MỘ THÀNH CÁT TƯ HÃN

MỘ THÀNH CÁT TƯ HÃN
Suốt nhiều thế kỷ nay các nhà sử học và những người săn lùng kho báu đã tìm kiếm nơi chôn nhà chinh phục nổi tiếng nhất trong lịch sử. Các phát hiện mới này cung cấp bằng chứng thuyết phục rằng mộ phần đã được tìm thấy.


BÍ ẨN NƠI CHÔN CẤT

800 năm kể từ khi ông qua đời, người ta đã tìm kiếm một cách vô vọng ngôi mộ của Thành Cát Tư Hãn, nhà chinh phục, bạo chúa của thế kỷ 13, người mà - lúc nằm xuống - chiếm giữ một đế chế tiếp giáp rộng lớn nhất, trải dài từ Lý Hải tới Thái Bình Dương. Trong việc chiếm đoạt hầu như toàn bộ vùng Trung Á và Trung Quốc, quân đội của ông đã tàn sát, cướp bóc, tạo nên những mối liên kết mới giữa Đông và Tây. Là một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc nhất và tàn nhẫn nhất trong lịch sử, Thành Cát Tư Hãn đã tái tạo thế giới.

Mông Cổ Hôm nay

Tượng Thành Cát Tư Hãn bằng thép không gỉ nặng 250-tấn bên ngoài thủ đô của Mông Cổ.

Cuộc đời nhà chinh phục là huyền thoại và cái chết của ông cũng phủ trong màn sương của hoang đường. Một số nhà sử học tin rằng ông đã chết vì vết thương trong trận chiến, những người khác thì cho rằng ông bị ngã ngựa hoặc chết vì bệnh. Và nơi chôn cất cuối cùng của ông đã không bao giờ được tìm thấy. Vào thời điểm đó, các bước tiến hành chôn cất ông và nơi đặt mộ phần của ông được giữ “tuyệt mật” để ngừa bọn cướp mộ. Những kẻ săn lùng mộ có rất ít manh mối để kiếm tìm - các nguồn lịch sử đề cập chuyện này là vô cùng khan hiếm. Truyền thuyết nói rằng đội hộ tống đám tang Thành Cát Tư Hãn đã giết chết bất cứ ai họ gặp trên đường để che giữ bí mật tuyệt đối nơi chôn cất ông. Những người xây mộ xong cũng bị giết sạch và đám lính vừa giết họ cũng chịu chung số phận đó. Sau đó, một nguồn tin lịch sử ghi - 10.000 kỵ binh cho ngựa quần đảo, giẫm nát, san phẳng để xóa hết mọi dấu vết; một nguồn khác lại chép rằng khu vực đó đã được trồng thành rừng và khiến cả một dòng sông phải chuyển hướng.

Giới học giả vẫn còn tranh luận: Đâu là thực tế và đâu là hư cấu? Tài liệu nào đã bị giả mạo, bóp méo? Tuy nhiên, nhiều nhà sử học tin rằng Thành Cát Tư Hãn không chôn một mình: những người kế vị ông cũng được chôn với ông trong một nghĩa địa rộng lớn cùng nhiều báu vật và của cải cướp được từ các cuộc chinh phạt.

Người Đức, Nhật, Mỹ, Nga, và Anh đều đã chi hàng triệu đô-la cho việc tìm kiếm ngôi mộ của ông. Tất cả đã thất bại. Vị trí của ngôi mộ là một trong những bí ẩn lâu dài nhất của ngành khảo cổ học.

 

MỘ Ở NÚI KHENTII?

Cho đến bây giờ.

Một dự án nghiên cứu đa ngành quy tụ các nhà khoa học Mỹ, các nhà nghiên cứu và khảo cổ học Mông Cổ đã hé lộ bằng chứng đầu tiên khá thuyết phục về vị trí khu mộ Thành Cát Tư Hãn và nghĩa địa của gia đình hoàng đế Mông Cổ trên một dãy núi xa xôi ở tây bắc Mông Cổ.

