NHỚ MÃI MỘT CHUYÊN ĐI

NHỚ MÃI MỘT CHUYÊN ĐI
Lê Thanh Hưng - tác giả của nhiều truyện ngắn đăng trên tanhlinh.vn, hiện anh đang ở Hà Nội để tham gia một lớp học khá đặc biệt (lớp A118- có thể liên tưởng tới K007). Tanhlinh.vn xin giới thiệu cùng các bạn bài viết mới nhất của anh sau chuyến đi cùng với nhóm bạn của lớp học này…

     HÀ NAM VÙNG CHIÊM TRŨNG

     Chúng tôi náo nức leo lên chiếc xe khách thật to để bắt đầu chuyến đi thực tế ba ngày hai đêm. Đây là chuyến đi đầu tiên của lớp với quy mô lớn, Ban cán sự lên hẳn một kế hoạch và thông báo hành trình chi tiết lắm, nhưng tôi chẳng mấy quan tâm, bởi đằng nào thì mình cũng được đi rồi vả lại đối với tôi - một thằng trai ngờ nghệch (sắp qua hết thời trai mà chưa qua đèo Nghếch) nên đi đâu cũng là lần đầu, đến đâu cũng là mới lạ nên “kiểu gì thì cũng đã”.

     Khi yên vị trên xe, tôi lặng lẽ quan sát những gương mặt bạn bè ở khắp mọi miền đất nước, từ Hà Giang đến Vĩnh Long, Đông Bắc, Tây Bắc, Đông Nam, Tây Nam, Tây Nguyên… gương mặt nào cũng rạng rỡ, từ khắp nơi tụ họp về lớp A118 để cùng nhau học tập, nghiên cứu. Mỗi người là một nét riêng như đại diện một sắc thái văn hóa của những vùng miền trong cả nước, có đến 37 gương mặt (chưa đến nỗi mốc meo) của 27 tỉnh thành. Chiếc xe lăn bánh vội vàng nhưng trên gương mặt ai cũng trầm tư, có lẽ mỗi người đang đeo đuổi những ý nghĩ riêng mình sau giờ học từ chiều qua (đã nói rồi, ngâm cứu là suy tư ghê lắm). Bất chợt một người bạn ở Hải Phòng phá tan không khí yên lặng, khởi xướng trò chơi nhỏ trên xe theo nguyên tắc chỉ được xưng hô với nhau là “ - tớ”, ai dùng ngôi khác bị phạt 20 ngàn đồng, chỉ trong chốc lát trò chơi đã được nhiều người ủng hộ. Một người bạn nói “Hậu ơi! anh bảo này” thế là số tiền phạt 40 ngàn đầu tiền được thực hiện cho 2 từ “Hậu” và “anh”; những anh bạn người miền Nam ráng chịu đựng bởi chưa quen gọi cậu tớ bao giờ nên ngồi im thin thít, vì mở miệng ra nói là bị phạt liền. Chỉ hơn 10 phút thực hiện số tiền phạt đã hơn 500 ngàn đồng.

     Ra khỏi Hà Nội điểm đến đầu tiên là tỉnh Hà Nam, đây là một tỉnh nằm ở vùng đồng bằng sông Hồng. phía bắc tiếp giáp với Hà Nội, phía đông giáp với tỉnh Hưng Yên và Thái Bình, phía nam giáp tỉnh Ninh Bình, đông nam giáp tỉnh Nam Định và phía tây giáp tỉnh Hòa Bình. Trong quy hoạch xây dựng, tỉnh này thuộc vùng Hà Nội. Xe chạy ngang qua cánh đồng, những đám ruộng với diện tích vô cùng nhỏ so với diện tích ruộng lúa ở miền Nam; nét vất vả vẫn còn trên khuôn mặt những người nông dân đang dùng trâu để cày ruộng.

