MỘT THÍ DỤ VỀ TIẾNG SÉT

MỘT THÍ DỤ VỀ TIẾNG SÉT
Cơn giông làm tôi giật mình. Tôi co người, kéo mền trùm kín đầu. Từ khi thiên lôi xóa sổ bác Hai ngay trước mắt tôi khi bác cháu đang câu trộm, tôi bị chấn động. Nỗi ám ảnh rằng một ngày nào đó mình sẽ bị trời đánh nhuộm đen tâm hồn rỗng tuếch của tôi, ngấm vào tận xương tủy tôi. Ba mươi tuổi đầu, tôi vẫn sợ tiếng sét.

 
Tặng Nam Hưng !
 
          Cơn giông làm tôi giật mình. Tôi co người, kéo mền trùm kín đầu. Từ khi thiên lôi xóa sổ bác Hai ngay trước mắt tôi khi bác cháu đang câu trộm, tôi bị chấn động. Nỗi ám ảnh rằng một ngày nào đó mình sẽ bị trời đánh nhuộm đen tâm hồn rỗng tuếch của tôi, ngấm vào tận xương tủy tôi. Ba mươi tuổi đầu, tôi vẫn sợ tiếng sét.
          Mười sáu giờ hai sáu phút ngày mười sáu tháng Bảy năm hai ngàn không trăm mười là lúc tôi xem giờ. Ngán ngẩm, tôi cầm điện thoại, lồm cồm bò dậy. Tôi đã chờ nàng hơn ba tiếng và thiếp đi khoảng chục phút. My sẽ chờ K. ở đây, không gặp không về. Nhắn lại mẩu tin cũ, tôi ném niềm hy vọng vào giường, mở toang cửa sổ nhìn xuống con phố buồn.
          Phan Thiết mùa này trời thường mưa về chiều. Những con đường nhỏ nhạt nhòa mưa làm ta có cảm giác trống vắng, nao lòng. Tôi thấy nàng che dù dìu tôi ra khỏi quán bánh xèo. Phía bên kia là khách sạn Trường Thịnh nhưng tôi vờ say chân thấp chân cao lừng khừng giữa đường tay chỉ chỉ vào má mình. Cuối cùng nàng nhượng bộ bằng nụ hôn - dính mỡ, thơm mùi bánh xèo - mà sau đó tôi kiên định giữ lại cho đến khi chúng tôi chúc nhau ngủ ngon. Tôi thấy cả hai cùng phá lên cười: tôi mừng còn nàng ngượng. Nàng bỏ tôi dưới mưa, chạy thẳng vào sảnh. Tôi thấy tôi theo sau nàng, ôm đầu cố bảo vệ cái bằng chứng xác thực thánh thiện và quá mong manh ấy. Tâm hồn tôi choáng ngợp như bất ngờ sét đánh. Không phải sét trời tôi ba mươi còn sợ, tiếng sét mang tên Minh Khanh chói sáng thằng tôi hiu hắt, thăng hoa thằng tôi trần tục.
          Từng cơn gió thơm nồng hương nắng, hơi đất, mùi biển cả và mát đến lạnh người. Ngày dần xa cùng tiếng rao của cụ già bán ngô luộc. Mưa tạnh. Chút nắng còn sót lại trôi thành một vệt mờ về phía ngoại ô. Với góc bấm này, nếu đem theo chiếc Canon EOS 50D chuyên dụng, tôi có thể chụp vài khung hình ưng ý đại thể như Về thời quá vãng.
         

