Đám cưới ngày xưa

Đám cưới ngày xưa
Đã lâu lắm rồi, nhưng trong tôi vẫn còn nguyên cái nôn nao khó tả mỗi khi nghe trong cơn gió sớm đã có chút se lạnh của mùa đông. Tháng này trời trong trăng sáng, nhưng ngày xưa, đây cũng là tháng của háo hức, của xôn xao, của ngậm ngùi, của luyến tiếc, khi mà những chàng trai, những cô gái trong làng lần lượt nắm tay nhau rời bỏ cuộc chơi...

 


      Bây giờ đã là tháng 12…

     Đã lâu lắm rồi, nhưng trong tôi vẫn còn nguyên cái nôn nao khó tả mỗi khi nghe trong cơn gió sớm đã có chút se lạnh của mùa đông. Tháng này trời trong trăng sáng, nhưng ngày xưa, đây cũng là tháng của háo hức, của xôn xao, của ngậm ngùi, của luyến tiếc, khi mà những chàng trai, những cô gái trong làng lần lượt nắm tay nhau rời bỏ cuộc chơi...

     Không biết tôi có chủ quan không, chứ hình như đám cưới ngày xưa vui hơn bây giờ nhiều. Ở thôn quê, trăm sự nhìn vào hạt lúa, mà hồi đó chủ yếu là làm lúa mùa, tháng 12 mới gặt, nên phải đến tháng này thì khắp nơi mới rộn rịp bước vào mùa cưới.

     Hồi ấy không có thiệp, phải mời miệng, mà mời miệng thì tốn thời gian lắm. Gặp người ít nói thì năm điều ba chuyện là xong, nhưng rủi gặp phải chủ nhà hiếu khách, luôn miệng hỏi han điều này điều nọ thì chưa mở được lời đã ngáp ngắn ngáp dài, nói chi đến chuyện sang nhà khác. Vả lại, đi mời đám cưới đâu phải chỉ có mời, mà còn hỏi mượn cái này cái nọ, rồi nhờ anh cho thằng A, con B ngày đó sang giúp tôi một bữa… nên càng phải nấn ná lựa lời.

     Cách ngày cưới khoảng mươi hôm, chuyện về cô dâu chú rể đã râm ran khắp làng trên xóm dưới. Khi trên rẫy, lúc dưới đồng, người ta vừa làm vừa hào hển kể cho nhau nghe, chú rể làm gì, ở đâu, cô dâu tính hay nết tốt thế nào, hào hứng lắm! Chẳng như bây giờ, nhiều khi đi đám cưới về, hỏi tân lang tân giai nhân thế nào, chỉ lựa được hai trong bốn chữ: cao, thấp, đẹp, xấu là … hết vốn!

     Cách đám cưới mấy ngày, trong xóm đã nhộn nhịp. Con trai tốp lên núi chặt tre, tốp đi xin lá dừa về dựng rạp, tốp chạy khắp xóm dưới mượn bàn mượn ghế; con gái thì lo đi mượn nồi niêu chén bát, dựng mấy bếp lò, cụ bị mọi thứ để chờ giờ nổi lửa.

     Đến ngày cưới chủ nhà nhờ một người hoạt bát để giúp việc tiếp tân. Đám cưới vui hay không là nhờ ở anh này. Khách đến, tùy vào việc phân loại nam, phụ, lão, ấu mà mời ngồi vào vị trí định sẵn hai bên dãy bàn dài dằng dặc. Thức ăn dọn lên, không có nhạc sống nhạc siếc gì nên anh tiếp tân dù họng khô cũng nói, bụng đói cũng cười để mua vui cho khách. Thế nên nhiều khi hết chuyện, không thể nhờ người nói thế, anh ta bèn mời họ… hát! Đang ăn, nhưng khách vẫn vui vẻ bỏ đũa, chép miệng cho sạch rồi đứng lên hát mà thậm chí đến một nốt đàn phụ hoạ cũng không có. Ấy vậy mà vui, mà háo hức lạ kỳ.

     Trong mâm cỗ cưới, cô dâu chú rể lăng xăng hòa vào đám tiệc chứ không đi “trình diễn thời trang” kiểu như bây giờ. Đôi vợ chồng mới chưa quen hơi béng tiếng nhưng cũng ráng dẹp cái “mắc cỡ” qua một bên để đến từng bàn, vừa gắp thức ăn bỏ cho người này người nọ, vừa dáo dác lựa chỗ mà ngồi ăn chung với khách. Câu chuyện quanh bàn cưới nổ ra như bắp rang. Rượu cưới cũng có, nhưng chỉ để mời người già, chứ thanh niên hồi ấy phần đông là… chưa biết uống.

     Tiệc xong, chủ nhà tiễn khách, bắt tay cám ơn từng người một rồi quay vào hối dọn tiệc hai để mời những người phụ giúp. Đám cưới to một chút thì người lớn buổi trưa, thanh niên buổi chiều, không mời nhiều như bây giờ, nhưng do ngồi chung một dãy bàn nên luôn có cảm giác đông đúc và ấm cúng.

     Trong cảnh nghèo khó, đám cưới quê cũng đạm bạc vô cùng, nhưng cái tình thì thấm sâu, khiến người ta cứ ghi nhớ mãi. Nhà có việc, mở lời ra là cả xóm xúm vào phụ giúp, nhiệt tình và đầy trách nhiệm như thể đó là việc nhà mình. Có lẽ cũng nhờ vâỵ mà tình cảm của người dân quê lúc nào cũng chan hoà, nồng ấm.

     Bây giờ đã là tháng 12…

     Anh bạn hàng xóm cưới vợ cho con. Tôi chạy qua nhà, thấy người ta hối hả dựng rạp, khiêng bàn, xếp ghế, tính phụ một tay nhưng chủ nhà bảo: “Chú vào đây uống chén trà, việc đó cứ để dịch vụ họ làm!”. Nhà người ta có việc mà mình đến uống trà, mất thêm một người tiếp khách, coi sao được. Thế nên tôi chỉ ậm à đôi câu rồi vội tìm cách cáo từ.

     Anh bạn hàng xóm cưới vợ cho con, mai là ngày đãi tiệc, sao lòng tôi cứ thấy dửng dưng. Đúng là nguời dân quê bây giờ, trong đó có cả tôi, sao mà lạ quá! 


Tác giả bài viết: LƯƠNG VĂN LỄ