     Bầu trời mưa bụi mịt mù, những làn gió mùa Đông Bắc se lạnh đón chúng tôi, cả bầu trời như có một làn khói bao phủ. Buổi ăn trưa hơi trễ nhưng thật ngon, với món gà quay, gà nướng, gà luộc thật hấp dẫn, can rượu 20 lít đã vơi đi một nửa. Lúc này tôi mới nhận ra người Hà Nam thật dễ thương, những người bạn ở Trung tâm viễn thông tỉnh phần lớn là nữ; chị Nguyệt Tú, Giám đốc Trung tâm giới thiệu cho chúng tôi đôi nét về Hà Nam, Chị còn mời ở lại Hà Nam đến chiều để dùng bữa tối thân mật với lời nói vui nửa đùa nửa thật “tôi uống rượu chưa say bao giờ”. Một người bạn mới mời tôi quả chuối ngự Đại Hoàng; quả chuối nhỏ nhưng mang một hương vị rất riêng, vị thanh ngọt, đậm đà thoảng chút hương thơm đặc biệt. Tôi từng biết qua sách vở, nơi đây có nhà văn Nam Cao với tác phẩm nổi tiếng “Chí Phèo”; nhà thơ trào phúng vừa là nhà thơ trữ tình Nguyễn Khuyến. Nay biết thêm vùng quê chiêm trũng bởi đặc sản chuối ngự thơm ngon, từng được đem tiến vua Tự Đức.

     Xe qua cầu sông đáy, chợt nhớ lời một bài hát “Dòng sông Đáy quê em, sông trăng hay sông lụa, nong kén vàng như lúa, trọn vạnh một góc trời”; nhìn qua kính xe, một lớp sương mù là là trên mặt sông thật là huyền ảo, một ao ước được ngồi ngắm dòng sông, đi dạo trong thành phố Phủ lý hiện lên trong tôi. Thành phố Phủ Lý nằm ở vị trí cửa ngõ phía nam Hà Nội cũng là thành phố ngã ba sông hợp lưu lại là sông Đáysông Châu Giang và sông Nhuệ; tôi lần mắt tìm vùng đất Lam Hạ, nơi có 10 thiếu nữ anh hùng quên mình và hy sinh trong những giây phút quan trọng để đánh đuổi quân thù tháng 10 năm 1966. Xe chạy nhanh quá, mới thoáng cái đã ra khỏi đất Hà Nam, tôi quay đầu nhìn lại cố vẫy chào tạm biệt đất và người Hà Nam, chỉ thoáng qua nhưng sao thấy thân thương vô cùng.

     NAM ĐỊNH – THÀNH NAM

     Tiếp tục chuyến hành trình chúng tôi đến Nam định, đây là một tỉnh nằm ở phía nam đồng bằng Bắc Bộ, Việt Nam. Theo quy hoạch năm 2008 thì Nam Định thuộc vùng duyên hải Bắc Bộ. Nam Định tiếp giáp với tỉnh Thái Bình ở phía bắc, tỉnh Ninh Bình ở phía nam, tỉnh Hà Nam ở phía tây bắc, giáp biển ở phía đông. Ở đây có khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Xuân Thủy và có 4 cửa sông lớn: Ba Lạt, Đáy, Lạch Giang, Hà Lạn. Những người bạn Nam Định vui mừng đón chúng tôi tại đền Trần, đền Trần là nơi thờ các vua nhà Trần cùng các quan lại có công phù tá nhà Trần. Sau khi tham quan, thắp hương để tưởng nhớ người xưa xong, chúng tôi về thăm nhà lưu niệm bác Trường Chinh. Nhà bác ở làng Hành Thiện, cách cổng làng khoảng 200 m. Tại đây cô hướng dẫn viên giới thiệu cho chúng tôi biết cuộc đời, gia thế sự nghiệp của bác. Bác là một nhà cách mạng và chính trị gia của Việt Nam, đã giữ các chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị của nước ta như Tổng bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam,  Chủ tịch Hội đồng nhân dân. Bác còn là một nhà thơ với bút danh Sóng Hồng. Tên thật của Bác là Đặng Xuân Khu.

