ĐÊM THƠ NGUYÊN TIÊU Ở PHỐ NÚI TÁNH LINH

Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh - Đoàn Ngọc Thánh tặng lẳng hoa chúc mừng đêm thơ

Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh - Đoàn Ngọc Thánh tặng lẳng hoa chúc mừng đêm thơ

Tối Chủ nhật 24/2 (tức Rằm, tháng Giêng Quý Tỵ) vừa qua tại thị trấn Lạc Tánh, Chi hội Văn nghệ phối hợp với Huyện đoàn và Trung tâm Văn hóa Thông tin Thể thao huyện Tánh Linh đã tổ chức đêm thơ nhạc Nguyên tiêu chào mừng Ngày thơ Việt Nam lần thứ 11. Đêm thơ đã để lại ấn tượng trong lòng công chúng phố núi.



Dưới ánh trăng vàng vằng vặc chiếu xuống phố núi Lạc Tánh, những lời thơ điệu nhạc được cất lên ngưng đọng trong lòng người nghe giữa mùa xuân mới. Đến dự đêm thơ có ông Đoàn Ngọc Thánh - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh, lãnh đạo một số ban ngành, địa phương trong huyện; nhà văn Khánh Chi, họa sĩ Nguyễn Đức Hòa - Chủ tịch và Phó chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, các văn nghệ sĩ đến từ Phan Thiết, La Gi, Hàm Tân, Đức Linh, TP. Hồ Chí Minh và đông đảo người yêu thơ Tánh Linh.
Đêm thơ được bắt đầu với nghi thức rước bài thơ Thần Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt, đoàn nữ sinh với áo dài trắng, tay xách lồng đèn từ từ tiến vào sân Thơ với hai em rước bài thơ dẫn đầu. Ông Đoàn Ngọc Thánh - Chủ tịch UBND huyện đã đón nhận bài thơ và treo trang trọng trên sân khấu. Đây là nghi thức đã có ngay từ đêm thơ đầu tiên do Chi hội Văn nghệ huyện tổ chức vào năm 2009.
Trong phát biểu khai mạc, ông Nam Hưng - Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ, Trưởng ban Tổ chức đã nêu lên ý nghĩa cao đẹp của Ngày thơ Việt Nam, việc tôn vinh thơ thể hiện tinh thần nâng niu và trân trọng đối với loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của dân tộc.
Bài thơ Nguyên Tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh được cất lên, tuy không có tuyệt sắc “Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân” nhưng lại mang nét lãng đãng của phố núi chập trùng và những ngọn gió mát lành từ dòng La Ngà thổi đến tạo nên vẻ lãng mạn đầy thi vị.
 