Nhóm làm việc phát hiện nền móng của công trình rất lớn có từ thế kỷ 13 hoặc 14, trong một khu vực mà xét về phương diện lịch sử thì có liên quan đến ngôi mộ này. Các nhà khoa học cũng đã tìm thấy một loạt các hiện vật: các đầu mũi tên, đồ sứ, và nhiều loại vật liệu xây dựng.

Mọi thứ kết hợp với nhau một cách hoàn hảo,” ông Albert Lin, chuyên viên địa lý quốc gia và là điều tra viên chính của dự án trả lời trong một cuộc phỏng vấn dành riêng cho tạp chí Newsweek.

Suốt 800 năm, dãy núi Khentii, nơi mà bây giờ được cho là có phần mộ Thành Cát Tư Hãn, đã được xem là nơi thần thánh và “cấm lai vãng” - chính Thành Cát Tư Hãn trước khi qua đời đã có chiếu chỉ như vậy. Nếu đúng, đây sẽ là một trong những khám phá khảo cổ học quan trọng nhất từ nhiều năm nay. Việc sử dụng máy bay không người lái và ra-đa sử dụng sóng điện từ quét bề mặt cho hình ảnh ba chiều của đối tượng nghiên cứu dưới lòng đất, và tranh thủ sự giúp đỡ của hàng ngàn người để sàng lọc thông tin, hình ảnh, dữ liệu từ vệ tinh, nhóm nghiên cứu đã quan sát, kiểm tra toàn bộ rặng núi, chụp ảnh một cách chi tiết và hệ thống 4.000 dặm vuông cảnh quan vùng núi này. Trong một phòng thí nghiệm tại Học Viện Viễn thông và Công nghệ Thông tin California của Đại học California, San Diego, Lin và nhóm nghiên cứu của ông tỉ mẩn “lùng sục” trong “núi” ảnh chụp từ vệ tinh có độ phân giải siêu cao và tái tạo hình ảnh 3-D đã được rọi cắt lớp bằng sóng vô tuyến trong nỗ lực tìm kiếm manh mối và bằng chứng xác thực về nơi chôn cất Thành Cát Tư Hãn. Là một phần của một dự án mở chưa từng có, hàng ngàn tình nguyện viên trực tuyến đã tham gia sàng lọc phân tích 85.000 hình ảnh.

Không thể phủ nhận rằng Thành Cát Tư Hãn đã làm thay đổi tiến trình lịch sử,” ông Lin nói.

Để đến núi Khentii, từ thủ đô Ulan Bator, bạn lái xe về phía đông, đi qua một bức tượng Thành Cát Tư Hãn sáng lung linh trước khi đến thị trấn mỏ Baganuur - một thị trấn đổ nát có mỏ than lộ thiên lớn nhất Mông Cổ. Rời thị trấn theo hướng bắc đến vùng thung lũng Sông Kerulen, vẻ đẹp toàn cảnh lộ ra. Tuyến đường đông-tây chính xuyên vùng Trung Á đi qua vùng thảo nguyên rồi đến sa mạc Gobi, cơn ác mộng cho nhà thám hiểm-thương gia Marco Polo và lữ khách. Nhiệt độ có thể tụt xuống dưới âm 40 độ F và lên trên 100 độ F trong mùa hè.

Mông Cổ Hôm nay

Nhiều gia đình Mông Cổ vẫn còn sống trong lều, chòi truyền thống và duy trì lối sống du mục.

Mê tín dị đoan vẫn còn bao quanh Thành Cát Tư Hãn, và việc tìm mộ của ông thường gây ra phản ứng gay gắt thậm chí tên của ông là một chủ đề nhạy cảm. Ở Mông Cổ, Thành Cát Tư Hãn được xem là thượng đế. Các nhà sử học xưa và nay đều tin rằng Thành Cát Tư Hãn được chôn trên một ngọn núi ở Khentii và khám phá của ông Lin cùng các đối tác người Mông Cổ chứng minh rằng các nhà sử học đã đúng. Người dân nơi đây khuyên: Hãy để cho ngôi mộ được yên. Ngày ngôi mộ bị đào lên sẽ là ngày tận thế. Căng thẳng địa chính trị là tất yếu khi Trung Quốc tin rằng Thành Cát Tư Hãn là người Trung Quốc, và tuyên bố ông là “của riêng”. Thật vậy, một lăng mộ khổng lồ đã được xây dựng ở Trung Quốc để sẵn chiếc quan tài trống dành cho Thành Cát Tư Hãn, người Trung Quốc thờ phụng ông như thần linh.

