VĂN HỌC NGHỆ THUẬT VỚI CÔNG TÁC GIÁO DỤC VÀ HOÀN THIỆN NHÂN CÁCH HỌC SINH

Thứ sáu - 27/05/2016 07:38
VĂN HỌC NGHỆ THUẬT VỚI CÔNG TÁC GIÁO DỤC  VÀ HOÀN THIỆN NHÂN CÁCH HỌC SINH

VĂN HỌC NGHỆ THUẬT VỚI CÔNG TÁC GIÁO DỤC VÀ HOÀN THIỆN NHÂN CÁCH HỌC SINH

Sinh thời, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: có nhiều cách để giáo dục nhân cách con người. Có thể dùng thiết chế văn hoá; dùng luật pháp; dùng giáo dục chính trị; dùng giáo dục đạo đức và kết hợp các nội dung đó với nhau. Trong các loại hình giáo dục đó, Văn học nghệ thuật (VHNT) chiếm một vị trí đặc thù.
BÁO CÁO THAM LUẬN

VĂN HỌC NGHỆ THUẬT VỚI CÔNG TÁC GIÁO DỤC
VÀ HOÀN THIỆN NHÂN CÁCH HỌC SINH



 
        Sinh thời, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: có nhiều cách để giáo dục nhân cách con người. Có thể dùng thiết chế văn hoá; dùng luật pháp; dùng giáo dục chính trị; dùng giáo dục đạo đức và kết hợp các nội dung đó với nhau. Trong các loại hình giáo dục đó, Văn học nghệ thuật (VHNT) chiếm một vị trí đặc thù.
        Đó là một sản phẩm sáng tạo đặc biệt tinh tế của con người, có khi là tuyệt diệu, cao hơn con người vì nó đúc kết những tình cảm, suy tư tinh hoa, ưu việt nhất. Nó hướng con người đến cái Thiện. Nó có sức hấp dẫn của cái Đẹp. Nó quyến rũ người ta, giáo dục người ta qua năm tháng mà làm cho con người nâng mình lên và cảm thấy  hạnh phúc.
Một bản nhạc lớn, một vở kịch lớn, một tác phẩm văn học lớn, có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật, có tác dụng giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách con người, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam trong giai đoạn mới.
Ra đời và phát triển cùng với sự phát triển của xã hội loài người, văn học, nghệ thuật (VHNT) đã khẳng định sức sống vĩnh cửu và sức lan tỏa vượt mọi rào cản không gian, thời gian, đóng vai trò quan trọng với nhiều chức năng như nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ, giải trí... không thể thiếu trong đời sống xã hội loài người.
        Trước tiên là phát triển trí tuệ.
        Con người, đặc biệt là trẻ nhỏ, luôn khao khát nhận thức, khám phá thế giới hiện thực xung quanh. Các em muốn biết tất cả, muốn thâu tóm tất cả lí do tồn tại của cuộc sống vào khối óc bé nhỏ của mình. Thế giới xuất hiện trước mắt trẻ với toàn bộ sự phong phú, phức tạp của nó. Trong điều kiện đó, những câu ca dao, bài thơ, truyện kể là những bài học đầu tiên giúp các em nhận thức thế giới, định hướng cơ bản trong môi trường xung quanh, giúp các em chính xác hóa những biểu tượng đã có về thực tế xã hội, dần dần từng bước cung cấp cho các em những khái niệm mới và mở rộng kinh nghiệm sống.
Mỗi bài thơ, câu chuyện đều giới thiệu với các em về một góc, một mặt của đời sống: có khi là quá khứ lịch sử hào hùng của các dân tộc; có khi là sinh hoạt trong gia đình, nhà trường, có khi là cuộc sống ở một đất nước xa xôi với những phong tục tập quán, không gian của những châu lục, quốc gia… Tiếp xúc với tác phẩm, các em không chỉ được thỏa mãn nhu cầu nhận thức mà còn được mở rộng tầm nhìn, làm giàu có lượng thông tin tri thức, làm sâu sắc hơn quá trình quan sát xã hội, môi trường xung quanh, có được lượng tri thức và kinh nghiệm sống đáng kể, cùng với nó là năng lực trí tuệ nhất định để các em có thể bước vào cuộc sống
        Tiếp theo là giáo dục đạo đức, khả năng thẩm mỹ.
        Qua tiếp xúc với tác phẩm văn học, dưới sự hướng dẫn của nhà trường và gia đình, các em sẽ hình thành và phát triển những phẩm chất thẩm mĩ, tỉnh cảm thẩm mĩ, thị hiếu nghệ thuật, năng lực cảm thụ văn học, khả năng hoạt động nghệ thuật và sáng tạo nghệ thuật. Nhờ sự sáng tạo độc đáo của người nghệ sĩ trong việc biểu đạt thực hiện bằng hình tượng nghệ thuật, cái đẹp vốn có trong thiên nhiên, trong đời sống đi vào văn học nghệ thuật đã làm nên những giá trị thẩm mĩ thể hiện một quan niệm về cái đẹp. Những hình tượng tươi sáng trong tác phẩm, những bức tranh thiên nhiên giàu chất thơ được vẽ nên bằng ngôn ngữ, nhạc điệu của những vần thơ, tính biểu cảm của ngôn ngữ sẽ tạo cho các em sự nhạy cảm thẩm mĩ, tâm hồn, tình cảm cao đẹp, sự  phong phú của đời sống tinh thần.
        Chương trình Văn học ở nhà trường phổ thông với định hướng phát triển năng lực sáng tạo học sinh về văn học nghệ thuật.
 
