Trò truyện trên đồng

Thứ hai - 03/10/2016 04:16
Trò truyện trên đồng

Trò truyện trên đồng

BT- … Cuối tuần, tôi hăm hở lên xứ đồng Bắc Ruộng, một xã phía Bắc sông La Ngà. Tôi muốn thăm cánh đồng khảo nghiệm 25 giống lúa mới của chương trình hợp tác giữa Viện Lúa đồng bằng Sông Cửu Long và huyện Tánh Linh, cũng như muốn gặp lại chị Lãng, thôn trưởng thôn 4, xã Bắc Ruộng, người lấy ruộng nhà mình cho các kỹ sư của viện làm khảo nghiệm. May quá, những vuông lúa khảo nghiệm đã chín vàng nhưng vẫn chưa gặt. Chị Lãng nói, mới đây sau khi Viện lúa và huyện Tánh Linh hội thảo đánh giá về các giống khảo nghiệm thì Viện lúa giao toàn bộ diện tích lúa khảo nghiệm cho chị thu hoạch.


BT- … Cuối tuần, tôi hăm hở lên xứ đồng Bắc Ruộng, một xã phía Bắc sông La Ngà. Tôi muốn thăm cánh đồng khảo nghiệm 25 giống lúa mới  của chương trình hợp tác giữa Viện Lúa đồng bằng Sông Cửu Long và huyện Tánh Linh, cũng như muốn gặp lại chị Lãng, thôn trưởng thôn 4, xã Bắc Ruộng, người lấy ruộng nhà mình cho các kỹ sư của viện  làm khảo nghiệm. May quá, những vuông lúa khảo nghiệm đã chín vàng nhưng vẫn chưa gặt. Chị Lãng nói, mới đây sau khi Viện lúa và huyện Tánh Linh hội thảo đánh giá về các giống khảo nghiệm thì Viện lúa  giao toàn bộ diện tích lúa khảo nghiệm cho chị thu hoạch.

Chị Nguyễn Thị Lãng và giống lúa khảo nghiệm số 3.
 
         Chị còn phân vân giữa gặt máy và gặt tay. Gặt máy sợ lẫn hạt giống, uổng công mọi người chăm sóc, còn gặt tay vài thợ gặt còn hẹn vài ba bữa nữa. Chị Lãng hào hứng nói: Toàn bộ 1 ha lúa chị sắp  gặt tới đây là lúa giống OM. Chữ OM là viết tắt của từ Ô Môn, một địa danh ở Cần Thơ (xuất xứ của giống lúa) mà thành. “Lúa nguyên chủng nên phải nâng niu từng hạt giống chú ạ ! Bên Viện lúa yêu cầu cấy một tép, nông dân ở đây không quen nên phải rước thợ cấy từ Cần Thơ ra cấy… nhìn lúa xum xuê, hạt dày hôm nay, ít ai nghĩ rằng nó lớn lên từ một tép mạ (!)”.
Câu chuyện của chị Lãng làm gợi nhớ về nỗi vất vả, lo toan đi tìm giống mới của Bí thư, Chủ tịch huyện, cán bộ kỹ thuật huyện Tánh Linh trước đây mà tôi biết.
         Đi tìm giống lúa
         Hồi ấy là năm 2007, anh Nguyễn Như Mỹ - Trưởng Trạm Khuyến nông huyện, đề xuất UBND huyện chuyến đi tìm hiểu về giống lúa ở Viện Lúa đồng bằng Sông Cửu Long, bởi như anh nói muốn cánh đồng Tánh Linh có năng suất cao hơn thì khâu giống là khâu quan trọng. Lúc đầu nhiều người cũng băn khoăn, đi tham quan kiểu như “cưỡi ngựa xem hoa” thì dễ rồi, nhưng chuyện hợp tác để chuyển giao kỹ thuật thì không dễ chút nào. Chương trình liệu có khả thi khi “đối tác” là một viện nghiên cứu khoa học mang tầm cỡ quốc gia… còn Tánh Linh là một huyện miền núi xa xôi, diện tích lúa cũng chẳng thấm vào đâu so với vùng đồng bằng Sông Cửu Long.  Nhưng rồi sau những lưỡng lự, huyện cũng tổ chức thành một đoàn đi miền Tây. Chuyến đi đầu tiên vào Viện lúa có Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban huyện cùng các ngành kinh tế hạ tầng, nông nghiệp - phát triển nông thôn, khuyến nông, bảo vệ thực vật và một số xã, HTX trong huyện.