Nếu ngôi mộ của Thành Cát Tư Hãn được phát hiện ở Mông Cổ, nó sẽ có ảnh hưởng địa chính trị rất lớn,” ông John Man, tác giả của cuốn Thành Cát Tư Hãn: Cuộc sống, cái chết, và sự phục sinh, nói. “Nhiều người ở Trung Quốc tin rằng Mông Cổ, như Tây Tạng, là một phần của Trung Quốc. Ngôi mộ Thành Cát Tư Hãn có thể trở thành tâm điểm cho tham vọng chính trị.”

 

QUÁ TRÌNH TÌM KIẾM & NHỮNG TÍCH VẬT

Cuộc đời Thành Cát Tư Hãn là bản thiên anh hùng ca. Bị ném ra lề xã hội từ khi còn bé, ông sống sót và lớn lên, rồi trở thành chiến binh xuất sắc và chiến lược gia làm thay đổi xã hội. Ông là một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất thiên niên kỷ trước.

Mông Cổ Hôm nay

Người dân Mông Cổ sùng kính Thành Cát Tư Hãn như một vị thần. Tại thủ đô, tượng ông đặt trước tòa nhà Quốc hội.

Sau khi chết, người ta nghĩ giới quý tộc chôn theo báu vật vì họ sẽ cần chúng ở thế giới bên kia. Nhưng quá ít của-cải-chôn-theo được tìm thấy như thể vàng bạc châu báu đem về Mông Cổ và biến mất.

Dân chúng tưởng tượng ngôi mộ (của Thành Cát Tư Hãn) sẽ được lấp đầy vàng bạc, báu vật và chiến lợi phẩm,” Giáo sư Ulambayar Erdenebat nói khi nhóm phóng viên chúng tôi gặp ông tại Trường Đại học Quốc gia ở thủ đô Ulan Bator, nơi ông làm trưởng ban khảo cổ học. Ông cho chúng tôi xem một dây đai nỉ màu đen vài món đồ trang sức, nhẫn vàng, hoa tai, tách bạc, đá quý... tất cả đều có niên đại từ thời Thành Cát Tư Hãn.

Trong nhiều thập kỷ, đất nước Mông cổ hầu như không thể tiếp cận. Tới đầu những năm 1960, nhóm thám hiểm Đông Đức-Mông Cổ đã tìm thấy những mảnh gốm, đinh, gạch, ngói, rồi hàng trăm ụ hình tháp trên vùng núi thiêng. và trên đỉnh người ta tìm thấy áo giáp sắt, mũi tên cùng các lễ vật cúng tế khác, nhưng có rất ít dấu hiệu của ngôi mộ.

Tới thập niên 90 của thế kỷ trước một đoàn thám hiểm do Nhật Bản được báo Yomiuri Shimbun tài trợ dùng trực thăng bay lên đỉnh núi đó trong một chuyến thám hiểm được quảng cáo rùm beng nhưng cuối cùng không có kết quả. Năm 2001, một đoàn thám hiểm do Maury Kravitz, một nhà buôn Chicago đã nghỉ hưu, tìm kiếm khu vực đó, nhưng đã bị chính quyền cấm không cho vào dãy núi. Tại thành lũy Almsgiver, người ta phát hiện ra một ngôi mộ có từ thế kỷ thứ 10 của một người lính biên ải, nhưng đoàn thám hiểm buộc phải bỏ dở công việc sau một chuỗi tai nạn cho là “lời nguyền” của ngôi mộ Thành Cát Tư Hãn mà báo chí đã đăng tải trước đó.

