Ký sự của Lê Thanh Hưng: MIỀN TRUNG CỦA TÔI (kỳ 2)

Ký sự của Lê Thanh Hưng: MIỀN TRUNG CỦA TÔI (kỳ 2)
Nghĩa trang Trường Sơn - nơi tưởng niệm, tôn vinh những người con thân yêu của tổ quốc đã anh dũng hy sinh xương máu của mình trên các nẻo đường Trường Sơn vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Chia tay Hà Tĩnh, xe chui qua hầm đường bộ Đèo Ngang, hầu như ai cũng tiếc vì không được chiêm ngưỡng bức tranh thủy mặc đã được Bà huyện Thanh Quan vẽ nên bằng bải thơ “Qua Đèo Ngang” nổi tiếng: Bước tới đèo Ngang, bóng xế tà; cỏ cây chen đá, lá chen hoa; lom khom dưới núi, tiều vài chú; lác đác bên sông, rợ mấy nhà…

VIẾNG MỘ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

Ra khỏi cửa hầm là đất Quảng Bình. Trên đường đi, xe rẽ vào Vũng Chùa để chúng tôi viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cảm giác đầu tiên là khu vực này yên ắng quá, trang nghiêm quá. Sự yên lành đến mức, ngay cả tiếng sóng vỗ cũng muốn nhẹ nhàng hơn để giấc ngủ ngàn thu của Đại tướng không bị khuấy động. Tiếng loa hướng dẫn đồng bào làm thủ tục thăm viếng, tiếng động cơ ôtô khởi động, tiếng người… tất cả đều khe khẽ trong một không gian lắng đọng. Tại đây, nơi mộ phần Đại tướng yên nghỉ, đang có gần 10 chiến sĩ Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình đứng gác và làm nhiệm vụ hướng dẫn người đến thắp hương  tưởng niệm Đại tướng. Mộ phần Đại tướng ngự trên vùng đất bằng phẳng cao nhất, thấp hơn một chút là tháp chuông. Từ lăng mộ nhìn về phía đông nam là một phần của Biển Đông, phóng tầm mắt ra xa hơn là Đảo Yến án ngữ, sau lưng là núi Mũi Rồng hùng vĩ. Nghe đâu có vị chuyên gia về phong thủy, sau khi về thăm khu vực này có nói, thế đất này hiển thánh, không hề vinh thân hay phì gia cho con cháu, mà chỉ giúp quốc thái dân an. Chúng tôi, cả đời chưa gặp Đại tướng bao giờ nhưng vẫn ước ao trong đời mình sẽ có một lần đến nơi Đại tướng yên nghỉ để được thắp một nén hương tỏ lòng thành kính tri ân với người. Ai cũng bùi ngùi xúc động khi đứng trước lăng mộ phủ đầy hoa, mỗi người trở nên quá nhỏ bé trước Đại tướng và trước Biển Đông rộng lớn.

KHÁM KHÁ QUẢNG BÌNH

Rời Vũng Chùa, tạm biệt Đại Tướng chúng tôi đi qua chín nhịp cầu Sông Gianh. Sông Gianh là ranh giới thời Trịnh - Nguyễn phân tranh giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài vào thế kỷ XVII. Từ trên cầu nhìn xuống dòng sông mang nhiều truyền thuyết có nước trong xanh hiền hòa như lòng mẹ, một vài chiếc ghe nhỏ thả trôi dọc theo bờ tạo cho dòng sông thêm thơ mộng. Vượt hơn 50km nữa đến Đồng Hới,  thành phố thuộc tỉnh Quảng Bình. Thành phố Đồng Hới nằm hai bên bờ sông Nhật Lệ, nơi có Mẹ Suốt không ngại tuổi tác già nua chống chèo đưa bộ đội qua sông, đã trở thành một người mẹ Việt Nam tiêu biểu trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Buổi tối, từ khách sạn Thanh Phúc nhìn ra thấp thoáng sau hàng phi lao là bãi biển Quảng Bình với 12km bờ cát trắng. Rời khách sạn, chúng tôi thả bước chân trần trên cát, lắng nghe lòng mình thổn thức trước biển. Sóng biển rì rầm, tràn vào như muốn cuốn theo bước chân của lữ khách, những con người có mái tóc đã nhuốm màu thời gian, nhưng hôm nay cảm thấy mình như đang trẻ lại trước làn gió xôn xao và sự rộn ràng của sóng biển. Chốc lát một con sóng lớn chồm hẳn vào bờ mang theo vài sinh vật lấp loá ánh lân tinh dưới chân, làm những bạn gái thích thú nhặt lên xem. Trong chuyến đi này chúng tôi cảm nhận mấy cô bạn gái có sự thay đổi lạ thường. Hàng ngày quyết đoán, mạnh mẽ là thế, nhưng hôm nay trở nên dịu dàng xiết bao! Biển đêm như sâu thẳm hơn với cơn gió nhẹ từ khơi xa lùa vào, gợi lên nỗi nhớ về quá khứ xa xăm, một tuổi thơ với nhiều kỷ niệm. Hình như đã lâu lắm rồi chúng tôi mới có được một buổi tối đầy lãng mạn và hạnh phúc như thế. Có lẽ sau này trên đường đời tấp nập, những kỷ niệm rồi cũng quên đi, nhưng nếu có một ngày nào đó quay trở lại Đồng Hới thì ai cũng hướng mắt về bãi biển để tìm lại một chút thân quen nào đó của ngày xưa…
 