     Rời khỏi lành Hành thiện trời đã tối, đoàn tiếp tục chuyến hành trình về bãi biển Hải Thịnh thuộc huyện Hải Hậu tỉnh Nam Định, Hải Hậu là huyện ven biển tỉnh Nam Định, cách thành phố Nam Định khoảng 35 km về phía nam, hình thành cách đây hơn 5 thế kỷ. Những người bạn thuộc Sở Thông tin truyền thông tỉnh Nam Định đón tiếp chúng tôi thật chân thành với những món đặc sản biển, món ăn ở đây chế biến gần như ở Miền Nam tôm rim, mực hấp, ghẹ hấp… không cầu kỳ lắm, rượu thì nặng quá không dùng được nên phải lấy rượu mang theo. Khi cả lớp đang hát karaoke thì tôi đi dạo dọc theo bờ biển, quán nhậu san sát nhau, tất cả đều quay mặt ra biển, mới hơn 8 giờ tối mà không quán nào còn khách, trời mưa bụi mỗi lúc một nhiều hơn, nhìn ra biển một màu đen mờ mịt, tiếng sóng biển rì rào làm trong lòng thấy nao nao một cảm giác lâng lâng hạnh phúc. Tôi lẩm nhẩm mấy câu thơ từng nghe ở đâu đó “Ai về Nam Định mình ơi; biển hồn xao động trăng rơi mắt hiền; lạc tìm kí ức lãng quên; thành Nam đất mẹ thành tên con rồi…”.

     NINH BÌNH – HOA LƯ

     Rời quê hương của nhà thơ trào Phúng Tú Xương, quê hương của tác giả bài thơ nổi tiếng “Núi Đôi”, chúng tôi đến Ninh Bình,  một tỉnh nằm ở cửa ngõ cực nam miền Bắc và khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Theo quy hoạch xây dựng phát triển kinh tế thì tỉnh này thuộc vùng duyên hải Bắc Bộ. Mặc dù được xếp vào khu vực đồng bằng Bắc Bộ nhưng Ninh Bình chỉ có 2 huyện duyên hải là Yên Khánh và Kim Sơn không thuộc miền núi. Vùng đất này từng là kinh đô của Việt Nam ở thế kỷ X, là địa bàn quan trọng về quân sự qua các thời kỳ Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Tây Sơn.

     Hơn 9 giờ sáng chúng tôi đền thờ vua Đinh và vua Lê. Cô hướng dẫn viên cho biết đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng tọa lạc trên khuôn viên  diện tích chừng 5ha, được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 17; lớp ngoài là Ngọ môn quan (cổng ngoài), lớp thứ hai là đến Nghi môn (cổng trong), giữa sân rồng có một long sàng bằng đá xung quanh chạm nổi, dài 1,8m, rộng 1,4m. Bên trong đền có 3 tòa: tòa ngoài là bái đường, tòa giữa gọi là Thiên Hương thờ tứ trụ triều đình của nhà Đinh: Đinh điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ. Toà trong cùng là chính cung thờ Đinh Tiên Hoàng, Đinh Liễn, Đinh Toàn và Đinh Hạng Lang.

     Cô hướng dẫn viên đưa chúng tôi qua đền thờ vua Lê Đại Hành cách đó khoảng 300m. Nơi đây có tượng bà thái hậu Dương Vân Nga. Nét mặt bầu bĩnh, dù lúc tạc hình vào tuổi trung niên nhưng có thể nhận ra lúc trẻ bà ta rất mỹ lệ thanh tú. Có sách cho rằng " Một điều rất độc đáo là bức tượng bà Dương Vân Nga có chiều sâu nội tâm thay đổi theo 3 góc nhìn khác nhau, nếu nhìn chính diện, ta thấy bà hiện lên như một bậc mẫu nghi thiên hạ, đoan trang, phúc hậu, hơi có vẻ nghiêm nghị, lạnh lùng. Nếu nhìn nghiêng theo bên phải (từ trong ra) bà hiện ra với khuôn mặt buồn bã, tựa như khi chứng kiến cảnh đất nước trước nguy cơ nghìn cân treo sợi tóc. Còn nhìn nghiêng theo bên trái (từ ngoài vào) ta lại thấy khuôn mặt ấy đã thay đổi: gương mặt bà thanh thoát, tươi tắn hơn với nụ cười mỉm. Cái tài hoa của người tạc bức tượng là ở chỗ: vẫn là một con người nhưng nhìn từ những góc độ riêng ta sẽ thấy hiện lên ba gương mặt, ba tâm trạng khác nhau”.

