BỐN THẮNG CẢNH THIÊN NHIÊN HÙNG VĨ Ở TÁNH LINH

BỐN THẮNG CẢNH THIÊN NHIÊN HÙNG VĨ Ở TÁNH LINH
Dưới chân Núi Ông là đồng bằng sông La Ngà uốn khúc trải dài bát ngát chân trời Biển Lạc. Từ lưng chừng Núi Ông, dòng Thác Bà ừng ực tuôn trào, tung bọt trắng xóa giữa bạt ngàn rừng cây cổ thụ, rồi cuối cùng cũng đổ ra Biển Lạc. Cảnh tượng thiên nhiên hùng vĩ ấy cứ như quấn quýt và không thể tách rời nhau, cái nọ đan chồng và kết nối với cái kia, tạo thành thế “rồng cuộn hổ ngồi”, “biển lạc vào rừng, rừng vây lấy biển”.
Nước về chỗ trũng, tụ vào lòng chảo “bàu nước thiêng” (Plây Tờ Nao Linh) – ý nghĩa của tên gọi Tánh Linh ngày nay (*).
1. Núi Ông đệ nhất hùng quan


 
Núi Ông nằm ở vị trí cuối cùng của dãy Nam Trường Sơn, phần lớn diện tích thuộc địa giới hành chính huyện Tánh Linh và một phần thuộc địa bàn huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận). Hệ thống núi có diện tích 195 km2, chiều dài 15 km và chiều ngang 13 km. Đỉnh núi cao 1.302m so với mực nước biển.
Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông được ví như lá phổi khổng lồ điều hòa môi trường sống quanh khu vực, nhiệt độ luôn thấp hơn bên ngoài khoảng 3 – 5oC. Hệ sinh thái nơi đây vô cùng đa dạng và phong phú, với 1.070 loài thực vật (135 loài gỗ lớn, 207 loài gỗ nhỏ, 235 loài tiểu mộc, 480 loài dây leo, 188 loài cỏ, 75 loài khuyết thực vật và 50 loài thực vật phụ sinh) và 247 loài động vật (68 loài chim, 131 loài thú, 33 loài bò sát và 15 loài lưỡng thê). Nhiều loài động thực vật quý hiếm có tên trong sách đỏ, cùng nhiều loài có giá trị dược liệu cao. Rừng Núi Ông là nơi cung ứng nguồn nước ngọt dồi dào cho hệ thống sông suối trong khu vực, đáng kể đến là sông Cát, sông Dinh, sông Phan, sông Mường Mán và sông La Ngà. Dưới chân Núi Ông còn có cả suối nước nóng (ở xã Đức Bình).
Đến Tánh Linh, chúng ta luôn có cảm giác đang đi vào rừng, vì nhìn trước mặt lúc nào cũng thấy núi toàn là núi, núi thấp núi cao nhấp nhô trùng điệp. Đứng ở trung tâm huyện, du khách không cần phải hỏi, cứ trông về hướng Đông, ngọn núi nào đồ sộ án ngữ sừng sững ngay trước mặt, thì đó chính là Núi Ông hùng vĩ (vào mùa mưa, 
thường bị mây mù bao phủ). Những ai từng có dịp lên đỉnh núi, có thể nhìn thấy Mũi Né xa mờ.
2. Sông La Ngà một dòng lấp lánh
Sông La Ngà bắt nguồn từ cao nguyên Di Linh, chảy qua các tỉnh Lâm ĐồngBình ThuậnĐồng Nai, rồi đổ vào hồ Trị An, với chiều dài trên 270 km và lưu vực 4.710 km². Đoạn chảy qua Tánh Linh dài khoảng 50km, đủ để tạo nên hình ảnh thơ mộng về con sông quê hương và “truyền thuyết một dòng sông”[1] uốn khúc quanh co qua các vùng đất thuộc xã La Ngâu, Đồng Kho, Bắc Ruộng, Huy Khiêm, Đức Bình, Đức Thuận, Gia An và thị trấn Lạc Tánh, đổ về Biển Lạc.