QUẢNG TRỊ - NƠI HẰN SÂU NHỮNG CHIẾN TÍCH THIÊNG LIÊNG




Sáng ngày thứ  ba, rời Đồng Hới, theo đường Trường Sơn sang đường Chín Nam Lào, chúng tôi có mặt ở nghĩa trang Trường Sơn để thăm viếng. Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn trải rộng trên khu đồi Bến Tắt, cạnh đường quốc lộ 15, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, là nơi tưởng niệm, tôn vinh những người con thân yêu của tổ quốc đã anh dũng hy sinh xương máu của mình trên các nẻo đường  Trường Sơn vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn là nơi quy tụ 10.333 phần mộ của các liệt sỹ; có tổng diện tích 140.000m2; trong đó, diện tích đất mộ là 23.000m2, được phân thành 10 khu vực chính. Đứng trước hàng ngàn ngôi mộ các anh, chúng tôi dâng hương mà lòng nghẹn ngào xúc động. Các anh hy sinh cho bao người được sống, cho quê mình tươi mới những mùa xuân. Đoàn gần 40 người chia nhau đi thắp hương cho từng phần mộ, nhưng cũng chỉ thắp được một phần nhỏ để tượng trưng chứ không thể nào thắp hết được vì số mộ quá nhiều. Đứng trước nghĩa trang chúng tôi mường tượng ra cách đây hơn 40 năm, nơi đây là rừng núi, với những thân cây to vài người ôm, tiếng chim hót líu lo, từng đoàn quân di chuyển dọc theo dãy Trường Sơn hừng hực khí thế với những bài hát quân hành và niềm tin chiến thắng; xa xa đâu đó tiếng bom nổ, bóng người ngã xuống, máu của các chiến sĩ thấm vào lòng đất mẹ vẫn chưa kịp nói một lời từ biệt người thân.
          Rời nghĩa trang Trường Sơn, trên đường về thành phố Đông Hà chúng tôi rẽ vào Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9. Nghĩa trang nằm trên một vùng đồi, mặt quay ra hướng quốc lộ 9, có tổng diện tích là 13 ha với quy tụ gần 9.500 mộ liệt sỹ. Đây là nơi an nghỉ của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận đường 9 và ở đất bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tại đây nghĩa trang đang được sửa chữa nên đoàn chỉ thắp hương ở nhà tưởng niệm.
          Đầu giờ chiều, chúng tôi vào tham quan thành cổ Quảng Trị. Theo tài liệu, ban đầu thành được đắp bằng đất; tới năm 1827, vua Minh Mạng cho xây lại bằng gạch. Thành có dạng hình vuông, chu vi tường thành là gần 2.000m, cao 9,4m, dưới chân dày 12m, bao quanh có hệ thống hào, bốn góc thành là 4 pháo đài cao nhô hẳn ra ngoài; thành trổ bốn cửa chính Đông Tây Nam Bắc. Tại nơi đây đã có những trận đánh lớn trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam vào các năm 1968, 1972. Tiêu biểu là mùa hè năm 1972 với 81 ngày đêm rực lửa; bắt đầu từ ngày 28-6-1972  đến ngày 16-9-1972. Cuộc chiến đấu ở đây diễn ra như một huyền thoại; cách đánh địch nhiều khi cũng vượt ra khỏi những quy ước thông thường. Cô hướng dẫn viên giọng đầy cảm xúc kể chi tiết diễn biến trận đánh với những tấm gương hy sinh anh dũng; những người mẹ, người vợ tìm về sau cuộc chiến; những bức di thư để lại vô cùng xúc động. Một vài giọt nước mắt đã lăn trên má những người nhiều tình cảm. Không khí thiêng liêng dưới tượng đài kéo dài, từng phút in sâu vào trong trí nhớ mỗi người. Kết  thúc những giây phút đầy cảm động là bốn câu thơ của Lê Bá Dương “đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ; đáy sông còn đó, bạn tôi nằm; có tuổi hai mươi thành sóng nước; vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”.