Ghi chú 1:
           Hai mươi năm làm phóng sự điều tra, mười năm viết truyện không giúp tác giả diễn đạt trong sáng mạch lạc câu chuyện mà chàng phó nhòm kể. Phần vì mọi việc cứ rối tung cả lên do chàng nhớ đâu nói đó, phần vì sự gián đoạn ngay lúc gay cấn này do người trình bày chả cầm được nước mắt. Thật chẳng ra làm sao cả. Sau một hồi đánh máy lia lịa, tác giả đọc lại phải cố mới  hiểu những gì vừa viết. Hiện tượng lặp từ, sai ngữ pháp, thiếu lô-gic là phổ biến. Kinh hoàng hơn khi xác định nhân vật chính của truyện. Ai? Xuất hiện chưa? Xanh cao chứng giám, không thể là My – nhiếp ảnh gia khờ khạo dễ thương, càng không thể là nữ thi sĩ trải đời,  nữ doanh nhân thành đạt Minh Khanh. Nhưng nỗi hoảng loạn của tác giả lên đến tột đỉnh khi chàng gạt nước mắt, phán: “Mối tình của chúng tôi  đẹp nhất thế kỷ XXI. Hơn nữa trải nghiệm của tôi là độc nhất vô nhị nên tôi thiết tha được xuất hiện ở ngôi thứ nhất số ít”. Tác giả không nỡ nhẫn tâm trong những tình huống nhạy cảm. Mong quý vị lượng thứ. Tác giả sẽ cố viết thật giản dị những đoạn ngay sau.
 
                                                                  II
 
          Chúng tôi lẻn ra ban công lầu 5 để lại các vị văn nghệ sĩ tự do trong phòng nàng ăn nhậu bình phẩm ngày Đại hội nội bộ Hội Văn nghệ lần V.
          - Cứ như bị tra tấn
          - Thế mới dân chủ - Nàng bảo - Kệ họ đi.
          Choàng tay qua vai tôi, nàng nói tiếp sự khốn khó, tủi nhục của gái-chửa-hoang. Giọng nàng đều đều, nàng như đang kể cho chính mình. Nàng dừng lời nhìn tôi. Tôi nắm chặt tay nàng, không nói gì. Tôi được biết thêm nỗi truân chuyên nàng đã trải giai đoạn con mọn và thành lập công ty.
          - Khanh… ba lần qua đêm… - Nàng ôm ghì lấy tôi - với các ông lớn… mới…
          - …
          - Chỉ vậy. Cách đây chục năm rồi. Dạy con nên người, vực công ty đứng được - My à - nhiều khi quá sức chịu đựng… nghĩ không đủ sức đứng dậy được nữa… Cu Long cũng được lắm. Năm nào hai mẹ con cũng ra huyện đảo Phú Quý tham gia mùa hè xanh. Cu cậu dạy nhạc, cầu lông cho tụi nhỏ còn Khanh đi phụ nó nấu ăn từ thiện kiêm luôn việc hướng dẫn nữ công gia chánh cho các bé gái. Còn nhiều trẻ đói ăn, đói chữ…
          Tôi giấu mặt vào tóc nàng, mắt cay cay.
          Trời đã khuya lắm, có lẽ là gần sáng. Ngọn đèn đường lạnh lẽo đơn côi hiu hắt hất ánh vàng vọt trên đầu chúng tôi.
          Chúng tôi chia tay lúc 4 giờ sáng. Thay vì để tôi ngủ lại, nàng lấy khăn ấm lau sạch bằng-chứng-phạm-tội-ngọt-ngào nơi má tôi rồi mời tôi ra. Tôi nghe tiếng chốt cửa lạnh tanh. Đứng đấy một hồi lâu, tôi thất thểu xuống phòng 404, ngửa ra giường, mắt nhìn trân trân lên trần nhà, lịm đi, tôi mơ mình đưa đám bác Hai. Buồn.
 

 
                                                               III
 
          Tôi, Phan My, là con một. Tôi sinh năm 1980. Năm tôi hai tuổi, cha tôi chết khi cuốc đất đụng phải bom mìn. Buồn đau khốn khó đồng hành với tuổi thơ tôi. Năm lên bảy, tôi bị sét làm cháy sém một nửa tâm hồn, may mà thoát chết. Tôi khóc như mưa khi đưa tang bác Hai, người cha thứ hai. Mẹ tôi lo làm mướn sống qua ngày, không có thời gian dạy dỗ chỉ bảo tôi. Chưa hết cấp II tôi nghỉ học làm ở phân xưởng đá lạnh xí nghiệp đông lạnh Sa Huỳnh. Có lẽ trái tim bé bỏng của tôi đóng băng từ đó. Tôi né tránh mọi giao tiếp, lao vào học đêm này qua đêm khác. Năm 17 tuổi mặt bằng kiến thức của tôi đã rất vững. Tôi còn biết tiếng Tàu, khá về ngôn ngữ Tây Ban Nha, sử dụng Anh ngữ thành thạo trôi chảy. Cho đến giờ người thầy lớn nhất của tôi là sách vở. Và người thầy lớn nhì của tôi là tôi. Kết luận này khiến mẹ tôi buồn. Mẹ bảo, con đủ lông cánh rồi, hãy bay đi. Tôi tin lời mẹ… nhưng thôi, đó là chuyện sau này. Hãy quay lại năm tôi 17 tuổi, lần đầu quan hệ… lần đầu nghe nói tới bệnh lãnh cảm trong đợt công ty khám sức khỏe định kỳ. Tôi đã bỏ hết lương tháng ấy vào cái khe ngực em ca-ve miền Tây nõn nà.[…]
 
