Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển bền vững

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển bền vững
Xác định lúa, bắp, cao su, tiêu, điều, heo, bò là cây trồng và con nuôi chủ lực. Tuy nhiên, phải tái chuyển đổi cây trồng theo hướng nâng tầm giá trị sản phẩm lên chất lượng tăng để người dân có thu nhập cao hơn hiện tại, là nhiệm vụ Tánh Linh đang hướng đến.

 


       Tánh Linh đã có thời gian chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và đã có những thành công nhất định, nhưng đã có khoảng trống do chưa tập trung mọi nguồn lực nên kết quả chưa như mong đợi. Khi vừa lên Chủ tịch UBND huyện, ông Nguyễn Đình Lâm đã chỉ đạo các phòng liên quan rà soát để tái chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời làm việc với các doanh nghiệp cung cấp vật tư nông nghiệp và thu mua chế biến nông sản, tạo bước mạnh mẽ trong liên kết 4 nhà. Thực ra, khi còn ở cương vị Phó Chủ tịch huyện, tôi vẫn biết ông đau đáu lo cho nông dân, nhiều lần ông tâm sự trong trăn trở: Dân Tánh Linh làm ruộng, nói là vùng trọng điểm lúa nhưng nông dân còn ít người giàu từ ruộng, phải tìm cách để giúp dân. Vì vậy, khi đã có quyền tự quyết, việc đầu tiên ông nghĩ đến là làm sao cho dân phải làm lúa chất lượng cao, có thể xuất khẩu qua chuyển đổi cây trồng, mùa vụ phù hợp để người dân có thu nhập khá hơn hiện tại. Mô hình “cánh đồng mẫu lớn” làm thí điểm ở xã Nghị Đức thành công đã được nhân rộng ra toàn huyện. Ngoài ra, huyện đã làm 3.000 ha lúa chất lượng cao theo mô hình liên kết 4 nhà, trong đó có sự hỗ trợ kỹ thuật, giống từ Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long và ký kết thỏa thuận với các doanh nghiệp thu mua, chế biến trong huyện.

       Anh Võ Văn Ty – Trưởng Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Tánh Linh, cho biết: Vụ đông xuân vừa qua toàn huyện sản xuất 3.710 ha lúa chất lượng cao, trong đó có 1.046 ha “liên kết 4 nhà”. Năng suất bình quân lúa đạt 75 tạ/ha, có nơi đạt 85 tạ/ha. Dọc theo sông La Ngà, tùy từng vùng đất huyện đã bố trí cho người dân chuyển dịch cây trồng theo hướng từ 3 vụ lúa  mỗi ha lời 24 triệu đồng chuyển sang 2 vụ lúa, 1 vụ bắp lời 28 triệu đồng. Còn làm 2 vụ bắp, 1 vụ lúa sẽ lời 32 triệu đồng và làm 3 vụ bắp sẽ có lãi ròng 36 triệu đồng. Đây là mô hình thí điểm ở xã Đức Bình có kết quả tốt nên nhiều nông dân từ Đồng Kho đến Đức Phú đã tăng mạnh diện tích 2 vụ lúa, 1 vụ bắp trong thời gian qua. Huyện đã xây dựng đề án chuyển 1.500 ha đất lúa do không chủ động nước nên sản xuất kém hiệu quả, sang thành 2 vụ lúa, 1 vụ bắp hoặc trồng cỏ chăn nuôi bò. Cây công nghiệp sẽ ổn định diện tích cao su, tạo vùng nguyên liệu cho chế biến 21.000 ha, phấn đấu, đến năm 2020 đạt 24.000 ha. Ổn định cây tiêu, điều hợp lý theo hướng chiều sâu về cải tạo giống và chăm sóc. Với chăn nuôi sẽ tái cơ cấu theo hướng chăn nuôi trang trại, hạn chế chăn nuôi thả rông, nhỏ lẻ.

       Cũng cần nói thêm, Tánh Linh đang tái cơ cấu lại kinh tế tập thể, trong đó giải thể HTX yếu kém, củng cố lại các HTX còn một số mặt hạn chế, hình thành các tổ hợp tác giản đơn để tăng hiệu quả hoạt động. HTX hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, đây là yếu tố rất cần để phục vụ sản xuất hàng hóa chất lượng cao vì các hoạt động có tính tập thể, khép kín, chuyên nghiệp để vươn đến xây dựng thương hiệu xuất khẩu…Tái chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm đòi hỏi cần có yếu tố đào tạo nghề cho nông dân, đội ngũ lao động nông thôn để gắn kết đầu vào, đầu ra cho doanh nghiệp, cho trang trại, kinh tế hộ. Đây là vấn đề huyện rất cần sự hỗ trợ từ tỉnh. Ngoài ra, huyện đang có chủ trương kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư vào địa bàn trên lĩnh vực chế biến, nhất là chế biến sản phẩm từ chăn nuôi, thức ăn gia súc vì nguồn nguyên liệu ở huyện khá phong phú.

       Xây dựng nông thôn mới ở Tánh Linh không chỉ với mong muốn đạt các tiêu chí theo quy định, mà huyện đang hướng tới cách làm có chiều sâu, sáng tạo và tính bền vững, làm cái gì có lợi cho dân nhất sẽ ưu tiên hàng đầu nên đang được người dân ủng hộ…


Tác giả bài viết: Trần Thi

Nguồn tin: theo http://www.baobinhthuan.com.vn/