Trong phát biểu chào mừng, nhà văn Khánh Chi - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã đánh giá cao những nỗ lực của Chi hội Văn nghệ huyện Tánh Linh đã có sự cố gắng khi 5 năm qua liên tiếp tổ chức đêm thơ Nguyên Tiêu, điều đó chứng tỏ sự nhiệt tình của anh chị em văn nghệ sĩ địa phương, sự quan tâm tạo điều kiện của lãnh đạo các cấp, ngành và đặc biệt là tình yêu đối với thơ ca của các tầng lớp nhân dân trong huyện.
Đêm thơ đã giới thiệu những bài thơ nổi tiếng của nền thi ca Việt Nam như Ông đồ của Vũ Đình Liên, Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng của Chế Lan Viên, Lính đảo hát tình ca trên đảo của Trần Đăng Khoa và những bài thơ của các tác giả địa phương như Mời em về Gia An của Dương Ngọc Việt, Dáng xuân của Bích Phượng, Xuân về trên quê hương Tánh Linh của Phú Quang, Mừng Xuân Quý Tỵ - mừng Đảng quang vinh của Nguyễn Văn Khảm, Quê hương Tánh Linh của Trần Cúc, Cô gái Chăm ơi của nữ tác giả người dân tộc Raglay M’Hà Phương v.v…cùng các ca khúc phổ thơ viết về Tánh Linh của nhạc sĩ Xuân Khánh với sự thể hiện của các giọng ngâm, giọng ca của Bùi Thị Thành, Hoàng Thị Lan Hương, Phú Quang, Long Hoàng, Văn Tiến, Xuân Thành, Yến Như, Thùy Linh, Lan Phương...
Thơ và nhạc du dương trong ánh trăng lung linh càng làm cho không khí đêm rằm thêm huyền diệu, tạo nên sự xúc động trong lòng người nghe. Chị Trần Thị Thanh Thắng, khán giả ở thị trấn Lạc Tánh chia sẻ: “Đây là lần thứ hai tôi được tham dự đêm thơ Nguyên Tiêu, đêm thơ tạo cơ hội để người yêu thơ được gặp gỡ, đồng điệu trong một cảm xúc chung với thơ và nhạc, đặc biệt ngày nay cuộc sống khá xô bồ, người ta phần nào quên đi ý nghĩa của những vần thơ điệu nhạc nên những chương trình như thế này rất bổ ích”.
Ông Lê Văn Tân - một người yêu thơ đến từ xã Đức Tân cũng nói lên cảm nghĩ của mình: “Đêm thơ tập hợp rất nhiều thi hữu về tham dự trong một không khí rất vui vẻ, rất hạnh phúc, nhất là trong dịp kỷ niệm kỷ niệm 30 năm tái lập huyện Tánh Linh. Trong đó có nhiều anh chị em yêu thơ ca giao lưu, thể hiện những bài thơ, ca rất khúc mượt mà, dễ thương”.
Bên cạnh những tiết mục thơ, nhạc được biểu diễn, công chúng địa phương còn được giao lưu với những văn nghệ sĩ huyện nhà như nhà thơ Dương Ngọc Việt, nhà văn Lương Văn Lễ và nhạc sĩ Xuân Khánh, qua đó hiểu thêm về quá trình sáng tác của họ cũng như xuất xứ các tác phẩm tạo được sự yêu thích của công chúng, những gợi mở cho các tác giả trẻ về sáng tác. Nhà thơ Dương Ngọc Việt - một trong những tác giả có tác phẩm trình diễn trong đêm thơ cho biết “Thơ là cái mà mình gạn lọc ngôn ngữ để nói lên cái đẹp, những nét đặc sắc của quê hương. Đối với phong trào sáng tác của anh em văn nghệ sĩ Tánh Linh, luôn được sự cổ vũ, động viên của chính quyền cũng như người dân, qua đó làm anh em có thêm động lực để phấn đấu sáng tác nhiều tác phẩm hay hơn nữa về quê hương”.
Càng về khuya, không khí đêm thơ càng lắng đọng hơn, và một điều không thể phủ nhận đó là tình yêu thơ của người dân nơi đây, đã hơn mười giờ đêm vẫn còn rất đông khán giả nán lại để nghe thơ và đọc thơ giao lưu. Theo ông Nam Hưng - Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ huyện Tánh Linh, Trưởng Ban tổ chức đêm thơ, tuy đời sống vật chất của người dân huyện miền núi này còn chưa khá giả, sung túc nhưng họ luôn có tình yêu với thơ ca nói riêng và các loại hình văn học nghệ thuật nói chung, đây chính là động lực để những người hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ huyện nhà khắc phục những khó khăn để phát huy nghề nghiệp của mình, đưa đến những sáng tạo, những hoạt động mới phục vụ công chúng.
Qua 5 lần tổ chức liên tục, được thực hiện luân phiên giữa huyện và các xã, đêm thơ Nguyên Tiêu tại Tánh Linh đã tạo được dấu ấn riêng của mình, trở thành hoạt động truyền thống, nổi bật đầu năm của phong trào văn học nghệ thuật tỉnh nhà. Với địa phương, sự kiện này càng ý nghĩa hơn nữa khi được chọn mở đầu cho chuỗi hoạt động văn hóa nghệ thuật kỷ niệm 30 năm tái lập huyện Tánh Linh (1/5/1983 - ngày 1/5/2013).


Tác giả bài viết: La Văn Tuân

Nguồn tin: Đài PTTH Bình Thuận