Ký sự của Lê Thanh Hưng: MIỀN TRUNG CỦA TÔI (kỳ 1)

Kỷ niệm Miền Trung

Kỷ niệm Miền Trung

Miền Trung của tôi là nơi ẩn chứa nhiều huyền thoại mà mình phải tìm hiểu và khám phá.
Tôi đã về với mảnh đất miền Trung - một miền Trung mà bấy lâu vẫn lặng lẽ hứng chịu nỗi đau cho đất nước; một miền Trung không được sự ưu ái của thiên nhiên nhưng vẫn luôn mỉm cười, luôn vượt lên số phận. Dải đất Miền Trung nhiều nắng gió, đất đai cằn cỗi, nhưng lại hứng chịu nhiều bão lũ nhất nước ta. Là đất địa linh nhân kiệt, nên dù vất vả mưu sinh, nơi đây vẫn hằng sinh ra những người con ưu tú của dân tộc qua các thời kỳ. Kiến tạo điạ chất miền Trung phức tạp, tạo nên những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú; là nơi ẩn chứa nhiều huyền thoại mà chúng tôi nghĩ là mình phải tìm hiểu và khám phá. Sau nhiều cố gắng của lớp trưởng Hoàng Anh Cương cùng thầy Nguyễn Đức Hải giáo viên chủ nhiệm, sáng ngày 16 tháng 3, cả lớp lên đường, bắt đầu một hành trình dài ngày để tìm hiểu về cuộc sống, con người và thiên nhiên Miền Trung.
          Chiếc xe 45 chỗ mang theo 31 học viên với 2 thầy giáo rời Hà Nội vào một sáng chủ nhật mưa phùn, đi vào đường Hồ Chí Minh. Nét mặt ai cũng rạng rỡ tươi cười, háo hức với dự cảm về một chuyến đi nhiều thú vị và thành công. Cung đường Trường Sơn núi đồi trùng điệp, rải rác vài ngôi làng hiện ra xen lẫn với cánh đồng ngô vừa vươn mình ra khỏi mặt đất; một con trâu đang oằn mình kéo cày trên thửa ruộng ven đường. Xe ngang qua những đồi hoa sim làm chúng tôi nhớ đến mối tình của nhà thơ Hữu Loan, người huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hóa, qua bài “Màu tím hoa sim”; lời bài hát “Những đồi hoa sim ôi những đồi hoa sim tím chiều hoang biền biệt…” nghe sao buồn và sâu thẳm quá, rất hợp với khung cảnh nơi này.
          VỀ THĂM QUÊ BÁC
Đến khoảng giữa chiều thì đến Nghệ An, cách thành phố Vinh 13km, chúng tôi lần tìm về làng Hoàng Trù (huyện Nam Đàn), quê ngoại của Bác. Cụm di tích Hoàng Trù nằm trong khuôn viên rộng khoảng 3500 m2, bao gồm ngôi nhà thờ chi nhánh họ Hoàng Xuân, ngôi nhà cụ Hoàng Đường (ông ngoại Bác), ngôi nhà của cụ Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan. Đây là một ngôi nhà nhỏ ba gian, lợp tranh, trên nền đất vườn của ông bà ngoại, cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất tiếng khóc chào đời và sống ở đây cho tới năm lên 5 tuổi. Gian ngoài cạnh cửa sổ có chiếc án thư với nghiên mực, hộp đựng bút lông, hai chiếc ghế vuông, phía trong là hai giá sách. Chiếc khung cửi đặt ở gian thứ ba là công cụ lao động của bà Loan dùng để dệt vải nuôi sống gia đình. Đứng trước ngôi nhà nhỏ xinh xinh, chúng tôi thấy mình vô cùng hạnh phúc vì đã thực hiện được ước mơ trong đời một lần đến thăm quên Bác.
Tạm biệt làng Hoàng Trù, đoàn về Làng Sen - quê nội của Bác. Làng Sen là nơi Bác đã sống trong thời niên thiếu. Đến Làng Sen, qua đài nước nằm giữa khoảng sân rộng, chúng tôi đến nhà tưởng niệm. Ngôi nhà là nơi trưng bày của di tích Kim Liên với các tài liệu, hiện vật về Bác. Đây là bảo tàng đầu tiên trong cả nước trưng bày tiểu sử và cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Sau khi dâng hương tưởng niệm, đoàn vào thăm ngôi nhà lá 5 gian mộc mạc do bà con làng Sen dựng lên để mừng ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc năm xưa. Cảm nhận đầu tiên khi quan sát là ngôi nhà tranh năm gian rất thấp, bước qua cửa phải cúi người, cánh cửa nhà là những tấm phên được chống lên khi mở cửa và sập xuống khi đóng cửa, đây cũng là đặc trưng vùng quê nơi này thời bấy giờ. Trong ngôi nhà đơn sơ này có hai gian đầu đặt bàn thờ bà Hoàng Thị Loan và để tiếp khách. Bàn thờ được làm bằng liếp tre nứa, trên trải chiếu nhỏ để bát hương, cây nến và bài vị bằng gỗ giản dị. Buổi chiều nơi đây thật thanh bình, không gian như lắng đọng lại, chúng tôi quên hẳn những suy nghĩ của đời thường để trở về quá khứ, bóng dáng tiền nhân phảng phất đâu đây như muốn nhắn gửi chúng tôi hãy sống sao cho xứng đáng với thế hệ cha ông đi trước. Theo chân người hướng dẫn viên, chúng tôi ra thăm giếng Cốc, ao sen. Giếng Cốc thật là ngộ, trông giống như một cái chảo, có đường kính khoảng 10m, có bậc cấp bước xuống để lấy nước. Đây là lần đẩu tiên chúng tôi thấy giếng nước như thế này nên ai cũng đứng lại quan sát, chụp ảnh. Dọc theo ao sen là những cây liễu đang mùa ra hoa, chùm liễu rũ xuống tô thêm nét cổ kính của làng quê.
           Hoàng hôn mờ phủ, thúc giục chúng tôi tranh thủ chụp thêm vài tấm ảnh rồi vội vã ra xe để về thành phố Hà Tĩnh cho kịp lịch trình. Đường vắng, thăm thẳm màu xanh cây lá, thăm thẳm hoàng hôn, khiến chúng tôi ngỡ như đi giữa núi rừng. Bóng tối nhè nhẹ lan, càng làm cho “bức tranh hoạ đồ” thêm yên bình, đẹp một cách bình dị mà khiến ai cũng phải nao lòng.
          SỨC VƯƠN HÀ TĨNH