Lin bác bỏ giả thuyết cho rằng hàng trăm ụ đá hình tháp phát hiện trong những năm 1960 chính là ngôi mộ. Cùng công nghệ tiên tiến nhất, với đam mê nhiệt huyết, Lin, vào năm 2005 trong một chuyến đi cá nhân đến Mông Cổ phát biểu: “Tôi đã rất may mắn, và có lẽ sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ sẽ mở ra một chương mới: ghép mảnh còn thiếu của bức tranh lịch sử thế giới.”

Lin hợp tác với Viện Hàn lâm Khoa học Mông Cổ và Hiệp hội Quốc tế về nghiên cứu Mông Cổ. Ba năm trước đây, đoàn thám hiểm, được hỗ trợ bởi Đại học California, San Diego, cũng như Hội Địa lý Quốc gia, đã được cấp phép vào khu vực để khám phá nhưng phải duy trì tính toàn vẹn của các bãi chôn cũng như tỏ lòng tôn kính với quá khứ, giáo sư Tsogt-Ochiryn Ishdorj, chuyên viên chính của dự án nhấn mạnh.

Nỗ lực của họ đã được đền đáp. Việc phát hiện các mũi tên, đồ gốm sứ và gạch ngói cho thấy hoạt động của người xưa trong vùng hẻo lánh này. “Khi chúng tôi mở rộng khu vực tìm kiếm và quan sát kĩ hơn, chúng tôi đã xác định được hàng trăm hiện vật nằm rải rác trên bề mặt. Chúng tôi đoan chắc một cái gì đó rất quan trọng ở đó,” ông Fred Hiebert, nhà khảo cổ thuộc cơ quan địa lý quốc gia và là một trong những nhà nghiên cứu chính của dự án, nói.

Khi dùng phương pháp xác định niên đại bằng các-bon, kết quả họ thu được rất thú vị và đầy hứa hẹn, khớp với thời Thành Cát Tư Hãn - thế kỷ 13, 14, ông Hiebert cho biết.

 

DI SẢN THIÊNG LIÊNG CỦA MÔNG CỔ

 

 

Nếu các kết quả nghiên cứu được xác nhận, nó sẽ là bằng chứng khoa học đầu tiên trong 800 năm tìm kiếm lăng mộ của Thành Cát Tư Hãn, một trong những bí ẩn dài nhất trong lịch sử.

Chúng ta phải sử dụng khoa học để lấp đầy khoảng trống trong hồ sơ lịch sử, điều này quyết định hiểu biết về quá khứ của chúng ta và sự bảo tồn cho tương lai", giáo sư Shagdaryn Bira, một chuyên gia nổi tiếng thế giới về chủ đề này và một thành viên dự án, nói.

Bỏ ngoài chuyện rắc rối với những đồng tiền vàng tìm được thì các bước tiếp theo cũng không hề đơn giản. Khu vực “cấm” này đặt dưới sự kiểm soát cực kỳ nghiêm ngặt của chính phủ, và nhóm nghiên cứu đang hợp tác chặt chẽ với các cơ quan liên quan về bất kỳ phát hiện nào.

Chúng tôi không muốn khai quật toàn bộ khu này,” ông Lin nói. "Chúng tôi cho rằng nó nên được bảo vệ như Di sản Thế giới để đảm bảo rằng ngôi đền và khu vực này không bị cướp phá.” Đó là tiếng vọng lương tri, là tình cảm của các nhà khoa học khác trong dự án cũng như của các quan chức Mông Cổ.

Oyungerel Tsedevdamba, Bộ trưởng văn hóa Mông Cổ nói: “Trong trái tim của tất cả mọi người, chúng tôi đã công nhận khu này là di sản quan trọng nhất ở Mông Cổ.”

Các quan chức lo lắng vì vấn đề đào cướp mộ ở Mông Cổ đang nóng lên. Nhiều kẻ trung gian rảo quanh vùng nông thôn thuê dân địa phương đào xới. Các cổ vật sau đó được tuồn ra thị trường Hồng Kông và Trung Quốc, ông Erdenebat, giáo sư tại Đại học Quốc gia ở thủ đô Ulan Bator, nói.