 
Ghi chú 2:
          Nhằm tránh tình trạng dung tục trong văn chương, tác giả không đánh máy đoạn dài 15 phút kể của chàng trai. Mong quý vị thông cảm. Đại khái cuộc mây mưa ân ái đầu đời chỉ đem đến cho chàng nỗi thất vọng ê chề. Nhưng nhờ thời gian giải lao này mà tác giả lờ mờ nhận ra cái “đinh”của câu chuyện. “Đại hội thành công tốt đẹp chứ?”- Câu hỏi của tác giả để chuyển hướng. Chàng không đáp mà kể tiếp.
 
                                                                   IV
 
          Sau, tôi vào Đức Linh làm việc như là một phóng viên ảnh. Một đêm nhậu say ngủ tại bè cá tôi mơ thấy mặt trời bị mặt trăng đánh chảy máu ròng ròng. Kinh. Đen sệt cả dòng sông La Ngà. Khi huyết đen của mặt trời ngập tới mũi tôi thì tôi tỉnh dậy. Trong trạng thái say-mơ-run, tôi chụp được bức ảnh mây xám nuốt chửng mảnh trăng gầy. Nó đấy. Giải đặc biệt khu vực đấy. Từ đó liên tiếp thắng, nhận thưởng đều đều. Năm kia, lúc số giải bằng số tuổi tôi mới xin vào hội. Một tuần sau lễ kết nạp, tôi về Phổ Châu chịu tang mẹ. Ông trời khắt khe, ban phát cái này, lấy đi cái nọ. Suốt đời tôi là thằng bất hiếu. Ảnh mẹ tôi lúc trẻ đó… mắt giống hệt mắt nàng. Gặp nàng lần đầu, chiều 15/7 ở phòng lễ tân khách sạn Trường Thịnh, tôi đã giật mình, tim đập loạn xạ.
          Ngày “Đại hội nội bộ” kết thúc cùng cảm giác mệt mỏi theo tôi về tới khách sạn. Một người đàn bà đẹp ngồi đọc báo tại cái bàn gần thang máy. “Nhà thơ Minh Khanh, nữ hoàng trong giới văn nghệ sĩ cũng như giới doanh nhân tỉnh” - Ông tinh đời thấy tôi nhìn vẻ đắm đuối bật mí -  “Giám đốc công ty Thanh Long, cũng là tên cậu con cưng của cô ấy”. Nàng bị bao vây giữa đám đông. Các bà thì chanh chách còn các ông cứ leo lẻo. Nàng vẫn chăm chú vào bản phô-tô tờ Người cao tuổi có trang viết về chuyện “lùm xùm” ở Hội Văn nghệ. Lâu lâu nàng lại hất tóc, nhíu mày, ồ, thế a, vậy sao… Tôi nháy mắt chào nàng. Không phản ứng. Tôi giơ hai ngón tay vẫy vẫy. Vẫn vậy. Tôi phát điên với hệ thống phòng thủ đánh chặn của nàng, lách tới: “Làm ơn xê tờ báo sang bên”. “Ồ. Thế a. Vậy sao?”