 
Đoạn chảy qua Tánh Linh tuy chỉ bằng 1/5 tổng chiều dài con sông, nhưng đây lại là phần quan trọng nhất, nơi có thể bắt dòng La Ngà “khạc điện”, “nhả phù sa” và “sản sinh” ra nhiều lợi ích cho nhân dân địa phương. Trên đoạn sông này, cụm công trình thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi đã được xây dựng, với công suất 300MW, tạo nên diện tích mặt hồ rộng 2.500 ha, hiện là “vương quốc cá Tầm” ở Việt Nam; công trình thủy điện La Ngâu và công trình đập thủy lợi Tà Pao cũng đang được xây dựng trên đoạn sông quan trọng này. Đặc biệt, nó đã “ban” cho Tánh Linh cánh Đồng Lớn thẳng cánh cò bay, là vựa lúa lớn nhất tỉnh Bình Thuận, đồng thời cung cấp nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao ra thị trường. Vùng hạ lưu sông ở Tánh Linh còn chứa đựng loại đất sét tốt với trữ lượng khổng lồ, sản xuất ra gạch phẩm Gia An nổi tiếng khắp miền Nam.
3. Biển Lạc – Bàu nước thiêng
Biển Lạc là một trong số ít hồ nước ngọt tự nhiên nổi tiếng ở Việt Nam, rộng khoảng 1.000 ha (vào mùa khô) và khoảng 3.000 ha (vào mùa mưa). Năm 1877, sỹ phu yêu nước Nguyễn Thông khi đi khảo sát vùng rừng núi Tánh Linh đã gặp phải hồ nước này án ngữ trước mặt không sao đi được, trông rộng lớn mênh mông như biển cả, bèn gọi là “Lạc Hải”, với ý nghĩa “biển lạc vào rừng, rừng vây lấy biển”. Người dân bản địa gọi đó là “bàu nước thiêng”.
Trước đây, hồ được bao bọc bởi khu rừng già nguyên sinh, với hệ sinh thái ngập nước vô cùng đa dạng và phong phú, nhiều loài quý hiếm. Đặc biệt, cá nhiều đến nỗi, tận sau khi giải phóng hàng chục năm, người dân địa phương vẫn thấy nó bơi từng đàn dày đặc. Quăng một mẻ lưới có đến hàng yến, hàng tạ, có khi đầy xuồng đầy ghe, có những con nặng hàng chục ký.
Ngày nay, xung quanh Biển Lạc bạt ngàn rừng cao su, nguồn “vàng trắng” làm thay da đổi thịt biết bao làng, xã. “Cá Biển Lạc” vẫn là thương hiệu nổi tiếng gần xa, được đánh giá là nơi đại diện cho các khu hệ cá miền Đông Nam bộ cũng như miền Trung như: cá lóc, cá mương bay, cá thiểu, rô đồng, rô biển, nheo, cá bò, bống tượng, lầu cấn, chấm đuôi, đỏ mang, linh, lăng, trê, thác lác, trèn, trạch, v.v...
Đứng trước cảnh hoàng hôn và bình minh trên Biển Lạc, bạn sẽ thấy “lòng quê dờn dợn vời con nước, không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”[1], rồi giao hòa với thiên nhiên và chợt nhận ra Tánh Linh chính là nơi “tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”[2].
 

