn cứ cố đeo đuổi, sống chết với nó, cho dù là vô vọng. Lão say sưa gởi thơ đi khắp, miễn có tên mình trong hộp thư là đã thấy sướng rồi, mang đi khoe bảo là họ rất trân trọng, đã cám ơn và hẹn lần sau, dịp sau sẽ dùng đến. Hẹn như hẹn làm sổ đỏ, cứ lòng vòng lèo vèo mãi mà nào có thấy đâu. Chỗ bám víu duy nhất để lão tin mình là nhà thơ và cũng là chứng cứ hùng hồn nhất để “nói chuyện với thiên hạ”, ấy là các “tuyển tập thơ” miền này, miền nọ theo kiểu góp gạo nấu cơm chung mà lão được mời tham gia và đã được in.

 

*

* *

 

     Trung Cao tìm được một tảng đá khá đẹp. Để chiếm hữu cái vẻ đẹp ấy của đá là điều không hề đơn giản. Vì không muốn dây cáp làm trầy, ông phải nhờ đến hàng chục thanh niên to khoẻ, cộng thêm đòn bẫy, dây thừng, dây bẹ mới đưa được hòn đá lên xe, chở về nhà. Đá vừa an vị buổi sáng thì buồi chiều Nguyên Thi qua, chắp tay sau lưng, vừa đi quanh vừa trầm trồ khen ngợi. Trung Cao khoái chí lắm, kéo bạn vào nhà uống trà để khoe chuyện đá cho có đầu có đũa. Bất ngờ, Nguyên Thi đề nghị:

     - Này ông ạ, tui nói vầy ông nghe có được không. Tảng đá đẹp quá, tui sẽ sáng tác tặng ông một bài thơ tuyệt hay để làm kỷ niệm. Tui có quen một tay khắc đá mỹ nghệ có ngón nghề tuyệt chiêu. Tui sẽ kêu hắn khắc bài thơ ấy lên đá cho ông luôn. Ông nghĩ sao?

     Trời ạ, nghĩ sao nữa. Trung Cao ngậm bứ một miệng trà chát sì, không biết phải trả lời thế nào. Đúng là ông cũng định khắc lên đó một bài thơ, nhưng nhất định không phải là thơ của Nguyên Thi. Xót xa cho đá, xót xa cho mình, nhưng biết nói sao đây cho khỏi sứt mẻ cái tình tri âm tri kỷ, Trung Cao đành ậm ừ đánh trống lảng cho qua chuyện. Ai ngờ, ngay sáng hôm sau Nguyên Thi đã cầm bài thơ, dắt theo tay thợ đá sang nhà. Trung Cao đắng họng, nói lẫy:

     - Ông tặng, thôi thì cứ đục luôn đi, bao giờ xong tui hẵng đọc!

    Nói xong, Trung Cao xách xe đi luôn, quên cả chào. Ông sợ ngồi thêm chút nữa hông chừng mình sẽ khóc. Chạy xe mà chẳng biết đi đâu, cục uất cứ phình to, chèn ngang cổ nghèn nghẹn.

    Nguyên Thi đi quanh đôn đốc, giám sát tay thợ đá từng ly từng tý với vẻ mặt mãn nguyện. Đến chiều, khi bài thơ đã gần xong thì bà vợ Trung Cao đi chợ về, ngang qua đứng lại nhìn bài thơ, tưởng thơ của chồng nên vô tình bảo:

     - Đó, anh coi, cái ông Năm nhà tui mê thơ quá mà làm toàn những việc lẩn thẩn. Ổng chộ cục đá ni ở chỗ mô không biết mà về nhà mê mẩn, lấy của tui mấy trăm nghìn, thuê xe thuê người chở về cho bằng được, để tạc thơ. Mà anh ngó coi, thơ ri mà tạc chi cho uổng đá…

     Rồi bà khe khẽ ngâm:

                     Viết ri mà cũng thơ hè?

               Chắc con gà què cũng bới ra thơ…

     Nguyên Thi đứng chết trân, sắc đỏ lan dần từ mũi ra mang tai, rồi sắc trắng từ mang tai lan ngược trở vào, đến khi đôi môi trở nên bợt bạc thì lăn đùng ra bất tỉnh. Tay thợ đá hoảng hốt quăng cả búa, cả xì rô, hì hục vác Nguyên Thi đi cấp cứu, nhưng chỉ ra đến ngõ thì Nguyên Thi đã mềm oặt như cọng bún, hơi thở lịm dần.

*

* *

     Ngôi mộ Nguyên Thi nằm trên đồi cao lộng gió, nhìn xuống con sông nước chảy bốn mùa. Trung Cao thuê người đưa tảng đá có bài thơ của Nguyên Thi lên đặt ngay bên mộ bạn. Mấy ngày sau, không biết ai đã cuốc đất đắp vào chân cục đá, lấp hết cả bài thơ, chỉ để lại hai dòng chữ:

 

TRI ÂM

thơ Nguyên Thi

 

     Trung Cao vác cuốc lên đồi, định bới đất cho bài thơ lộ ra, nhưng ngẫm nghĩ một hồi lại thôi. Đối với nhiều nhà thơ, việc để mọi người biết mình là nhà thơ đôi khi còn quan trọng hơn cả thơ. Trung Cao thắp nhang cho bạn, chẳng khấn vái gì, rồi lầm lũi ra về./.

Tác giả bài viết: Nam Hưng

Nguyễn Trung - 06/11/2013 09:51
Không vung vãi đâu bạn. Vấn đề là nếu nắm rõ ý tưởng khuất lấp giữa các dòng chữ vô thường thì mọi người mới dám phản hồi.
LTMH - 06/11/2013 06:49
Đọc lúc đầu thấy cũng vui vui, đoạn sau hơi buồn nhỉ, hình như trên tanhlinh.vn thơ của LTMH cũng hơi vung vãi hi hihi. Mà nghĩ cho cùng rút cục ai cũng phải về với cát bụi thôi mà hehehe. Sống được ngày nào thì ta cứ yêu ngày đó, biết là yêu đơn phương..........,
Nguyễn Trung - 06/11/2013 04:16
Suốt 10 năm nay, nhà văn Việt Nam gồng mình theo đuổi loại hình văn chương cao quý làm cho nàng văn luôn mang vẻ nghiêm nghị/trọng quá mức cần thiết. Nhưng không đáng lo... vì đã có... Nam Hưng.
Comment addGửi bình luận của bạn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 98


Hôm nayHôm nay : 15046

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 632588

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 16276828