ĐAU ĐẦU CHUYỆN RÁC…

ĐAU ĐẦU CHUYỆN RÁC…
Hôm Chủ nhật 20/7/2014 tình cờ có việc phải đi ngang qua Gia An, tôi vô cùng bức xúc trước cảnh người dân địa phương vứt rác vô tội vạ hai bên đường ĐT 720 đoạn đầu thôn 1 giáp với cầu Lăng Quăng.
Hôm Chủ nhật 20/7/2014 tình cờ có việc phải đi ngang qua Gia An, tôi vô cùng bức xúc trước cảnh người dân địa phương vứt rác vô tội vạ hai bên đường ĐT 720 đoạn đầu thôn 1 giáp với cầu Lăng Quăng. Cả một đoạn đường dài, người dân vô tư vứt rác trông như một bãi rác thật sự, bốc mùi hôi thối cả vùng. Khi tôi dừng lại chụp ảnh, vẫn còn thấy cảnh 02 người đi trên chiếc xe máy với túi rác chuẩn bị tống xuống lề đường.
Đoạn đường này ngày trước rất đẹp và mát. Gió từ Biển Lạc thổi lên lúc nào cũng mát rượi mang cho ta cảm giác không khí thật trong lành, dễ chịu… Chỉ mới đây chứ có đâu xa, thế nhưng bây giờ thì đã khác, đi ngang qua phải bịt mũi bởi mùi hôi thối của rác rưỡi xộc lên. Tôi đem chuyện này hỏi một cán bộ lãnh đạo của địa phương, anh nói xã cũng đã tính chuyện quy hoạch một bãi chôn lấp rác thải nhưng chưa thực hiện xong… hiện đang còn trong giai đoạn khảo sát (?!). Anh cũng nói đến quyết tâm của xã khi phát động thanh niên thu gom và xử lý rác ở đây, sau đó cắm bảng “CÁM ĐỔ RÁC”. Vâng, tôi cũng đã thấy cái bảng nhỏ nẹp theo trụ biển báo giao thông,  thế nhưng có mấy ai quan tâm. Cứ mờ sáng đi làm đồng là họ chở theo một bao rác, chạy ngang qua, đạp xuống là xong. Tôi cũng đã tìm gặp những người dân ở đây, thái độ phản ứng của họ cũng rất khác nhau, người thì lên án “những kẻ vô ý thức, vứt rác bừa bãi”, nhưng cũng có người ra chiều cảm thông “vạn bất đắc dĩ chú ơi, có ai muốn vậy đâu, nhưng biết tính sao bây giờ, thôi thì nhắm mắt làm liều”.


 
Trên đường về tôi cứ nghĩ mãi câu chuyện hồi chiều với mấy người dân và cả anh lãnh đạo xã nữa, chuyện rác thải bây giờ không chỉ là vấn nạn của đô thị mà ngay cả vùng quê cũng bức xúc không kém. Ngày xưa đất rộng, người thưa, nhà nào cũng tự đào cho mình một hố rác sau vườn, đầy hầm thì lấp đất lại rồi đào sang hố kế tiếp, vài năm rác hoai mục thì quay trở lại… cũng nhờ vậy mà đất vườn có thêm nguồn phân hữu cơ dồi dào. Bây giờ thì đất vùng quê cũng chia lô 6 thước như ở thành thị nên rác chẳng biết đi chỗ nào nếu không có người đứng ra thu gom, xử lý.
Hỏi ra mới biết, không chỉ ở Gia An mà Đồng Kho, Huy Khiêm chỗ nào cũng bức xúc vì rác. Nhiều nhà ở bên cầu Tà Pao phản ánh, cứ tối đến là từng bao tải rác từ trên cầu Tà Pao ném đì đùng xuống sông La Ngà nghe như “bom nổ”. Có thể tiếng nổ không như “bom” thật, nhưng cái việc rác thải đóng gói vào bao phân tống xuống sông là có thật 100%, bởi không vứt xuống sông thì cũng lén chở lên nghĩa địa (ranh giới giữa xã Đồng Kho với Huy Khiêm) để vứt chứ biết bỏ đâu bây giờ. Chịu ! Cả huyện có 02 nhà máy xử lý rác thải tại Lạc Tánh và Đồng Kho thì cả hai đều quá tải rồi. Nhà máy xử lý rác ở Lạc Hà với công suất 100 tấn/ tháng có diện tích 3.500 m2 nay được mở rộng lên 6.000 m2 nhưng cũng không kham nổi, chỉ đủ sức xử lý rác khu vực trung tâm thị trấn.

 

 Chuyện xử lý rác thải không thể xem là chuyện nhỏ nữa rồi, khi mà nó hàng ngày, hàng giờ tác động đến môi trường, đến sức khỏe cộng đồng… Hiện nay tất cả các xã trong huyện Tánh Linh đều đã và đang khảo sát tìm bãi tập kết và xử lý chôn lấp rác thải, tiến đến mỗi xã quy hoạch một bãi rác với diện tích vài héc ta, đủ để xử lý quay vòng. Tuy nhiên cũng chỉ mới được có 03 xã là Đức Tân, Đức Phú và Nghị Đức là tìm được đất phù hợp với quy hoạch, còn các xã khác thì vẫn đang tìm…
 

Được biết, dự án nhà máy xử lý rác thải Bá Phát đã được tỉnh chấp thuận đầu tư và Công ty TNHH Bá Phát đang làm thủ tục về đất đai, môi trường, giải phóng mặt bằng để khởi công xây dựng vào đầu năm 2015 ở khu công nghiệp Suối Kè. Trong khi chờ dự án đi vào hoạt động huyện cũng đã tích cực chỉ đạo các xã chủ động quy hoạch và tổ chức thu gom tự xử lý ngay trên địa bàn mình. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn hết là ý thức của người dân chia sẻ với những khó khăn của chính quyền trong khi chưa tìm ra giải pháp xử lý hữu hiệu. Mỗi nhà hãy cố gắng bằng mọi cách xử lý riêng rẻ, dù sao thì số lượng ít cũng dễ xử lý, dễ phân tán hơn. Sẽ khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường trước mắt nếu mỗi người dân cùng nâng cao ý thức, hợp tác với chính quyền để tìm cách xử lý. Đây là lối thoát duy nhất, hơn là lén lút vứt rác bừa bãi, không sớm thì muộn nó cũng sẽ tác động ngay trở lại đối với chính mình và cộng đồng, mà tình trạng ô nhiễm, mất mỹ quan ở đoạn đường qua Gia An là một bài học đắt giá./. 

Tác giả bài viết: Nam Hưng