        Chương trình và SGK hiện hành môn Ngữ Văn với các phân môn Đọc văn, Tiếng Việt, Làm văn được biên soạn theo hướng tích hợp và định hướng phát triển năng lực người học nên phát huy khá tốt khả năng cảm thụ văn học cũng như cảm hứng sáng tạo của các em.
        Phân môn Tiếng Việt với một số tiết hướng dẫn Thi luật, thực hành, luyện tập làm thơ, với các thể thơ từ truyền thống đến hiện đại đã thu hút phần lớn các em hứng thú tham gia. Tổ Văn hàng năm đều tổ chức cho các em tham gia sáng tác, gửi bài trên báo tường, trên trang Blog, và gần đây là trên Internet, mạng xã hội Facebook của trường, tạo cho các em niềm say mê, hứng thú, yêu thích văn học.
 
        Phân môn Đọc văn, ngoài việc giúp các em tiếp cận tác phẩm văn học, rung cảm trước cái hay, cái đẹp, căm ghét cái xấu, cái ác, biết đồng cảm, sẻ chia, còn giúp phát triển “Văn hóa đọc” đang có nguy cơ bị các phương tiện nghe nhìn, du lịch... lấn lướt co hẹp lại như hiện nay.
 
        Phân môn Làm văn với kiểu bài văn NLXH thật sự đã mở ra cho các em khả năng lập luận, trình bày những vấn đề về xã hội mang tính thời sự bức thiết hiện nay, đồng thời khai tử tình trạng chép văn mẫu, học vẹt trước đây. Bài văn NLXH chiếm 3 điểm trên tổng số 10 điểm bài thi THPT Quốc gia năm nay, cũng như xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng, trung cấp vào tháng 7 tới.
 
        Về cuộc thi sáng tác về đề tài quê hương, gia đình và nhà trường dành cho học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 trong năm 2010 trên địa bàn huyện Tánh Linh do Chi hội VHNT phát động.
 
          Chào mừng kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng Tánh Linh, Chi Hội VHNT quyết định phát động cuộc thi sáng tác về đề tài quê hương, gia đình và nhà trường dành cho học sinh từ lớp 6 đến lớp 12, năm 2010 trên địa bàn huyện Tánh Linh. Chỉ trong một thời gian 6 tháng phát động cuộc thi, chúng tôi đã nhận được 259 tác phẩm của 236 tác giả gửi về dự thi; trong đó có 9 truyện ngắn, 177 bài thơ và 73 tản văn. Xét về mặt số lượng, có thể nói đây là một cuộc thi hết sức thành công.
 
         Qua công tác phân loại và chấm giải, chúng tôi hết sức vui mừng vì chất lượng phần lớn các tác phẩm dự thi là khá tốt. Đa số các em hành văn trôi chảy, biết dẫn ý, biết lựa lời, rất ít trường hợp mắc lỗi về chính tả, ngữ pháp. Một số em đã thể hiện khả năng quan sát, tìm ra được góc nhìn thẩm mỹ để tái hiện lại qua trang văn một cách sinh động và sáng tạo.
         Phát triển “Văn hóa đọc”.