Ông Erdenebat mở tủ lấy cái hộp các tông cũ rách có khúc xương lòi ra. “Đây là tất cả những gì còn sót lại sau lần một vụ đào trộm mộ bị khám xét bất ngờ gần đây ở tỉnh Bayankhongor. Chúng lấy các thứ mà chúng cho là có giá trị. Xương, giày, quần áo thì chúng bỏ lại,” ông vừa nói vừa đặt một chiếc giày da từ thế kỷ 13 rách nát cùng chiếc xương ống chân của chủ nó xuống.

Không thể biết có bao nhiêu ngôi mộ đã bị cướp phá, nhưng chắc phải hàng ngàn và tình hình đang trở nên ngày một tồi tệ hơn,” ông Erdenebat nói. “Như tỉnh Bayangol chẳng hạn, đã trải qua mấy mùa đông khắc nghiệt, mùa hè không mưa nhiều năm rồi, và đàn gia súc đang chết dần. Không còn gì, những người chăn thả gia súc bắt đầu đào bới mộ tìm vàng. Đó là sự sống còn.”

Nhiều người Mông Cổ - nhất là dân thành phố Ulan Bator - sùng bái Thành Cát Tư Hãn xem ông như là cha đẻ của Mông Cổ hiện đại, như là một biểu tượng của sự độc lập. Sân bay của thủ đô được đặt tên là Sân bay Quốc tế Thành Cát Tư Hãn, và có một khách sạn Thành Cát Tư Hãn. Ngoài ra, một trường đại học và một dòng đồ uống tăng lực nổi tiếng, cũng như hàng tá thương hiệu vodka mang tên ông.

Tại một cửa hàng đồ cổ nằm khuất trên đường Tourist, trung tâm thành phố Ulan Bator, ông chủ tiệm cho chúng tôi xem miếng vàng thậm chí còn tốt hơn miếng vàng trong bộ sưu tập của ông Erdenebat. Với một thẻ giá 35.000 USD, ông chủ tiệm tuyên bố nó mới được đào dưới mộ lên - ở tỉnh Khentii. Các mặt hàng khác bao gồm một bàn đạp khắc rồng tinh xảo “của một vị tướng dưới trướng Thành Cát Tư Hãn”, giá 10.000 USD; một cái bình đựng nước bằng đồng cũng từ thời đó với mức giá 30.000 USD. Tuy vậy, mặt hàng đắt nhất có giá tới 180.000 USD là thỏi vàng gần 8 tấc hình con ngựa thời Hunnu được “khai quật” trong thung lũng Kerulen, Mông Cổ.

Khách mua chủ yếu của chúng tôi là người Trung Quốc,” chủ tiệm giải thích. “Nhưng họ nhờ chính người Mông Cổ mua để về trưng bày trong bảo tàng Trung Quốc. Tuần trước, một người ra giá 80.000 USD cho con ngựa Hunnu, nhưng tôi không bán đó.” Rồi ông chủ tiệm bật mí: “Nếu ông muốn mua con ngựa này... chỉ cần đeo nó vào cổ... như.... dây chuyền khi qua hải quan, thì sẽ chả ai chặn ông cả.”

Giữa lòng thủ đô, Thành Cát Tư Hãn an tọa - như Abraham Lincoln - ngay trước hội trường chính phủ. Bên ngoài thủ đô, một bức tượng bằng thép không gỉ cân nặng khoảng 250 tấn mô tả ông trên chiến mã, trong tư thế sẵn sàng băng vùng thảo nguyên đi chinh phạt một lần nữa. “Quốc gia nào cũng có biểu tượng anh hùng dân tộc, và ông là biểu tượng của đất nước chúng tôi,” Battulga Khaltmaa, Bộ trưởng công-nông nghiệp Mông Cổ, cựu vô địch judo thế giới, người xây dựng tượng đài, nói. “Tôi đã xây dựng bức tượng để kỷ niệm 800 năm đất nước Mông Cổ đồng thời giúp thế hệ trẻ hiểu lịch sử của Thành Cát Tư Hãn và tự hào về quá khứ của mình.”


Tác giả bài viết: Nguyễn Trung dịch.