     Đang say xưa thảo luận thì lớp trưởng thông báo lên đường, bất chợt có một người phụ nữ đi theo tôi, đưa tấm hình chụp cảnh năm người đang xem long sàn bằng đá và một tấm hình tôi đang đứng một mình, ra giá mỗi tấm 20 ngàn đồng; quả thật thời buổi này hình ảnh lưu trên máy chứ mấy ai cầm tấm ảnh giấy như ngày xưa, nhìn sang mấy bạn bên cạnh lác đác có vài người cũng phải trả tiền mua ảnh mình một cách bất đắc dĩ, thôi thì kệ vậy, tôi miễn cưỡng mua một tấm ảnh của mình.

     Hơn 11 giờ trưa đến chùa Bái Đính, những chiếc xe điện đưa chúng tôi đi vào chùa, cô hướng dẫn viên cho biết, chùa Bái Đính là một quần thể chùa lớn được biết đến với nhiều kỷ lục châu Á và Việt Nam được xác lập như chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á, chùa có tượng Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á... Đây là ngôi chùa lớn nhất và sở hữu nhiều kỷ lục nhất ở Việt Nam. Năm 2010 chùa Bái Đính là nơi tổ chức Đại lễ cung nghinh xá lợi Phật đầu tiên từ Ấn Độ về Việt Nam. Chùa nằm ở cửa ngõ phía tây khu di tích cố đô Hoa Lư, cách thành phố Ninh Bình 15 km, cách Hà Nội 95 km. Quần thể chùa Bái Đính hiện có diện tích 539 ha,  bao gồm 27 ha khu chùa Bái Đính cổ, 80 ha khu chùa Bái Đính mới. Thời gian buổi sáng không còn, chúng tôi bước vội, ngắm nhanh, tranh thủ quan sát. Đang đi dọc theo hành lang các vị la hán, tôi thấy có một gánh hàng rong nên rủ rê vài người bạn đi chậm cùng tham gia, thế là lớp trưởng chiêu đãi ngay mỗi người một cây xúc xích chiên; nạp năng lượng xong hình như bước chân ai cũng mạnh hơn một tí. Càng lên cao, nhiệt độ thấp hơn, mưa bụi nhiều hơn nhưng ai cũng cởi áo khoát ra cầm trên tay vì nóng bức sau hành trình dài leo bậc tam cấp.

     Gần một giờ chiều chúng tôi mới tới quán ăn, những người bạn thuộc Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Ninh Bình đón tiếp với đặc sản Ninh Bình là dê núi và cơm cháy, dê ở đây được thả ăn trên những ngọn núi đá, với vách núi thẳng đứng; núi đá ở Ninh Bình thật nhiều và giông giống nhau, hình như xung quanh tôi chỗ nào cũng là núi; những người bạn ở đây cho biết trên những ngọn núi này rất nhiều chim, vài người dân nơi này sống bằng nghề leo núi bắt tổ chim, có trường hợp người bắt chim cho tay vào hang không rút ra được, phải treo lơ lửng đợi người lên đục phá cửa hang mới lấy tay ra được.

     Buổi trưa xong đoàn tiếp tục hành trình về khu du lich sinh thái vườn chim Thung Nham. Vườn chim Nằm ở phía Tây Nam thành phố Ninh Bình, Khu du lịch sinh thái Vườn Chim Thung Nham (Thung Chim) thuộc xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, là một trong những điểm du lịch hội tụ đầy đủ các yếu tố văn hóa, tâm linh, cảnh quan và đa dạng sinh học. Chúng tôi đến vườn chim hơn 4 giờ chiều, đi dọc theo con đường quanh co bao bọc những hồ nước đến một ngôi nhà sàn lợp tranh. Tất cả chúng tôi ở chung một ngôi nhà, ngôi nhà làm bằng hoàn toàn bằng gỗ, phía dưới sàn nhà là hai chiếc bàn ngồi uống nước; mặt trên sàn nhà khoảng 150m2, xung quanh là nơi ngủ, ở giữa khoảng 60m2 thấp hơn nơi ngủ 20cm là nơi sinh hoạt chung.