 
4. Thác Bà tuôn ra từ “cổng trời”
Thác Bà nằm trong Khu Bảo tồn Thiên nhiên núi Ông. Xung quanh là quần thể động thực vật đa dạng, phong phú và quý hiếm. Thực vật có 550 loài, động vật có 232 loài. Nhiều cây gỗ to, tròn, vươn thẳng như xếp hàng. Có những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi đứng uy nghiêm trầm mặc. Có những cây mai nở hoa trên ghềnh đá. Có những đàn bướm dập dờn như muốn làm quen. Có tiếng vượn hú, chim kêu, v.v… Tất cả đều có thật, dù không còn hoang sơ thuở nào.
Thác Bà có 9 tầng, mỗi tầng cao từ 15 - 25m. Mỗi tầng thác đổ xuống đều có hồ nước bên dưới, trông rất đẹp, mát lành, trong vắt, tung bọt trắng xóa. Mỗi tầng thác có khoảng cách không gần, phải trèo lên những ghềnh đá cheo leo, trơn trợt, khó đi. Rất ít người đi đủ 9 tầng thác. Thông thường, du khách chỉ đến tham quan 3 tầng thác đầu tiên, gọi là Thác Một, Thác Hai Thác Ba. Hơn nữa, đa số cũng chỉ dừng lại ở Thác Một để vui chơi, ngắm cảnh, tắm… và tổ chức ăn uống trên những phiến đá lớn dọc theo triền thác. Thác Ba có một hồ nước khá rộng, giữa hồ có tảng đá lớn hình bầu dục nổi lên cách mặt nước khoảng 5 – 10 cm, trông như hòn đảo nhỏ bị chìm, người tắm thường bơi ra đó ngồi đạp nước. Đặc biệt, Thác Ba có cột nước cao khoảng 15m, đứng dưới nhìn lên cứ ngỡ như cột nước ấy sinh ra từ “cổng trời”.
Vào những ngày đầu xuân năm mới, có hàng vạn du khách thập phương tìm đến Thác Bà để tổ chức gặp gỡ, vui chơi, vãn cảnh, ăn uống, hát hò…Địa phương đang trình Chính phủ cho phép khoanh vùng 250 ha quanh thác để xây dựng khu du lịch sinh thái.
 


Đến Tánh Linh, không phải ai cũng đi đủ bốn cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ ấy. Nhưng nếu vì lý do nào đó mà không “mục sở thị” một trong bốn “kỳ quan thiên nhiên” kia, thì coi như chưa đến Tánh Linh, chưa có gì để kể.
Thác Bà, Biển Lạc, Núi Ông
Đã đi đến đó lòng không muốn về
La Ngà một dải sông quê
Vẳng nghe truyền thuyết say mê tình người
Từ xưa đến nay, đa số người dân Tánh Linh vẫn đều sinh cơ lập nghiệp xung quanh lòng chảo Núi Ông, Biển Lạc, Sông La Ngà và Thác Bà. Trong kháng chiến, nơi đây đã tạo thành thế “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, với nhiều khu căn cứ địa cách mạng và câu ca nổi tiếng “Cá Biển Lạc, gạo Đồng Kho / quân dân Bình Thuận ăn no diệt thù”… Đặc biệt, mỗi địa danh đều có những truyền thuyết, sự tích huyền thoại đầy ly kỳ hấp dẫn từ xa xưa còn lưu truyền trong sử sách.
Ngày nay, bốn “kỳ quan thiên nhiên” nổi tiếng đó đang là tiềm năng và lợi thế hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nhất là trong phát triển nông – lâm nghiệp, du lịch sinh thái, gắn với việc khai thác hợp lý nguồn tài nguyên rừng và phát huy giá trị lịch sử của các căn cứ kháng chiến, cũng như việc phát triển các ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và làng nghề liên quan, sản xuất năng lượng, cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt, v.v…
Ngoài ra, Tánh Linh còn có nhiều thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ khác. Đất lành chim đậu, hơn 14 dân tộc anh em đến từ 40 tỉnh thành trong cả nước đã chọn Tánh Linh làm quê hương thứ hai của mình./.

Tác giả bài viết: Hội Văn Khoa

Nguồn tin: Ban Tổ chức cuộc thi trên tanhlinh.vn (MS 005 VDTL)