TRĂNG KHUYẾT

TRĂNG KHUYẾT
Ngày … tháng 8 năm 1998 Tốt nghiệp Đại học xong về Tánh Linh nhận công tác, công việc nhàn hạ, mỗi ngày trôi qua thật là dài, tôi cố tìm một việc gì đó làm để thời gian không vô nghĩa, suy đi tính lại mãi cuối cùng việc duy nhất thực hiện được là viết thư tìm bạn bốn phương. Người con gái tôi viết thư làm quen tên Văn Ngọc Loan, 22 tuổi, giáo viên Trung tâm dạy nghề huyện Châu Thành, tỉnh Bến tre.


 
          Lá thư đầu tiên gửi đi chưa được 20 ngày thì đã nhận được hồi âm, hoàn cảnh của Loan giống tôi, đi làm được một năm. Những lá thư tiếp theo ngày càng dày hơn, tôi kể cho Loan nghe về Thác Bà, Biển Lạc, những vui buồn trong cuộc sống, hình như chuyện lớn, chuyện nhỏ nào tôi cũng đưa vào những trang thư gửi đi. Loan kể tôi nghe bến phà Rạch Miễu, cách sống của người dân Châu Thành khi mà mỗi ngày hai lần nước lên che lấp cả đường đi. Loan thích trăng, yêu thơ, thích nhất bài “Trăng Khuyết” của Phi Tuyết Ba, Loan phân tích hai câu đầu “Anh ngỏ lời yêu em, vào một đêm trăng khuyết” thật lãng mạn cứ như là nhân vật chính vậy. Theo thời gian tôi gần như biết hết cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người dân Châu Thành cũng như tính cách con người của Loan.
          Ngày … tháng 3 năm 1999
          Nhiều người nói tôi bị bứu cổ, chắc là vậy, thôi thì đi khám một lần cho an tâm. Bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy chỉ định mổ và chuyển lên khoa ung bứu nằm theo dõi chờ mổ. Thời gian nằm theo dõi chờ xếp lịch sao mà lâu thế, giường bên cũng có một ông bác, tôi lân la nói chuyện cho vui, bác bị K gan, nằm điều trị hơn hai tuần rồi mà không thấy tiến triển gì, con gái bác hay len lén quay mặt đi lau vội những giọt nước mắt, tôi ái ngại muốn an ủi em cho vơi đi nổi buồn và lo lắng; tôi không hỏi nhiều về hoàn cảnh của em mà chỉ kể cho em nghe chuyện đây đó, những phép mầu thần kỳ để giúp em lạc quan hơn; giúp em chăm sóc cho ông Bác, mua cái kẹp tóc để thay cho cái kẹp của em vừa hư chưa kịp mua lại. Trong thời gian khó khăn mới có vài ngày mà mối quan hệ thân quen như đã lâu, ông Bác thường nắm tay tôi cười khi tôi kể những câu chuyện vui; mỗi khi ông lên cơn đau tôi như xót quặn cả tim mình.
          Ngày thứ ba có một ca mổ đã xếp lịch nhưng không mổ, nên chen tôi vào, như vậy là ba giờ chiều phải lên bàn mổ, nếu không mổ dịp này thì phải tiếp tục nằm chờ, nếu mổ thì người nhà không vào kịp. Ông bác giường bên thấy tôi phân vâng nên bảo:
          - Con cứ đăng ký mổ đi, nếu người nhà không dzô được thì bác nói bé Ba chăm sóc cho con.
          Nghe vậy tôi cũng an tâm quyết định mổ, đầu giờ chiều vào phòng chờ, thủ tục cần thiết đã xong, tôi mơ màng thiếp đi, tỉnh dậy đã thấy nằm trong phòng hồi sức,  bên trên chỉ có một tấm vải phủ qua. Bé Ba nhanh chóng giúp tôi mặc đồ, vết thương mới mổ cộng với thuốc tê còn choáng nên mọi cử động của tôi đều nhờ bé Ba giúp sức, em pha cho tôi một ly sữa uống cho lại sức, lấy khăn ấm lau mặt, trong mắt những người xung quanh em là người nhà của tôi, cảm giác được một người con gái xa lạ chăm sóc sao mà ấm áp quá.
          Buổi sáng thức dậy, tôi cố tình tránh mặt em, tự mình đi ăn sáng dưới căng tin, ra ghế đá ngồi lần nhớ lại diễn biến của chiều hôm qua, như vậy hơn hai mươi năm mặc quần áo đã bị “mất trắng” trong chiều hôm qua, bao nhiêu bí ẩn trên người chắc là bé Ba đã thấy hết, xấu hổ quá đi thôi; đêm qua trong giấc ngủ tôi thấy mình hôn em, một nụ hôn đầu đời ngọt lịm, đê mê, đôi mắt trong và sâu thẳm của em đã lấy mất hồn tôi. Gần 9 giờ lên lại phòng thì giật mình vì giường kế bên đã có người khác nằm, hy vọng ông bác chuyển qua giường khác, nhưng không có, những người kế bên cho biết bệnh của Ba em không chữa được nên bác sĩ cho về. Tôi lao ra ngoài chạy xuống cầu thang, ra đường, xa xa phía ngoài cổng, em bước lên chiếc taxi đóng cửa lại, chiếc xe lăn bánh cũng là lúc tôi chạm tay vào cổng đứng nhìn theo. Như vậy em đã đi, tôi không biết một chút gì về nơi ở của em, gần như khóc, ước gì tôi khóc được.
        