     Mỗi người nhanh chóng chọn một chỗ ngủ lý tưởng cho mình, tôi chọn nơi góc nhà, nơi dễ ngủ nhất. Quả thật, tôi đã đi nhiều nơi, ở nhiều chỗ, nhưng chưa có chỗ nào mới lạ như thế này, cảm giác được ở chung với tất cả các bạn trong lớp một đêm thấy hay hay; có người lên tiếng “đề nghị các đồng chí đêm nay cất hết máy cưa, máy kéo để anh em ngủ nha”; “sau giờ giới nghiêm các anh nam không ai được ra khỏi chỗ nằm của mình, để khỏi gây hiểu lầm” … tiếng cười, nói vang lên rộn ràng. Sau khi ổn định chỗ ở, hướng dẫn viên du lịch chèo ghe đưa chúng tôi đi sâu vào trong thung lũng để xem chim, xa xa những cánh cò bay về chỗ trú ẩn, chim vạc thì lớn hơn đậu trên những cành cây; tôi muốn biết nhiều hơn về các loài chim có ở đây nhưng không được, vì theo anh hướng dẫn nói vào gần chim bay hết nên phải đứng nhìn từ xa. Tranh thủ lúc trời chưa tối, chúng tôi đi tham quan cây đa di chuyển, anh hướng dẫn viên cho biết, cây đa đã di chuyển ba lần quanh ngôi đền cổ và được các nhà khoa học, các nhà chuyên môn đánh giá mỗi bước di chuyển kéo dài hơn 300 năm. 

     Sau bữa ăn tối, chúng tôi đốt lửa trại, lúc đầu ngọn lửa cháy không tốt lắm, có lẽ do còn ít người tham gia, càng về khuya ngọn lửa càng lên cao xua tan cái lạnh đầu đông, những người bạn nhảy múa say mê cùng với men rượu. Cuộc chơi kết thúc lúc gần 12 giờ đêm, tôi cứ ngỡ đêm nay không ngủ được lạ cảnh, lạ nhà và cơ bản là không yên tỉnh, thế nhưng vừa nhắm mắt là đã thiếp đi, đến hơn 5 giờ mới giật mình dậy, không biết đêm qua trên nhà sàn có xảy ra biến cố gì không.

     Sau bữa sáng ở thành phố Ninh Bình, chúng tôi tiếp tục hành trình về Vườn Quốc gia Cúc Phương. Vườn Quốc gia này là một khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng đặc dụng nằm trên địa phận ranh giới 3 khu vực Tây Bắc, châu thổ sông Hồng và Bắc Trung Bộ thuộc ba tỉnh: Ninh BìnhHòa BìnhThanh Hóa. Vườn quốc gia này có hệ động thực vật phong phú đa dạng mang đặc trưng rừng mưa nhiệt đới. Nhiều loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng cao được phát hiện và bảo tồn tại đây. Đây cũng là vườn quốc gia đầu tiên tại Việt Nam. Gần 11 giờ trưa chúng tôi mới tới được hang động người xưa, nơi đây là một di tích cư trú và mộ táng của người tiền sử cách đây 7500 năm, được khai quật năm 1966, là trang văn hoá độc đáo trong lịch sử phát triển của nhân loại và là một di sản quý giá nằm trong đối tượng bảo vệ của rừng Cúc Phương. Leo lên đến cửa hang ở lưng chừng núi thì ai cũng đứng thở, một người bạn đọc lại hai câu thơ cóp nhặt được “Từ trong hang đá chui ra, vươn vai một cái… rồi ta chui vào” cả lớp cười ồ lên thế là quên cả mệt nhọc.

     Chuyến đi kết thúc, xuống xe rồi mà tôi cứ lưu luyến mãi. Thời gian qua đi ai cũng phải về lại quê hương của mình, cái gì của ngày hôm nay, ngày mai sẽ là kỷ niệm. Nếu sau này có điều kiện quay lại nơi tôi cùng cả lớp đã đến, chắc chắn tôi sẽ bồi hồi nhớ lại những khuôn mặt ngày xưa, những nụ cười thân ái, những tình cảm tốt đẹp ta giành cho nhau hôm nay. Tôi nghe đâu đó tiếng gió đầu đông thầm thì: “kỷ niệm chẳng là gì, khi mà ta chối bỏ; kỷ niệm là tất cả,khi mà ta nâng niu”./.

Hà Nội, đầu đông 2013

Tác giả bài viết: Lê Thanh Hưng

Nguồn tin: Lê Thanh Hưng gửi cho tanhlinh.vn