Kỳ 4: Ký sự Hành phương Bắc - PHỐ CỔ ĐỒNG VĂN

Kỳ 4: Ký sự Hành phương Bắc - PHỐ CỔ ĐỒNG VĂN
Theo lịch trình, sau khi rời Mèo Vạc, lẽ ra chúng tôi sẽ men theo sông Nho Quế, qua ngõ Bắc Mê để về lại Hà Giang; nhưng vì trong chuyến hành trình rất vội đã vô tình vuột qua phố cổ Đồng Văn, nên chúng tôi quyết định quay lại đường cũ. Tức là, sẽ lại thon thót trên chuyến xe băng qua cao nguyên đá với cheo leo đèo dốc, với những cú chao liệng lạnh người trên hun hút vực sâu...

Một góc phố cổ Đồng Văn nhìn từ quán cà phê
 
 
  1. Chợ cổ
 
Khu chợ cổ xây bằng những tảng đá hộc nằm dưới chân núi Đồn Cao

 
        Chúng tôi vào thăm khu chợ cổ Đồng Văn khi nắng đã lên. Chợ nằm ở nơi giao nhau của hai con phố cổ, ngay dưới chân núi Đồn Cao, được xây từ những năm 1920 với những dãy nhà lồng bao quanh khoảng sân rộng. Hai đầu hồi nhà lồng là hai bức tường dày với ô cửa vòm rộng rãi, được xây bằng những phiến đá vuông bằng sắc cạnh xếp chồng khít lên nhau. Phần trên của hai đầu hồi xây bằng gạch đỏ, trát vữa. Hai bên là hai hàng cột đá vuông vức đỡ lấy mái ngói âm dương đã ám đầy khói bụi.
Cách đây mấy năm, người ta xây chợ mới, nên chợ cũ giờ vắng hoe. Dĩ nhiên trước đây, ngoài những ngày có chợ phiên thì chợ cũng vắng, nhưng đó là sự trống vắng để chất chứa niềm mong đợi, để nuôi lớn cảm xúc mà chờ đợi buổi sum vầy, còn bây giờ là sự vắng vẻ của đìu hiu tiếc nuối, của thăm thẳm đơn côi. Chợ cũ vẫn còn vững chãi, nhưng vì cố gắng giữ lại cái hình vóc cổ xưa, người ta đã dời hết mọi đông đúc ồn ào của một phiên chợ cổ ra nơi khác, đặt vào một không gian thoáng đãng hơn, hiện đại hơn, bỏ chợ cổ hiu vắng vô hồn, và điều đó khiến cho khách tham quan không tránh khỏi chạnh lòng.
Chúng tôi dạo một vòng xung quanh khu chợ cổ để hình dung về một phiên chợ ngày xưa. Chiếc chảo to đùng nấu thắng cố ngày nào nay nằm hiu hắt trên mấy hòn đá kê làm ông táo, bên cạnh là bức tường đá dày ám khói. Nghe nói chợ mới cũng gần đây thôi, chỉ khoảng vài trăm mét, nhưng chúng tôi không buồn ghé, vì không muốn làm thất vọng những cảm xúc có được từ sự mường tượng về phiên chợ cổ. Chợ phiên Đồng Văn vẫn họp vào mỗi ngày chủ nhật, nhưng trong một không gian lạ lẫm, bị xâm lấn bởi các tiện nghi hiện đại hơn, khiến cả người bán lẫn người mua đều thấy nuối tiếc và áy náy vì một điều gì đó. Thử hình dung, chảo thắng cố không còn được múc bằng những chiếc muỗng gỗ, mà thay bằng muỗng nhôm, muỗng inox; và bát thắng cố bưng ra không được đặt trên những chiếc bàn gỗ cũ kỹ, hoặc có khi chỉ là mảnh ván bìa ghép lại, mà thay vào đó là những chiếc bàn nhựa lỏng chỏng…


Tường đá chợ cũ ám khói, có lẽ từ bếp thắng cố của những phiên chợ xưa



"Chảo thắng cố trống không !" , nơi đây đâu còn bán thắng cố nữa, chút hoài niệm thôi mà...


 
  1. Phố cổ
      
Đồng Văn tháng 6/2013



       Bước chân lang thang đưa chúng tôi đi suốt dọc dài Phố Cổ. Thật khó tìm ra cái nét chung của những ngôi nhà trong phố cổ Đồng Văn; bởi không như phố cổ Hà Nội hay Hội An, hình như Đồng Văn không được định hình bởi một phong cách kiến trúc đồng nhất nào cả. Phố được xây bằng đủ các loại chất liệu, từ đá cho đến gạch nung, từ nhà trình tường cho đến các loại “gạch” được đóng sống bằng đất và các viên đá nhỏ; phần lớn có gác gỗ và được lợp bằng ngói âm dương. Một số nhà có giếng trời theo kiểu Trung Hoa, nhưng lại có cửa vòm theo kiểu Pháp.
Dù được xây dựng nên bởi sự pha tạp của nhiều nền kiến trúc khác nhau, nhưng việc có một khu phố cổ trên cao nguyên đá như thế này chứng tỏ ngày xưa Đồng Văn đã có một thời cực thịnh. Nghĩ cũng nên nói thêm, hưởng ứng tuần lễ vàng năm 1945, sự đóng góp của người dân Đồng Văn là vô cùng to lớn; trong đó chỉ riêng vua Mèo Vương Chí Sình đã góp 22 vạn đồng bạc trắng và 9 kg vàng (trong khi chi phí xây dựng dinh vua Mèo ở Sà Phìn trong suốt 8 năm ròng chỉ hết 15 vạn đồng!). Ngày nay, cuộc sống của đồng bào gặp nhiều khó khăn cũng vì họ đã hết lòng vì cách mạng, vì đất nước. Họ đã tự nguyện nghèo đi để đóng góp cho cách mạng, để xóa bỏ cây anh túc; và tấm lòng cao quý ấy của người dân nơi miền biên viễn ắt hẳn đã gợi lên trong chúng ta nhiều điều suy nghĩ.

