Kỳ 3: Ký sự Hành phương Bắc - GIANG SƠN VUA MÈO

Kỳ 3: Ký sự Hành phương Bắc - GIANG SƠN VUA MÈO
Suốt hai ngày lang thang trên cao nguyên đá Đồng Văn, chúng tôi nhận ra, sự hấp dẫn của mảnh đất biên cương này không chỉ ở giá trị về địa mạo, địa chất, về văn hóa, xã hội, mà còn là sự hấp dẫn về lịch sử; và những câu chuyện về vua Mèo luôn tạo được sức hút đối với du khách gần xa.




Bên trái ảnh là chòm cây sa mộc bao quanh khu dinh thự, phía sau là chóp Con Cò (cũng là nơi an táng vua Mèo)



Cổng vào khu dinh thự
 
  1. Dinh thự Vua Mèo:
         Con đường quanh co đưa chúng tôi xuống thung lũng Sà Phìn. Từ trên đường, Sơn đã chỉ cho chúng tôi khu nhà Vương nằm trên ngọn đồi hình mai rùa, khuất dưới những hàng cây sa mộc hàng trăm năm tuổi. Gần đây, nhà Vương được trùng tu và chuyển thành khu di tích, con cháu vua Mèo được dời ra sinh sống ở quanh chợ Sà Phìn, nằm ngay trước cổng khu dinh thự.
Chậm rãi đặt từng bước chân lên các bậc đá dẫn vào khu dinh thự, chúng tôi bật cười thích thú khi nhận ra, sự đổi thay của thời cuộc đã đem lại cho mọi người cái phong thái đĩnh đạc, khoan thai mà ngày xưa không dễ mấy ai có được. Để bảo vệ vương quốc thuốc phiện, trên cao nguyên đá Đồng Văn này hồi ấy súng đạn nhiều hơn củi. Mỗi bước chân lạ đều có nhiều mũi súng chiã theo dò xét, và Đồng Văn trở thành đất dữ đối với tất cả mọi người. Qua cổng trời đã khó, vào đến Sà Phìn càng khó, nói gì đến chuyện vào dinh yết kiến vua Mèo!
Bước chân vào khu dinh thự trăm tuổi, chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước sự giàu có của vua Mèo! Theo cô hướng dẫn viên Dương Thị Nga, chỉ một cục đá táng đội cột nhà kia thôi, ngày ấy vua Mèo đã tốn lượng tiền tương đương 900 triệu đồng bây giờ để làm ra nó! Người ta đã dùng hàng đống bạc trắng hoa xòe để mài khuyết đá, tạo ra từng nét hoa văn tô điểm nên dáng hình của quả cây thuốc phiện.
          Với nguồn tài sản khổng lồ có được từ trồng và mua bán thuốc phiện, vua Mèo Vương Chính Đức có thừa khả năng để đáp ứng mọi ý tưởng lãng mạn và tốn kém của các thầy địa lý, các nhà kiến trúc và các đội thợ lành nghề vời từ bên kia biên giới sang. Nội cái thế đất hình mu rùa có hai mâm xôi trước mặt, có dãy núi vòng cung đỡ lưng này thì các thầy địa phải lội nát hàng nghìn cây số vuông của cao nguyên đá mới tìm ra nó. Và, trong những năm chiến tranh biên giới, có ngày Trung Quốc bắn sang ta trên 6000 quả pháo, nhưng lạ là chẳng quả nào mon men đến gần được cái khu dinh thự quay mặt về phía Nam này!
          Toàn bộ khuôn viên dinh thự rộng 1.120m2 của vua Mèo được bao học bởi một bức tường thành bằng đá dày 80cm, cao trên 2,5m, có lỗ châu mai với góc quan sát rộng hướng ra bên ngoài. Khu dinh thự không chỉ là nơi ở của vua Mèo, mà còn là một căn cứ phòng thủ với nhiều tầng nhiều lớp các điểm canh phòng, lúc nào cũng sẵn sàng xả súng để bảo vệ sự an nguy của gia tộc họ Vương.
         Hầu hết các cửa trong khu dinh thự đều rất thấp, và theo lý giải của cô hướng dẫn viên thì để tất cả những ai muốn vào yết kiến vua Mèo đều phải cúi đầu. Trong dinh có hai cái kho quan trọng, là kho thuốc phiện và kho tài sản quý, xây bằng đá dày, đặt ngay bên dưới vọng gác với các lỗ châu mai hướng ra bốn phía, mỗi kho giao cho một bà vợ của vua Mèo quản lý. Vua Mèo Vương Chính Đức có 3 vợ, trong đó bà vợ đầu lớn hơn ông đến 14 tuổi. Ông có 3 con trai, đều là những người tài giỏi, nhưng trong đó nổi tiếng nhất là người con thứ hai Vương Chí Sình, vốn được xem như vua Mèo đệ nhị.
        Toàn bộ khu dinh thự 2 tầng với 4 dãy ngang, 6 dãy dọc, được chia thành 64 phòng này là sự pha trộn kiến trúc, với nhà trình tường của người Mông, lò sưởi Pháp và lối kiến trúc mang đậm nét Trung Hoa; trong đó con số 64 phòng này dường như cũng có liên hệ gì đây đến 64 quẻ dịch – vốn là nền tảng tư tưởng của các thầy địa lý.
Quyền uy tột đỉnh, tiền của vô vàn, nhưng thú thật là những vật dụng trong khu dinh thự không thể gợi được cho chúng tôi một sự thèm khát mà lẽ ra phải có. Cái bồn tắm hình bán nguyệt mà vua Mèo không tiếc tiền để thuê đục cho các bà vợ tắm sữa, trông sứt sẹo và gò bó. Bộ đồ thồ hàng bằng da trông cứng khoèo và hết sức nặng nề. Giường ngủ của vua Mèo dù đã hỏng, nhưng cái vẻ sơ sài của nó thì không thể kể được cho hậu thế về một cuộc sống vương giả ngày xưa. Từ bàn ghế tủ gường cho đến chiếc hòm đựng châu báu còn trưng bày trong kho, tất cả đều hết sức bình thường, như thể vua Mèo đã quá chú trọng đến công năng phòng thủ của khu dinh thự, hơn là biến nó thành một nơi để hưởng thụ cuộc sống đế vương.
 
