LỄ HỘI KỲ YÊN Ở LẠC TÁNH

LỄ HỘI KỲ YÊN Ở LẠC TÁNH
Chỉ còn vài hôm nữa là đến rằm tháng hai, Lạc Tánh quê tôi lại rộn ràng với lễ hội Kỳ yên, tanhlinh.vn xin giới thiệu với cùng các bạn đôi nét về lễ hội này.

Như đã thành thông lệ, hàng năm cứ vào dịp rằm tháng Hai âm lịch đình làng Lạc Tánh lại tổ chức lễ hội Kỳ Yên. Lễ diễn ra nhằm trong tiết Xuân nên cũng được gọi là lễ Tế Xuân.
Cùng với người dân địa phương, nếu có điều kiện bạn hãy một lần về dự lễ hội Kỳ Yên tại đình làng Lạc Tánh để cảm nhận tình quê hương và nhớ về một thời cha ông khẩn hoang lập ấp để có được một Tánh Linh hôm nay. Theo các cụ bô lão trong làng thì chương trình lễ đã có phần giản lược hơn so với trước kia, do hoàn cảnh chiến tranh nên các hiện vật xưa của đình đã không còn nữa, đây là một mất mát lớn về tinh thần đối với người dân Lạc Tánh, ví như sắc phong của vua ban nay đã không còn nữa nên lễ thỉnh sắc không thể diễn ra… Tuy nhiên không vì thế mà cuộc lễ giảm đi tính tôn nghiêm vốn có của nó.
Kỳ yên có nghĩa là Cầu an, là ngày lễ lớn được tổ chức long trọng qui mô nhất trong năm của đình làng. Từ chiều ngày rằm đến tối là lễ nghinh thần, đúng 12 giờ khuya là lễ thỉnh sinh rồi đến lễ lễ cầu quốc thái dân an… Đối với đình Lạc Tánh tục giết heo cúng thần là nghi thức đặc trưng nhất và cũng lạ nhất so với nghi thức tế lễ của các đình làng khác. Dân làng đến dự cũng trông chờ đến thời khắc quan trọng đó. Vật tế lễ là chú lợn đực chưa đầy một năm tuổi được chọn lựa kỹ càng, sau khi tắm rữa sạch sẽ những thanh niên trai tráng trong làng sẽ nhận nhiệm vụ mang vào giữa đình để tế sống thần Hổ và lấy tiết ngay tại chỗ. Sau nghi thức này, heo được đưa ra sau để pha thịt chuẩn bị cho các mâm cổ phục vụ cho hội hè của ngày hôm sau.
Tương truyền, ngày xưa khi đất Tánh Linh còn hoang vu, rừng rậm vây lấy xóm làng mà dân cư thì thưa thớt, nên cọp beo lai vãng quanh vùng và thường vào nhà dân bắt heo. Cọp từ trong tiềm thức dân gian luôn là linh vật, được mệnh danh là Chúa tể sơn lâm, do vậy dân làng chỉ kiêng kỵ né tránh mà không dám tìm cách bắt giết gì cả. Từ đó cọp tỏ ra thân thiện với người và sau khi có đình làng thì “ông cọp” này lại về ngự ở đình làng vào những lúc vắng vẻ. Cũng theo truyền thuyết, cọp ở nhiều nơi còn được quan niệm là có công "chọn đất để làm đình" giúp dân làm ăn được thịnh vượng, nên người dân coi cọp là thần Hổ - vị thần quan trọng được thờ phụng trong đình. Trong tâm thức  của lưu dân khai phá vùng rừng thiêng nước độc này thì thú dữ là mối lo thường trực, do vậy ngoài Thần Hoàng Bổn Thổ ra dân làng còn phát tâm nguyện đưa thần Hổ vào đình thờ và kế đến là thờ các bậc Tiền hiền khai khẩn, Hậu hiền khai cơ ...
Ngày nay người dân cố cựu ở  Lạc Tánh vẫn còn truyền tụng nhiều giai thoại về cọp Tánh Linh, có lẽ nghi thức tế lễ thỉnh sinh của đình làng vào giữa khuya cũng bắt nguồn từ đó chăng (?).
