ĐÊM MÙA ĐÔNG

Thứ tư - 20/12/2023 03:55
ĐÊM MÙA ĐÔNG

ĐÊM MÙA ĐÔNG

ĐÊM MÙA ĐÔNG
                             Truyện ngắn: Lê Thanh Hưng
 
Cầm quyết định nhận công tác ở trường cách nhà hơn 20km, Xuân Thành như muốn khóc, nỗi buồn này không biết tỏ cùng ai. Ba mẹ an ủi “Thôi con, ráng dạy vài năm rồi xin về gần nhà!”. Biết làm sao được, lẽ nào khăn gói đi học ba năm rồi giờ bỏ ngang, mà bỏ thì biết làm gì bây giờ.
          Rồi ngày tụ trường cũng đến, Thành đạp xe mỏi rời cả đôi chân mới tới được ngôi trường công tác. Đứng bên ngoài nhìn vào ngôi trường còn sơ sài lắm. Một dãy phòng học cấp bốn và vài căn nằm ngang làm phòng hành chính. Thành vào phòng Hiệu trưởng trình diện, thầy hiệu trưởng mới ngoài 40 tuổi, nhìn dáng đôn hậu dễ gần. Thầy hỏi thăm gia đình, quá trình học tập một cách thân mật làm Thành thấy cảm tình và an tâm hơn. Sao thủ tục nhận công tác thầy đưa Xuân Thành xuống khu tập thể giới thiệu với những người xung quanh và bố trí cho ở chung với một thầy nữa tên Sáng. Căn phòng tập thể cấp bốn đã cũ kỹ, cánh cửa được đóng bằng tôn cũ có nhiều lổ thủng, bên trong có hai cái giường và một bộ bàn ghế đơn điệu, phía sau là một vườn rau xanh tốt. Như vậy chỗ ở cũng tạm ổn.
          Ngày đầu tiên vào nhận lớp chủ nhiệm, sau khi giới thiệu bản thân xong, học sinh lớp 7 cứ lau nhao lên:
-         Thầy ơi! Nhà thầy ở đâu?
-         Thầy có người yêu chưa? Em giới thiệu dì em cho thầy nha!
-         Thầy của em đẹp trai quá!
Hàng loạt câu hỏi không cần câu trả lời, chúng nó cứ làm ồn ào mất kiểm soát lớp học. Thành lấy thước gõ mạnh lên bàn để giữ trật tự, sau đó đi vào nội dung chính của tiết sinh hoạt như bầu lớp trưởng, lớp phó …
Buổi đầu tiên qua đi, cuộc sống xa nhà vô cùng vất vả, hầu như ngày nào cũng ăn cơm với rau, hết rau xào đến rau luộc, hôm nào có trứng chiên là sang lắm rồi, còn thịt cá là một loại hàng hóa đặc biệt ít khi được biết đến. Số tiền lương ít ỏi nhận ra không đủ trang trải cuộc sống. Thành không dám nghĩ đến những món hàng xa xỉ như điện thoại thông minh, xe tay ga, đồng hồ hiệu… cái mà người đàn ông nào cũng có. Thỉnh thoảng cuối tuần Thành về thăm cha mẹ, ở nhà cha mẹ cũng không khá gì hơn, căn nhà tềnh toành đã từ lâu không được sửa chữa, nâng cấp vì bao nhiêu tiền bạc dành cho Thành ăn học. Cánh của chính và cửa sổ làm bằng gỗ nay đã ọp ẹp lắm rồi, nắng mưa cứ mặc nhiên xuyên vào. Thành muốn giúp đỡ cha mẹ một chút gì đó mà không được, cái nghèo, cái khó làm cho Thành đôi khi buồn tủi trước học sinh và đồng nghiệp. Nỗi buồn chỉ thoáng qua mau, niềm vui đã nhanh chóng quay trở lại khi Thành nghĩ  biết bao nhiêu bạn bè đồng trang lứa với mình muốn một ngày làm thầy giáo, được đứng giảng bài trước bao nhiêu cặp mắt ngơ ngác của học sinh mà có được đâu.
