NĂM MỚI ĐANG ĐÓN ĐỢI CHÚNG TA

NĂM MỚI ĐANG ĐÓN ĐỢI CHÚNG TA
Một mùa xuân mới lại đến. Mùa xuân thứ 30 của tên gọi Tánh Linh sau ngày giải phóng. Ba mươi năm - một chặng đường không thể gọi tên theo cách nghĩ thông thường, bởi nó đan xen quá nhiều sự kiện mà sự kiện nào cũng ghi dấu ấn lịch sử sâu đậm.
Ba mươi năm với bao nỗi thăng trầm, chất chứa bao đổi thay và biết bao buồn vui trăn trở. Cuối cùng rồi nỗi buồn cũng qua đi, mất mác cũng được bù đắp để giờ đây Tánh Linh lại vững tin tiến bước trên con đường mới thênh thang.
Con đường mới nâng cấp nối liền trung tâm huyện lỵ Tánh Linh với Quốc lộ 1 A trải nhựa phẳng lì như một biểu trưng của sự thông thoáng sau ba mươi năm ì ạch với ổ voi, ổ gà trên tuyến ĐT 720. Từ con đường mới hiện hữu này, một con đường mới trong tâm tưởng cũng đã hiện ra. Cách nghĩ, cách làm mới cũng bắt đầu từ đây, những vùng chuyên canh đã mở ra, những cánh đồng mẫu lớn đang hình thành là tín hiệu tốt đảm bảo cho một nền sản xuất nông nghiệp bền vững. Dọc theo tuyến ĐT 720 là hai cụm công nghiệp Lạc Tánh và Gia An, sang Bắc Sông là cụm công nghiệp Nghị Đức đang hoàn thành. Những chợ mới Gia An, Đức Phú đã mọc lên và dịch vụ thương mại cũng bắt đầu rộn ràng hơn ở vùng nông thôn mới. Với cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp - công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - thương mại dịch vụ, Tánh Linh đang tiến dần từng bước, tốc độ tăng trưởng chậm nhưng đảm bảo chắc chắn.
Năm 2012 tổng sản lượng lương thực toàn huyện đạt gần 169 ngàn tấn đạt trên 102% kế hoạch trong đó có một phần lớn sản lượng lúa từ cánh đồng mẫu lớn và lúa chất lượng cao. Diện tích cao su tăng nhanh trong những năm gần đây tập trung ở vùng Gia Huynh, Suối Kiết đã hình thành khá rõ nét vùng cây công nghiệp của huyện. Năm 2012 diện tích cây cao su tăng hơn 1.000 héc ta đưa tổng diện tích cao su toàn huyện lên gần 19 ngàn héc ta, trong đó hơn 8.600 héc ta cho thu hoạch với sản lượng mủ 16.400 tấn. Chỉ tính riêng với 02 sản phẩm chủ lực là lúa và cao su đã khẳng định vị thế của ngành nông nghiệp trong cơ cấu: nông - công - thương. Do vậy, dựa vào nông nghiệp để phát triển công nghiệp và dịch vụ có lẽ là một hướng đi hợp lý nhất đối với Tánh Linh trong giai đoạn này.
Ngược dòng lịch sử của 30 năm qua, hơn một phần tư thế kỷ vắt ngang qua hai thiên niên kỷ - Tánh Linh, vùng đất mới phía Tây Nam tỉnh nhà với núi đồi trung du tưởng như êm ả nhưng lại là vùng đất luôn sôi động. Theo nghĩa tích cực, ấy là sự năng động với quyết tâm vượt qua khó khăn, tìm cái mới cho sự phát triển; Và theo một nghĩa khác thì những yếu tố bất lợi luôn song hành tạo nên một sự “sôi động” không ngơi nghỉ. Cứ nhớ lại mà xem, Tánh Linh vừa qua cơn “bão rừng” trong thập niên 90 của thế kỷ trước thì tiếp đến cơn “lũ đất” của những năm đầu thế kỷ 21. Từ những bất cập trong quản lý hay đúng hơn là sự bất lực của các đơn vị chủ rừng đã đẩy hàng ngàn héc ta đất rừng sang đất “không còn rừng”, và một sự chuyển dịch ồ ạt từ đất lâm nghiệp sang đất nông nghiệp như một cơn lũ quét khiến địa phương không trở tay kịp, nạn lấn chiếm đất diễn ra tràn lan khắp từ Gia An xuống Gia Huynh, Suối Kiết đã gây hỗn loạn thật sự. Trong khó khăn, Đảng bộ và chính quyền địa phương lại càng phát huy tính sáng tạo, tự chủ và cùng với sự giúp sức của tỉnh, Tánh Linh đã tập trung phân loại xử lý, giải quyết thấu tình đạt lý nên đã đưa tình hình vào thế ổn định. Qua hơn ba năm tập trung xử lý, tháo gở chính quyền địa phương đã giữ được đất và giữ yên lòng dân.
