BÁC SĨ DÂN - NGƯỜI BÁC SĨ CỦA DÂN
- Thứ tư - 26/02/2014 03:51
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tôi gặp người khách thơ trong đêm Nguyên tiêu lần thứ sáu - năm 2014 của huyện Tánh Linh do Chi hội VHNT huyện và Câu lạc bộ thơ ca Nghị Đức tổ chức tại xã Nghị Đức. Ông đã luống tuổi nhưng tính tình hoạt bát nhanh nhẹn và đặc biệt là rất mê thơ. Biết tôi công tác ở huyện nên ông cứ lòng vòng hỏi thăm rằng ở bên đó có biết bác sĩ Dân hay không ? Tôi nói bác sĩ Dân thì ai mà hổng biết, cả huyện này đều biết ấy chứ. Được tin, ông như mở cờ trong bụng và hỏi han đủ chuyện về bác sĩ Dân. Tôi nói với ông những gì mình biết về người bác sĩ hết lòng vì bệnh nhân, chuyên môn giỏi mà tính tình lại hiền lành, dễ mến… Ông mừng rơn nắm lấy tay tôi, tui là cha nó đây mà, tui là Trần Hiên còn nó là Trần Lý Văn Dân. Ôi, thật vậy sao - Chúc mừng bác, có lẽ đó mới chính là tác phẩm tuyệt vời nhất chứ không hẳn là những thi phẩm của tác giả Trần Hiên vừa được xướng ngâm. Thật vậy, hình ảnh người bác sĩ ấy lại hiện về trong tôi đẹp hơn cả một bài thơ.
Tôi biết bác sĩ Dân đã khá lâu, dễ có đến hai mươi năm - từ ngày anh về công tác tại bệnh viện, đến nay anh đã là Phó Giám đốc Bệnh viện huyện. Mặc dù là lãnh đạo Bệnh viện nhưng do thiếu bác sĩ chuyên môn nên anh phải kiêm luôn Trưởng khoa cấp cứu. Và không chỉ riêng xử lý ở khoa cấp cứu mà các khoa phòng khác, khi nào thiếu người cần hỗ trợ là có mặt anh, thế nên lúc nào cũng thấy anh tất bật với công việc. Vừa mới thấy anh ở phòng cấp cứu thoắt cái đã xuống khoa Ngoại hỗ trợ anh em những ca khó, những hôm phòng siêu âm thiếu kỹ thuật viên anh cũng “thế chỗ” ngồi vào máy trực tiếp siêu âm cho bệnh nhân... Là bác sĩ chuyên khoa I với kiến thức chuyên môn vững vàng và nhiều kinh nghiệm trong việc khám và điều trị nhưng anh vẫn hết sức khiêm tốn, giản dị. Trong sinh hoạt anh là người hoạt bát, vui vẻ và có phần xuề xòa, dễ tính thế nhưng trong chuyên môn anh thật sự là người cẩn trọng, kỹ lưỡng. Có lần tôi bị viêm họng sang Bệnh viện lấy thuốc, tưởng chỉ đơn giản là soi đèn nhìn vào vòm họng là cho thuốc, đi về. Thế nhưng anh không dừng ở đó mà tiếp tục hỏi han bệnh tình và khuyên tôi nên đi siêu âm để kiểm tra thêm. Thật không ngờ khi siêu âm cổ mới phát hiện ra những nang đa nhân ở tuyến giáp và tôi phải đi điều trị tiếp.