 


          Hơn bảy giờ tối, chúng tôi nhận phòng ở khách sạn Hương Sen, thành phố Hà Tĩnh, vội vàng tắm táp chuẩn bị cho buổi giao lưu với lãnh đạo và anh em điạ phương. Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đón tiếp đoàn khá trọng thị, với một chương trình đã được chuẩn bị một cách bài bản và ấm áp. Trong các món ăn đặc sản quê hương Miền Trung hợp khẩu vị, tôi đặc biệt thích thú với món canh cua rau đay mang đậm chất chân quê của người Hà Tĩnh.
Mở đầu chương trình văn nghệ, một giọng ca Hà Tĩnh với ca khúc “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh” làm chúng tôi lặng phắt lắng nghe, rồi vỡ oà trong tiếng vỗ tay không dứt, càng gắn kết thêm mối thân tình giữa chủ và khách. Đáp lại, anh bạn Nam Bộ - Lê Thanh Hiền,  lên một câu vọng cổ mùi mẫn làm không gian như trầm lắng hơn. Tiếp sau đó, không gian như lắng lại khi nhà thơ Đặng Quốc Vinh - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy -  đọc cho nghe bài thơ “Tôi đi tìm tình yêu” của chính anh. Trong bài có những câu mang tính triết lý “…Cái na ná tình yêu thì có trăm nghìn; nhưng đích thực tình yêu chỉ có một; nên nhiều lúc lầm tưởng mình đã gặp; nửa của mình, nhưng nào phải của mình đâu…” . Thầy Trưởng đoàn Phạm Quốc Trung đáp lại bằng những câu thơ tình thật lãng mạn. Buổi liên hoan kết thúc, chúng tôi chia ra từng nhóm nhỏ khám phá thành phố Hà Tĩnh theo sở thích của mình; có người đi dạo dưới ánh đèn màu giăng ngang các con đường của thành phố, có người đi uống cà phê... Buổi tối đầu tiên của chuyến đi trôi qua trong tâm trạng phấn chấn của mọi người, trong cái thân tình của người Hà Tĩnh.
 