 
         Ngày … tháng 6 năm 2000  
         Cơ quan Loan tổ chức đi du lịch ở Phan Thiết, tôi gặp Loan ở nhà nghỉ Công đoàn, cảm nhận đầu tiên là em đẹp và thánh thiện quá, sóng mũi thẳng, da trắng, đặc biệt là đôi mắt to rất có hồn; tôi đưa Loan tách đoàn đi ra đá ông địa, lên thăm và kể Loan nghe sự tích lầu Ông Hoàng. Buổi chiều, trên đường đưa Loan đi ăn bánh xèo ở đường Tuyên Quang về, một chiếc xe đạp từ trong hẻm chạy ra đâm thẳng vào bánh xe trước của xe tôi, loạng choạng một chút  cả hai xe ngã nhẹ xuống đường, chưa kịp đứng lên đã nghe tiếng người phụ nữ gắt lên:
         - Đi đường mà để mắt ở đâu vậy?
         Tôi đang tìm lời lẽ nói lại chị ta thì Loan đã lên tiếng:
         - Chị ơi! xe chị tông vào xe em mà.
         Người phụ nữ hình như thấy mình sai nên im lặng một chút rồi hỏi:
         - Chị xin lỗi, hai em có sao không?
         - Dạ, cũng may, không ai bị sao cả - em trả lời nhẹ nhàng.
         Tôi tiếp tục đưa Loan ra bãi biển Đồi Dương ngắm trăng lên. Buổi tối, phong cảnh thật nên thơ và lãng mạn, lấy hết cam đảm tôi nắm tay, Loan  để yên, tôi cảm nhận được tiếng đập của tim mình, bao nhiêu câu nói sắp đặt sẵn bay đi đâu hết, tôi lẩm bẩm:
        - Anh….
        - Anh làm sao? – giọng em cũng run không kém.
        Im lặng một chút tôi cố gắng:
        - Anh yêu em.
          Cả hai im lặng, thời gian trôi qua nhanh quá, mới nói được mấy câu mà đã hơn mười giờ đêm, tôi phải đưa em về nhà nghỉ Công đoàn. Giây phút chia tay lưu luyến mãi, em nhìn trăng, nói nhỏ:
          - Đêm nay trăng khuyết.
          - “Bởi tình yêu tha thiết, biết tròn trước đêm rằm” - Tôi động viên em.
          - Nhưng em vẫn thấy mong manh quá – Loan thầm thì.
         