. “Để tôi nhìn cho rõ” - Tôi đánh liều - “Trông cô quen lắm”. “Chào em! Chị là Minh Khanh”- Nàng chìa tay. Tôi nắm lấy. Cứng miệng. Chua thế! Ơn trời, cũng đến lúc tôi có cơ hội trả đũa. Mặc dù nhà ở Phan Thiết, nàng ham vui, đặt phòng VIP ở lầu 5. Nàng vào thang máy là tôi thót theo ngay. Đẹp như mơ: chỉ có hai người. Tôi cố đứng thật sát nàng khi bấm số 4, chằm chằm nhìn đôi mắt hồ thu trong gương. “Em là…?”. “Nhiếp ảnh gia Phan My”. Mùi thơm nhè nhẹ ở đâu đó khiến tôi ngất ngây. Cửa mở. Tôi bước nhanh ra sau khi đặt nụ hôn vội lên tóc nàng. Chủ ý là đùa nhưng người tôi cũng nóng ran. Khó nhọc lắm tôi mới vào được phòng 404. Tôi nằm úp mặt xuống giường, chẳng thèm bật điện hay quạt hay máy lạnh…
          Tôi điện thoại lên phòng 502, mời nàng cơm tối “để xin lỗi”. Nàng từ chối.
          - Nếu giám đốc chê nghèo thì thôi.
          - Sao lại thế? Được… Cơm bụi nha?
          - My chờ ở dưới - Tôi như trút được gánh nặng - Đọc số di động của Khanh đi!
          Nửa tiếng sau nàng mới xuống sảnh. Nàng trao đổi điều gì đó với người quản lý khách sạn, vẻ thân quen lắm. Tôi có dịp ngắm kỹ nàng. Nàng trang điểm nhẹ, quấn khăn cổ màu hồng phấn. Nom nàng thanh thoát trong chiếc đầm xanh nhạt.
          - Mấy anh chị Bắc Bình tới chơi… - Nàng thanh minh.
          - Chắc My chết mất. - Tôi vừa nói vừa nắm bàn tay nhỏ nhắn của nàng.
          Nàng mua hai ổ bánh mì, đưa tôi một ổ, bảo: đi dạo nha. Chúng tôi vừa đi vừa ăn, nói chuyện tào lao. Sau đó chúng tôi vào quán cà phê cạnh bãi biển hóng gió, ngắm biển đêm. Nàng nép vào người tôi, nghe tôi kể thời thơ ấu của tôi ở Đức Phổ, chuyện tôi tình cờ đến với nghệ thuật.
          - Bức ảnh đoạt giải đầu tiên của My là cảnh mẹ chụm lá dương nấu cơm một chiều đông. Mẹ My đã không vui vì cho rằng My “kể khổ, mua lấy sự thương hại”. Bài thơ đầu tay của Khanh thì thế nào?
          - Viết liền một đoạn khoảng ba bốn trăm từ gì đó về thân phận người phụ nữ, rồi enter sáu bảy chục lần. Nom cũng vui mắt, ngắn dài đủ kiểu.
          - Khanh cứ đùa.
          - Thật. Bây giờ vẫn viết kiểu ấy nhưng ngắn hơn, cô hơn và lý sự hơn.
          - Kính nể!
          Hì, hì. Nàng đấm vào lưng tôi, cười hồn nhiên.
         
