NGUYÊN TIÊU Ở TÁNH LINH

NGUYÊN TIÊU Ở TÁNH LINH
Như đã thành thông lệ, hàng năm cứ vào dịp rằm tháng Giêng những người yêu thơ ở Tánh Linh lại náo nức với các hoạt động hưởng ứng ngày thơ Việt Nam. Đêm thơ Nguyên tiêu Tánh Linh gần như đã thành “thương hiệu” trong suốt 8 năm qua, bởi chưa bao giờ người yêu thơ lỗi hẹn với Nguyên tiêu. Đêm thơ Nguyên tiêu năm nay huyện Tánh Linh tổ chức ở hai điểm Nghị Đức và Gia An vào hai đêm 14 và 15 tháng Giêng (ÂL) tức là ngày 21 và 22/02/2016 thu hút hàng trăm người tham gia.


          Như đã thành thông lệ, hàng năm cứ vào dịp rằm tháng Giêng những người yêu thơ ở Tánh Linh lại náo nức với các hoạt động hưởng ứng ngày thơ Việt Nam. Đêm thơ Nguyên tiêu Tánh Linh gần như đã thành “thương hiệu” trong suốt 8 năm qua, bởi chưa bao giờ người yêu thơ lỗi hẹn với Nguyên tiêu. Đêm thơ Nguyên tiêu năm nay huyện Tánh Linh tổ chức ở hai điểm Nghị Đức và Gia An vào hai đêm 14 và 15 tháng Giêng (ÂL) tức là ngày 21 và 22/02/2016 thu hút hàng trăm người tham gia.



            Đêm 14 tháng Giêng khởi động cho Đêm thơ Nguyên tiêu Tánh Linh lần thứ 8 là chương trình của Câu Lạc bộ thơ ca Nghị Đức cùng với sự góp mặt của nhóm thơ Lầu Ông Hoàng (thành phố Phan Thiết) và các Câu lạc bộ thơ các xã Huy Khiêm, Bắc Ruộng, Đức Tân (huyện Tánh Linh). Chương trình đêm thơ Nghị Đức ngoài phần thơ giao lưu giữa các Câu Lạc bộ, Ban Tổ chức còn chú trọng việc xây dựng các tiết mục diễn ngâm, bài hát phổ thơ của các tác giả địa phương để phục vụ công chúng.
             Mở đầu chương trình đêm thơ vẫn là nghi thức rước bài thơ thần Nam quốc sơn hà với giọng ngâm vang rền làm cho mọi người liên tưởng đến huyền tích xưa bên bờ sông Như Nguyệt. Giọng ngâm Tấn Lượng và Lệ Hường, hai giọng ngâm chính của đêm thơ cùng thể hiện bài thơ Nguyên tiêu của Bác Hồ  - bài thơ khởi nguồn cho việc hình thành ngày thơ Việt Nam. Chương trình Đêm thơ ở Nghị Đức với chủ đề “tiếng lòng” chủ yếu là các bài thơ của các tác giả địa phương như Bùi Quang Đáng, Trần Cúc, Doãn Đắc Sơn, Hà Triển, Thi Ân, Trầm Tư, Dương Đinh, Vĩnh Bình… nên đã níu chân được khách thơ (đa phần là người địa phương) đến tận nửa đêm.



