Thương nhớ lũy tre làng

Thương nhớ lũy tre làng
Tôi sinh ra ở miền Trung, trong một ngôi làng mang đầy đủ những nét đặc trưng nhất của một ngôi làng Việt. Trước nhà sừng sững hàng cau, phía sau xanh rì khóm chuối, và cách chái bếp không xa là một cây rơm vàng ruộm nắng chiều. Tuy nhiên, trong ký ức tuổi thơ tôi, thân thuộc nhất lại là cây tre. Tre là loại cây ở đâu cũng cần, ở đâu cũng có. Tre mọc thành lũy bao bọc lấy xóm làng trông như một bức tường thành xanh ngắt. Tre xào xạc sau vườn, tre đu đưa trước ngõ, tre nghiêng mình soi bóng xuống ruộng lúa, mặt ao.
      
     Tôi sinh ra ở miền Trung, trong một ngôi làng mang đầy đủ những nét đặc trưng nhất của một ngôi làng Việt. Trước nhà sừng sững hàng cau, phía sau xanh rì khóm chuối, và cách chái bếp không xa là một cây rơm vàng ruộm nắng chiều. Tuy nhiên, trong ký ức tuổi thơ tôi, thân thuộc nhất lại là cây tre. Tre là loại cây ở đâu cũng cần, ở đâu cũng có. Tre mọc thành lũy bao bọc lấy xóm làng trông như một bức tường thành xanh ngắt. Tre xào xạc sau vườn, tre đu đưa trước ngõ, tre nghiêng mình soi bóng xuống ruộng lúa, mặt ao.
     Sau khi Nguyễn Hoàng tiến vào Thuận Hóa, theo chân các đoàn quân Nam tiến, những ngôi làng lần lượt mọc lên, và loài cây được con người trồng xuống đầu tiên chính là cây tre. Tre được trồng dày đặc bao bọc xóm làng để đề phòng thú dữ, để phòng thủ; và cũng là ranh giới để xác lập một đơn vị hành chính.
Ngày xưa, khi công cụ lao động quen thuộc nhất của con người là dao, là rựa thì loại vật liệu thông dụng nhất cũng chính là tre. Chế tác tre không cần phải cưa, bào, khoan, đục; không cần phải đông người; chỉ mình một rựa là đủ. Tre có vỏ ngoài trơn láng, sớ thẳng, có thể tước mỏng dễ dàng nên được dùng hầu hết trong mọi lĩnh vực đời sống nông gia. Trước khi làm nhà, người ta đào một cái ao để ngâm tre, đồng thời lấy đất để tôn cao nền nhà phòng lũ. Tre ngâm là để tăng thêm độ bền, chống mối, mọt, mốc, mục. Tre lớn làm cột, tre nhỏ làm kèo, tre chẻ ra đan lại làm cửa. Tre liên kết với tre nếu không phải bằng con sẻ tre thì cũng là một chiếc lạt tre. Tre làm hom để đánh tranh thành tấm; tre làm cán dao cán rựa; tre làm thang, rổ, nia, sàng; tre làm cối xay, tre làm vành nón; tre làm chõng giường, bàn, ghế; tre làm đòn gánh đòn xóc; tre làm gàu tác nước, tre đan rộng đan lờ, làm cần câu, làm giỏ đựng cá; tre làm cót, làm bồ, làm quạt, làm đũa; tre làm sáo để kéo chiều dài ra, tre làm mõ để đêm trường ngắn lại; tre làm thuốc cứu người, tre làm diều để đem lại niềm vui cho trẻ nhỏ… Dù có bỏ ra một ngày trời cũng không thể nào kể hết công dụng và các vật dụng bằng tre.
     Tre cả mấy nghìn năm thân thuộc với con người là vậy, thế mà bỗng chốc đã thành chuyện cổ tích mà cứ kể ra là lớp trẻ lại hồ nghi. Bây giờ là thời đại của đồ nhựa, đồ nhôm và bao nhiêu vật liệu cao cấp khác, nên người ta lại phải đau đầu vì… rác. Tất cả các vật dụng bằng nhựa, bằng kim loại khi bỏ đi đều có hại cho môi trường, chứ tre thì không. Cái nong cái nia khi đã xạc xệ hư hỏng, vất ra góc vườn một thời gian là thành mùn, thành đất, lại biến thành dưỡng chất nuôi cây vươn nhánh tươi cành. Tre có tính sát khuẩn, nên cọng rau đựng trong rổ tre cũng an toàn hơn là rổ nhựa.
     Hồi trước, mỗi mùa lũ về, trên chiếc xuồng đan bằng tre cật, ông tôi chèo đi khắp xóm để hỏi han, giúp đỡ mọi người. Trưa hè oi ả, vác cái chõng tre ra sân nằm ngắm sao trời, nghe tiếng bờ tre xào xạc, cảm thấy cuộc sống bình yên đến lạ lùng. Rồi khi cây xoài trước ngõ, cây khế sau vườn chín vàng, thấy nội vớ lấy cây sào tre là bọn trẻ tụi tôi lại tíu tít chạy theo mà nghe lòng hớn hở.
     Ở miền Trung, loại tre được trồng nhiều nhất là cây tre gai. Măng tre gai khi mới mọc thường thẳng, nhưng mềm, nên cứ gặp chướng ngại vật là lại uốn cong một tí để tìm lối vươn lên. Do vậy, đến khoảng tháng tám, tháng chín, khi bước vào mùa măng, người ta lại thường xuyên gỡ cành để giúp mầm măng lên thật thẳng. Nơi nào măng mọc dày quá thì xắn bớt. Măng tre là loại thực phẩm cung cấp nhiều chất xơ cho cơ thể. Lá tre làm thuốc xông trị cảm rất hiệu nghiệm. Tre sống rất khỏe, “rễ siêng không ngại đất nghèo” nên trồng đâu cũng lên tươi tốt. Ở thôn quê, khi trồng một bờ tre, người ta thường đào một con mương để chắn bớt rễ.
     Ngày về thăm quê, tôi tha thẩn đi dưới rặng tre và cảm thấy lo sợ. Diện tích dành cho tre bây giờ ít quá. Tre chỉ còn lại một vài khóm lẻ loi trên đồng. Người xưa có câu “nhất đốn tre, nhì ve gái”, để nói lên cái khó khăn vất vả của việc đốn tre, ấy vậy mà bây giờ, với sự giúp đỡ của công cụ hiện đại, người ta triệt hạ cả bụi tre chỉ trong nháy mắt. Và trong khi người ta chưa nghĩ ra được điều gì để giúp tre có thể đi vào cuộc sống văn minh hiện đại, thì những lũy tre của làng quê cứ thỏn mỏn dần. Tôi đứng bên rìa làng, nhìn mê mải những khóm tre còn sót lại và tự hỏi, mai này về lại, biết có còn nhìn thấy được tre không? 

Tác giả bài viết: LƯƠNG VĂN LỄ