 
Ghi chú 3:
          Chàng kể lại đoạn đầu. Tác giả nhắc nên câu chuyện tiếp tục như sau:
 
          Sáng hôm sau tôi đến dự “Đại hội công khai” trễ. Công tác tổ chức kể cũng lạ: nghỉ tại khách sạn Trường Thịnh mà địa điểm diễn ra Đại hội lại là khách sạn Đồi Dương. Tôi vào, hội trường đã đông đủ hội viên quan khách chuẩn bị lễ chào cờ. Nàng mặc áo dài tím, nom nghiêm nghị. Tôi đứng bên, áo sơ mi nhàu y bộ mặt, quên cà-vạt. Lúc ngồi xuống, tôi hỏi nhanh, Khanh đợi tôi có lâu không? Nàng im lặng. Tôi vẫn cố, “Tại sao giữ cái ghế này cho tôi?” rồi nắm tay nàng, “Cảm ơn!”. Nàng để tôi nắm tay, không nói gì. Lúc đoàn thư ký lên làm việc đột nhiên nàng bảo: “Mình ra ngoài đi”. Ra khỏi cửa hội trường, nàng nói nhỏ vẻ bí mật: “Đợi đây nha”. Chờ nàng, tôi không thể đứng yên. Tôi rít thuốc liên tục, đi tới đi lui, hình dung đủ thứ bậy bạ. Lâu thế, chắc nàng đang tìm một phòng… Điện thoại rung, tôi nôn nóng, “Ở đâu?”. “Dưới này… về lại Trường Thịnh”. Tôi chạy bổ xuống lầu, đầu óc quay cuồng. Đúng. Đây toàn quen. Rất không ổn. Tôi choàng vai nàng ra khỏi khách sạn. Mặt nàng hơi tái đi khi chúng tôi lên taxi. “Không sao”- Tôi vỗ vỗ lưng nàng.
          Trong thang máy tôi ôm chặt nàng; nàng đẩy ra. Tới phòng 502 nàng lại bảo: “Đợi đây nha”. Vẫn là tiếng chốt cửa lạnh tanh. Tôi đốt thuốc khi nàng tắm và trang điểm - tôi nghĩ vậy. Ôi, như là chuyện phiêu lưu hấp dẫn! Cửa mở. Tôi lao vào. Nàng rạng rỡ: “Xong rồi…”. Tôi khóa miệng nàng bằng cái hôn thèm khát cưỡng chế phàm tục. Nàng ú ớ tôi càng hăng. Tiếng nhạc chuông máy nàng làm tôi khựng lại và bị đẩy ngay ra. “Ừ, ừ, chiều tới chở mẹ”. Bốp! Tai tôi lùng bùng, má rát nhưng tôi, nói gian chết liền, vẫn sấn đến vật nàng xuống giường. Khi hạt nút áo đầu tiên của tôi bung ra thì câu hỏi lạnh tanh của nàng khiến tôi như bị dội gáo nước: “Tình cảm quý mến mà ta dành cho nhau là thế này sao?”. Tôi thấy tự ái. Tôi tỏ vẻ ta đây bất cần. Làm cao ư. Cám ơn. Tôi gài khuy chiếc sơ mi, vuốt tóc đứng lên. Nàng nắm tay kéo lại, ghì chặt đầu tôi vào ngực nàng. Rồi nàng khóc. Tôi hoang mang, không hiểu gì và cũng không biết làm gì. Chúng tôi ở trong tư thế như vậy cũng lâu lâu. Cuối cùng nàng hôn trán tôi, bảo: tới Đại hội. Chúng tôi không đi cùng nhau, tới Đại hội không ngồi gần chỗ.
          Bế mạc Đại hội là đến liên hoan. Vào phòng dự tiệc trưa tôi không thấy nàng, chạy tìm quanh cũng không thấy. Điện. Không nghe máy. Về Trường Thịnh. Khách 502 đã trả phòng. Hỏi lễ tân lời nhắn. Đáp: không.
Tôi nhắn, My sẽ chờ K. ở đây, không gặp không về, rồi trả phòng 404, đặt phòng 502.
          Lúc 18 giờ 32 phút ngày 16 tháng 7, tôi mừng như chết đi sống lại khi có tin nhắn. Tôi đã tràn trề hy vọng khi thấy tin nhắn là của nàng. Nội dung khá dài:
          “Khanh rút thẻ chuẩn bị cho công tác từ thiện: trao 20 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó ở Mũi Né. Vội đi dự Đại hội, để quên tiền trong phòng khách sạn. Ban sáng điện về Trường Thịnh định nhờ cất giùm, mãi chẳng gặp người quen. Tính bảo lễ tân nhưng lại thôi. Số tiền khá lớn, về cũng gần nên rủ My luôn. Hồi trưa thằng cu chở Khanh đi xuống đó không kịp dự liên hoan chia tay. Nghĩ, xong Đại hội là My về Đức Linh luôn chứ? Khanh trân trọng thời gian vui vẻ bên nhau những ngày qua, trân trọng tình cảm My dành cho Khanh. Về nhà đi My ơi! Cám ơn My thật lòng. Hãy là bạn tốt của nhau nhé. Mọi chuyện hẵng cứ để thuận lẽ tự nhiên, O.K?”
          Tôi không hiểu gì và cũng không biết làm gì, chỉ biết chắc một điều: Nàng đang ở quá xa tôi.
 

 
                                                                                      Đức Linh, mùa hạ 2010
                                                                                                                                                                                                                                                                                                   N.T

Tác giả bài viết: Nguyễn Trung