Thấm thoát đã bốn tháng trôi qua, học kỳ I vừa thi xong, môn Toán của thầy Thành dạy cũng có vài học sinh điểm dưới trung bình. Một buổi chiều có phụ huynh em Toàn tới gặp riêng thầy, đưa cái phong bìa 2 triệu đồng và đề nghị nâng điểm cho cậu học trò nhỏ lên 6,5 để được xếp loại học lực khá. Một tình huống thật khó xử, vừa sợ vừa lo. Thầy giáo mới ra trường cứ ấp úng mãi, nhất quyết không nhận tiền và tuyệt đối không nâng điểm cho học sinh. Trước khi ra về phụ huynh còn nói mát:
- Tôi không nghĩ là thầy vô tình đến vậy.
Nghe xong Thành cũng im lặng, thông cảm với tình yêu thương con của phụ huynh, yêu thương một cách mù quáng. Phụ huynh còn nhờ cô giáo chủ nhiệm tác động đến thầy một lần nữa, tuy nhiên Thành nghĩ rằng nếu nâng được cho em Toàn thì sẽ nâng được cho nhiều em nữa, chuyện này mà các em học sinh biết thì sẽ mất niềm tin với thầy, các em sẽ không còn kính trọng và tin tưởng thầy thì làm sao còn chỗ đứng trước học trò của mình.
Chuyện không chỉ nhiêu đó, có một cô giáo trong trường nói mất cái điện thoại Iphone 4 mới mua, do bỏ quên trong buổi họp Hội đồng sư phạm nhà trường. Cái điện thoại có giá trị khá lớn, cô giáo buồn mấy ngày liền, “một mất mười ngờ”, nhiều ánh mắt nhìn lén qua nhau tỏ ý nghi ngờ. Hôm họp Hội đồng Thành lại là người về sau cùng vì phụ xếp bàn ghế, đóng cửa. Cũng có ánh mắt nhìn Thành, đôi khi có những lời nói bóng gió đâu đó mà Thành cảm nhận như ám chỉ mình như “Bần cùng sinh đạo tặc”, “túng quá làm liều”. Thành nghe cũng thấy buồn, lẽ nào do mình nghèo quá mà có người không tin vào nhân cách của mình. Thầy Hiệu trưởng nhìn nhận một cách khách quan hơn, thầy nói:
- Chuyện cô giáo mất điện thoại chưa hẳn là bỏ quên trong phòng họp, đã quên trong thời gian dài, tối về mới biết mất. Như vậy có thể mất trước hoặc sau buổi họp. Đề nghị thầy cô không bàn tán chuyện này nữa.
Thành nghe cũng thấy an lòng, thôi thì đừng suy nghĩ nữa cho thêm buồn.
Đôi giày của Thành mang tróc đế nhiều lần, mua keo dán sắt nhỏ vào cũng đi tạm được, thầy Hiệu trưởng thấy vậy tặng đôi giày cũ còn mang tốt, Thành vui như trúng số độc đắc. Một số người khuyên nên mở lớp dạy thêm, nhưng Thành nghĩ học sinh đi học trên trường gần như hai buổi trên ngày, thời gian còn lại nên để các em tự học ở nhà, và còn có thời gian vui chơi, nghỉ ngơi để tái tạo năng lượng thì hôm sau vào lớp mới tiếp thu bài tốt được. Thương các em thì hãy tập trung soạn giáo án, đầu tư cho một tiết dạy thật là hứng thú, sinh động, cuốn hút các em vào tiết học và nắm vững được kiến thức cần truyền đạt. Nếu có em nào chậm hiểu bài thì quan tâm đến em đó nhiều hơn, cố gắng vực dậy để các em theo kịp bạn bè. Trong lớp không bỏ em nào phía sau.