Thế nhưng cuộc sống vốn biến chuyển không ngừng và những điều khó khăn phức tạp luôn nảy sinh trong quá trình phát triển. Như một vòng quay, hết nạn phá rừng rồi đến lấn chiếm đất, vừa giải quyết xong đất thì nay lại đến rừng. Theo thống kê năm 2012 Tánh Linh là huyện có số vụ phá rừng cao nhất tỉnh với 320 vụ, số trường hợp chống người thi hành công vụ và số vụ án về rừng đều rất cao so với các huyện trong tỉnh. Huyện lại một lần nữa phải tập trung giải quyết, một mặt chỉ đạo xử lý nghiêm để răn đe giáo dục, một mặt phải tập trung các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn và hạn chế đến mức thấp nhất các vụ phá rừng.
Nếu nói Tánh Linh là vùng đất luôn sôi động như giả dụ trên, thì có lẽ năm 2012 chính là năm điển hình nhất về sự sôi động ấy với nhiều khó khăn thách thức. Khó khăn từ sự khắc nghiệt của thiên nhiên với cơn bão số số 1 và số 7 đã gây thiệt hại gần 25 tỷ đồng. Thách thức từ các vấn đề xã hội phát sinh khi thực hiện đền bù giải tỏa những công trình trọng điểm của tỉnh, của quốc gia trực tiếp ảnh hưởng đến hàng ngàn hộ dân, đó là các công trình Hệ thống thủy lợi Tà Pao, Quốc lộ 55, Kênh tiếp nước Biển Lạc - Hàm Tân… Tranh chấp đất đai vẫn cứ tiếp tục xảy ra kéo theo nhiều vấn đề xã hội phức tạp phải tập trung giải quyết. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự đồng tâm nhất trí của cán bộ và nhân dân huyện nhà, chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn thách thức để giữ vững sự ổn định và tiếp tục phát triển đi lên.
Tháng 5 năm 2013 này huyện Tánh Linh sẽ tròn 30 năm kể từ ngày tái lập (1983), với tư duy đổi mới và hành động thiết thực theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, được biết huyện nhà sẽ tổ chức kỷ niệm 30 năm tái lập huyện với một phương cách mới. Thử hình dung việc tổ chức kỷ niệm không phải bằng một lễ hội hoành tráng với diễu binh diễu hành, với mít-tinh lễ lượt mà bằng một phong trào thi đua sôi nỗi, thiết thực để chào mừng ngày kỷ niệm lịch sử của địa phương. Mỗi địa phương, đơn vị sẽ đăng ký xây dựng một công trình để lập thành tích chào mừng. Sau kỷ niệm 30 năm tái lập huyện, Tánh Linh sẽ còn đó hàng loạt công trình phúc lợi xã hội phục vụ nhân dân. Tùy theo quy mô, mức độ hưởng ứng mà ta sẽ có những công trình lớn nhỏ khác nhau, nhưng tựu trung lại người được hưởng lợi vẫn là nhân dân, hiệu quả xã hội cũng từ đó mà ra. Những công trình còn hiện hữu với thời gian thì chắc chắn người dân sẽ khắc ghi ngày kỷ niệm ấy, và như vậy dấu ấn 30 năm tái lập huyện sẽ còn mãi với thời gian...
Nhân kỷ niệm ba mươi năm tái lập huyện, nhân đầu xuân mới ta có dịp để nhìn lại mình. Nhìn lại một chặng đường đã qua để thấy an lòng hơn, qua cơn bĩ cực sẽ đến hồi thái lai. Nhìn lại để mà vững tin, để động viên nhau cùng hướng về phía trước. Nhìn lại để thấy mình còn nhiều khiếm khuyết để cùng nhau khắc phục, vươn lên. Thực hiện kiểm điển theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) là một cuộc nhìn lại như thế, một cách nhìn lại từ bên trong, nhìn thẳng vào sự thật với ánh mắt lạc quan tin tưởng nhất.
Năm mới đang đón đợi chúng ta với nhiềm tin mới./.
                                                                        
                                                                        Xuân Quý Tỵ 2013

Tác giả bài viết: Nam Hưng