Buổi chiều, đoàn tranh thủ đi mua sắm tại chợ Đông Hà. Đây là trung tâm thương mại lớn, khách du lịch có thể mua sắm các loại hàng hoá có nguồn gốc từ Thái Lan, Trung Quốc. Đây là một trong những chợ được xếp vào nhóm lớn cả về quy mô công trình và năng lực kinh doanh hàng hoá của tỉnh Quảng Trị và khu vực. Đặc biệt, cách thức buôn bán của các tiểu thương nơi đây khác hoàn toàn với các chợ mà chúng tôi đã đến. Trong vai người mua hàng, vừa bước vào chợ thì  từ xa nhiều cô gái xinh đẹp độ tuổi 18 - 22 ở các quầy hàng bắt đầu rôm rả mời chào, nắm tay níu kéo về các quầy hàng.  Không đợi chúng tôi trả lời, họ tiếp tục giới thiệu một loạt các loại hàng hóa đang bày bán nhằm ướm tìm và khơi gợi nhu cầu của người mua. Sự việc diễn ra khá nhanh khiến chưa ai kịp phản ứng thì bất ngờ một cô gái nắm tay kéo một anh bạn vào trong quầy. Lúc này không chỉ cô gái mà cả bà chủ quầy cũng đua nhau hỏi cần mua gì, cái này không thì đưa ra cái khác theo kiểu truy vấn đến cùng; rồi giới thiệu tính năng, tác dụng, sự tiện ích... nhằm kích cầu. Để thoát khỏi nơi này một cách êm thấm, anh bạn tội nghiệp đành phải tặc lưỡi mua một thứ gì đó với giá đâu đâu. Sau khi ra khỏi chợ, chúng tôi xem lại hàng hóa đã mua được; có một mặt hàng nhưng hai người mua với giá chênh lệch gấp đôi.
Rời thành phố Đông Hà, chúng tôi quay về cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải, tại thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh. Cũng tại nơi đây, đã từng diễn ra những cuộc "chọi loa", "chọi cờ" quyết liệt trong Chiến tranh Việt Nam. Thời kỳ đó, sau Hiệp định Genève, sông Bến Hảivĩ tuyến 17, được dùng làm giới tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam làm hai vùng tập kết quân sự. Chính quyền và quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tập trung về Miền Bắc; Chính quyền và quân đội khối Liên hiệp Pháp tập trung về Miền Nam. Ngày nay, cầu Hiền Lương trở thành biểu tượng của "nỗi đau chia cắt". Qua cầu Hiền Lương, ngắm nhìn dòng sông phải mang trong mình nỗi uất hận, oằn mình chịu cảnh chia cắt quê hương mà nhớ đến hai câu thơ của Lê Bá Dương “Một khẩu súng giữ hai trời Nam Bắc; một dấu chân in màu đất hai miền”, lời bài hát “Câu hò bên bờ Hiền lương” thiết tha, bày tỏ nhớ nhung, mong đợi một ngày thống nhất đất nước của nhân dân ta trong hơn hai thập kỷ.
Buổi tối về với thành phố Đồng Hới, chúng tôi thả bộ dọc theo dòng sông Nhật Lệ. Đây là dòng sông tuyệt đẹp của vùng đất Miền Trung. Tên sông có nghĩa là "sự rực rỡ của ánh sáng mặt trời". Ban đêm đứng trên cầu Nhật Lệ ngắm dọc theo dòng sông sẽ thấy lấp lánh sáng rực suốt chiều dài hàng trăm mét, những tầng nhà san sát như chồng lên nhau nghiêng mình soi bóng xuống dòng sông lung linh huyền ảo. Chúng tôi có cảm giác dòng sông cảm nhận được đêm nay có đoàn khách lạ đến thăm nên uốn mình mềm như dãi lụa, gửi lời thì thầm trong gió: hãy yêu thương, trân trọng dải đất Miền Trung này.
                                          LTH(còn nữa)

Tác giả bài viết: Lê Thanh Hưng

Nguồn tin: tác giả gởi cho tanhlinh.vn