Trong quá trình giảng dạy, Thành chú ý đến em Toàn, quan tâm đến em nhiều hơn, lúc có thời gian rảnh, gọi em lên cho một số bài tập để làm thêm. Toàn tiến bộ hẳn, học kỳ II điểm trung bình trên 7,0, em đạt học sinh tiên tiến. Thành mừng vì giải được khúc mắc với phụ huynh, không còn lo phụ huynh đến gặp mình nữa. Mẹ em Toàn mừng ra mặt, tuy nhiên bà không nghĩ là nhờ thầy Thành đã âm thầm giúp cho con mình, giúp bằng cách củng cố kiến thức chứ không giúp bằng cách nâng điểm. Đã có lần bà nói với những người xung quanh:
- Con tôi học giỏi là vì cháu cố gắng, chứ thầy Thành không giúp gì được.
Nghe xong cũng bình thản như không, Thành nghĩ, quan tâm và dạy học là trách nhiệm của một giáo viên, còn kết quả đạt được là nhờ sự cố gắng của học sinh.
Chuẩn bị kết thúc năm học, cuộc sống của Thành cũng không khá hơn là mấy, cũng chiếc xe đạp cộc cạch làm phương tiện đi lại. Chiều nay về thăm nhà Thành vui lắm vì trong túi có được 10 triệu từ tiền tích góp và mượn thêm của đồng nghiệp để cha mẹ lợp lại mái nhà cho khỏi dột, còn bộ cửa chắc để sang năm. Mãi suy nghĩ với số tiền, đi qua một quãng đường vắng bỗng giật mình sợ hải vì nhìn thấy bên vệ đường nằm lẫn trong đám cỏ dày là một người đàn ông cùng chiếc xe máy cách đó không xa. Biết là tai nạn giao thông nhưng vẫn sợ hãi vì đoạn đường này quá vắng, trời lại mưa lâm thâm nữa. Đứng bên vệ đường chờ người đi đường để hô hoán, nhưng nhìn trước, nhìn sau không thấy bóng dáng một ai cả, Thành đi xuống đỡ người đàn ông dậy, trên mình ông ta bê bết máu, miệng thều thào “Cứu, cứu tôi với” nói đến đây thì bất tỉnh. Chờ một lát sau thì có nhiều người đi tới, Thành hô hoán lên để nhiều người cùng tới giúp đưa vào trạm y tế sơ cứu rồi đưa lên bệnh viện huyện.
Người đàn ông đã tỉnh nhưng đầu óc còn hoảng loạn, tạm thời mất nhận thức. Thành quyết định gửi lại xe đạp, đưa người đàn ông đi bệnh viện như là một thân nhân. Sau khi làm thủ tục nhập viện, nhân viên thông báo người nhà ra đóng tạm ứng tiền viện phí. Sau giây phút đắn đo, Thành lấy 5 triệu ra đóng cho bệnh viện rồi tìm cách liên hệ với thân nhân người bị nạn. Người đàn ông đã dần tỉnh táo, nói chuyện được. Ông tên Lê Minh Tuấn, nhà ở Xuân Lộc, Đồng Nai ra Tánh Linh tìm mua sáp ong về làm thuốc, trên đường đi thì gặp nạn. Có vài người đi qua chỗ tai nạn nhưng không phát hiện ra ông vì đi xe máy nhanh quá, may là Thành đi xe đạp nên phát hiện được. Trong thời gian chờ người nhà ra chăm cho nạn nhân, Thành phải ra mua sữa và một vài vật dụng khác để lo cho người đàn ông, thậm chí phải lấy khăn nhúng nước lau các vết dơ bùn đất cho nạn nhân.
 Hơn nửa đêm thì con gái ông Tuấn đi ô tô đến, cô hỏi thăm về quá trình xảy ra tai nạn rồi chuyển vào bệnh viện, chụp XQ, bó bột. Cô cảm động lắm, nói lời cảm ơn mãi không thôi, cũng nhờ người thanh niên trước mặt này mà cha cô được cứu.
Sáng hôm sau, chia tay cha con ông Tuấn ra về, Minh Thu, con gái ông Tuấn đưa 10 triệu để cảm ơn, Tuy nhiên Thành nhất quyết chỉ lấy 5 triệu tiền tạm ứng và 200 ngàn tiền mua vật dụng chăm sóc bệnh nhân.
