GẶP LẠI HOÀNG HÔN
Đã lâu lắm rồi mới gặp phải một đêm cúp điện, mà lại cúp “trắng”, đến nỗi khắp thị trấn cũng chẳng tìm đâu ra một ánh đèn!
Nhờ vậy, cũng đã lâu lắm rồi mới có dịp gặp lại bóng hoàng hôn nhuộm nhoạm với đúng bản chất ngàn đời của nó. Không một bóng đèn “tài lanh” thắp vội, và thậm chí khi bóng tối đã dâng đầy mảnh sân nhỏ, thì trong nhà cũng chẳng ai thắp lên, dù chỉ một ánh đèn dầu leo lét. Không gian tuyệt đối thuộc về thần bóng đêm. Chỉ là bóng hoàng hôn thôi mà sao thương quá! Ôi, cái hoàng hôn nhuộm nhoạm từ trong cửa sổ bò ra, từ trong bóng cây bò ra, đồng nhất xanh đỏ tím vàng, đồng nhất ngắn dài tròn khuyết trong một màu đen nhưng nhức như nhau, vốn có đó nhưng dễ gì được gặp!
Không biết từ bao giờ, cái “văn minh đèn điện” đã lấy đi của con người những giây phút hoàng hôn lãng mạn. Ánh sáng giúp người ta nhìn thấy nhau và nhìn thấy vạn vật. Thấy là để tránh ra, để chạm đến, để bồi đắp, để đục phá, để ghét bỏ, để yêu thương... thôi thì đủ cả. Bóng đêm lại lấy đi của con người cái “quyền nhìn ngó”, bằng cách phủ bóng đêm lên tất cả, đem lại sự bình đẳng cho cùng khắp thế gian. Cục vàng rớt giữa đường đêm thì cũng như cục đá, con cánh cam đậu trên cành khuya chẳng khác gì bọ hung; và chỉ có như thế thì người ta mới cam chịu nằm xuống, bắt một nhịp cầu cho giấc ngủ đi qua, giúp người ta hồi phục để đủ sức đi suốt cái cõi ba vạn sáu nghìn ngày này.
Ấy vậy mà cái “văn minh đèn điện” đã lấy đi của tự nhiên cái bóng đêm đáng quý, để chiều thuận theo “thói tham nhìn ngó” của con người. Con người vốn sợ bóng đêm, nhưng tạo hóa lại cho con người cái sức dài hơn cả ánh ngày, nên dù đêm xuống, người ta cũng không chịu ngơi nghỉ. Cái tính hay lam hay làm của con người bị màn đêm bắt phải trả giá bằng vô số tai nạn không thể nào lường trước. Trong bóng đêm, con người gặp ti tỉ rủi ro mà dưới ánh ngày họ không bao giờ gặp phải, nên họ đưa nỗi sợ bóng đêm lên trên tất thảy mọi nỗi sợ trong đời. Từ xa xưa, người ta đã biết dùng lửa để xua đuổi bóng đêm, nhưng bóng đêm chỉ lùi lại một chút thôi, và luôn giương mắt chực chờ lúc dầu vơi củi hết. Từ khi có điện, bóng đêm bị đẩy ra xa hơn, và hầu như chỗ nào con người nhìn đến đều phải được chiếu sáng. Sống bên dòng điện, người ta quên cả bóng hoàng hôn chầm chậm lúc cuối ngày, quên cả ánh trăng khi tròn khi khuyết, quên cả sự áo hức khi thức đợi ánh bình minh. Mà, hoàng hôn thì đẹp lắm. Nó là cái đích của con người sau một ngày làm lụng vất vả. Đã vắt kiệt sức cùng ngày, đêm về là lúc nghỉ ngơi, nên người ta luôn nhìn hoàng hôn bằng cái nhìn khoan khoái, nhẹ nhõm. Và cũng bởi màn đêm đầy hiểm họa, nên trong ánh hoàng hôn, vạn vật đều hối hả. Lũ gà con nháo nhác về chuồng, bầy chim tao tác tìm về tổ, chỉ có bước chân người là vẫn cứ khoan thai trong hoàng hôn. Người ta thích thú thưởng thức cái an nhàn lúc đêm về, thầm nghĩ đến gàu nước mát lạnh dội lên người, nghĩ đến bát cơm nóng hổi, nghĩ đến cái ngả lưng khoan khoái trên giường, nghĩ đến một giấc mơ đẹp hơn những gì đã có trong ngày...
Khi hoàng hôn ập xuống là lúc mọi người ngưng làm việc và lục tục trở về tổ ấm, nên cũng là lúc mọi người ngồi tựa cửa ngóng chờ nhau. Biết là đằng nào cũng về, vậy mà chỉ khi thấy được cái dáng thân quen thoáng qua đầu ngõ mới dám thở phào trút bỏ mọi âu lo. Bóng đêm sẽ từ từ buông, đẩy con người vào quạnh hiu buồn bã, khiến họ biết yêu thêm những ai gần gũi bên mình.
Đã lâu rồi, cuộc sống hối hả cuốn theo nền “văn minh đèn điện”, ý niệm cuối ngày chẳng neo lại lúc đêm buông, nên hầu như chẳng ai nhớ là hoàng hôn vẫn đến mỗi ngày. Cúp điện bất ngờ, không nghe được tiếng gà tao tác, không nhìn thấy lũ trâu lục tục dắt nhau về, không tiếng thảng thốt của bầy chim tìm tổ, nhưng từ trong ký ức, tất cả vẫn vẹn nguyên cùng bóng đêm đang tràn khắp nơi nơi.
Chẳng thể làm gì khi cúp điện, may mà còn có hoàng hôn để làm hồi sinh từng tế bào cảm xúc, để mà thương mà nhớ những ngày xa. Ngồi lặng trong hoàng hôn, chợt nhận ra, con người cần những phút giây tĩnh lặng và nhàn nhã biết chừng nào. Và để có được điều đó, chỉ cần cúp điện, thế nên cúp điện đâu phải lúc nào cũng dở!