Bồn tắm được đẽo ra từ đá nguyên khối
 
Bộ thồ hàng bằng da
 

Chiếc giường ngủ có gắn nệm lò xo của vua Mèo

Lổ châu mai trong dinh thự



Toàn cảnh khu dinh thự vua Mèo được bao bọc bởi những cây sa mộc trăm tuổi
 
  1. Quyền lực vua Mèo
       Chúng tôi đã đi xuyên qua cao nguyên Đồng Văn, và nhận thấy việc con người sống được trên cao nguyên đá này đã là điều đáng kinh ngạc. Ấy vậy mà xưa kia, người dân nơi đây không chỉ “sống được” mà còn vô cùng giàu có. Chúng tôi đã ghé thăm nhiều ngôi nhà có dư trăm tuổi, mà nếu so vào chi phí xây dựng dinh thự nhà Vương để đoán thì số tiền bỏ ra cũng không phải là ít. Ấy vậy mà trên cao nguyên đá này có không ít những ngôi nhà như thế, chứng tỏ cái thuở cả đất nước còn chìm sâu trong cảnh nô lệ và nghèo đói thì ở đây đã có một cuộc sống vô cùng sung túc đủ đầy. Cái di sản của một thời giàu có ấy đã để lại cho cao nguyên đá rất nhiều những ngôi nhà bề thế, trong đó có phổ cổ Đồng Văn, chợ cổ Đồng Văn và nhiều công trình kiến trúc khác. Người Mông càng giàu, thế lực vua Mèo càng mạnh, vì ai cũng biết đó là nhờ ở tài năng và ý chí của vua Mèo Vương Chính Đức. Ông đã bao phen đánh dẹp quân phiến loạn, thống nhất toàn bộ cao nguyên Đồng Văn, và thậm chí còn dám đánh và dám thắng Pháp, góp phần nâng cao vị thế của người Mông trên cao nguyên đá. Tháng 10/1913, tướng Jenera Pecneucin đã phải ký với Vương Chính Đức một hiệp ước công nhận quyền tự trị của người Mông, đồng thời nâng giá thu mua thuốc phiện. Làm vua một cõi, Vương Chính Đức có đủ quyền uy của một bậc đế vương. Ông xây dựng quanh mình một đội quân thiện chiến và trung thành lên đến hàng nghìn tay súng. Vợ con ông đi đâu cũng được người ta nhường đường, không dám gây ra sự cản trở. Mỗi khi có tranh chấp trong cộng đồng, người ta lại đưa đến nhờ ông phân xử, và tiếng nói của ông luôn được tôn trọng và thừa nhận như là sự phán xét cuối cùng.
 
Những nét chạm khắc gỗ hết sức cầu kỳ của vòm cổng


Hòn đá táng kê chân cột được mài khuyết bằng chính những đồng bạc hoa xòe quý giá thời ấy 
 
  1. Người nằm lại với cao nguyên đá:
       Theo chân cô hướng dẫn viên ra thăm các ngôi mộ họ Vương nằm rải rác ngay trước khu dinh thự, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi về một gia tộc đã một thời lừng lẫy. Dù con cháu vua Mèo hiện nay rất nhiều người định cư ở nước ngoài, nhưng có lẽ những ký ức, những câu chuyện về một đế chế từng được xây dựng lên từ nhựa của cây anh túc sẽ mãi còn trong tâm trí của nhiều thế hệ họ Vương. Sinh ra trong thời tao loạn, lớn lên trong cảnh binh đao, gây dựng giang sơn một khoảnh, nhưng vẫn được chết vì tuổi già, hẳn là cái diễm phúc mà không phải vị vua nào cũng có được. Mộ ông Vương Chính Đức nằm bên kia đỉnh con cò. Ông Vương Chí Sình mất tại Hà Nội, nhưng vẫn được đưa về an nghỉ bên cạnh những người mẹ, người anh em thân thuộc của mình. Đằng sau những tấm bia đá rêu phong và phủ đầy cỏ dại kia là cả một câu chuyện lịch sử về một dòng tộc, một dân tộc, một dải biên cương, đã góp phần làm nên nét độc đáo kỳ lạ của cao nguyên đá Đồng Văn này.


Những ngôi mộ họ Vương nằm rải rác trước khu dinh thự
 
                                                                            

Tác giả bài viết: Nam Hưng – Lương Văn Lễ