Ba tháng hè trôi qua, đầu năm học Minh Thu tìm đến trường để thăm Thành, thấy Thành vẫn đi xe đạp, cô nhã ý tặng chiếc xe máy mới, nhưng Thành từ chối. Minh Thu gặp thầy Hiệu trưởng nhờ nói giúp nhưng Thành vẫn không nhận. Biết Thành đã kiên quyết nên Minh Thu bỏ ý định, trước khi về cô gửi tặng nhà trường 20 triệu đồng để sửa lại khu tập thể.
Chuyện cái điện thoại bị mất đã đi vào dĩ vãng vì không ai còn nhớ nữa thì lại có thông tin mới bên Công an. Thì ra buổi chiều đó, cô giáo đi họp về nhà, có tên trộm lẻn vào mở túi lấy đi cái điện thoại, buổi tối cô kiểm tra không thấy nên cứ nghĩ bỏ quên tại phòng họp. Thôi thì chuyện đã qua, không ai nói ra nhưng Thành như trút được gánh nặng trong lòng, cảm giác như được minh oan.
Công việc dạy học khá bận rộn, gần hai tháng rồi mới về thăm nhà. Chuyện gì thế này, trước mắt Thành là căn nhà được sơn phết lại mới toanh, dàn cửa đã được thay hết, khoảng sân trước nhà cũng được lót gạch. Sau giây phút ngỡ ngàng, ba nói:
- Cha con ông Tuấn đã đến nói chuyện với ba, kể hết mọi chuyện và đề nghị được tài trợ sửa chữa căn nhà này. Họ nói quá nên ba mẹ mới đồng ý. Họ không cho con biết vì sợ con không đồng ý.
- Chuyện này, chuyện này – Thành ấp úng vì chưa biết nói sao.
- Mấy chuyện sửa chữa này một tay con gái ông Tuấn lo hết, từ thuê thợ đến chọn màu sơn… nó còn đòi sửa lại hàng rào mà ba không cho – Ba Thành nói tiếp.
Chuyện cũng đã xảy ra rồi, thôi thì chấp nhận vậy, Thành cũng thấy vui vui, cha con ông Tuấn tốt quá, chắc hôm nào phải gọi điện cảm ơn. Đang suy nghĩ miên man thì ngoài sân có tiến ô tô. Thì ra hai ông già đã hẹn nhau trước, khi nào Thành về thăm nhà thì điện cha con ông Tuấn ra chơi. Nghe tin chiều nay Thành về thì cha con ông Tuấn sắp xếp ra liền. Gặp nhau, hai bên nói chuyện thân mật như người một nhà. Phía ông Tuấn chỉ có hai cha con, Minh Thu mồ côi mẹ khi lên lớp 9, hiện giờ đang điều hành công ty sản xuất cao dán. Hôm vừa rồi nghe con gái nói Công ty đang thiếu nguyên liệu là sáp ong nên ông đi tìm nguồn nguyên liệu mới bị nạn.
Bữa tiệc nhỏ giữa hai gia đình cũng có vài ly rượu,  xoay quanh những câu chuyện của cuộc sống, không biết từ lúc nào Thành đã theo Minh Thu ra ngoài sân, cùng ngồi trên chiếc xích đu mới. Ánh trăng đêm rằm xuyên qua ngọn tre chiếu loang lỗ vào hai người. Vô tình hai bàn tay chạm nhau, đầu óc Xuân Thành trống rỗng, trái tim đập loạn nhịp. Minh Thu để mặc tay mình cho Xuân Thành nắm, lòng tràn đầy hạnh phúc, tiếng chim đi ăn đêm xé tan bầu không khí tĩnh lặng của hai người, đêm mùa đông năm 2011 thật đẹp./.
Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Comment addGửi bình luận của bạn

Những tin cũ hơn

 

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 251

Máy chủ tìm kiếm : 75

Khách viếng thăm : 176


Hôm nayHôm nay : 58612

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 782488

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 16426728