Câu chuyện của lần siêu âm ấy cũng làm tôi nhớ đời, may mà có bác sĩ Dân trấn an tôi mới ổn định tinh thần để mà điều trị. Chuyện là sau khi siêu âm cổ, thấy có nhiều nang đa nhân các bác sĩ khuyên tôi nên đi khám lại ở Bệnh viện ung bướu thành phố Hồ Chí Minh. Tôi hoang mang và tức tốc sang phòng khám tư của một người bạn để kiểm tra lại. Bạn tôi cũng là bác sĩ chuyên khoa và cũng như các bác sĩ trước - anh ý tứ khuyên tôi nên vào Bệnh viện Ung bướu càng sớm càng tốt vì nguy cơ ung thư là rất cao. Tôi như người đi trên mây, trên gió. Chẳng nghi ngờ gì nữa, một chữ K lạnh lùng sẽ đóng vào bệnh án và cũng sẽ đóng dấu chấm hết cho cuộc đời này. Chưa đến mức phải hoảng loạn nhưng tôi bàng hoàng nhận ra cuộc đời này chuyện sinh tử mới nghiệt ngã làm sao… Và trong những giây phút gần như tuyệt vọng ấy tôi về tìm gặp lại bác sĩ Dân. Vâng, chỉ có thể là Trần Lý Văn Dân mà thôi - người đã cho tôi niềm tin để trở lại cuộc sống ! Anh bắt tay tôi và ân cần hỏi han, tôi buồn bả lắc đầu thay cho câu trả lời đại ý rằng “thế là hết !”. Tôi nhớ mãi cái giây phút ấy, anh nói: “Dễ chi ! Chu choa… Anh khỏe rứa mà dễ chi chết! Không có ka kiếc chi đâu mà to, người mắc trong bệnh thì ít ra tim mạch cũng loạn xạ, tay phải run hoặc đổ mồ hôi… Còn anh, tui bắt tay thấy bàn tay ấm nóng đầy sinh khí rứa mà bệnh nặng chi được. Không có mô. Tin tui đi, vô Sài Gòn chơi một bữa rồi về!”. Tôi như bắt được vàng, cứ níu lấy câu nói ấy của bác sĩ Dân mà ung dung đi khám. Quả vậy, ơn trời tôi chỉ bị nang tuyến giáp, tức u lành và không phải cắt mổ gì, chỉ uống thuốc vài tháng là ổn. Thế đấy, tôi nhớ mãi về anh cũng từ câu chuyện sanh tử này.
Lần khác tôi đi kiểm tra sức khỏe ở Bệnh viện Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh về, bác sĩ kết luận hở van tim hai lá và Block AV I (block độ một). Với chứng bệnh này bác sĩ đã cho toa mua rất nhiều loại thuốc đặc hiệu để điều trị. Khi về nhà tôi lại mang cả đống thuốc vừa mua với cả xấp bệnh án sang bác sĩ Dân nhờ tư vấn. Anh đọc kỹ bệnh án, các kết quả xét nghiệm, siêu âm tim, điện tâm đồ… và khuyên tôi chưa vội dùng thuốc mà trước hết hãy thay đổi lối sống, tích cực tập luyện thể thao và có chế độ ăn uống hợp lý. Với niềm tin về “người bác sĩ của dân” này dĩ nhiên là tôi nghe theo, vất cả mớ thuốc hơn cả triệu đồng sang bên, tôi chăm chỉ tập luyện và giảm bia rượu, ăn nhiều rau, uống nhiều nước… Quả nhiên, mọi sự cố gắng đều được đền bù một cách xứng đáng, điều tốt đẹp đã đến với tôi khi không dùng đến thuốc mà những chứng bệnh ấy đã không còn, van tim vẫn hở nhưng không đáng kể, đặc biệt là nhịp tim đã trở lại bình thường, không còn block độ 1 nữa. Và một lần nữa tôi lại chịu ơn bác sĩ, mặc dù anh không nhận nó là công của mình, mỗi lần gặp tôi hay nhắc chuyện cũ để cám ơn bác sĩ, anh cười xuề xòa “có chi mô mà”.
Không chỉ riêng tôi, nhiều người khi tiếp xúc với Bác sĩ Dân đều có chung nhận xét: đây đúng là người bác sĩ của dân. Anh không hề phân biệt cán bộ công chức, lãnh đạo hay người dân bình thường, ai cũng như ai, ai bệnh cũng đều phải được chăm sóc, điều trị như nhau bởi vì khi đến đây tất cả đều là bệnh nhân. Làm người thầy thuốc giữ được điều này thật quý. Anh đến với người bệnh gần gũi thân thiết như đến với người trong gia đình, ân cần thăm hỏi, động viên và trước hết là nắm bắt diễn biến tâm lý để trấn an họ. Tôi đã trãi qua những giây phút ngặt nghèo nhất để trở lại với cuộc sống bình thường, nên thấu hiểu những lời động viên, những lời khuyên của bác sĩ quan trọng đến mức nào. Bác sĩ Dân đã luôn tận tụy với dân, với người bệnh với một cái tâm sáng của người thầy thuốc nên mới có thể cho những lời khuyên đáng giá ngàn vàng ấy. Những lời khuyên đúng lúc đã giúp cho bệnh nhân tin tưởng hơn và nhất là làm dịu đi những căng thẳng, bức xúc khi đối mặt với bệnh tật.
Nhân ngày thầy thuốc Việt Nam 27 tháng 2, tôi ghi lại những dòng này như một lời cám ơn đối với ân nhân của tôi - bác sĩ Trần Lý Văn Dân, người bác sĩ của dân. Chúc anh tiếp tục có thêm những niềm vui mới trong ngày 27 tháng 2 và mãi mãi là người thầy thuốc vì dân./.