Thường là từ sáng hôm sau (16/02 ÂL) từ 5 giờ đến 6 giờ là lễ tế Thần, tiếp theo đó từ 8 giờ đến 10 giờ 30 là lễ cầu quốc thái dân an. Lễ cầu Quốc Thái Dân An là lễ chính của cuộc lễ Tế Xuân - Kỳ Yên. Nghi lễ chính gồm dâng hương, dâng rượu, dâng trà và đọc bài văn tế cầu nguyện, cảm tạ thần Thành Hoàng Bổn Thổ đã phù hộ cho mưa thuận gió hoà, xóm làng yên vui, nước non phồn thịnh. Thật ra thần Thành Hoàng Bổn Thổ (hay có người gọi là thần hoàng bổn xứ) cũng chỉ mang tính biểu trưng cho vị thần cai quản xứ đất mà cư dân đang ở chứ không phải và vị thần có danh tính cụ thể. Theo lời các bô lão trong làng thì những cư dân lưu lạc tới vùng đất mới để khai phá thì ai mà chẳng ngại, do vậy họ rất cần một chỗ dựa tâm linh. Những vị thần này là chỗ dựa tốt nhất cho họ - những lưu dân từ miền Trung, miền Bắc vào. “Có thờ có thiêng” và người dân bao giờ cũng muốn tôn vinh tính “thiêng” ấy nên các vị Ngũ Hương làng Lạc Hoá đã đệ đơn xin phong sắc ấn để thờ, tuy nhiên trong đơn không nói rõ là xin phong sắc ấn gì. Vua đã thuận ban cho làng 02 đạo sắc phong từ năm đầu lập đình để thờ thần, những sắc phong ấy chính là sự công nhận của vương triều cõi tục, công nhận vị "viên chức Thành hoàng" làm nhiệm vụ trông coi một làng cụ thể, không phải để đe dọa dân mà để bảo vệ dân. Một điều thật đáng tiếc là các sắc phong đó nay đã không còn nữa !
Sau các nghi lễ vật tế được mang xuống cùng với sự đóng góp tự nguyện của dân làng, đình tổ chức đãi tiệc ngay tại khuôn viên của đình và hoàn tất cuộc lễ vào chiều ngày hôm đó.
Đình làng là nơi sinh hoạt tập trung của cộng đồng dân cư và cũng là nơi khai diễn tài năng, hoặc tư duy của dân làng ngày xưa thì nay đã mai một đi nhiều. Điều đáng quý, đáng trân trọng là về tín ngưỡng dân gian, nơi để thờ thần Thành Hoàng làng, người có công với dân, với nước, người đi trước khai đường mở đất cho người sau, các bậc tiền hiền - hậu hiền giúp dân nghề nghiệp sinh sống và kế tục phát triển cho đến hôm nay.
Lòng tri ân ''uống nước nhớ nguồn'' của người dân ta thật đáng kính biết bao, không hề có một chút mê tín dị đoan nào ở đây, họ cúng tế như một cách để hoài vọng về quá khứ, trả nghĩa trả ân các bậc tiền bối với lòng thành kính của lớp hậu sinh, thắt chặt thêm mối đoàn kết để tạo thành sức mạnh, thành niềm tin và hy vọng của cộng đồng làng xã. 
Đã từ rất lâu rồi, khi nói đến làng quê người ta nghĩ ngay đến những hình ảnh rất đặc trưng, làm nên biểu tượng của làng quê đó là “mái đình, cây đa”. Tự bao đời nay, đình làng là hình ảnh thân quen, gắn bó với tâm hồn của mọi người dân Việt, người dân Lạc Hoá – Lạc Tánh tự hào có được ngôi đình ở giữa trung tâm huyện lỵ được xây dựng từ năm 1940 – Đây chính là nơi chứng kiến những sinh hoạt trong đời sống và cả những đổi thay của người dân Lạc Tánh - những người đầu tiên đến đất Tánh Linh để khai khẩn và tạo nền móng cho sự phát triển của Tánh Linh hôm nay. Dù là một viên đá nhỏ, hoặc rất nhỏ đi nữa nhưng đó là những viên đá đầu tiên đặt nền móng thì bao giờ cũng đáng quý, đáng trân trọng./.

Tác giả bài viết: Nam Hưng

Nguồn tin: tanhlinh.vn