Những ngôi nhà xưa ở Đồng Văn đã riệu rã lắm rồi...
 

  1. Cà phê Phố Cổ

Không gian thoáng đãng bên trong của Phố Cổ Cafe




"chúng tôi chọn một chiếc bàn bên góc trái, đối diện với quầy hàng..."
 


       Quán cà phê Phố Cổ nằm ngay góc ngã tư bên trái, phía đối diện chợ Đồng Văn, vốn là một ngôi nhà cổ bề thế và còn khá nguyên vẹn. Từ xa, cả ngôi nhà đã sáng rực trong nắng mới với cái màu của những viên gạch thẻ không tô. Ngay sau quán là ngọn núi Đồn Cao với vách đá dựng đứng. Ngôi nhà này vốn của một ông chủ người Tày được xây dựng từ đầu thế kỷ trước. Nhà hai tầng, có ba gian với ba cửa vòm thay cho cổng ngõ; bước vào trong mới gặp cửa chính của ngôi nhà dẫn vào gian giữa. Giữa nhà là khoảng giếng trời khiến cả căn nhà ngập tràn ánh sáng tự nhiên và một bầu không khí thoáng đãng. Phía trong, nằm hai bên giếng trời là hai cầu thang gỗ dẫn lên tầng trên. Toàn bộ bàn ghế trong nhà làm bằng tre, và tất cả đều đã lên nước đen bóng, trông cũ kỹ, khiến không gian càng đậm nét cổ xưa. 
Giữa buổi sáng. Quán vắng. Chúng tôi vào quán và tự nhiên xăm soi, ngắm nghía, chụp ảnh; như thể đó là nơi đã được mặc định dành cho khách tham quan vậy. Những người phục vụ như đã quen với những khách lạ kiểu này nên cứ thản nhiên để mặc chúng tôi muốn làm gì thì làm. Thậm chí có người vào chụp ảnh xong lại đi ra mà cũng chẳng ai thắc mắc. Mấy cô cậu phục vụ trông rất trẻ đang ngồi ở quầy lịch sự gật đầu chào khách rồi lại chúi mắt vào màn hình vi tính. Người phố cổ là vậy, người Đồng Văn là vậy, rất dễ chịu, rất hiền hòa và hiếu khách!
Trong ngôi nhà đã nâu bóng màu thời gian, chúng tôi dường nghe được mùi thời gian thoảng nhẹ. Đó không phải là mùi ẩm mốc của rêu phong, không phải là mùi gỗ mục, lại càng không phải là mùi hăng hắc, khô khốc của vách tường gạch khô. Dường như đó là mùi thuốc Bắc, mùi hương gỗ thoảng đến thoảng đi; cũng có thể đó là mùi của mấy cây khèn Mông treo trên vách, hay chính là mùi của bàn đèn thuốc phiện thuở xưa còn ám trên mái ngói cũng nên?!
Không thể bỏ lỡ cơ hội được ngồi lại với không gian cổ kính bên ly cà phê ở chốn biên cương, chúng tôi chọn một chiếc bàn bên góc trái, đối diện với quầy hàng, nơi có thể quan sát toàn cảnh ngôi nhà. Trong cái khung cảnh cổ xưa và lãng mạn ấy, chúng tôi may mắn được chuyện trò cùng Mạnh, một cậu bé Mông chừng 14, 15 tuổi. Mạnh có hai anh trai đi làm bên Trung Quốc; còn chị gái dù mới 16 tuổi nhưng đã bị chồng bắt từ năm ngoái. Mạnh kể, hôm ấy chị đang đi công chuyện thì bị anh rể bắt về, làm lễ cúng mời ma trong nhà nhận mặt, rồi một tuần sau mới đưa nhau về xin làm lễ cưới. Nghe Mạnh bảo vậy, chúng tôi không khỏi lo lắng, thầm nghĩ đến cảnh cả nhà Mạnh nước mắt giàn giụa chạy đôn chạy đáo đi tìm; vội tranh nhau hỏi, vậy cái đêm mà chị bị bắt đi thì ở nhà mình thế nào? Mạnh cúi đầu vân vê tà áo, nhỏ nhẹ đáp: đêm ấy chị gọi điện về! Câu trả lời của Mạnh khiến chúng tôi bất ngờ và không khỏi bật cười. Dường như cái tiện nghi thời hiện đại đã và đang len vào nếp sống cổ xưa, giúp đơn giản hóa mọi chuyện, nhưng cũng vô tình lấy đi của con người những cảm xúc mạnh mà không phải cứ muốn là tìm được!
Không biết có phải vì xuất phát từ phong tục cưới hỏi mang đầy tính cưỡng đoạt này không, mà người Mông có những chợ tình để người ta có được những phút giây dành cho người cũ? Và hình ảnh người phụ nữ Mông ngồi bên vệ đường, nhẫn nại quạt cho anh chồng say rượu của mình ngủ mà chẳng quan tâm gì đến chuyện chiều muộn đường xa, chứng tỏ họ rất biết cách để tạo ra một cuộc sống an bình và hạnh phúc; và đó chính là cái nét cổ độc đáo và đáng quý mà chúng tôi tìm được trên cao nguyên đá Đồng Văn này!

 Cận cảnh còm cổng của quán, nếu tinh mắt bạn sẽ thấy dòng chữ PHỐ CỔ CAFE                         
 
                                 

Tác giả bài viết: Nam Hưng – Lương Văn Lễ