         Tiếp theo đó, đêm Rằm tháng Giêng (22/02/2016) Chi hội Văn học Nghệ thuật huyện Tánh Linh tiếp tục tổ chức đêm Nguyên tiêu tại Hàn Thư Quán - Gia An. Nếu như ngày mở đầu nghiêng về “biểu diễn” thì sang ngày thứ hai, chương trình đêm thơ Nguyên tiêu chuyển sang dạng tọa đàm, nói chuyện thơ và kèm theo đó là những tiết mục ngâm vịnh để minh họa. Nhà văn Nguyễn Trung - Chi hội VHNT huyện Đức Linh cùng tham dự và bàn luận việc nhận dạng thơ mới, cách tiếp cận thơ mới. Nhà văn Lương Văn Lễ (Ủy viên Ban Chấp hành Hội VHNT tỉnh) tự nhận là người ngoại đạo với thơ vì anh vốn là người viết văn - nhưng đã có bài nói chuyện thơ rất hấp dẫn. Các bạn thơ ở các Câu lạc bộ thơ trong huyện về dự rất tâm đắc với Lương Văn Lễ khi anh mạnh dạn chỉ ra những lỗi mà người mới làm thơ hay mắc phải, ấy là việc cố chạy theo vần mà làm câu thơ ngô nghê, lệch nghĩa; hoặc là việc độn thêm từ, thêm chữ cho tròn câu theo đúng niêm luật mà thật ra đó là những chữ thừa (hoặc không có nghĩa), trong khi đó thơ phải là việc “chắt lọc ngôn từ”. Cùng tham gia với buổi tọa đàm, với tư cách là chủ nhân của Hàn Thư Quán - nơi tổ chức đêm thơ, nhà thơ Dương Ngọc Việt thì cho rằng nên dụng công để tạo ấn tượng cho mỗi bài thơ bằng “điểm sáng nghệ thuật”, chỉ cần một từ “đắt” trong một câu sẽ làm cho người đọc chú ý, không thể bỏ qua thế là thành công. Anh cho rằng một bài thơ hay nhất thiết phải có ít nhất một câu thơ hay, ngược lại “trong một bài thơ chỉ cần một câu thơ hay cũng đủ để đánh giá là bài thơ hay”. Quan điểm của Dương Ngọc Việt trước sau vẫn là “quý hồ tinh bất quý hồ đa” nên anh luôn nghiêm khắc với chính mình trong lao động nghệ thuật.
           Đêm thơ liền mạch giữa những bài thơ của các tác giả nổi tiếng và của anh chị em 02 Chi hội VHNT Tánh Linh và Đức Linh. Đặc biệt, có một số bài thơ mới được các giọng ngâm thể hiện theo nhiều phong cách khác nhau để mọi người cùng cảm nhận và đánh giá. Thể hiện theo lối diễn ngâm giọng Bắc là Đinh Liên, ngâm thơ đúng giọng miền Trung là Trần Duệ, còn lại đa số là ngâm theo giọng miền Nam (Trung bộ) như Hoài Giang, Dương Ngọc Việt… Các giọng ngâm theo vùng miền đã làm phong phú hơn rất nhiều tiếng thơ Đêm Nguyên tiêu lần thứ 8 của Tánh Linh.



           Nếu như thơ ca là sự thăng hoa của cảm xúc được thể hiện thông qua nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, thì các nhà thơ chính là những bông hoa tươi thắm, luôn cố gắng khoe sắc, tỏa hương để làm thơm, làm đẹp cho đời. Nghệ thuật luôn hướng đến sự hoàn mỹ, cầu toàn, nên không chấp nhận sự dễ dãi; nó luôn đòi hỏi sự đổi mới, và đó chính là động lực để văn học nghệ thuật phát triển, góp phần nâng tầm ngôn ngữ và làm giàu thêm cho văn hóa dân tộc. Việc sáng tác của mỗi nhà thơ luôn là một quá trình dù đầy hứng thú nhưng cũng lắm nhọc nhằn, nên luôn đòi hỏi sự động viên của gia đình, của bạn bè và của công chúng yêu thơ. Vì vậy, việc duy trì đêm thơ suốt các năm qua của Tánh Linh chính là duy trì mạch nguồn cho sự chia sẻ cảm xúc và giới thiệu thành quả của lao động nghệ thuật của lực lượng sáng tác huyện nhà.
            Từ một vùng đất trắng về hoạt động văn học nghệ thuật, đến nay Tánh Linh đã là địa bàn được Hội VHNT tỉnh đánh giá cao về các hoạt động văn học nghệ thuật. Tánh Linh là huyện duy nhất trong tỉnh duy trì được đêm thơ Nguyên tiêu suốt 8 năm liền. Đến nay, toàn huyện đã thành lập được Chi hội Văn học Nghệ thuật huyện, 04 câu lạc bộ thơ ở các xã quy tụ nhiều người tham gia sáng tác.
            Hai đêm thơ đầy ắp tình cảm sẻ chia cả về tình cảm đối với văn chương mà còn chia sẻ về kinh nghiệm sáng tác; những vấn đề “chuyên môn” mà các tác giả không chuyên thường ngại nói ra đã được trãi lòng trong mùa Nguyên tiêu này, đó là thành quả lớn nhất mà bạn yêu thơ Tánh Linh thu về qua hai đêm thức trắng với thơ. Yêu thơ đến thế là cùng Tánh Linh ơi. Xin hẹn mùa Nguyên tiêu năm tới!

Tác giả bài viết: Nam Hưng

Nguồn tin: tanhlinh.vn