Nhớ bác phó mộc ngày xưa

Nhớ bác phó mộc ngày xưa
Nhà có chút việc cần đến cưa đục, xách xe chạy đi tìm thợ, không biết run rủi thế nào mà tôi lại gặp Nhơn. Vẫn làn da ngăm và hàm răng sáng, lại còn nguyên cái tính hay nói hay cười, Nhơn khiến tôi có cảm giác đây chính là thằng Nhơn của ngày xửa ngày xưa, cái thằng Nhơn từng ưỡn ngực nói như dao chém đá: lớn lên tao sẽ làm phó mộc!


Nhà có chút việc cần đến cưa đục, xách xe chạy đi tìm thợ, không biết run rủi thế nào mà tôi lại gặp Nhơn. Vẫn làn da ngăm và hàm răng sáng, lại còn nguyên cái tính hay nói hay cười, Nhơn khiến tôi có cảm giác đây chính là thằng Nhơn của ngày xửa ngày xưa, cái thằng Nhơn từng ưỡn ngực nói như dao chém đá: lớn lên tao sẽ làm phó mộc!

Mà, có riêng gì Nhơn, hồi nhỏ tôi cũng từng nghĩ, lớn lên nhất định cũng sẽ gắn cuộc đời mình với cưa, bào, đục, chạng. Hồi ấy, tôi và Nhơn mê nghề mộc lắm, nên cứ chiều chiều lại rủ nhau sang chơi nhà bác Tám. Bác Tám khá giả, nên rước một bác thợ mộc già về, cất chái để đóng bàn ghế giường tủ. Bác thợ mộc có tên có tuổi, nhưng vì ban đầu chúng tôi cứ gọi là “bác Mộc” nên riết rồi quen, không đổi được nữa. Bác Mộc để râu nên trông có vẻ già, chứ tay chân thì vẫn còn gân guốc lắm. Mỗi khi bác cưa, hai đứa lại a vào giành nhau những mẩu gỗ thừa để làm đồ chơi. Mỗi lúc như vậy bác Mộc lại lắc đầu cười hiền từ, bảo “giống hệt sắp nhỏ ở nhà!”. Và có lẽ chúng tôi đã gợi lên trong bác hình ảnh thân thương của một gia đình xa ngái, nên bác thương chúng tôi lắm. Trước khi cắt bỏ một mẫu gỗ, bao giờ bác cũng chịu khó tăng thêm một đường cưa để các mẫu gỗ thừa được vuông vức. Bác còn làm cho tôi và Nhơn hai khẩu súng gỗ giống hệt nhau, khiến bọn trẻ trong xóm phải “lác mắt”.

Nhiều bữa, hai thằng đứng ngây như phỗng để nhìn bác làm việc. Những mảnh gỗ xù xì xấu xí, qua tay bác chỉ một lát đã phẳng phiu trơn láng. Những vỏ bào cuồn cuộn đùn nhau vương đầy trên đất. Thỉnh thoảng, thấy bác vừa ra ngoài, hai đứa liền tranh nhau gác một thanh gỗ lên ghế bào thử. Bác Mộc không la mà còn cười, lo về mà ăn cho lớn thêm chút nữa, mạnh hơn chút nữa, chứ yếu xìu vậy thì làm gì được? Thằng Nhơn liếng thoắng: lớn lên hai đứa con sẽ làm thợ mộc! Bác Mộc xoa đầu Nhơn: Chọn làm gì cái nghề này cho cực, đến già vẫn chỉ được làm phó. Thấy chúng tôi ngơ ngác trước câu nói đùa “cao cấp” của mình, bác bảo, thợ mộc có nơi còn gọi là phó mộc. Mới vào nghề đã phó, làm đến già vẫn phó!

Thấm thoắt mà công việc đã xong, bác Mộc lại lên đường “tha phương cầu thực”. Hồi ấy, những người làm nghề như bác nhiều lắm. Họ cột sau chiếc xe đạp một thùng gỗ đựng búa, đinh, bào, đục; phía trên gác một cái cưa, cứ ai cần làm nhà làm cửa, đóng bàn đóng ghế thì ghé vào làm dăm bữa nửa tháng, xong việc lại đi. Thầm lặng và cần mẫn, họ đưa dịch vụ đến tận nhà, nên ai cần thợ mộc thì cứ dặn hàng xóm, để có thấy thợ mộc đi ngang thì kêu giúp. Nhiều người cẩn thận tìm đến tận nơi để đánh giá tay nghề rồi mới rước thợ, nên dù làm xong là đi, nhưng hầu như ai cũng cố giữ chữ tín để năm sau quay lại còn có đất để làm ăn.

Tôi không nuôi được ước mơ thuở nhỏ, nhưng Nhơn thì có. Sau mấy năm học việc, Nhơn cũng mở ra một cái “xưởng” để đóng bàn ghế tủ giường cho bà con lối xóm. Cái trại mộc của Nhơn một dạo đông khách, công việc làm không kịp, phải rước thêm thợ về phụ giúp. Ấy vậy mà lần này tôi lên, cái trại vẫn còn đó, nhưng mạng nhện giăng đầy. Nhơn bảo, đã mấy năm rồi không còn làm nghề nữa. Rừng cạn kiệt, nguồn cung gỗ ngày càng hạn hẹp, lại dễ bị bắt bớ nên công việc ngày càng khó khăn. Trước đây còn đi mua xác nhà cũ về rọc cọng, rồi vào Hố Nai mua ván mặt về đóng. Bây giờ xác nhà cũng không còn, cái gì cũng mua, mà lại khó mua nên nghề mộc nhỏ lẻ như Nhơn ngày càng khó sống. Chỉ có ai mạnh vốn, mua gỗ đấu giá của kiểm lâm, hoặc mua theo những đơn đặt hàng lớn về đóng hàng chợ thì còn có việc làm. Không thể cứ sống ngắc ngoải với nghề, Nhơn đành gác cưa, chuyển sang nghề khác để đảm bảo cuộc sống cho cả gia đình.

Không tìm được thợ, vì người còn theo nghề thì vẫn đang bận bịu với nghề, người bỏ nghề lại đang tất bật với nghề mới, tôi đành ra chợ mua dụng cụ về rồi tự mình làm phó mộc. Làm một hồi, ngửa bàn tay nhìn những vết rộp, tự dưng tôi nhớ bác Mộc, nhớ những người thợ với cái thùng gỗ buộc sau xe một thời âm thầm đưa dịch vụ đến tận hang cùng ngõ hẻm. Năm, mười năm nữa, liệu những người thợ mộc của làng quê rồi biết có còn không?

Tác giả bài viết: LƯƠNG VĂN LỄ