THƯƠNG NHỚ RỪNG ƯƠI

Thứ năm - 28/05/2015 08:23
THƯƠNG NHỚ RỪNG ƯƠI

THƯƠNG NHỚ RỪNG ƯƠI

BT- Có gì mà nôn nao đến vậy? Tôi nhủ thầm khi xe chạm vào chân đèo Tà Pứa, cũng như hình dung ra cảnh sẽ gặp lại vài người quen biết chỉ sau mươi phút nữa.


Đất hứa
           Tà Pứa, vùng đất tôi đang đến có chiều dài chừng 7 cây số, tính từ đỉnh đèo trở đi, cũng như nằm dọc bên phải tỉnh lộ 717 đi quốc lộ 20 (Lâm Đồng). Trên giấy tờ đất này là thôn 5, xã Đức Phú, huyện Tánh Linh, nhưng  nhiều người cứ quen gọi nó là Tà Pứa vì  lẽ nó từng là nơi ngụ cư của đồng bào K’ho hai tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng trong những năm chiến tranh. Đối diện với Tà Pứa, cách con đường 717 rộng chừng 5m là thôn 7, xã Mê Pu, huyện Đức Linh. Vì vậy, có thể nói Tà Pứa, rộng ra thôn 7 Mê Pu là phần đất đệm giữa hai tỉnh. Đây còn là nơi giao thoa giữa 2 tiểu vùng khí hậu có sự tương phản nhau: Nam Tây nguyên (Lâm Đồng là đại diện), cực Nam Trung bộ (Bình Thuận đại diện).
           Từ năm 1990 trở đi, Tà Pứa là đất hứa của bao người miền Trung muốn khá lên, bởi đất ở đây đa phần là bazan, thích hợp cho trồng cây công nghiệp dài ngày và cây ăn trái, điển hình là sầu riêng. Rừng ở đây thuộc dạng nguyên sinh, trữ lượng gỗ lớn, lắm thú quý hiếm, trong đó có cả phượng hoàng, từng làm mê đắm  bao người hiếu kỳ muốn tận mắt chứng kiến phượng hoàng múa, tấu khúc nghê thường, hoang hoải của loài chim. Những năm sau này, dù ít nhiều bị xâm hại nhưng màu xanh rừng Tà Pứa vẫn đủ dày, nhờ vậy mà ngăn được lũ rừng  đổ về  các xã Đức Phú, Mê Pu dưới chân đèo. Cũng chính vì vậy, dù nắng Tánh Linh nắng lên Đức Phú lúc nào cũng như đốt cháy đất, thì ở Tà Pứa nắng vẫn man mát, hiền hiền, để con người ta vẫn có thể chuyện trò thoải mái bên trong những căn nhà mái thấp dọc theo đường. Khí hậu thích hợp, đất đai tươi tốt, lý giải vì sao đến đầu năm 2015, Tà Pứa có gần 190 hộ, 762 người dân sinh sống, trong đó có trên 350 lao động chính. Riêng đồng bào K’ho chiếm gần một nửa dân số. Và nếu tính cả thôn 7 ở bên kia đường thì dân hẳn rất đông. Tà Pứa trở thành một điểm sinh động về trồng cây công nghiệp của Đức Phú. Có khá nhiều hộ đồng bào K’ho khá lên nhờ cao su, tiêu. Và cho dù hiện nay giá mủ cao su xuống thấp, nhưng nhiều người Tà Pứa  vẫn không lo lắm chuyện đói nghèo, bởi mỗi ha cao su vẫn cho họ 50 triệu đồng/năm. 
Càng nghĩ càng thêm nôn nao, khi sắp gặp Lê Thúy, người con gái 10 năm trước. Tôi tin rằng lần này Lê Thúy sẽ cười rất tươi và nói: “Em biết rồi anh sẽ lên. Anh sẽ không  xa Tà Pứa đâu mà!”. Dừng lại trước cổng Trường tiểu học, trung học cơ sở Tà Pứa, tôi hỏi người đàn ông bán quán về Thúy. Người chủ quán nhìn tôi một lúc, lẩm nhẩm rồi à lên nho nhỏ: “Cô Thúy theo chồng về Trung  rồi anh ơi. Ở đây chỉ còn cô chị, nhà ở gần cây xăng, anh tới đó mà hỏi. Mà tôi hỏi thiệt anh quen sao với cô Thúy? Hồi đó cô ấy là hoa khôi ở đây. Tụi tui cứ chọc bông hoa của núi rừng Tà Pứa”. Tôi nói với người chủ quán chỉ là người quen biết, nhưng mắt thì không khỏi nhìn về phía cổng trường. Tôi hình dung Thúy từ đó đi ra và chính trên cái lối đi có phần dốc ấy, tôi gặp Thúy lần đầu tiên.