 

Logo Gạo Tánh Linh

 
Đoàn được tiến sĩ Lưu Hồng Mẫn - Viện phó Viện lúa và thạc sĩ Nguyễn Văn Tạo - Trưởng phòng ân cần tiếp đón. Trong chuyến đi đầu tiên này, ngoài bản ghi nhớ về kế hoạch hợp tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, đoàn chọn mua được 3.000kg giống lúa OM6162 và OM4900 mang về sản xuất.
 Hợp tác sâu bền
Những năm sau đó, theo lời mời của Viện lúa, cứ đến khi thu hoạch vụ đông xuân, các cán bộ kỹ thuật và lãnh đạo Tánh Linh lại vào Viện lúa dự hội thảo đánh giá giống mới. Sau mỗi lần hội thảo, lãnh đạo hai bên lại họp riêng bàn kế hoạch phối hợp cho năm tới. Những chuyến hàng một chiều từ Viện lúa đưa giống về Tánh Linh ngày một đều hơn và đến 19/11/2015, hai bên đã chính thức ký kết văn bản về chuyển giao khoa học công nghệ.
Vụ đông xuân 2015 - 2016, Viện lúa đã phối hợp với địa phương sản xuất và đóng bao bì 8.000 kg lúa giống xác nhận OM4900. 8 tấn lúa giống này sau đó được nông dân Tánh Linh nhân ra trên đồng ruộng, theo đúng quy trình sản xuất giống của Viện lúa. Đây là cơ sở bước đầu trong việc hợp tác sản xuất lúa giống có nguồn gốc từ Viện lúa tại huyện. Nông dân có được nguồn lúa giống chất lượng cao, đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn cấp giống xác nhận, nhưng giá thành thấp do được sản xuất tại địa phương.

Lãnh đạo huyện Tánh Linh đi thăm đồng lúa.

Vụ hè thu 2016, hai bên lại tiếp tục  khảo nghiệm sinh thái và thực nghiệm sản xuất 25 loại giống mới trên cánh đồng 1 ha của chị Lãng và giờ đây cánh đồng ấy đang bày cả màu vàng no nê trước mắt tôi. Tôi chọn khóm lúa đẹp nhất, nhờ chị Lãng đứng vào để chụp một kiểu ảnh. Chị Lãng cười tươi trong bức ảnh. Chị nói: “Chú có biết không, đây là giống lúa OM344, hôm hội thảo nhiều người cứ tấm tắc khen giống lúa này.  Giống có thời gian sinh trưởng từ 105 đến 110 ngày; đẻ nhánh khỏe, trung bình từ 9 đến 13 nhánh/gốc; chiều cao trung bình 114 cm; thân cứng, chống đổ ngã… Hạt gạo đục, cơm trắng, mềm dẻo. Chị nghe nói, sau các giống đang sử dụng hiện nay có nguồn gốc từ Viện lúa như: OM4900, OM6162, OM2395, OM5451, OM7347…  trong những năm tới Tánh Linh mình sẽ có thêm giống OM344”.

Lãnh đạo huyện Tánh Linh đi thăm đồng lúa.

Như muốn khẳng định thêm những gì mà các anh khuyến nông đã làm được, chị Lãng dẫn tôi xuống từng chân ruộng rồi tỉ mỉ chỉ cho xem từng gốc lúa, nhánh cây; xem từng bông lúa đơm hạt để so sánh dày thưa, để nhận biết mà phân biệt loại nào “hay” hơn loại nào… Đúng là cách nhìn của người gắn bó lâu năm với ruộng đồng, vui buồn với cây lúa. Chị giảng giải cho tôi nhiều điều, thuần thục như một chuyên gia. Theo chân chị Lãng tôi mới thấm thía tình yêu của người nông dân dành cho cây lúa.
Trên đường về, xuôi theo bờ kênh dài thẳng tắp, tôi chợt nghĩ “Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống là đây chứ nào đâu xa”. Năm 2003 Huyện ủy Tánh Linh ban hành Chỉ thị 15 về phát triển thủy lợi gắn với giao thông nội đồng để hôm nay có những con kênh dọc ngang cánh đồng nối những niềm vui, kết theo con nước. Ngày ấy cả huyện dồn sức cho thủy lợi, nhiều hộ nông dân hiến đất cho con kênh đi qua. Tất cả vì dòng nước, vì sự bền vững của những cánh đồng không phụ thuộc nước trời. Theo thống kê, từ sau khi có Chỉ thị 15 đến nay toàn huyện đã làm được 6 đập tự chảy, 9 trạm bơm điện, đưa tổng năng lực tưới lên 7.000 ha/vụ.
Với hệ thống kênh tưới phủ khắp cánh đồng, nông dân Tánh Linh giờ đây không còn phải phập phồng đợi mưa mà có thể chủ động lịch thời vụ. Hiệu quả từ thủy lợi đã góp phần chuyển dịch mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa vụ đông xuân thành vụ sản xuất chính. Từ đó diện tích, năng suất và hiệu quả sản xuất trong nông nghiệp tăng nhanh, thấy rõ. Từ diện tích đất lúa 11.000 ha, nhờ chủ động nguồn nước nên nông dân đã thâm canh tăng vụ, đưa diện tích gieo trồng toàn huyện tăng lên 24.000 ha. Những mùa vàng bội thu lại nối tiếp nhau, năng suất sản lượng tăng dần qua các năm, bình quân đạt từ 130.000 tấn - 150.000 tấn/năm. Riêng năm 2015, tổng sản lượng lương thực đạt trên 172.000 tấn, tăng so với đầu nhiệm kỳ là 22.000 tấn.

