Ôi ! đẹp quá.

Cuộc thi vừa mới phát động đã có bài gởi dự thi, tanhlinh.vn rất cảm kích trước những tình cảm của các bạn dành cho quê hương. Xin giới thiệu ngay bài dự thi sớm nhất.
ÔI! ĐẸP QUÁ
 
Một buổi sáng chủ nhật, tháng 03 năm 1990, nghe theo lời rủ rê của mấy đứa bạn học cùng lớp nhà ở Gia An, mà mấy thầy trò quyết định đi Biển Lạc chơi. Từ Lạc Tánh chúng tôi đến Gia An, điểm lại quân số có thầy Tín, Thầy Mai, Thầy Minh, cô oanh cùng 6 học sinh đến từ Lạc Tánh và 5 học sinh Gia An. Đúng 8 giờ hướng Biển Lạc thẳng tiến, đoàn quân được chuẩn bị khá chu đáo, khệ nệ mang theo đủ thứ từ lương thực, cần câu đến súng bắn chim… Hành quân khoản 30 phút bằng xe đạp, vượt qua một cánh đồng cỏ lau và sậy thì đến bờ biển.
          Không biết mùa mưa thế nào chứ lúc này nước rất cạn, nhìn qua phía bên kia bờ biển ước chừng chưa tới 1000m thấp thoáng những thân cây cổ thụ, một biển nước mênh mong. Giữa biển là một rừng cây, những thân cây to hơn một người ôm nhô lên khỏi mặt nước mang những hình thù uốn lượm khác nhau, tạo nên một khung cảnh nên thơ và hùng vĩ.
          Những người bạn Gia An lôi lên từ đáy nước bốn chiếc ghe của những người đánh cá. Ở đây phần lớn những người đánh cá thả lưới, đặt bung vào lúc trời gần tối, sáng ra kéo lên bắt cá đem về; ban ngày những chiếc ghe được nhận chìm xuống nước ngay tại bến để tránh nắng; ai có nhu cầu đi ghe thì cứ lấy mà đi, nhưng khi đi xong phải trả về vị trí cũ.
Những chiếc ghe chở thầy trò chúng tôi hướng vào rừng cây giữa biển, nhưng không, những tay chèo không chuyên nghiệp cứ đổi bên chèo liên tục vẫn không điều khiển được hướng đi, ghe chạy theo đường cánh cung mỗi lúc gần rừng cây hơn; chiếc ghe tôi đảo qua, đảo lại được một lúc thì “ùm”, bốn thầy trò ngụp lặn trong nước, mực nước khá thấp khoảng 1,3m nên không nguy hiểm. Sau khi lật ghe trở lại, tát nước ra thì phát hiện một trò chơi mới, đó là bắt sò, những con sò dài gần 10cm lộm cộm dưới chân, chỉ một lúc thôi sò trên ghe đủ cho cả đoàn mang về làm quà. Vùng vẫy trong nước một lúc, chiếc ghe tiếp tục hướng về rừng cây. Càng gần đến rừng cây tiếng chim hót mỗi lúc một to, như một dàn đồng ca, làm náo nức lòng người; những chiếc ghe đi cùng cũng đã có thu hoạch, ghe thầy Mai bắn được hai con chim cu gáy, ghe thầy Minh hái được vài nhánh lan rừng, ghe cô Oanh không câu được con cá nào, nhưng bù lại có một người đánh cá đi qua gởi tặng 3 con cá lóc lớn.
          Mặt trời đã lên cao, tôi mê mẫn chèo ghe len lõi giữa rừng cây mát rượi mà cứ tưởng mình lạc vào xứ sở thần tiên. Một chú rắn bò vội vàng, rơi từ trên cây xuống trước mặt làm tôi giật mình thét lớn, đánh rơi luôn mái chèo. Câu hò quảng rặt từ ghe bên cạnh bay sang ai cũng cười ngặt nghẽo; thầy Minh phát biểu “Kỳ quan thiên nhiên Thuận Hải là đây”; cô Oanh nói thêm “về Gia An không chèo ghe Biển Lạc, uổn phí một chuyến đi”.
          Loay hoay gần 11 giờ thì đoàn quân tiến về bên kia biển để cắm trại. Một rừng mai hiện ra, những cây mai không ai chăm sóc để nở vào dịp Tết nguyên đán, bây giờ nở rộ ra để đón chúng tôi; tôi choáng ngợp nhìn những cây mai cổ thụ đầy hoa. Hoa mai Biển Lạc có nét đặc trưng riêng, cành khúc khủy, hoa lớn nhiều cánh. Xen lẫn với mai là những cây dầu, ngành ngạnh, bằng lăng, có những cây bằng lăng ra hoa sớm đã lát đát vài bông màu tím. Lan rừng trên những thân cây cổ thụ nhiều nhất là lan Ngọc điểm, có cây lan Ngọc điểm hơn 20 lá.
          Trong lúc cô và mấy bạn nữ đốt lửa nấu ăn, tôi theo thầy Mai đi sâu vào rừng khám phá những điều mới lạ; những sợi dây mây dài, đầy gai cứ cản trở bước chân, thỉnh thoảng một con chim đập cánh bay vụt ra từ bụi rậm làm người đi giật nảy mình; tiếng bìm bịp gọi bạn phá vỡ không gian yên tỉnh, bước nhảy của những chú sóc bông lau lôi cuốn tôi, một đàn vẹt đập cánh bay lên từ ngọn cây khơ nia che kín cả một vùng trời. Chúng tôi quay lại trại khi đã quá trưa, món chim nướng một vài người không dám ăn vì thấy tội cho những chú chim nhỏ, cá lóc được nướng vội vàng cuốn với lá lộc vừng non chấm muối ớt ôi thôi là tuyệt.
          Thời gian qua mau, mặt trời núp sau những ngọn cây, một cuộc đua ghe qua bờ bên kia diễn ra sôi nổi, đầy kịch tính; cô Oanh và bạn nữ nào không tham gia dành riêng một chiếc đi sau cổ vũ; 3 chiếc ghe đua lần lượt lặn xuống đáy Biển Lạc nhờ những tay chèo không chuyên nghiệp còn quá khích. Bao nhiêu sò lúc sáng bắt được trả về hết cho Biển. Cuộc đua ầm ỉ cả một vùng, những tiếng la hét, reo hò vang lên không dứt. Khi tôi gần đến bờ, đã thấy ghe cô Oanh cập bến, cô nhìn chúng tôi nói “thỏ ham chơi quá nên về sau rùa”. 
Ra về, nhìn tặng phẩm của Biển Lạc là những nhánh lan, Thầy tín phát biểu “cứ mỗi người vô đây đem về vài nhánh lan thì vài năm nữa Biển Lạc không còn Lan”. Chúng tôi đùa nhau “Lan này lấy đi thì lan khác mọc ra chứ lo gì”. Mặt trời xuống hẳn sau rừng cây bên kia biển, để lại bóng một áng mây hồng bồng bềnh trên mặt biển, ai cũng phải thốt lên “Ôi! đẹp quá”./.
 
Lời thầm thì: Chuyến đi kết thúc hôm qua, nay trở thành quá khứ; mối quan hệ thầy trò ai cũng có nhưng mấy người trân trọng mang theo. Yêu quê hương chỉ thấy quê hương đẹp, những kỷ niệm xưa theo mãi một đời người; đôi lúc ngoảnh đầu nhìn lại, chợt thấy mình phụ bạc những kỷ niệm xưa.

Tác giả bài viết: Mã số dự thi VDTL 001

Nguồn tin: Ban Tổ chức cuộc thi trên tanhlinh.vn