Cô giáo trẻ
          10 năm trước sau một biến cố trong nghề nghiệp, tôi thường đi về vùng sâu, vùng xa. Một buổi chiều chập choạng tối, tôi tới Tà Pứa. Đúng lúc các thầy giáo ở đây đóng cửa phòng về xuôi, và chỉ quay lên sau ngày nghỉ cuối tuần. Đúng lúc ấy tôi gặp Lê Thúy. Lê Thúy đang từ trên dốc trường đi xuống cùng các em K’ho. Biết tình cảnh tôi, Thúy quay lên mở cửa phòng của một người bạn để tôi ở lại và tối đến khi tôi đang phân vân chưa biết ăn gì qua đêm thì cửa phòng gõ nhẹ, rồi Lê Thúy hiện ra với chiếc cà mèng cơm. Em bảo em nấu cho khách của trường. Từ lúc đó, tôi dành cảm tình  cho cô giáo trẻ có khuôn mặt hơi bầu, đôi mắt to đen nhìn như mắt nai. Thông qua các thầy sau đó, tôi biết Thúy tốt nghiệp Trường trung học Sư phạm Bình Thuận cách đó hai  năm... Được về lại chính nơi mà cha mẹ mình đi kinh tế mới tự túc, Thúy dành ra mấy tháng học tiếng K’ho. Những ngày mưa ở Tà Pứa, trong số học trò K’ho có em không đến lớp, Thúy một mình đội áo mưa bì bõm lội bùn đất, vào trong  rẫy gọi các em ra lớp. Về xuôi, tôi viết bài: Người ở lại Tà Pứa, kể chuyện Thúy; chuyện cô giáo trẻ được một thanh niên giàu có yêu thương, muốn đón về thành phố Phan Thiết xin cho cô dạy trong ngôi trường tốt nhất, nhưng cô từ chối. Lý do cô từ chối là không muốn xa đám học trò  K’ho của mình. Thúy đã trả lời người thanh niên nặng lòng với cô: Mặc dù không nhiều nhưng Tà Pứa là nơi cô có nhiều bạn tốt. Chính các em nhỏ đã giúp Thúy kiến thức về núi rừng, về tình yêu thiên nhiên mà trước đó Lê Thúy không cảm nhận được. Bài viết ấy đăng trên Nhân Dân cuối tuần khoảng tháng 6/2005  và tôi cũng đã gởi báo cho cô giáo trẻ nhưng cô  không nhận được. Khoảng nửa tháng sau, một buổi sáng tôi bất ngờ nhận được điện thoại của Lê Thúy. Thúy nói: “Bài báo của anh làm hại em rồi!”. Tôi hỏi nguyên nhân thì chỉ nhận được tiếng khóc rấm rứt.
         Buổi chiều hôm đó tôi lên đường đi Tà Pứa. Đến nơi mới vỡ lẽ, sau khi bài báo đăng, rất nhiều chàng trai ở các nơi gởi thư cho Lê Thúy. Và một anh chàng ở Long Khánh, cất công lên tận nhà, rồi ít nhiều chiếm được cảm tình của nội và ba cô giáo. Hai “thế  lực” nói gần xa “chẳng  ở đâu tốt hơn ở đó” và yêu cầu Thúy không được tránh mặt chàng trai nữa. Không còn cách gì khác, tôi đứng về phía Lê Thúy, trở thành thuyết khách bất đắc dĩ. Lần ấy, trong mấy ngày tôi ở lại trường, Lê Thúy dành một buổi đưa tôi vào khu rừng bên kia con suối lớn, đối diện với Tà Pứa. Khi đó đang mùa ươi chín. Những người đi lấy ươi thường rời nhà  lúc sáng sớm và chỉ rời rừng khi những bao ươi đã đầy.
Rừng ươi năm ấy của Tà Pứa, tập trung trong khu rừng dày có hơi dốc, với  những cây ươi cao trên 25m, đường kính trên 1m.  Thúy nói với tôi, ươi là giống cây quý của rừng Tà Pứa. Sách Đông y gọi ươi là an nam tử, bàng đại hải... Ươi tính hàn, chống viêm nhiệt, chữa được một số bệnh đường ruột, tiêu hóa. Mùa nắng, nằm đâu cũng nóng bức, đêm ngủ trở trăn bao lần, lần nào mồ hôi cũng dầm dề, thì người ta không còn tha thiết điều gì. Phụ nữ thương chồng khi ấy, hãy nhanh tay lấy vài  hạt ươi ngâm trong nước lạnh, chờ hạt trương nở ra, lấy phần thịt màu nâu cho vào nước sôi để nguội, thêm đường, mời chồng uống thì bao nóng bức trong người cũng nhanh chóng tiêu tan, bao thú vui ham muốn lại tràn đến, mặc sức “về bến mê, bờ hẹn”. Người Hà Nội trước đây quen dùng bột sắn dây, sấu ngâm chua để giải khát mùa hè thì nay quen với ươi. Người Hà Nội mấy tháng trước lùng mua ươi, cho dù  một kg ươi bay (loại già tự rời khỏi trái, rơi xuống đất) có lúc trên 300.000 đồng, hoặc cao hơn. “Cây ươi mọc nhiều trong các cánh rừng từ Bình Định vào đến Bình Thuận, anh à. Ươi  ra bông từ tháng 2, đến tháng 4 trái ươi chín dần trên cây cho đến tháng 5, tháng 6 mới tàn mùa. Em về đây mấy năm, năm nào cũng thấy người ta đi lấy ươi. Nhưng do mỗi cây ươi cứ 3 - 4 năm mới cho trái một lần nên người lấy ươi thường lùng từ rừng này sang rừng nọ. Điều em lo nhất là nạn người đi ươi thay vì trèo hái lại chặt cả cây. Rừng ươi Tà Pứa dù có dày đến mấy rồi cũng hết”.