          Buổi sáng, đoàn làm việc với Tỉnh ủy Hà Tĩnh. Từ khách sạn đến nơi làm việc khoảng 300m, chúng tôi đi bộ dọc theo quảng trường, tranh thủ tận hưởng không khí trong lành. Thời tiết ở đây khác xa Hà Nội, không còn mưa phùn, và ánh nắng yếu ớt mang hơi ấm đến mọi người. Tại buổi làm việc, thầy Phạm Quốc Trung phát biểu mục đích yêu cầu của buổi làm việc và cùng cả lớp lắng nghe đại diện Tỉnh ủy Hà Tĩnh báo cáo tình hình kinh tế xã hội của tỉnh trong năm qua. Trong đó chú trọng công tác thu hút đầu tư Khu kinh tế Vũng Áng và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong buổi làm việc, nếu để ý sẽ dễ dàng nhận ra trong  báo cáo của đồng chí Phó Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ẩn chứa những lời hứa hẹn, trong thời gian không xa, quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du sẽ vươn lên về mọi mặt, là trọng điểm kinh tế của khu vực Bắc Miền Trung.
          Rời thành phố Hà Tĩnh, đoàn tiếp tục đi tham quan khu kinh tế Vũng Áng. Khu kinh tế Vũng Áng  nằm ở chân núi phía Bắc của dãy núi Hoành Sơn, với diện tích tự nhiên 227,81 km², thuộc điạ bàn huyện Kỳ Anh, phía Nam tỉnh Hà Tĩnh, được thành lập vào tháng 4 năm 2006 trên cơ sở khu công nghiệp - cảng biển Vũng Áng. Đây là một bộ phận của khu đô thị Vũng Áng và vùng kinh tế Bắc Quảng Bình - Nam Hà Tĩnh. Mục đích thành lập khu kinh tế Vũng Áng là khai thác lợi thế vị trí địa lý tự nhiên để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Hà Tĩnh, tạo điểm bứt phá về kinh tế – xã hội trong khu vực Bắc Trung Bộ. Các hoạt động kinh tế được ưu tiên phát triển tại khu kinh tế Vũng Áng bao gồm: dịch vụ cảng biển, công nghiệp luyện kim; các ngành công nghiệp gắn với việc khai thác cảng biển; các ngành công nghiệp khai thác nguồn nguyên liệu trong vùng cũng như nhập khẩu, đặc biệt là từ Lào và Thái Lan.
Từ đường rẽ vào khu kinh tế, xe đưa chúng tôi đi ngoằn ngoèo qua những vùng đất còn hoang sơ, đại công trình đang xây dựng ngổn ngang nhưng hứa hẹn một tương lai thật hoành tráng. Xa xa là nhà máy nhiệt điện đã đi vào hoạt động với công suất 1.200MW. Đứng trên cầu cảng hình răng lược, Hoàng Văn Hiệp và Phí Đức Hiếu nhìn từng đàn cá bơi dưới chân cầu, lắng  nghe tiếng thầm thì của biển; cả hai trao đổi về qui mô to lớn của cảng biển, kỹ thuật xây dựng và sắp xếp một cách khoa học của công trình, tiềm năng và lợi thế của khu kinh tế. Hướng xa ngoài khơi một vài cánh chim chao nghiêng trên bầu trời xanh bao la, bên dưới mặt nước biển nhấp nhô, một vài con sóng dập vào bờ nghe ì oạch.
          Tại huyện Kỳ Anh, bước vào nhà hàng chúng tôi choáng ngợp với thiết kế đồ gỗ, từ bàn ghế đến nhà cửa được dùng toàn gỗ quí, chạm trổ cầu kỳ, sờ mát lạnh. Hương thơm của các món ăn dọn ra phảng phất làm cho chúng tôi cồn cào hơn; buổi trưa không uống rượu vì tỉnh Hà Tĩnh cấm cán bộ uống rượu bia trong ngày làm việc; tuy nhiên, vì đặc sản rừng và biển rất ngon, cùng với lòng mến khách của của lãnh đạo tỉnh nên các món đưa ra gần như không còn. Chia tay không một men rượu, nghĩ cũng tiếc, nhưng chủ khách đều vui, và thêm vững tin vào tương lai không xa, Hà Tĩnh sẽ vươn lên thành một tỉnh giàu và mạnh.
                                                                                         LTH. (Còn nữa)

 

Tác giả bài viết: Lê Thanh Hưng

Nguồn tin: tác giả gởi cho tanhlinh.vn