      Thế kỷ XXI chứng kiến sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin và truyền thông khiến quá trình toàn cầu hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Với đặc điểm là một hình thái ý thức xã hội đặc thù, VHNT từ khi ra đời đã có khả năng tồn tại và phát triển vượt không gian, thời gian, nhanh chóng trở thành loại hàng hóa đặc biệt, đặc biệt vì VHNT không phục vụ nhu cầu vật chất mà phục vụ nhu cầu tinh thần của con người.
Văn hoá đọc là một khái niệm có hai nghĩa, một nghĩa rộng và một nghĩa hẹp. Ở nghĩa rộng, đó là ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, của cộng đồng xã hội và của các nhà quản lý và cơ quan quản lý nhà nước. Còn ở nghĩa hẹp, đó là ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân. Ứng xử, giá trị và chuẩn mực này  gồm ba thành phần: thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc.
Ngày nay hệ thống thư viện công cộng đã phát triển từ tỉnh tới huyện và đang vươn tới nhiều xã trên toàn quốc, khắp từ Bắc tới Nam, bao gồm 64 thư viện tỉnh, 587 thư viện huyện và khoảng 10.000 thư viện và tủ sách cơ sở ở xã, sự phát triển của các thư viện tư nhân, thư viện gia đình với những bộ sưu tập rất có giá trị và phong phú, không chỉ có ở các thành phố mà còn được phát triển ở các vùng nông thôn. Tuy nhiên, chúng ta chưa hình thành được các chương trình khuyến đọc trên phạm vi quốc gia như tổ chức tháng đọc quốc gia, tổ chức định kỳ các hội chợ sách trên qui mô quốc gia cũng như trên phạm vi khu vực hoặc tỉnh... đọc đang có nguy cơ bị các phương tiện nghe nhìn, du lịch... lấn lướt co hẹp lại
Mang trên mình chức năng làm nhân văn hóa con người, nhân đạo hóa xã hội, VHNT đòi hỏi những người làm VHNT không ngừng tìm tòi nghiên cứu để phát huy những hiệu ứng tích cực của VHNT trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh giai đoạn hiện nay. Để làm được, trước hết, cần nâng cao nhận thức của toàn xã hội nói chung, của những người làm công tác giáo dục nói riêng về vai trò của văn học nghệ thuật trong việc giáo dục, hình thành nền tảng đạo đức, lối sống, thắp sáng ước mơ và khát vọng cho con người, nhất là thế hệ trẻ, cũng như vai trò, sứ mệnh của Văn nghệ sĩ, những người chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa, nghệ thuật, vừa có tài vừa tâm huyết
          Thay lời kết

         Trong quá trình đổi mới xây dựng và phát triển đất nước gần 30 năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã nhận thức sâu sắc rằng: VHNT là bộ phận tinh túy nhất của văn hóa, là món ăn tinh thần không thể thiếu được của con người, có khả năng tác động hàng ngày, hàng giờ vào tư tưởng, tình cảm, đạo đức, lối sống đối với từng con người, từng cộng đồng, là tác nhân hàng đầu giữ vai trò “nhân văn hóa” con người, “nhân đạo hóa” xã hội.
          Tánh Linh tuy không phải vùng đất “Địa linh nhân kiệt” với thế “ Rồng cuộn, hổ ngồi” hay truyền thống Khoa bảng “ Ông Nghè, ông Cống”, song vốn là mảnh đất hiền hòa mang hình sông, dáng núi với tên gọi rất đỗi thân quen: La Ngà, Biển Lạc, Thác Bà, núi Ông… đã sớm trở thành mảnh đất tình người, nơi hội tụ nhiều nét đẹp văn hóa vùng miền trên cả nước qua những lần di cư đi kinh tế mới. Việc yêu thích ca hát, say mê thơ văn của những người dân chân chất, mộc mạc, luôn vượt khó vươn lên, đặc biệt là giàu truyền thống văn hóa văn nghệ là cái nôi sản sinh ra những giá trị văn hóa tinh thần cao đẹp, mang nét riêng của vùng đất Tánh Linh.
          Những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị, được phổ biến sâu rộng trong nhân dân, có tác động tích cực đến tâm hồn của người dân, nâng cao trình độ thẩm mỹ của nhân dân, chắc chắn sẽ là một trong những yếu tố quan trọng hướng tới và nâng cao giá trị chân – thiện – mỹ cho con người./.

Tác giả bài viết: Võ Thị Bích Phượng

Nguồn tin: tác giả gởi cho tanhlinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Comment addGửi bình luận của bạn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 91

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 90


Hôm nayHôm nay : 13788

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 798793

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 15561815