Lãnh đạo huyện Tánh Linh đi thăm đồng lúa.

        Sản lượng tăng quả là điều đáng mừng, nhưng giá cả ra làm sao mới là điều quan trọng. Qua câu chuyện với chị Lãng tôi mới nhận ra rằng, thực sự người nông dân bây giờ không còn nặng lắm với câu chuyện mùa này gặt về mấy trăm bao, mấy chục tấn lúa… mà họ đã nghĩ một cách thực tế hơn, là mùa này thu về được bao nhiêu tiền, trừ công cán, giống má ra còn lời được bao nhiêu? Đây chính là lối tư duy rất hiện đại, lấy hiệu quả sản xuất làm đầu. Và cùng với mạch tư duy ấy, lãnh đạo Tánh Linh đang hướng đến một nền sản xuất lớn, là phải nâng chất lượng để gạo Tánh Linh định danh được trên thương trường, tìm đường đi xa hơn để mang về ngoại tệ cho nông dân.


        Thương hiệu gạo Tánh Linh
        Khi đã xác định lúa gạo là hàng hóa thì nhất thiết phải có thương hiệu, và dĩ nhiên biểu tượng thương hiệu là điều đầu tiên phải tính đến. Hiện Tánh Linh cũng đã chọn được cho mình logo “Gạo Tánh Linh”. Logo được gói gọn trong một hình tròn với hai chữ TL làm nền, bên trên là dòng chữ Gạo Tánh Linh. Chữ T cách điệu mang dáng dấp của ngọn núi, nơi khởi nguồn cho những con suối tạo thành dòng La Ngà bồi đắp phù sa cho đồng lúa tốt tươi. Chữ L uốn lượn theo như vòng tay nâng niu ôm trọn dòng sông và đồng lúa quê hương. Trung tâm logo là bông lúa với 5 hạt ngọc chín vàng… Tất cả đã quyện chặt vào nhau trong màu xanh cánh đồng, màu vàng hạt lúa và nền trắng trang nhã, thanh thoát. Tác giả logo này là họa sĩ Phạm Tam - một người con của quê hương Tánh Linh, anh dồn tâm huyết sáng tác logo này để dành tặng cho những người nông dân một nắng hai sương của quê mình mà không nhận bất cứ một khoản thù lao nào.
Logo này và thương hiệu gạo Tánh Linh đã chính thức đăng ký quyền sở hữu tại Cục Sở hữu trí tuệ. Ngày 28/7/2016 Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 46376/QĐ-SHTT chấp nhận đơn hợp lệ và nếu không có gì thay đổi cuối tháng 9 này Trạm Khuyến nông Tánh Linh sẽ được cấp giấy chứng nhận sở hữu đối với nhãn hiệu “Gạo Tánh Linh” bằng logo này. Có thể nói, Tánh Linh là huyện đầu tiên trong tỉnh nghĩ đến việc xây dựng thương hiệu cho hạt lúa.
Lúa gạo Tánh Linh phải trở thành hàng hóa, và phải như vậy thì người nông dân Tánh Linh mới có thể làm giàu trên mảnh đất vốn được thiên nhiên ưu đãi này.


Tác giả bài viết: Nam Hưng

Nguồn tin: baobinhthuan.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Comment addGửi bình luận của bạn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 136

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 135


Hôm nayHôm nay : 11810

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 445082

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 16089322