Tháng Giêng về

Tháng Giêng về
Tết nhẹ nhàng qua. Những ngày tháng Giêng lại về. Tháng Giêng, nghe sao mà thân thiết, mà gần gũi quá! Có lẽ vì là tháng đầu năm, tháng của bao ước mơ đổi mới, tháng để hiện thực hoá những dự định về một sự đổi thay trong đời, tháng của những điều hẹn ước…, nên càng đi qua nhiều mùa xuân, lại càng thấy lòng mình bâng khuâng khó tả mỗi độ tháng Giêng về.


Tết nhẹ nhàng qua. Những ngày tháng Giêng lại về. Tháng Giêng, nghe sao mà thân thiết, mà gần gũi quá! Có lẽ vì là tháng đầu năm, tháng của bao ước mơ đổi mới, tháng để hiện thực hoá những dự định về một sự đổi thay trong đời, tháng của những điều hẹn ước…, nên càng đi qua nhiều mùa xuân, lại càng thấy lòng mình bâng khuâng khó tả mỗi độ tháng Giêng về.

Tháng Giêng là tháng ăn chơi!

Tôi vẫn hằng đinh ninh, đây là câu ca dao được ra đời trong tháng Chạp. Vì rằng, sau quá nhiều gian lao, khổ cực, sau quá nhiều dằn vặt, nhớ nhung, sau quá nhiều lo toan, khắc khoải, người ta càng mơ ước được nghỉ ngơi, được chơi bời thoả thích. Bởi vậy, tôi ngờ rằng câu ca dao này không phản ánh hiện thực cuộc sống, mà chỉ nói lên ước mơ của những con người đã trải qua quá nhiều gian khó, thế nên sau tháng Giêng, lại đến Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè/ Tháng tư đong đậu nấu chè/ Ăn tết Đoan Ngọ lại về tháng năm…

Ăn chơi mà kéo dài mãi thế thì còn gì là cuộc sống? Sự thảnh thơi luôn khiến người ta cảm thấy nhàm chán và bức bối, nên dù ca dao nói vậy, nhưng tháng Giêng bao giờ cũng là tháng khởi đầu mạnh mẽ cho những công việc, những kế hoạch mới. Từ xa xưa, người ta đã tin vào một sự đổi thay bắt đầu từ tháng Giêng, nên mỗi độ tết đến xuân về lại nở rộ việc xin xăm, bói toán, để mong hình dung được sự đổi thay ấy nó như thế nào.

Tháng Giêng chứa trong mình biết bao hẹn ước. Mọi dự định không thể thực hiện ngay, người ta lại hẹn đến “ra Giêng”, như thể đây chính là thời điểm thích hợp nhất cho một kế hoạch dài hơi. Tháng Giêng, hoa xuân dần tàn, thịt mỡ dưa hành đã ngán, cuộc rong chơi cũng đã chán chê, giúp người ta dễ dàng rời bỏ những ngày vui để lao vào công việc với mức năng lượng dồi dào nhất. Chính những háo hức với dự tính mới đã biến tháng Giêng thành tháng của chia ly. Công chức lại đến nhiệm sở, công nhân lại về nhà máy, học sinh sinh viên lại lục tục đến trường… Đã thoả nguyện với ước mơ sum họp, bỏ lại ngày vui phía sau lưng để lao vào công việc, nhưng không phải ai cũng thấy lòng nhẹ nhõm.

Ngày đi làm đầu năm, tôi đã chứng kiến một cuộc chia ly nặng trĩu. Hết tết, một đôi vợ chồng lên xe về lại thành phố để tiếp tục cuộc mưu sinh. Một bà già ôm cháu đứng lặng câm bên đường. Xe chạy rồi mà người mẹ trẻ vẫn còn thò đầu qua cửa sổ để nhìn lại phía sau, nước mắt nhạt nhoà. Chỉ có đứa bé là cứ thản nhiên như không, như thể nó vừa rời xa hai người xa lạ. Nó sống với ngoại từ nhỏ nên chẳng biết gì về sự mất mát đang diễn ra trước mắt. Có lẽ, nếu thằng bé cứ trằn mình khỏi vòng tay bà, cứ vừa chạy theo chiếc xe vừa gào gọi thì tôi sẽ thấy nhẹ lòng hơn. Đời sống công nghiệp đang vô tình tạo nên những nỗi đau từ một phía như thế, tưởng nhẹ hơn mà hoá ra lại hết sức đau lòng.

Tháng Giêng không chỉ là tháng của những đổi thay riêng của mỗi con người, mà còn là tháng của những kỳ vọng về một đất nước đang chờ ngày hoá rồng hoá hổ. Sự đổi thay trong mỗi cuộc đời luôn tiềm ẩn cơ hội để đất nước theo đó mà đổi thay, mà phát triển.

Tháng Giêng lại về. Thêm một cơ hội nữa đã mở ra trước mắt. Hẹn nữa là hẹn điêu, hứa nữa là hứa hão, thôi thì anh, thì chị, thì tôi, chúng ta hãy lao vào thực hiện những gì mình đã hứa, để mỗi khi tháng Giêng về không chỉ thấy mình được thêm một tuổi, mà còn thấy mình đĩnh đạc hơn khi đứng trước cuộc đời.

Tác giả bài viết: LƯƠNG VĂN LỄ