 
          Ngày… tháng 10 năm 2000
          Theo chỉ dẫn của em, qua bến phà Rạch Miễu, tôi tìm đường đến trung tâm dạy nghề huyện Châu Thành, đang loay hoay hỏi đường thì chợt nghe tiếng gọi:
          - Anh Phước!
          Giật mình tưởng là Loan, nhưng không, là bé Ba. Bé ba gặp tôi nói cười ríu rít, tôi mừng quá quên cả chuyến đi của mình, cứ như mục đích chuyến đi là xuống nhà Bé Ba vậy. Tôi đèo bé Ba đi loanh quanh qua những con đường ruộng một lát sau thì tới nhà. Thì ra cái ngày ở bệnh viện Chợ Rẫy, trước khi về em có đi tìm tôi nhưng không gặp, ông bác về nhà được một tuần lễ thì qua đời. Trước khi qua đời ông có nhắc lại hôm tôi vào phòng mổ có gửi tiền cho ông cất giùm, ngày hôm sau vội vàng nên quên đưa lại, về tới nhà mới nhớ, ông dặn bé Ba nhất định phải tìm cho được tôi để gửi lại số tiền đó, thì ông mới yên tâm ra đi.
          Thắp nhang cho ông bác xong, tôi ra phía sau phụ em làm thịt gà, bé Ba nói:
          - Trưa nay má với chị hai em về gặp anh chắc là vui lắm.
          - Nhà em còn ai nữa – Tôi hỏi.
          - Dạ, chỉ có mẹ, chị hai và em.
          Bé Ba nói cười vui vẻ, em nhờ tôi ra xách giùm thùng nước, khung cảnh này sao thấy quen quá, giống như trong mô tả của Loan qua những bức thư. Phía sau nhà có một con kênh, một cái cầu ván bắt ra để lấy nước, xung quanh nhà là những ao cá, có nhiều chậu hứng nước mưa. Đang lom khom kéo thùng nước dưới kênh lên thì chợt nghe có tiếng gọi:
          - Anh Phước!
          Ngẩn đầu lên thì thấy Loan đang đứng cùng bé Ba nhìn ra. Trong giây phút ngẩn ngơ thì thùng nước kéo tôi về phía trước rơi ùm xuống kênh. May là không ngập đầu, nhưng cũng vất vả cho người không biết bơi lội vào bờ. Hai cánh tay của hai người con gái đưa ra kéo tôi lên, trong lúc bối rối tôi đưa một chân ra làm trụ để đu người lên thì “ùm” cả ba người rơi xuống kênh cùng một lúc. Loan và bé Ba rất bình tỉnh, nhẹ nhàng leo lên, còn hướng dẫn cho tôi cách leo sao cho không tuột xuống lại.
          Buổi trưa mẹ của hai em về, người phụ nữ có khuôn mặt rất phúc hậu, giọng nói
dịu dàng, dễ nghe, bà nói:
         - Hai đứa này mới 5 tuổi là đã biết lội rồi, lúc nhỏ chưa có con đường phía trước, mỗi mùa nước lên phải lội qua kênh nước sau nhà, đi bộ qua bưng ra lộ mới tới trường được.
          Chúng tôi nói chuyện vui vẻ với nhau, thì ra trước giải phóng ba em là kỹ sư canh nông, sau giải phóng có đi vượt biên hai lần nhưng không thành, Văn Ngọc Loan ở nhà còn gọi là bé hai, bé Ba là Văn Ngọc Thảo, vừa phụ giúp mẹ buôn bán trái cây ngoài bến phà, vừa may gia công ở nhà. Trước kia nhà có 5 công ruộng, nhưng từ ngày ông bác bệnh thì bán đi, gia đình cũng có dự kiến chuyển về quê ngoại ở Cà mau.
          Lấy lý do là có công việc nên tôi quyết định cuối giờ chiều về lại thành phố, hình như hai em cũng hiểu được tình cảnh khó xử của tôi nên không ngăn cản gì nhiều.
          Ngày … tháng 11 năm  2000
          Ông trời sao đưa tôi vào tình huống oái ăm như thế này, yêu ai? đến với ai? Tôi không trả lời được, hình ảnh Văn Ngọc Loan xen lẫn với bé Ba cứ chập chờn mãi như trách móc, như thông cảm. Về nhà được vài hôm tôi nhận được thư Loan, em không biết nhiều về chuyện bé Ba ở bệnh viện, nhưng biết bé Ba rất quý cái kẹp, không sử dụng mà bỏ vào một cái hộp xem như một kỷ vật, thường hay ngồi ngắm cái kẹp và nghĩ ngợi xa xăm…
          Nhận được thư Loan, tôi đọc đi, đọc lại nhiều lần và cũng nhiều lần viết thư hồi âm, nhưng không gửi đi, hình như đêm nào cũng viết, mới có vài ngày mà tôi ốm đi thấy rõ.
          Lần cuối cùng tôi nhận được bưu phẩm, mở ra thì thật ngỡ ngàng, bao nhiêu bức thư gửi cho Loan, nhận lại không thiếu một bức nào. Một tờ giấy nhỏ với mấy câu thơ “ Em vui lúc trăng tròn, chạnh lòng khi trăng khuyết, anh ơi anh có biết, lòng em đang nát tan”.
         

 
          Ngày … tháng 5 năm 2003
          Bạn bè lần lượt có gia đình mà tôi loay hoay mãi, gần ba năm trôi qua rồi mà hình ảnh bé Ba vẫn không lúc nào mất khỏi tâm trí tôi.
          Theo con đường đã đi, tìm xuống nhà em, lần này tôi đã quyết định và mĩm cười một mình “Tình chị duyên em”, lần này Tiên Dung và Chữ Đồng Tử gặp nhau, Qua bến phà rạch miễu nghe giọng quen quen của con gái Châu Thành:
          - Anh ơi! mua cam giùm em hen.
          - Còn bao nhiêu trong rỗ em lấy hết cho anh.
          Tôi xách bịch cam còn nguyên cuốn hăm hở đi về phía trước, bước vào cổng nhà em, tiếp tôi không phải là bé Hai, cũng không phải là bé Ba, mà là một người đàn ông xa lạ, ông ta nói:
           - Tui mua lại nhà này, tháng trước đứa con gái thứ hai đi lấy chồng, bà chủ bán nhà dìa tuốt miệt Cà Mau rồi.
          Tôi đứng như trời trồng, bịch cam trên tay rớt xuống đất lăn long lốc, những cái cuốn tươi xanh giả tạo được cắm vào bung ra, tôi thẩn thờ lẩm bẩm “thế là hết”./.

Tác giả bài viết: Lê Thanh Hưng