           Lần đầu tiên tôi nghe một cô giáo ngoài 20 tuổi lên tiếng cảnh báo về nạn tàn phá rừng. Nếu những tiếng nói, lời than phiền như thế vang lên ở nhiều nơi thì lâm tặc ít nhiều run sợ, bởi kẻ gian bao giờ cũng sợ người ngay.
          Thế nhưng bây giờ người lo lắng cho rừng ươi Tà Pứa đã theo chồng. Không biết có khi nào, đêm nào nghe mưa tháng 4, tháng 5, em nghĩ về mùa ươi Tà Pứa không Lê Thúy? Không sao trả lời câu hỏi ấy vào lúc này, nhưng tôi biết, tôi biết ở nơi xa xăm ấy, em khó lòng quên được cây ươi, mùa ươi.
Gặp lại Tà Pứa
           Trong một lúc không định trước, tôi hỏi chủ quán về mùa ươi tháng 5. Ông này trầm ngâm một lúc, nói: “Quanh đây gần hết cây ươi rồi. Bây giờ  muốn tìm cây ươi người ta phải đi xa lắm. Cách đây khoảng vài trăm mét, gần nhà cũ cô giáo Thúy có một người  đi lấy ươi tên Tý. Tôi thấy Tý phơi ươi trước sân nhưng chưa thấy bán. Chắc là không được nhiều”. Theo sự giới thiệu của chủ quán, tôi tìm đến nhà Tý.  Một phụ nữ có phần ốm yếu, gần 40 tuổi cho hay: Tý đang bận tay chắt mật từ tổ ong rừng ra thau với người anh. Bây giờ Tý phải làm thêm nghề lấy mật ong để kiếm sống. “Hồi trước ở đây, đến mùa ươi ra hoa, bông ươi bay đỏ cả một góc trời. Vào rừng thấy cây nào có tán đỏ thì y rằng ươi. Nay muốn tìm ươi phải leo tuốt trên đỉnh núi, hoặc đi mất cả buổi sáng qua rừng Đa Hoai”, người phụ nữ nói thêm. Tôi kiên nhẫn chờ đợi cho đến lúc Tý cùng người anh đi về. Trong giỏ xách có mấy tổ ong còn nguyên mật. Biết tôi có ý định tìm hiểu về ươi Tà Pứa, Tý bảo: “Năm nay do ươi xuất khẩu chậm nên giá ươi khô có xuống chút đỉnh, nhưng không dưới 250.000 đồng/kg”. Trong khi trò chuyện, người thanh niên này cho hay: “Mùa ươi sang năm chắc em phải về mạn Đồng Xuân (Phú Yên), chứ còn ở đây thì không khá lên”. “Thì tập trung làm mật?”. “Mật cũng không nhiều lắm đâu. Bây giờ dân thất nghiệp tập trung đi rừng kiếm mật đông như người đi chợ, vì vậy mà sinh ra gian dối. Chẳng hạn mật của em là mật nguyên chất, giá 600.000 đồng/lít, nhưng người khác cũng có thể bán với giá 300.000 đồng/lít”. Lại một chiêu trò gì nữa về mật ong? Tôi ra vẻ thật thà muốn hiểu biết. Điều ấy làm động lòng anh chàng đi rừng. Tý kể: “Nếu ai đó muốn mua mật giá rẻ, thì Tý này cũng biết cách làm ra loại mật ấy. Đó là, sau khi tìm thấy tổ ong thay vì bắt ngay, Tý sẽ hòa nước đường trong thau rồi đặt bên dưới tổ. Công việc còn lại là tìm chỗ treo võng ngắm bầy ong sà xuống hút nước đường mang về tổ. Một ngày sau, cắt tổ ong mang về thì y như rằng mật rất nhiều nhưng kỳ thực đó là nước đường do  những con ong hút lên”. Tôi hỏi Tý câu cuối cùng là giá ươi loại 3, vốn là ươi bị người ta đốn cả cây để  lấy hạt chưa thật già giá bao nhiêu? Khoảng 200.000 đồng/ kg, nhưng không có nhiều đâu. Ở Tà Pứa này nếu thứ gì nhiều thì dễ biết lắm, người ta có thói quen phơi mọi thứ trên đường như người nông thôn phơi lúa. Lúc này tôi lại nhớ đến Lê Thúy. Thúy ơi, ở xa, em có nghĩ về mùa ươi, rừng ươi?

Tác giả bài viết: Hà Thanh Tú

Nguồn tin: theo http://www.baobinhthuan.com.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Comment addGửi bình luận của bạn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 85

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 84


Hôm nayHôm nay : 4687

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 789692

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 15552714